Hướng nội tìm, tu bỏ tâm nhìn người khác không thuận mắt



Tác giả: Tiểu Tiểu Liên – Đệ tử Đại Pháp ở Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang

[ChanhKien.org]

Tôi là giáo viên cao cấp dạy Ngữ văn ở tiểu học, đã nghỉ hưu. Năm nay tôi 72 tuổi. Năm 1997, tôi vui mừng khi đắc được Đại Pháp cao đức của vũ trụ. Trước đây tôi mắc nhiều loại bệnh: đau đầu, đau chân, đau bụng, đau gáy, bệnh phụ khoa, viêm quanh khớp vai, chứng dị ứng cơ thể kéo dài dai dẳng. Những chứng bệnh này đã hành hạ tôi đến chết đi sống lại. Sau khi tu Đại Pháp, tất cả các bệnh tật đều không cánh mà bay, bây giờ tôi vô bệnh, toàn thân nhẹ nhàng. Cảm tạ Sư phụ Lý Hồng Chí từ bi vĩ đại đã ban cho con sinh mệnh thứ hai. Khấu bái ân Sư!

1. Niềm vui đắc Pháp

Lần đầu tiên tôi nâng cuốn sách Chuyển Pháp Luân trên tay, sau khi đọc xong, tâm tình của tôi vô cùng kích động, tôi cho rằng đây là một bộ thiên thư, sách quý rất khó đắc được. Đời này tôi có thể đọc được bộ sách đó, thật là có phúc ba đời, là phúc lành của cuộc đời. Cuốn sách đó khiến tôi hiểu được ý nghĩa chân thực của đời người – phản bổn quy chân. Trước đây tôi cứ không minh bạch ra được. Còn có một số vấn đề nghi vấn khó lý giải, đều có thể tìm thấy đáp án trong sách.

Niềm vui khi đắc Pháp khiến tôi quyết tâm phải trở thành một đệ tử chân tu giống như “thượng sĩ văn Đạo”(Chuyển Pháp Luân). Mỗi ngày tôi đều cung kính đọc đi đọc lại không rời tay cuốn sách quý Chuyển Pháp Luân. Sau này Sư tôn công bố kinh văn, yêu cầu đệ tử học Pháp đọc sách cho nhiều, nghe lời của Sư tôn, mỗi ngày tôi lại càng cung kính đọc cuốn sách quý Chuyển Pháp Luân giống như đói như khát vậy.

Lúc đó tôi đi làm, thời gian eo hẹp, nhưng mỗi ngày tôi đều tận dụng thời gian để đọc. Ba ngày thông đọc một lượt Chuyển Pháp Luân. Sau này Sư tôn lại giảng Pháp về việc các đệ tử Đại Pháp ở Trường Xuân học thuộc sách và chép sách. Điều này đã nhắc nhở tôi, tôi cũng phải chép Pháp, học thuộc Pháp. Tôi nghĩ: Cuốn sách Chuyển Pháp Luân trân quý này nên được in sâu trong đầu não, khắc ghi trong tâm. Do vậy, tôi đã chép hai lượt Chuyển Pháp Luân, học thuộc ba lượt Chuyển Pháp Luân, học thuộc hai lượt Hồng Ngâm I và II. Chép Pháp, học thuộc Pháp, Pháp Luân Đại Pháp tựa như nước cam lồ, giống như dòng suối trong mát chảy vào nội tâm của tôi. Lúc đó tâm thái tôi thuần tịnh, chỉ có học Pháp, luyện công, tu tâm. Tâm tính đề cao rất nhanh, thân thể thay đổi rất lớn.

Hiện tại, tôi tu Đại Pháp đã 27 năm, trên chặng đường 27 năm tu luyện, tôi đã trải nghiệm quá nhiều quá nhiều. Sau 27 năm, tôi tự cho rằng bản thân tu cũng không tồi, lập được nền tảng tốt, ba việc cũng luôn làm. Nhưng những năm cuối cùng của Chính Pháp này, trong tư tưởng của bản thân lại xuất ra rất nhiều các chủng tâm chấp trước không tốt, đặc biệt là cái tâm nhìn người khác không thuận mắt, biểu hiện cực kỳ nổi rõ. Học Pháp cũng chưa có đột phá, bản thân rất khổ não. Sau này thông qua học thuộc Pháp, hướng nội tìm và điểm hóa của Sư tôn, tôi mới ngộ được. Dưới đây, tôi sẽ trao đổi với các đồng tu về vấn đề này, và báo cáo lên Sư phụ từ bi vĩ đại. Tầng thứ có hạn, nếu có chỗ chưa đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ chính.

