Thăm Trường An, ngộ thiên cơ (Phần 6): Bên lầu trống, lầu chuông bàn chuyện cổ kim, Sân khấu Tam Tần huyền cơ thâm sâu
Tác giả: Đường Lý
[ChanhKien.org]
Trước Tết Nguyên Đán, người bạn học cũ lại mời tôi đến Tây An để cùng đón “song tiết” (hai dịp lễ gần nhau). Sau khi gặp nhau, tất nhiên không thể thiếu một cuộc bàn luận về mấy bài viết ngắn “Thăm Trường An, ngộ thiên cơ” mà tôi đã viết vào đầu năm. Hôm sau, nhân lúc thời tiết ấm áp, hai chúng tôi đến trung tâm thành phố để tham quan lầu chuông và lầu trống, biểu tượng của Tây An.
Trên lầu trống, chúng tôi chăm chú quan sát 24 mặt trống tượng trưng cho 24 tiết khí, rồi gõ lên chiếc trống tròn lớn không dễ gặp được đó. Khi bước lên lầu chuông, tôi hào hứng gõ vang chiếc chuông lớn với âm thanh vang dội. Dạo một vòng quanh lầu, phóng tầm mắt ra bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của thành phố Tây An. Nhìn bốn con phố lớn rộng rãi ngay ngắn, ngắm bức tường thành cổ vẫn còn nguyên vẹn, trong lòng tôi không khỏi thán phục sự trang nghiêm, vuông vức của thành Tây An, được xây dựng trên nền hoàng thành Trường An xưa. Giây phút ấy, tôi dường như mới thực sự hiểu vì sao chương trình đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc của Clinton năm đó lại được chọn là: “Ngắm cảnh, vào thành, thăm Tây An”.
Xuyên qua dòng người tấp nập, chúng tôi đi đến bên thảm cỏ cạnh quảng trường lầu chuông và lầu trống. Đứng trước lầu chuông, tôi cảm thán: “Một chiếc chuông lớn được đặt ngay trung tâm bốn con phố lớn, ý tưởng này thật đáng suy ngẫm!” Người bạn học cũ mỉm cười nói với tôi: “Tiếng chuông đánh thức giấc mộng Hàm Đan!” Tôi đáp: “Đúng vậy, đánh thức những ai còn mê đắm trong giấc mộng hoàng lương! Xem ra, vị trí của lầu chuông ở trung tâm thành cổ có hàm ý không tầm thường!” Anh ấy nói: “Đúng thế, tiếng chuông cảnh tỉnh này chính là để nhắc nhở mọi người không được xem nhẹ lịch sử nơi đây!” Tôi thuận miệng nói: “Đương nhiên rồi, mười ba triều đại đặt đô…” Anh ấy ngắt lời tôi: “Không chỉ có như vậy!” Tôi lập tức nhận ra rằng, với một người chuyên nghiên cứu văn hóa truyền thống như anh ấy, chắc hẳn sẽ có một góc nhìn độc đáo. Anh hỏi tôi: “Còn nhớ bài thơ ‘Đại vũ đài’ mà Sư phụ Lý Hồng Chí đã viết vào năm 2002 không?” Tôi liền thuận miệng ngâm:
Nhân thế năm nghìn năm, Trung Nguyên là đài diễn.
Tâm mê theo vở diễn, Rực rỡ bao sắc màu.
Tỉnh lại ta nhìn nhau, Dựng đài diễn vì Pháp.
