Tuyển tập kho tàng tri thức: Đạo đức và trí tuệ của người xưa (Phần 1)



Tác giả: Lục Thiện

[ChanhKien.org]

1. Chu Bác gặp việc không loạn, làm việc có phương pháp

Chu Bác người triều Hán, ông vốn là một quan võ nên không thạo việc của quan văn. Về sau, ông nhậm chức Thứ sử Ký Châu, khi đang đi kiểm tra quan viên bên dưới thì đột nhiên có quan lại và mấy trăm người dân chặn đường khiếu nại với ông (không được quan phủ cho phép) rằng ở phủ quan có nhiều người gặp nạn. Quan Tùng sự thỉnh cầu: “Xin ngài hãy tạm ở lại huyện này gặp một số người đi khiếu kiện, xử lý sự việc xong rồi hãy đi nhậm chức”. Ông ta muốn nhân dịp này để thăm dò Chu Bác. Chu Bác trong tâm đã biết rõ, nói với tùy tùng nhanh chóng tiếp tục chuẩn bị xe ngựa.

Ông gặp những người khiếu kiện, sai quan Tùng sự nói rõ cho các quan lại và người dân rằng: “Muốn tố cáo quan Thừa úy trong huyện, quan Thứ sử không được giám sát các quan đeo đai vàng (hưởng bổng lộc 200 thạch), các người phải tự đi lên quận để tố cáo. Muốn tố cáo quan đeo đai đen (hưởng bổng lộc 2000 thạch), các người đợi Sứ giả đi tuần sát bên dưới trở về, đến tố cáo với quan Thích sứ. Người dân bị quan lại kết án oan và tố cáo những việc trộm cắp phải đến Tùng sự mỗi nơi để tố cáo. Mọi việc đều đã có quy định, cứ theo quy định mà làm!”

Chu Bác dừng xe xem xét, 400-500 người đều được giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, họ tự động vui vẻ rời đi. Binh lính kinh ngạc, không nghĩ rằng Chu Bác lại có tài ứng biến giỏi như vậy. Sau đó Chu Bác dần dần tra hỏi, quả nhiên là do một Tùng sự già đã xúi bảy dân chúng tụ tập, Chu Bác liền ra lệnh xử tử viên quan lại âm mưu quỷ kế, mưu đồ làm loạn này.

2. Chu Bác dùng trí tuệ dạy người, cứu người

Lúc Chu Bác nhậm chức Tả phùng hủ, ở huyện Trường Lăng có một cường hào tên là Thượng Phương Cấm, khi còn trẻ từng tư thông với vợ của người khác, dấu tích bị xử phạt vẫn còn ở trên mặt. Quan Công tào (chức quan) vì đã nhận tiền hối lộ của Thượng Phương Cấm, liền xin Chu Bác cho Thượng Phương Cấm giữ chức Thủ úy. Chu Bác sau khi biết chuyện liền lấy lý do khác triệu kiến Thượng Phương Cấm, nhìn khuôn mặt ông ta quả nhiên có vết sẹo, sau khi cho tùy tùng lui ra ngoài, Chu Bác hỏi ông ta: “Đây là vết thương gì?” Thượng Phương Cấm trong lòng biết rằng việc của mình không thể giấu diếm, liền dập đầu nói rõ sự việc. Chu Bác cười nói: “Đại trượng phu nhất thời phạm sai lầm, việc này cũng có xảy ra. Hiện tại, ta muốn rửa nỗi xỉ nhục này cho ông, ông có muốn dốc lòng theo ta không?”

Thượng Phương Cấm vừa vui vừa sợ, trả lời rằng: “Tôi đến chết cũng không quên báo đáp ân đức của đại nhân”. Thế là Chu Bác lệnh cho Thượng Phương Cấm: “Ông không được tiết lộ việc này cho ai, hãy ghi lại và báo cáo cho ta những sự việc xảy ra trong vùng”, sau đó coi ông ta như tai mắt thân tín. Thượng Phương Cấm hàng ngày đều vạch trần một số tên trộm và gian tế, hiệu quả rõ rệt, Chu Bác liền thăng cấp cho anh ta làm huyện lệnh.