2. Nhìn đồng tu không thuận mắt

Sáu năm trước, có một vị đồng tu khi đang giảng chân tướng ở khu vực nhà cao tầng nào đó thì gặp một bà lão 70 tuổi, bà nói đã từng luyện Pháp Luân Công, sau cuộc bức hại liền không luyện nữa. Vị đồng tu này nói: “Pháp Luân Công tốt như vậy, hay là bà quay lại luyện đi, bà có thể đến nhà tôi học Pháp, nhà tôi có sách”.

Mấy ngày sau bà đến. Tôi nhiều lần quan sát, bà mỗi ngày đều đến muộn, gõ cửa ầm ĩ, còn mang theo nước đóng chai, khi đọc Pháp đôi lúc còn uống ngụm nước, chân không xếp bằng lên được, cứ buông chân ra. Nếu không thì lại duỗi hai chân, đặt sách Đại Pháp vào giữa hai chân, không biết kính Sư kính Pháp. Tôi mấy lần ở bên cạnh nhắc nhở bà, bà cũng không nghe, đọc Pháp luôn đọc sai, giọng đọc cũng nhỏ. Khi đọc Pháp, mùi khó chịu tỏa ra từ khoang miệng của bà khiến người ta ngạt thở. Mỗi ngày sau khi mọi người đều đã đến nhóm nhỏ học Pháp đúng giờ, đầu tiên sẽ phát chính niệm, lúc mọi người đang tĩnh tĩnh phát chính niệm, bà gõ cửa “rầm! rầm!”, khi vào thì không lập tức ngồi xuống phát chính niệm, mà lại lắc lắc hộp đựng kính, lôi cái túi, móc giấy ra, cứ gây ra tiếng động, mọi người phát chính niệm cũng không tĩnh xuống được. Nghiêm trọng hơn là, khi bà đọc Pháp luôn không ngừng ho, hắt xì hơi, xì nước mũi vào sách, âm thanh rất lớn. Trong tâm tôi nghĩ: từ trước tới giờ tôi chưa từng gặp một người luyện Pháp Luân Công như thế này, một chút lịch sự cũng không hiểu, không chú ý tiểu tiết.

Sư phụ giảng:

“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được” (Chuyển Pháp Luân).

Sau này tôi phát hiện ra bà ấy còn bới rác, nhặt ve chai. Tôi và đồng tu nhìn thấy hai lần (nhà bà không thiếu tiền). Sáng sớm bà đến nhóm nhỏ học Pháp, bà móc bới thùng rác, móc hết rác rồi, quần áo rất bẩn, tay rất bẩn, bà cũng không rửa tay, còn nâng sách Đại Pháp để đọc nữa, làm cho các trang sách đều bị đen.

Mỗi ngày bà đều như vậy, ai cũng đều không nói gì với bà, tôi nhẫn không được bèn nói: “Bà gõ cửa nhỏ tiếng một chút, khi vào đừng gây tiếng động lớn”. Bà dường như không nghe thấy, mỗi ngày vẫn cứ như vậy. Hành động của bà khiến tâm tôi náo động không yên. Tôi nhìn bà ngày càng thấy không thuận mắt, nên dứt khoát không nhìn bà nữa, cũng không để ý đến bà nữa. Tôi nói với đồng tu phụ trách điểm học Pháp: “Chúng ta mở cuộc họp, thử nói với bà ấy chuyện này, nếu không cô nói với bà ấy lần nữa xem”. Đồng tu nói với tôi: “Bà hãy tìm ở bản thân đi”. Tôi muốn bảo đồng tu nói bà ấy, để tôi có thể hả giận. Không ngờ rằng cô ấy không nói với bà lão này, mà lại bảo tôi tìm ở bản thân. Tôi muốn tìm cái gì chứ! Tôi không có sai. Hàng ngày nhìn thấy con người khó ưa này cứ luẩn quẩn trước mặt, tôi đã không còn muốn đến nhóm nhỏ học Pháp nữa. Thật là một người đáng ghét và kinh tởm!