Anh ấy nói: “Vùng đất Tam Tần chính là một sân khấu lớn của lịch sử. Nếu tóm lược hàng nghìn năm lịch sử, có thể nói rằng sân khấu này đã diễn dịch qua ba vở đại kịch, hay theo cách nói hiện đại, là ba chương nhạc lớn!” Tôi mỉm cười: “Vậy hãy nói về chương nhạc thứ nhất trước đi!” Anh ấy đáp: “Chương nhạc thứ nhất là văn hóa truyền thống. Trên thực tế anh đã nói rất rõ ràng trong bài viết “‘Sáu danh thắng của Trường An’ có nguồn gốc từ đâu?” Văn hóa truyền thống Trung Hoa được khai sáng bởi Hoàng đế, người được tôn xưng là ‘nhân văn sơ tổ’ cách đây 5000 năm. Hoàng đế cũng là người sáng lập tư tưởng Đạo gia. Khoảng 2000 năm trước, Lão Tử đã viết “Đạo Đức Kinh”, đưa tư tưởng Đạo gia lên đến đỉnh cao. Sau đó, tư tưởng Nho gia, Phật gia và Đạo gia hòa quyện với nhau, hình thành nên văn hóa truyền thống, trở thành linh hồn của dân tộc Trung Hoa. Ở Thiểm Tây, đài giảng kinh của Lão Tử tại Lâu Quán Đài, bảo tháp tại Chùa Pháp Môn nơi cất giữ xá lợi ngón tay Phật, Tháp Đại Nhạn trong Chùa Đại Từ Ân – nơi lưu giữ những kinh điển, cùng với bia khắc mười ba kinh Phật gia trong bảo tàng Bia Lâm, tất cả đều ghi chép và là kiến chứng cho sự phát triển của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đạo gia giảng ‘Chân’, Phật gia giảng ‘Thiện’, Nho gia giảng ‘trung thứ’ và ‘nhân nghĩa’, một mặt giúp con cháu Trung Hoa phân biệt chính tà, thiện ác và hiểu quy phạm đạo đức, ngoài ra còn đặt nền tảng văn hóa cho sự hồng truyền của Pháp Luân Đại Pháp, với nguyên lý tối cao là ‘Chân – Thiện – Nhẫn’”. Tôi nói: “Đây chính là tầng hàm nghĩa đầu tiên của sân khấu Tam Tần được dựng lên vì Pháp Luân Đại Pháp phải không?”
Anh ấy gật đầu rồi tiếp tục nói: “Chương nhạc thứ hai là cuộc chiến giữa chính và tà. Lịch sử xã hội nhân loại thực chất chính là lịch sử của chính nghĩa chiến thắng tà ác. Bất kể Trung Quốc có bao nhiêu triều đại, kỳ thực chúng đều thuộc một trong hai loại là thực thi nhân chính, hoặc áp đặt bạo chính. Trong bài viết của mình, anh đã nhắc đến triều Đại Đường đại diện cho nhân chính, và triều Đại Tần đại diện cho bạo chính đều dựng đô tại Thiểm Tây, để lại nhiều di tích cổ. Bốn bạo chúa khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc là Hạ Kiệt, Thương Trụ, Tần Thủy Hoàng và Tùy Dạng Đế. Ba trong số bốn triều đại của họ đều bị lật đổ trong những cuộc chiến lớn diễn ra ngay trên vùng đất Tam Tần này. Hơn 3000 năm trước, Chu Vũ Vương phạt Trụ, khởi binh từ Phong Kinh, nằm ở phía Tây sông Phong, thuộc Thiểm Tây. Sau khi lật đổ triều Thương, nhà Tây Chu dựng đô ở Cảo Kinh, phía Đông sông Phong; 2200 năm trước, vương triều nhà Tần, với kinh đô đặt tại Hàm Dương, Thiểm Tây, bị quân khởi nghĩa tiêu diệt. Sau đó, nhà Tây Hán lập đô ở Trường An; 1388 năm trước, triều Tùy cũng đặt đô ở Trường An, nhưng đến thời Dạng Đế bị nghĩa quân lật đổ. Nhà Đường cũng dựng đô tại Trường An.
