Quan niệm làm người trong “Đạo Hiếu”
Tác giả: Tiết Đồng
[ChanhKien.org]
Mấy năm gần đây, truyền thông thường đưa tin về sự việc con cái giết hại cha mẹ. Ví dụ, năm 2018 một nam học sinh lớp sáu dùng đao đâm chết mẹ tại nhà, năm 2019 một đứa trẻ 12 tuổi dùng búa giết hại cha mẹ ruột, năm 2020 vợ chồng giáo sư nọ bị con trai thế hệ 9X giết chết. Sau khi nghe được những tin tức này, nhiều người sợ hãi đến nỗi toát mồ hôi lạnh, không ngừng thở dài xót xa. Xã hội Trung Quốc từ xưa đến nay đều coi trọng đạo hiếu, làm sao lại có nhiều hiện tượng xã hội loạn như thế?
“Hiếu” trong văn hóa truyền thống
Trung Quốc là quốc gia có lịch sử văn minh lâu đời, Nho Thích Đạo đặt định cho người Trung Quốc nội hàm văn hóa trọng đức hành thiện. Thường nghe người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, cơ sở của “Bách thiện” là chữ “hiếu”, có bao nhiêu người hiểu thấu nội hàm và có thể làm được đây? Chữ “hiếu”(孝) được ghép bởi hai phần, phần trên là một nửa của chữ “lão”(老), phần dưới là chữ “tử” (子), có thể hiểu là “lão ở trên, tử ở dưới”, ý nghĩa chính là già trẻ lớn bé có tôn ti trật tự, lễ tiết.
Nhìn lại nền văn minh và lịch sử xán lạn mấy nghìn năm của Trung Hoa, những cơ sở huy hoàng đó chính là những nguyên tắc sống mà tổ tiên của người dân Hoa Hạ đã tuân theo, chẳng hạn như lòng hiếu thảo, tình bạn…. Mọi người đều biết câu chuyện “Bá Du thương mẹ”. Hàn Bá Du thời nhà Hán, người Lương Châu, thiên tính vô cùng hiếu thuận, mẹ luôn giáo dục ông rất nghiêm khắc. Mỗi khi phạm lỗi nhỏ, đều dùng gậy đánh ông, Bá Du quỳ gối chịu đòn, không có một chút oán hận. Một hôm, mẹ lại dùng gậy đánh ông, Bá Du liền khóc thật to.
Mẹ ngạc nhiên hỏi ông: “Trước đây khi ta dùng gậy đánh con, con lúc nào cũng tâm phục khẩu phục chấp nhận, không hề khóc như thế này, hôm nay ta dùng gậy đánh con, tại sao lại khóc?
Bá Du nói: “Khi trước con phạm sai lầm, bị đánh cảm thấy rất đau, con biết mẹ còn khỏe mạnh, hôm nay mẹ đánh con, một chút cũng không cảm thấy đau, điều đó có nghĩa là thể lực của mẹ đã suy yếu, nên trong tâm con thấy thật khó chịu, con không cầm được lòng nên đã khóc”.
“Hiếu” trong xã hội hiện đại
Nhưng Trung Cộng sau khi cướp chính quyền, văn hóa chính thống đã gặp phải đàn áp, nó còn xuyên tạc lịch sử, bóp méo văn hóa một cách có hệ thống, có mục đích. Dưới sự thống trị như thế, dù trong vô thức hay cố ý nhiều người dân đều hình thành nên những quan niệm thâm căn cố đế về thuyết tiến hóa, thuyết vô thần… Những loại quan niệm này đối lập, xung đột với văn minh thế giới và văn hóa Trung Quốc chính thống, tạo thành chướng ngại nghiêm trọng cho nhận thức của con người.
Có thanh niên đưa ra nghi vấn về “Hiếu”. Anh ta nói, cha mẹ chưa được anh ta đồng ý mà sinh anh ta ra, chẳng liên quan gì đến bản thân anh ta, đó là cái lý thuyết vô ân đối với cha mẹ. Còn có người nói, già rồi bảo thủ, người phương Tây không giảng hiếu vẫn sống rất tốt, thậm chí còn có người nói rằng những người rao giảng lòng hiếu thảo là có dụng ý riêng, là vì để khống chế người khác.
Còn có người cho rằng bản thân mình rất hiếu thuận, mua áo quần, thực phẩm chức năng cho cha mẹ, bảo đảm cho cha mẹ về mặt vật chất trong cuộc sống. Nhưng chúng ta liệu có đặt cha mẹ lên hàng đầu và đưa bản thân mình đặt phía dưới chưa. Chúng ta đã mang theo cái tâm cung kính mà nói chuyện và làm việc với cha mẹ chưa? Có rất nhiều lúc chúng ta không vui, tức giận, cha mẹ liền đứng mũi chịu sào trở thành nơi trút giận của bản thân.
Ngoài ra, có rất nhiều thanh niên không cảm nhận được việc phải biết cảm ân cha mẹ, bởi vì họ cảm nhận sâu sắc việc sinh sống trong xã hội không dễ, cuộc sống ít niềm vui, thậm chí sống trong vô vọng. Nếu như cha mẹ họ một đời cũng bận rộn bôn ba vì cuộc sống, giữa hai thế hệ gây áp lực lên nhau và bài xích qua lại, làm tổn thương lẫn nhau, nỗi khổ trong lòng không cách nào biểu đạt ra, càng khó cảm nhận được sự trân quý của cuộc sống. Trong xã hội giả-ác-đấu của Trung Cộng chỉ có thể dùng bạo lực để giải tỏa những bất mãn của bản thân.