Một lần, tôi đến đâu đó phát chính niệm và gặp vị điều phối của vùng tôi, tôi đã kể ra chuyện khiến tôi khó chịu buồn phiền này, không ngờ rằng cô ấy cũng nói: “Bà hãy nên hướng nội tìm ở bản thân nhiều hơn”. Điều này khiến tôi rất xấu hổ. Tôi vốn dĩ muốn bảo cô ấy nói với bà lão kia, ngược lại cô ấy cũng bảo tôi hướng nội tìm ở bản thân.

3. Nhìn chồng không thuận mắt

Ở điểm học Pháp nhìn đồng tu không thuận mắt, về đến nhà nhìn chồng (không tu luyện) cũng không thuận mắt.

Nhà tôi có ba phòng ngủ, một phòng khách. Trong nhà chỉ có hai vợ chồng chúng tôi, hai đứa con đều không ở bên cạnh. Tôi ngủ một mình trong phòng ngủ. Chồng tôi không ngủ trong phòng ngủ, ông ấy xếp chồng hai cái đệm với nhau, trải chăn ngủ ở phòng khách. Ông ấy bày biện đầy đồ trên bàn tivi và bàn trà, ngày nào cũng làm phòng khách trở nên bừa bộn, chăn cũng không gấp, tôi gấp cũng không cho. Nói mà chồng không nghe, bản thân tôi mỗi ngày đều phải nhanh chóng thu dọn. Chồng tôi ăn cơm thì hay chọn món này món nọ, đến giờ ăn cơm, cơm nước bày lên bàn rồi, khi ăn nếu ông ấy không nói cơm cứng thì cũng sẽ nói thức ăn mặn. Một lần nọ, tôi nấu thức ăn liền cố ý không bỏ muối vào, ông ấy vừa ăn liền nói mặn. Thật là khó hầu hạ. Tính khí của ông ấy nóng nảy, thích mắng người, mở miệng là mắng người. Bình thường hay khạc nhổ, giấy nhổ đờm hàng ngày đều vứt đầy mặt đất, sọt rác đặt bên giường nhưng ông ấy cũng không vứt vào, mà vứt đầy đất. Khi đánh răng cũng không rửa sạch cốc đánh răng, trong ngoài đều là kem đánh răng, cứ để ở đó. Chồng tôi thường hay vứt cơm và rau thừa, tôi không nỡ bỏ đi, cơm thừa, rau thừa thì tôi sẽ ăn.

Ông ấy là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, trước kia nhà ông ấy rất nghèo, không đủ ăn, không đủ mặc. Nhưng bây giờ quả thực là người nhà quê học đòi, nghèo còn xa xỉ. Chồng tôi còn rất nghiện mua sắm, trên tivi hoặc trên mạng rao bán cái gì thì ông liền mua cái đó. Nào là máy chạy bộ, bộ dàn trống, con lăn tập bụng, bồn ngâm chân, máy ép dầu, lò nướng điện, đàn phong cầm, thực phẩm chức năng… Những thứ trong nhà có rồi ông cũng mua, ngay cả một căn phòng cũng không chứa nổi. Có cái mua về nhà cũng dùng không được, không cho ông ấy mua nhưng ông ấy cũng không nghe. Bởi vì ông ấy mua đồ lung tung nên hai chúng tôi đã cãi nhau rất nhiều. Ông ấy dùng xong đồ là tiện tay vứt đi, thói quen sống lười nhác của ông ấy khiến tôi quả thực nhìn không thuận mắt.

4. Trân quý Đại Pháp, học Pháp cho nhiều, học thuộc Pháp cho nhiều

Làm người tu luyện, cứ luôn nhìn người khác không thuận mắt, trạng thái này quả thực không phải là vấn đề nhỏ.