Tôi chen vào: “Thực ra, tại Trường An còn phát sinh rất nhiều sự kiện chính tà giao chiến. Ví dụ như sự kiện cung Vị Ương thời Hán, biến cố Huyền Vũ Môn thời Đường và sự biến Tây An ngày 12 tháng 12 trong thời cận đại”. Anh ấy tiếp lời: “Thời Hán, Lữ Hậu giết Hàn Tín tại cung Vị Ương, đó là bà ấy sát hại trung lương để mưu đoạt quyền lực. Kết quả là 16 năm sau, cả nhà họ Lữ bị tiêu diệt. Về biến cố Huyền Vũ Môn thời Đường, trong bài “Du Trường An ngộ thiên cơ”, anh đã đề cập rất rõ ngay từ đầu. Kẻ chất chứa tà ác và đố kỵ Lý Nguyên Cát đã tự chuốc lấy họa sát thân. Sau này, hắn chuyển sinh thành Giang Trạch Dân ở thời hiện đại, tiếp tục mang mối hận thù không đội trời chung với Sư phụ Lý, người từng là Đường Thái Tông, tiếp tục gây tai họa cho Hoa Hạ. Còn về sự biến Tây An ngày 12 tháng 12, thực chất đó là do kẻ đứng đầu Trung Cộng không hề kháng Nhật, là Mao Trạch Đông vì muốn trả thù Tưởng Giới Thạch sau năm lần bị vây quét, đã xúi giục Trương Học Lương và Dương Hổ Thành ám sát người lãnh đạo toàn quốc kháng Nhật là Tưởng Giới Thạch, ý đồ muốn châm ngòi nội chiến. Nhưng rốt cuộc, âm mưu đó đã không đạt được”. Anh ấy dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Nhắc đến ĐCSTQ, thực sự đó là thứ tà ác nhất trong lịch sử Trung Quốc! Đúng như anh đã mô tả trong bài “Nhìn tượng đất nung thời Tần, nghĩ về bạo chính”, ĐCSTQ thực sự đã kế thừa và phát triển hai thứ tà ác nhất của triều nhà Tần là đốt sách chôn nho và chỉ hươu nói ngựa”.
Tôi bổ sung: “Kỳ thực kẻ noi theo Tần Thủy Hoàng trong việc đốt sách chôn nho không chỉ có Mao Trạch Đông (kẻ đã gây ra cái chết của 80 triệu người) mà còn có Đặng Tiểu Bình với cuộc thảm sát Lục Tứ, ra lệnh nổ súng giết hại sinh viên, và Giang Trạch Dân với hành vi đốt sách, bắt người, mổ cướp nội tạng và thực hiện chính sách ‘tiêu diệt về thể xác’ đối với Pháp Luân Công. Những tội ác này còn tàn bạo gấp trăm lần Tần Thủy Hoàng. Trận đại chiến chính tà lớn nhất trong lịch sử nhân loại chính là cuộc giao chiến trên phương diện tinh thần đang phát sinh hiện nay giữa lực lượng chính nghĩa, mà đại diện là Pháp Luân Công, với thế lực tà ác, mà đại diện là ĐCSTQ!” Anh ấy tiếp lời: “Đúng vậy! Nhưng lịch sử vô tình đã nói cho người ta một điều: chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng tà ác!” Tôi nói: “Vậy đây chính là tầng hàm nghĩa thứ hai của sân khấu Tam Tần được dựng lên vì Pháp Luân Đại Pháp phải không?” “Đúng vậy!” Anh ấy nói: “Chính vì thế, sáu chữ lớn ‘Trung Quốc cộng sản đảng vong’ trên phiến đá khổng lồ hàng trăm triệu năm tuổi ở Bình Đường, Quý Châu chỗ anh, chính là lời tuyên cáo của lịch sử rằng ĐCSTQ chắc chắn sẽ có kết cục hoàn toàn tương đồng với mọi thế lực tà ác!”