Rất lâu sau, Chu Bác triệu kiến vị Công tào kia, vừa bước qua cổng đã chỉ trích ông ta nhận hối lộ của Thượng Phương Cấm, rồi đưa giấy bút cho ông ta, yêu cầu ông ta tự khai ra việc nhận hối lộ của mình: “Một quan tiền cũng không được giấu, chỉ cần lừa dối một câu sẽ bị chém đầu”. Vị Công tào này vô cùng lo sợ, thành khẩn viết lại hết việc nhận hối lộ, không dám giấu giếm chút nào. Chu Bác sau khi hiểu được sự việc, liền ra lệnh cho ông ta phải thay đổi bản thân, rồi tiêu hủy tại chỗ những bằng chứng ông ta vừa viết ra, xong phục chức cho ông ta. Vị Công tào này sau đó làm việc cẩn thận, không dám phạm sai lầm nữa. Chu Bác vì thế cũng thăng chức cho ông ta.

3. Vương Kính Tắc mưu trí bắt trộm

Vương Kính Tắc người Nam Tề, trong thời gian ông nhậm chức Thái thú ở Ngô Hưng, trong quận thường xảy ra rất nhiều vụ trộm cướp. Một ngày nọ, Vương Kính Tắc bắt được một tên trộm, ông cho triệu tập người nhà của hắn ta đến, đánh hắn 10 gậy ngay trước mặt họ, rồi ra lệnh cho hắn ta phải quét dọn đường phố trong thời gian dài. Rất lâu sau đó, ông lại cho phép hắn tiến cử một tên trộm khác để thay hắn quét đường, những tên trộm khác sợ bị hắn nhận ra đều chạy trốn mất, trong quận vì vậy trở nên thanh bình.

Phùng Mộng Long viết: Khiến cả người thân cũng phải nhục nhã, thì người thân cũng không tha thứ cho hành đồng trộm cắp tiếp theo của hắn.

Chỉ có trộm mới biết ai là trộm. Muốn hắn chỉ ra người thay thế hắn quét dọn đường phố thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc cho Bổ khoái (chức quan chuyên truy nã, bắt người trong nha môn thời trước) bắt trộm. Quả là tốt hơn rất nhiều!

4. Trương Liêu “lấy tĩnh chế động”

Trương Liêu nhận lệnh của Tào Tháo thống lĩnh quân lính đến đóng quân tại huyện Trường Xã. Lúc xuất phát, trong quân đội có người mưu phản, giữa đêm phóng hỏa làm loạn, khiến toàn quân đều bị rối loạn.

Trương Liêu nói với tướng lĩnh bên cạnh rằng: “Không cần rối loạn, tình hình này khẳng định là không phải toàn bộ doanh trại làm phản, nhất định là có kẻ muốn nhân cơ hội này làm loạn mà thôi!”

Ông ra lệnh cho toàn quân: “Những người không tham gia nổi loạn thì hãy ngồi xuống, không được chạy loạn!” Sau đó, Trương Liêu đích thân thống lĩnh vài chục binh lính thân cận đứng vào giữa hàng ngũ quân đội. Không lâu sau, quả nhiên bắt được kẻ chủ mưu tạo phản, mang hắn ra xử tử.

Phùng Mộng Long viết: Chu Á Phu triều Hán xuất quân thảo phạt bảy nước. Một buổi tối nọ, trong doanh trại xảy ra bạo loạn. Chu Á Phu nằm yên trên giường không dậy, không lâu sau bạo loạn tự nhiên bị dẹp.

Lúc Ngô Hán nhậm chức đại tư mã, từng có đạo tặc nửa đêm tấn công doanh trại của ông, khiến quân doanh bị kinh nhiễu. Ngô Hán vẫn ở yên trên giường không dậy. Binh sỹ trong quân doanh nghe tin Đại Tư Mã không dậy, cũng đều quay về lều của mình. Ngô Hán lúc này mới chọn ra những binh lính tinh nhuệ, nửa đêm ra tay đánh bại đạo tặc.

Đây đều là sách lược “lấy tĩnh chế động”. Tất nhiên, nếu quân đội không có kỷ luật nghiêm minh thì dù muốn quân lính không nhiễu loạn cũng không làm được.