Tôi nhìn đồng tu không thuận mắt, nhìn chồng không thuận mắt, chính là chỉ thấy bản thân là thuận mắt. Thấy bản thân giống như một đóa hoa, còn thấy người khác đều là đồ bã đậu. Nhìn người khác không thuận mắt chính là coi thường người khác, nói sâu hơn thì chính là tâm tật đố, nhưng tôi lại không phát hiện ra điều đó. Những năm này, Pháp cũng đang học, công cũng đang luyện, ba việc cũng đang làm, nhưng chính là không biết hướng nội tìm, không biết tìm thế nào.

Sư phụ giảng:

“Có những người mà về tu luyện xem ra rất tinh tấn, cũng đang học Pháp, cũng đang luyện công, nhưng, không hướng nội tìm, không hướng nội tìm ấy, mọi người nghĩ xem, đó chẳng phải chính là người thường mà. Người thường có ai hướng nội tìm chăng? Trong người thường nào có ai hướng nội tìm?” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015).

Lời giảng của Sư phụ đang chỉ bảo tôi hướng nội tìm, lời giảng của Sư phụ khiến tôi chấn động, tôi bây giờ chẳng phải đã biến thành người thường rồi sao? Phải nghĩ cách để tu bỏ thôi!

Tôi nghĩ: nếu muốn tu bỏ những thứ không tốt của bản thân, chỉ có học Pháp cho nhiều, học thuộc Pháp cho nhiều, bởi vì Pháp Luân Đại Pháp là toàn năng. Nhóm nhỏ học Pháp của chúng tôi từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi buổi sáng học Pháp tập thể hai tiếng, học hơn một bài giảng. Thứ Bảy, Chủ nhật tôi tự học ở nhà. Mỗi lần từ nhóm nhỏ học Pháp trở về, tôi đều tìm thời gian để học lại hơn 40 trang Pháp. Thứ Bảy, Chủ nhật, buổi sáng tôi ở nhà học hơn 80 trang Pháp, bốn ngày thông đọc một lượt Chuyển Pháp Luân, mỗi ngày phải học thuộc hai lượt “Luận Ngữ”. Mỗi ngày, tôi thức dậy lúc 3:40 sáng, luyện xong bộ động công từ bài một đến bài bốn. Buổi sáng tôi luyện tĩnh công, vào thời gian này chồng tôi thức dậy liền xem tivi hoặc đi đi lại lại, có tiếng động nên tôi không thể tĩnh xuống được. Tôi bèn dùng một tiếng này để học thuộc Pháp. Đến 6:00 sáng là phát chính niệm toàn cầu. Sau đó tôi nấu bữa sáng và dọn dẹp. Nửa đêm lúc 11:40 tôi thức dậy, trước tiên tôi học thuộc một lượt Luận Ngữ, đến giờ thì phát chính niệm. Phát chính niệm xong, tôi luyện tĩnh công một tiếng. Một giờ chiều mỗi ngày tôi ra ngoài giảng chân tướng cứu người. Vào dịp Tết, tôi tặng lịch để bàn, tranh Tết và chữ Phúc.

Bình thường tôi phát cuốn sách nhỏ chân tướng, đĩa CD chân tướng, dán tấm băng rôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và treo biểu ngữ. Không có ngày nghỉ lễ. Cho dù lạnh giá hay nóng bức, gió thổi hay mưa rơi, tôi và các đồng tu vẫn kiên trì làm việc đó. Lúc 6:00 tối là phát chính niệm xong, từ 7:00 đến 8:00 tôi học thuộc Pháp một tiếng. Lúc 8:00 tôi học các bài giảng Pháp các nơi của Sư tôn. Đến 8:30 tôi lên trang web Minh Huệ. Lúc 9:30 thì đi ngủ. Tôi quy định cho bản thân mỗi ngày học thuộc Pháp hai tiếng, học Pháp hai tiếng. Bình thường tôi sử dụng thời gian làm việc nhà để nghe bài giao lưu tâm đắc thể hội của các đồng tu.

Mấy năm gần đây, tôi đã thông đọc ba lượt 45 cuốn sách của Pháp Luân Đại Pháp mà Sư tôn giảng Pháp tại các nơi. Mặc dù mỗi ngày cảm thấy thời gian eo hẹp, không đủ dùng, nhưng tôi biết rõ sự trân quý của Pháp Luân Đại Pháp, Đại Pháp là sinh mệnh của tôi, không có Sư tôn thì sẽ không có tôi, không có Đại Pháp thì sẽ không có tôi. Chỉ có Đại Pháp mới có thể gợi mở chính niệm của tôi, chỉ có Đại Pháp mới có thể quy chính tâm bất hảo của tôi, chỉ có Đại Pháp mới có thể khiến tôi lột khỏi lớp vỏ của tầng con người bất hảo này.