Nói đến đây, tôi chợt nghĩ: “Thiểm Tây trong lịch sử vốn là vùng đất đầy biến động, vậy lý giải câu dân gian ‘Trường An, Trường An, vĩnh viễn bình an’ như thế nào?” Tôi vừa thốt ra suy nghĩ ấy, anh ấy lập tức trả lời mà không cần suy nghĩ: “Kể từ thời Đường về sau, vùng Tam Tần không còn là kinh đô nữa. Hơn nghìn năm sau đó, nơi đây không gặp tai họa, biến động lớn. Nguyên nhân vì sao? Gần đây tôi mới đột nhiên ngộ ra rằng đó là vì khi Sư phụ Lý vào thời Đường là Đường Thái Tông, đã thiết lập tại Trường An một trường năng lượng vô cùng mạnh mẽ và thuần chính. Chính vì thế, sau này, quân Nhật không thể vượt qua Hoàng Hà, cũng không thể tiến đến Đồng Quan. Ngay cả Mao Trạch Đông tà linh phụ thể cũng chưa bao giờ đặt chân đến Tây An. Không phải là hắn không muốn, mà là hắn không dám! Tà sợ chính mà!”
Tôi bị ngộ tính của bạn học cũ làm cho cảm động, liên tục gật đầu nói phải. Một lúc sau, tôi mỉm cười giục anh: “Nhanh nói về chương nhạc thứ ba của anh đi!” Anh ấy gật đầu rồi nói: “Chương nhạc thứ ba là con đường tu luyện. Ngoài việc tu luyện trong chùa chiền, miếu am, đạo quán hay ẩn cư trong núi sâu, trong lịch sử Trung Quốc còn có hai câu chuyện tu luyện lớn”. Tôi hỏi: “Có phải là “Phong Thần Diễn Nghĩa” và “Tây Du Ký” được viết thành tiểu thuyết không?” Anh ấy đáp: “Đúng vậy! Cả hai câu chuyện này đều bắt nguồn từ Thiểm Tây. Phong Thần Diễn Nghĩa kể về chuyện Vũ Vương phạt Trụ, chiến thắng tà ác và cuối cùng phong Thần. Tây Du Ký kể về hành trình Đường Thái Tông phái Pháp sư Huyền Trang xuất phát từ Trường An sang Ấn Độ, trải qua tám mươi mốt kiếp nạn để thỉnh chân kinh và tu thành chính quả. Dù chỉ là tác phẩm văn học, nhưng truyện Vũ Vương phạt Trụ và Huyền Trang thỉnh kinh đều có thật trong lịch sử. Có điều, một số tình tiết trong tiểu thuyết đã xử lý một cách không hợp lý”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Những tình tiết nào?” Anh ấy mỉm cười: “Cuối truyện ‘Phong Thần Diễn Nghĩa’, ngay cả kẻ tà ác như Thân Công Báo cũng được phong Thần, thật không thể tin được! Còn trong Tây Du Ký, những yêu ma sau khi Tôn Ngộ Không hàng phục, nhiều con bị đánh chết, nhưng một số có người chống lưng, như đồng tử của Thái Thượng Lão Quân,… đều được chủ nhân của chúng cứu về. Dường như thế giới Thần tiên cũng có chuyện thiên vị, cũng có tham nhũng!?” Chưa nói hết câu, cả hai chúng tôi đều bật cười. Tôi nói: “Đúng là không hợp lý! Đây đều là lý của vũ trụ cũ. Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là để chính lại tất cả những điều này”. Anh ấy tiếp tục: “Nhìn chung cả hai cuốn tiểu thuyết đều rất hay, không chỉ làm nổi bật lên được chính nghĩa chiến thắng tà ác mà còn thể hiện được rằng tu luyện chính là quá trình tu tâm trong ma nạn. Điều đáng quý là cả hai đều dùng những câu chuyện sinh động để cho thế gian thấy thế nào mới là con đường tu luyện thực sự có hiệu quả. Đương nhiên, điều này cũng đặt ra một vấn đề mới cho giới tu luyện”. Tôi vội hỏi: “Vấn đề gì?” Anh ấy nói: “Anh nghĩ xem, quá khứ người ta thường có câu: ‘Tu luyện, tu luyện, không thể rời xa tự viện’. Thế nhưng, cả hai câu chuyện này đều miêu tả con đường tu luyện thành Thần, thành Phật ngay trong cõi trần ở bên ngoài tự viện và đạo quán. Đặc biệt là Đường Tăng, lúc đầu ở trong chùa ông không tu thành, mà lại tu thành chính quả ở trần thế khi rời xa tự viện. Điều này chẳng phải hoàn toàn trái ngược với con đường tu luyện tách biệt thế gian suốt hơn hai nghìn năm qua hay sao?” Tôi mỉm cười nói: “Đúng vậy! Pháp Luân Đại Pháp ngày nay chính là dùng phương thức tu luyện chân chính không thoát ly thế tục, mà đây lại chính là điều chưa từng có trong bất kỳ phương thức tu luyện nào trước đây!”