Sống dưới dạng thể chế này, chúng ta có đủ loại bất lực không biết phải làm sao, nhưng nếu chúng ra hùa theo số đông, chạy theo trào lưu, thì chính là tự hủy hoại tiền đồ tương lai. Những bậc nhân đức trong lịch sử đã lưu lại cho chúng ta quan niệm làm người. Chính như câu cổ huấn “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hiếu đạo có tác dụng rất tốt đối với việc đề cao đạo đức, hàm dưỡng, hay đối nhân xử thế của mỗi người. Hiếu thuận chính là làm người có “hiếu” mới có thể “thuận”. Thực hành lòng hiếu thảo có lợi đối với gia đình, xã hội, thậm chí có lợi cho cả sự phát triển lành mạnh của quốc gia.
Dùng hiếu đạo để trị quốc: Hoàng đế Khang Hy
Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh lên ngôi năm tám tuổi, tại vị 61 năm, khai sáng thời kỳ “Khang Càn thịnh thế”, là một trong những vị hoàng đế có nhiều thành tựu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Phụ mẫu của Hoàng đế Khang Hy qua đời khi ông còn nhỏ. Ông được tổ mẫu (bà nội) là Hiếu Trang Văn hoàng hậu nuôi dưỡng thành người. Hoàng đế Khang Hy nói, lòng hiếu thảo chân chính là một trái tim thiện lương, ân cần đối đãi với cha mẹ và trưởng bối.
Những năm cuối đời Hiếu Trang thái hoàng thái hậu mắc bệnh chân lạnh của người già, tê và đau nhức khớp đầu gối. Bà muốn đến suối nước nóng để tắm và trị liệu, Hoàng đế Khang Hy cấp tốc sai người đến suối nước nóng trước rồi xây dựng cung điện ở đó. Sau khi xây xong, Hoàng đế Khang Hy đích thân đưa tổ mẫu đến đó, trên đường đi gặp khi đường nhỏ và nguy hiểm, ông đều đích thân xuống xe dắt xe ngựa của tổ mẫu. Khi qua cầu phao, Hoàng đế Khang Hy sợ rằng cầu không chắc chắn, trước tiên tự thân lên cầu thử một chút, sau đó mới đưa xe ngựa của tổ mẫu đi qua.
Mỗi khi dùng bữa nghỉ lại qua đêm, Hoàng đế Khang Hy đều tự thân hầu hạ. Hiếu Trang thái hoàng thái hậu ở trong cung bên suối nước nóng 51 ngày. Trong thời gian này, bất kể thời tiết có mưa tuyết giá rét thế nào, Khang Hy ngày ngày đều đến thỉnh an, con đường đi đi về về là hơn 60 dặm, thậm chí có lúc một ngày đi về hai lần. Quan ghi chép “Khang Hy khởi cư lục” vô cùng cảm khái nói: Hoàng thượng thiên tính trong sáng và hiếu thảo, trong các hoàng đế từ trước đến nay chỉ có duy nhất ngài ấy được như vậy.
Việc của tổ mẫu đều đặt ở trong lòng của Khang Hy, vua chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất, không hề cẩu thả. Khi Hiếu Trang thái hoàng thái hậu lâm trọng bệnh, Khang Hy tự mình nếm thử thuốc, cực nhọc ngày đêm trông nom, chỉ sợ tổ mẫu muốn dùng thứ gì đó mà không chuẩn bị kịp thời và chu toàn. Khi Khang Hy biết tổ mẫu vô cùng nhớ nhung con gái là Ba Lâm Thục Huệ công chúa, liền lập tức sắp xếp đón công chúa về kinh. Trong những năm cuối đời, Hoàng đế Khang Hy nói rằng ông đã nhìn thấy rất nhiều gia tộc có thể thịnh vượng qua nhiều thế hệ, bọn họ thông thường đều là những gia đình biết hiếu kính.
Hoàng đế Khang Hy không chỉ hiếu thuận với tổ mẫu, mà còn yêu dân như con. Trong thời gian lưu lại ở Xích Thành, có một ngôi làng cách quận lỵ hơn 20 dặm về phía Nam, đất đai ở đó không tốt, thậm chí thiếu lương thực, nghe nói hoàng đế sẽ đi qua mảnh đất này, người dân bèn quỳ ở trên đường để ngăn xe ngựa của hoàng đế, thỉnh cầu miễn trừ thuế lương thực và các loại thuế má. Hoàng đế Khang Hy sau khi nghe xong lập tức hạ chỉ miễn trừ, sau đó người dân đem tên của thôn sửa lại thành “Lan Mã Trạm” tức là “Trạm ngăn xe”.
Một người hiếu thuận, trong tâm chứa đầy tình yêu thương. Gặp phải việc không nên làm, thường sẽ không nhẫn tâm làm, vì thế người xưa mới giảng “Bách thiện hiếu vi tiên”. Nếu như một người có thể vận dụng lòng hiếu thảo để giải quyết các loại mâu thuẫn trong gia đình, vậy thì ở trong xã hội, trong công việc, anh ấy nhất định sẽ là một người lãnh đạo hoặc là một người quản lý tốt. Nhà là nền tảng cho một người bước đi ra ngoài xã hội, việc trong nhà làm thành một mớ hỗn độn, thì công việc trong xã hội của anh ta cũng rất khó có thành tích xuất sắc.
Dịch từ: zhengjian.org/node/291066
Ngày đăng: 06-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.