Sư phụ giảng:

“Tôi vừa mới bảo chư vị cần phải quý trọng Pháp, cần phải học Pháp nhiều, [chư vị] nhất định phải đọc đi đọc lại, [thì] chư vị đang đề cao lên. Tôi đã truyền nhập năng lực của tôi vào trong bộ Đại Pháp này, chư vị chỉ cần học, chư vị chính là đang cải biến, chư vị chỉ cần học, chư vị chính là đang đề cao, chỉ cần chư vị học [Pháp] tới cùng chư vị sẽ có thể đạt viên mãn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999])

Ban đầu học Pháp thì tôi cũng chỉ học trong hai tiếng đồng hồ, vẫn chưa học thuộc Pháp. Tôi yêu cầu bản thân đặt điều kiện tiên quyết là học Pháp cho nhiều, gia tăng học thuộc Pháp, học thuộc Chuyển Pháp Luân. Khi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi còn có chút trở ngại. Thời đầu nếu đắc Pháp lúc hơn 40 tuổi mà học thuộc Pháp thì còn được, bây giờ hơn 70 tuổi rồi thì học thuộc Pháp có thể ghi nhớ không? Chính Pháp đã đến bước cuối cùng rồi, thời gian gấp gáp như vậy. Hãy đọc đi, nhanh lên. Học thuộc chậm quá nhỉ? Nhưng có một sức mạnh to lớn khiến tôi học thuộc Pháp. Vậy thì hãy học thuộc cuốn sách quý Chuyển Pháp Luân đi. Tôi bắt đầu học thuộc vào 5:00 sáng mỗi ngày, tôi học thuộc từng đoạn từng đoạn một, trước khi học thuộc, đầu tiên tôi sẽ đọc riêng đoạn này một lượt, rồi lại học thuộc từng câu từng câu, một câu dài phải học thuộc đi học thuộc lại hơn 10 lần mới có thể ghi nhớ. Sau khi học thuộc hết một đoạn, tôi lại học thuộc toàn bộ đoạn này một lượt nữa, cuối cùng lại thông đọc một lượt đoạn này, rồi lại học thuộc đoạn tiếp theo. Khi gặp đoạn dài, thì tôi dựa vào sự hiểu Pháp mà học thuộc học thuộc như vậy sẽ nhanh và nhớ kỹ mà không nhầm lẫn.

Tôi thể ngộ: học thuộc Pháp khác với không học thuộc Pháp. Có đoạn đọc sót rất nhiều lần, không có cảm giác gì, nhưng khi học thuộc thì cảm thấy đoạn Pháp này của Sư tôn giảng chạm đến tâm can tôi, thậm chí toàn thân chấn động, cảm thấy học thuộc đoạn Pháp này so với lúc đọc thì ý nghĩa sao lại không giống nhau vậy? Đọc Pháp, một tiếng có thể đọc 40 trang, học thuộc Pháp một tiếng tôi chỉ có thể học thuộc hai trang. Số lượng trang đọc Pháp và học thuộc Pháp khác nhau quá lớn, nhưng hiệu quả thu được lại khác nhau. Học thuộc Pháp thì sẽ có cảm giác đặt mình vào trong Đại Pháp và dung hòa trong Pháp, học thuộc Pháp thực sự rất kỳ diệu. Tôi bắt đầu học thuộc Pháp từ ngày 5 tháng 10 năm 2017 đến ngày 3 tháng 4 năm 2018, tôi đã học thuộc xong một lượt Chuyển Pháp Luân trong gần sáu tháng. Có nhiều lợi ích khi học thuộc Pháp. Học thuộc Pháp và học Pháp rất quan trọng, tu tâm tính lại càng quan trọng hơn. Tôi mỗi ngày đều thúc giục bản thân học thuộc Pháp nhiều hơn, tìm những điểm thiếu sót của bản thân nhiều hơn. Tôi cảm thấy nội tâm đã có thay đổi rõ rệt.