Nói đến đây, tôi đột nhiên như nhận được một khải thị. Nhìn về phía lầu chuông, rồi lại nhìn sang lầu trống, tôi hỏi người bạn cũ: “Lầu chuông và lầu trống thường trong chùa chiền mới có, đúng không?” Anh ấy đáp: “Đúng vậy! Tiếng chuông sáng, trống chiều là quy tắc của chùa chiền mà!” Tôi tiếp tục nói: “Giả sử vào lúc đêm khuya thanh vắng, tôi và anh đứng trên cao nhìn xuống thành cổ Tây An với những bức tường thành vuông vắn, và lầu chuông, lầu trống đứng sừng sững ở trung tâm, anh nói xem, Tây An lúc đó giống như nơi nào?” Anh ấy suy nghĩ một lát, rồi bỗng nhiên chấn động, giọng đầy kích động: “Một ngôi chùa! Thực chất, thành cổ Tây An chính là một ngôi đại tự viện giữa chốn thành thị náo nhiệt!” Cả hai chúng tôi lập tức hiểu ra: Đây chính là Thần đã dùng tạo hình của thành cổ Tây An và hai câu chuyện tu luyện để tiết lộ cho thế nhân thiên cơ tu luyện không thoát ly thế tục! Tôi mỉm cười nhìn anh ấy: “Tu luyện không thoát ly thế tục, đây chính là tầng hàm nghĩa thứ ba của sân khấu Tam Tần được dựng lên vì Pháp Luân Đại Pháp phải không, đúng không?” Ngay lúc đó, tôi chợt liên tưởng đến hai bài nhắc nhở mà Sư phụ Lý đã viết vào năm 2002:
Lầu chuông
Thanh vang chấn Pháp giới
Pháp âm truyền mười phương
Lầu trống
Dùi nặng đánh xuống biết tinh tấn
Trống Pháp gõ tỉnh người trong mê
Đây là thanh âm của Thần, là lòng từ bi của Thần đối với chúng sinh!
Đứng trên quảng trường, nhìn lại sân khấu Tam Tần đã diễn dịch suốt hàng nghìn năm ba vở đại kịch: “Văn hóa truyền thống”, “Chính tà đại chiến” và “Con đường tu luyện”, tôi dường như lúc này mới thực sự hiểu được hàm nghĩa chân chính của câu “Dựng đài diễn vì Pháp”. Nhìn lên lầu chuông và lầu trống, suy ngẫm về thiết kế tinh diệu của thành cổ Tây An ẩn tàng thiên cơ, tôi dường như vừa mới lĩnh ngộ được chân nghĩa của câu “Pháp âm truyền mười phương” và “Trống Pháp gõ tỉnh người trong mê”. Trên vùng đất Tam Tần có một nơi dành cho tu luyện, có một tòa thành tu luyện, ngụ ý thâm sâu, có ích cho thế gian vô cùng! Giây phút này, tôi càng cảm phục lòng từ bi vĩ đại vô hạn của Sư phụ Lý dành cho chúng sinh!
Tôi hân hoan vì bản thân đã ngộ được thiên cơ!
Có thơ làm chứng:
Đài diễn Tam Tần huyền cơ thâm,
Sớm chuông chiều trống tỉnh thế nhân.
Lầu chuông lầu trống giữa phố chợ,
Tu luyện cần đâu lánh hồng trần.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/41790
Ngày đăng: 03-05-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.