5. Lý Phong chưa từng đánh một người

Vào triều Đường, Lý Phong trong thời gian nhậm chức Huyện lệnh huyện Diên Lăng chưa từng phạt quan lại hoặc người dân phạm tội lấy một gậy, chỉ ra lệnh cho họ đội khăn quấn đầu để họ cảm thấy nhục nhã. Tùy theo phạm tội nặng nhẹ, mà quyết định số ngày đội khăn quấn đầu, sau khi đã mãn hạn chịu phạt mới được bỏ xuống. Phàm là người đã phải đội khăn quấn đầu đều cho rằng đây là một sự sỉ nhục lớn, nên mọi người đều khuyên bảo nhau không dám tái phạm. Nộp thuế cũng hoàn thành trước so với các huyện khác. Cho đến khi từ quan, Lý Phong cũng chưa từng đánh một người nào.

6. Bùi Tấn Công có “trí tuệ”

Bùi Tấn Công triều Đường, khi nhậm chức ở tỉnh Trung Thư, một hôm, một thuộc hạ hoảng hốt đến bẩm báo với ông rằng: “Ấn tín đã bị mất rồi!” Bùi Tấn Công mặt không biến sắc, dặn dò thuộc hạ không được để lộ ra. Lúc đó ông đang tiếp đãi khách, thưởng thức ca múa biểu diễn, người ngoài không biết được việc gì xảy ra. Lúc nửa đêm khi uống rượu đã no say, thuộc hạ lại chạy đến báo cho ông biết rằng đã tìm thấy ấn tín rồi, Bùi Tấn Công cũng không đáp lại, buổi yến tiệc kết thúc vui vẻ.

Có người hỏi ông duyên cớ vì sao? Bùi Công nói: “Thuộc hạ của tôi lấy trộm ấn tín đi viết giao kèo, viết xong sẽ trả lại chỗ cũ. Nếu vội truy cứu thì có thể khiến ấn thư bị vứt xuống sông hoặc bị ném vào lửa, không thể mang trở về được nữa”.

Phùng Mộng Long viết: Đây không phải là giả bộ an nhàn, tự trấn tĩnh mình, mà kỳ thực là “trí tuệ” thông minh tuyệt đỉnh.

7. Tử Sản khiến người và quỷ thần đều hài lòng

Thời Xuân Thu, đại phu Lương Tiêu nước Trịnh vì chuyên quyền mà bị Tứ Đái và Công Tôn Đoạn cùng truy sát giết chết. Lương Tiêu sau đó biến thành Lệ Quỷ, khiến người trong nước đều vô cùng khiếp sợ. Có người nửa đêm nhìn thấy Lương Tiêu mặc áo giáp đi ra, nói rằng “Ngày Nhâm Tý, ta sẽ giết Tứ Đái (người giúp giết Lương Tiêu), ngày Nhâm Dần năm sau, ta sẽ lại giết Công Tôn Đoạn (người ủng hộ Tứ Đái)”. Tứ Đái và Công Tôn Đoạn quả nhiên chết vào ngày ấy, người dân toàn quốc càng khiếp sợ hơn.

Thế là Tử Sản lập Công Tôn Tiết làm quan. (Công Tôn Tiết là con của Tử Khổng, Tử Khổng trước đây bị Trịnh Sở giết), lại lập Lương Chỉ (con của Lương Tiêu) làm đại phu, để an ủi Lương Tiêu và Tử Khổng, Lệ Quỷ từ đó không xuất hiện nữa.

Thái Thúc hỏi Tử Sản: “Vì sao ngài lại làm như thế?”

Tử Sản nói: “Quỷ chịu oan mà chết, phải có nơi để tá túc thì mới không quấy phá. Ta lập đời sau của họ làm quan, khiến họ cảm thấy có nơi để tá túc”.

Phùng Mộng Long viết: Tử Sản không chỉ thông đạt việc của nhân gian, mà còn có thể thông đạt việc quỷ đạo (việc trong âm gian). Quỷ đạo do người gây ra. Người thực sự hết lòng vì dân thì có thể khiến người và quỷ thần đều hài lòng!