5. Hướng nội tìm thì nhìn họ đều thuận mắt

Tôi đối chiếu với Pháp của Sư tôn, hướng nội tìm bản thân.

Sư tôn giảng:

“Chư vị quả thực không biết rằng đang tu cho ai ư? Chư vị quả thực không hiểu rõ rằng những việc không thuận tâm ấy là để giúp chư vị tu luyện, trừ bỏ nhân tâm của chư vị, trừ bỏ chấp trước của chư vị? Chư vị từ ngày bắt đầu tu luyện ấy, thì đường đời chẳng phải đã được cải biến thành con đường tu luyện rồi sao? Hết thảy những gì chư vị gặp phải đều không hề ngẫu nhiên phải không? Chư vị chẳng đang bước trên con đường thành Thần?” (Tinh Tấn Yếu Chỉ III – Gửi Pháp hội châu Âu [2009])

Tôi tu nhiều năm như vậy, mà không biết tu bản thân, không biết tìm ở bản thân, mắt cứ nhìn chằm chằm vào người khác. Tôi cứ tìm tật xấu của người khác, hướng ngoại nhìn và luôn nhìn người khác không thuận mắt. Khi tĩnh tâm xuống tìm ở bản thân, quả thật tôi đã tìm ra không ít những tâm không tốt. Tôi thấy lão đồng tu chân không xếp bằng được, đọc Pháp nhỏ, còn đọc sai chữ. Trong tâm tôi nghĩ: xem này, tôi có thể xếp bằng hai tiếng, tôi đọc Pháp lưu loát, không sai từ. Chứng tỏ bản thân tôi có năng lực.

Sư tôn giảng:

“Tu luyện là tu tự mình. Có người chính là cứ mãi hướng ngoại nhìn, [nói] người này thế này không phù hợp Pháp, người kia thế kia không phù hợp Pháp. Khi thấy người ta không đúng, thì nói một chút một cách Thiện ý cho họ: Việc này phải chăng nên làm thế này nhé, chúng ta là người tu luyện, tôi nghĩ là họ có thể tiếp thụ. Nhưng mà, chư vị không được cứ mãi ‘bạn làm thế này là không được’, khi thấy không được đúng thì trước hết nghĩ chính mình, là tại sao để chư vị nhìn thấy [việc không đúng đó], phải chăng bản thân chư vị có vấn đề, tu là tu chính mình” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Từ biểu hiện của đồng tu đã bộc lộ ra tâm hiển thị, tâm tật đố và tâm không tu bản thân của tôi. Nhìn đồng tu thấy không thuận mắt, tôi đã không thiện ý nói với bà ấy, mà lại còn bàn luận sau lưng bà, còn muốn tìm người điều phối và tìm đồng tu để giáo huấn bà, để hả cơn giận và bực tức của bản thân. Bộc lộ ra tâm chỉnh người khác trong văn hóa đảng của bản thân, còn có tâm bàn luận sau lưng người khác. Suy nghĩ kỹ thì lão đồng tu cũng có điểm tốt, chân bà đau nhưng mỗi ngày đều kiên trì đến học Pháp. Từ nhà bà đến điểm học Pháp, dựa vào tốc độ đi bộ của bà thì phải đi mất một tiếng, còn phải leo bốn tầng, đối với bà cũng không dễ dàng gì.

Từ biểu hiện của chồng tôi cũng tìm ra tâm chấp trước không tốt của bản thân. Tôi cứ tranh giành hơn thua với ông ấy, tự cho bản thân là đúng, làm việc cứ luôn chống lại ông ấy, làm gì cũng không bàn bạc với ông ấy, bản thân tự quyết định. Nói chuyện với ông ấy thì luôn mang vẻ mặt lầm lầm, ngữ khí nói chuyện không thiện, cảm thấy ông ấy làm gì cũng không thuận tâm của tôi, luôn muốn áp chế ông ấy, ông ấy nói một câu, tôi sẽ đối đáp lại hai câu, thậm chí nhiều hơn. Ông ấy thích mắng chửi người khác, mặc dù tôi không mắng chửi người khác, nhưng giọng điệu cũng đủ khó nghe rồi, tôi cao giọng, la hét to tiếng với ông ấy. Người thường nói rằng: đánh người không đánh vào mặt, mắng người không vạch khuyết điểm của họ. Còn tôi thì vạch trần khuyết điểm của ông ấy, kể ra những chỗ sai của ông ấy, nghiêm khắc chỉ ra cho ông ấy cái này không đúng, cái kia không đúng. Khi tức giận ông ấy liền mắng, còn gào lên nói rằng: “Người khác nói bà không tốt, bà có muốn nghe không? Bà vẫn còn tu ư, tu cái quái gì mà tu, có tu cũng tu không thành”. Nghe xong tôi cảm thấy thờ ơ và không cho là đúng.

Ở nhà, tôi và chồng xảy ra mâu thuẫn không ngừng vì những chuyện vặt vãnh. Hai chúng tôi đối đầu gay gắt, không ai nhượng bộ ai, cãi nhau đã trở thành chuyện như cơm bữa. Tôi là người tu luyện, sau khi sự việc xảy ra thì không biết tìm ở bản thân. Còn cảm thấy bản thân rất oan ức, thường nói đạo lý với chồng: “Từ ngày kết hôn với ông, tôi đã tận lực hy sinh vì cái nhà này, mỗi ngày từ sáng đến tối phải nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp, hầu hạ người già, chăm sóc trẻ nhỏ. 365 ngày không có lúc nào ngơi chân ngơi tay. Tôi cũng đi làm, ông không đi làm, còn gây chuyện, kén cá chọn canh. Tôi tu Đại Pháp, ông muốn bắt nạt tôi, không có chuyện đó đâu”. Nghĩ kỹ lại, những lời này đâu phải là lời của người tu luyện nói? Tâm tranh đấu, tâm oán hận, tâm tật đố, tâm ủy khuất, tâm bất bình v.v. đều bộc lộ ra hết sức sâu sắc.

Mặc dù chồng tôi có một số thói quen sinh hoạt không tốt, nhưng nhìn chung ông ấy vẫn còn tốt. Vì tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã bị tà ác nhiều lần bức hại, ví như bắt cóc, tịch thu tài sản, tạm giam, giáo dục lao động, kết án, phạt tiền. Ông ấy cũng đã phải chịu đựng rất nhiều. Ông ấy nhút nhát, vừa nghe thấy gió thổi cỏ lay liền sợ hãi quá, thuận theo biến hóa của hình thế, ông ấy không phản đối việc tôi học Pháp luyện công, nhưng trước đây thì ông phản đối. Đồng tu đến nhà tôi, ông cũng không đuổi nữa. Đồng thời ông còn làm tam thoái, tham gia khởi tố Giang ma đầu. Buổi tối thấy tôi học Pháp trong ánh đèn tối mờ, ông ấy liền mua cái bóng đèn sáng nhất để lắp vào phòng của tôi. Đầu đọc thẻ nhớ của tôi hỏng, ông ấy mua cho tôi cái mới, còn dạy tôi sử dụng như thế nào. Kỳ thực, khi nói chuyện nếu tôi nói nhẹ nhàng dễ nghe, hai chúng tôi sẽ không thể cãi vã được. Nghĩ kỹ lại, mỗi lần cãi nhau đều là tại tôi. Là đệ tử Đại Pháp nhưng tôi chưa làm được “Nhẫn”. Ông ấy vừa mắng, tôi nhẫn không được liền cãi nhau với ông.

Sư phụ giảng:

“Thế nào là tâm Đại Nhẫn? Đã làm người luyện công thì trước hết phải làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, phải Nhẫn. Nếu không, thì chư vị là người luyện công [loại] gì vậy?” (Chuyển Pháp Luân).

Điều mà Sư tôn giảng chính là đang nói về tôi, Pháp của Sư tôn đã thức tỉnh tôi, tôi tu luyện nhiều năm như vậy, vẫn còn là người thường, thậm chí còn không bằng người thường nữa.