8. Lời khuyên giải thông minh

Lương Hiếu Vương phái người đi giết thừa tướng trước đó là Viên Áng. Hán Cảnh Đế lệnh cho Điền Thúc đi điều tra Lương Hiếu Vương, Điền Thúc sau khi làm rõ sự tình, đã hủy hết tài liệu, tay không trở về báo cáo Hán Cảnh Đế. Hán Cảnh Đế nói: “Lương Hiếu Vương có giết Viên Áng không?” Điền Thúc trả lời: “Có”. “Chứng cứ đâu?” Điền Thúc nói: “Thần đã đốt rồi”.

Hán Cảnh Đế tức giận, Điền Thúc thong dong nói: “Hoàng đế ở trên hà tất phải điều tra việc Lương Hiếu Vương làm gì?” “Tại sao?” Điền Thúc nói: “Hiện tại không giết Lương Hiếu Vương thì pháp luật của triều Hán sẽ không thể thực hiện được; nếu giết Lương Hiếu Vương, hoàng thái hậu sẽ ăn không ngon ngủ không yên, lúc đó bệ hạ sẽ phải lo lắng”. Vì thế, Hán Cảnh Đế cho rằng Điền Thúc rất hiền lương, nên bổ nhiệm ông làm thừa tướng nước Lỗ.

Sau khi Điền Thúc nhậm chức thừa tường nước Lỗ, có hơn 100 người dân vu khống Lỗ Vương cướp đoạt tài sản của họ. Điền Thúc bắt 20 người cầm đầu, đánh mỗi người 20 roi, còn những người khác đánh 10 roi. Ông tức giận nói: “Vua không phải là quân chủ của các người sao? Vì sao dám nói ngài không phải là vua của các người”. Lỗ Vương biết chuyện cảm thấy rất hổ thẹn, bèn lấy tiền trong phủ ra đưa cho Thừa tướng để bồi thường cho người dân. Thừa tướng trả lời: “Đại vương hãy tự tìm người để bồi thường đi, nếu không, lại là đại vương làm việc xấu còn Thừa tướng làm việc tốt đấy”.

Lỗ Vương còn thích đi săn, Điền Thúc thường hay đi theo. Lỗ Vương luôn bảo thừa tướng về quán trọ nghỉ ngơi, nhưng Thừa tướng thường hay ngồi chờ cả ngày bên ngoài vườn hoa của Lỗ Vương. Lỗ Vương nhiều lần cho người mời ông vào quán trọ nghỉ ngơi, Điền Thúc đều kiên quyết không chịu đi nghỉ, ông nói: “Đại vương đi dã ngoại bên ngoài, ta sao có thể về quán trọ nghỉ ngơi được?”

Lỗ Vương Từ đó không đi săn bắn nữa.

Phùng Mộng Long viết: Ở Lạc Dương có người thù hận lẫn nhau, những người tài đức đến can thiệp hòa giải hơn 10 lần đều không nghe theo. Có người đi tìm Quách Giai nhờ ông giúp đỡ. Thế là Quách Giai đang nửa đêm đi khuyên can gia đình người này, những người này đều miễn cưỡng nghe theo ý kiến của Quách Giai. Quách Giai nói với họ: “Tôi nghe nói những người tài đức ở Lạc Dương đã đến khuyên giải mà các vị đều không nghe theo. Hôm nay nể mặt tôi, các vị lại nghe theo lời khuyên can của tôi, nhưng tôi sao có thể can thiệp vào việc của thành khác được?” Thế là ông liền rời đi trong đêm, trước khi đi có dặn: “Đợi tôi đi rồi, các vị hãy để hiền sỹ ở Lạc Dương đến can thiệp, hòa giải một chút”. Câu chuyện này giống với chuyện Điền Thúc lấy tiền trong vương phủ trả cho dân.

Vương Tường phụng dưỡng mẹ kế rất hiếu thuận, nhưng mẹ kế lại thiên vị con trai của mình là Vương Lãm mà ngược đãi Vương Tường. Vương Lãm nhiều lần khuyên can mẹ nhưng mẹ đều không nghe, thế nên mỗi khi mẹ ngược đãi Vương Tường, Vương Lãm liền chịu cùng, hoạn nạn cùng chịu. Mẹ kế sau đó cảm động sâu sắc, từ đó yêu thương Vương Tường và Vương Lãm như nhau. Câu chuyện này cũng giống như chuyện Điền Thúc ngồi ở bên ngoài chờ đợi Lỗ Vương.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245759



Ngày đăng: 01-09-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.