Trong gia đình, tôi chưa làm được tốt. Phụ nữ phải dịu dàng, nhưng tôi chưa làm được. Đối với chồng thì phải làm được chữ “Thiện”, tôi cũng chưa làm được. Chiểu theo Pháp lý tối cao của vũ trụ: “Chân – Thiện – Nhẫn”, tôi càng chưa làm được. Do ngôn hành bất thiện của tôi, nên người chồng nóng tính cứ luôn mắng chửi, điều này khiến ông tạo nghiệp, tôi cũng tăng thêm tội nghiệp cho bản thân. Tôi hổ thẹn với Sư phụ, hổ thẹn với Đại Pháp. Trong vấn đề gia đình đã làm mất mặt Sư phụ, mất mặt Đại Pháp. Trong tâm tôi cảm thấy rất buồn vì đã làm cho Sư tôn phải lo lắng.

Thông qua học thuộc Pháp, hướng nội tìm, tôi cuối cùng cũng nhận thức ra lỗi lầm của bản thân. Sự bất hòa giữa hai chúng tôi trong gia đình, đều do tôi gây ra. Thông qua học thuộc Pháp, nội tâm tôi đã khuếch đại dung lượng, tôi có thể bao dung đối với thói quen sinh hoạt không tốt của chồng. Sau khi tâm tính đề cao lên, khi nói chuyện với ông, vẻ mặt tôi đã tươi vui, ngữ khí ôn hòa. Tôi đã thay đổi, chồng tôi cũng đã thay đổi, thói quen xấu của ông đã giảm đi một chút, số lần mắng chửi người khác cũng giảm bớt. Thông qua học thuộc Pháp, tôi có thể khoan dung với lão đồng tu, vứt bỏ cái tâm chán ghét bà, cái tâm nhìn bà không thuận mắt. Dần dần tôi phát hiện lão đồng tu cũng thay đổi, đọc Pháp không uống nước nữa, động tác nhẹ nhàng hơn. Thông qua học thuộc Pháp và hướng nội tìm khiến cảnh giới tâm tính của tôi thăng hoa, thân tâm đều cải biến, trong lòng nhẹ nhõm. Nhìn đồng tu thuận mắt rồi, nhìn chồng cũng thuận mắt rồi.

Tại đây, tôi muốn cảm ơn lão đồng tu, cảm ơn chồng đã cung cấp cho tôi một cơ hội giúp tôi đề cao tâm tính. Tôi càng muốn cảm tạ Sư tôn từ bi vĩ đại đã hao tổn tâm huyết, an bài tỉ mỉ vì sự đề cao của đệ tử. Đệ tử không thể nào diễn đạt được bằng lời, duy chỉ có tinh tấn mà thôi!

6. Lời kết

Mấy năm nay, trên con đường tu luyện, đặc biệt là trong quá trình tu bỏ tâm nhìn người khác không thuận mắt, việc tu luyện của tôi rất khổ, rất mệt mỏi và rất gian nan. Nhưng thông qua học thuộc Pháp và hướng nội tìm, thông qua điểm hóa và an bài tỉ mỉ của Sư tôn, khiến tôi tìm được và moi ra những tâm bất hảo ẩn dấu thâm sâu trong tư tưởng bản thân như tâm hiển thị, tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm không muốn tu khẩu, tâm bàn luận sau lưng người khác, tâm căm phẫn bất bình, tư tâm, tâm chỉnh người khác như trong văn hóa đảng v.v. Quá trình này cũng là quá trình quy chính, quá trình tu tâm, quá trình nhờ Đại Pháp gột rửa triệt để tận nơi sâu thẳm trong tâm hồn của tôi.

Trước đây tôi từng hồ đồ trong tu luyện, thờ ơ với việc tu, không biết hướng nội tìm, không thể hướng nội tu. Mọi người đều biết rằng, nếu muốn tu viên mãn, thì dù còn một tâm chấp trước sẽ đều không viên mãn nổi, huống chi tôi còn có nhiều tâm bất hảo như vậy? Chính Pháp đã đến bước cuối cùng, tôi sao vẫn còn không cố gắng, Sư tôn lo lắng, an bài các loại hình thức khải ngộ cho tôi hướng nội tu, hướng nội tìm. Hiện tại tôi thực sự tự mình thể nghiệm được nội hàm sâu sắc câu nói của Sư tôn:

“Tìm bên trong là một Pháp bảo”. (Giảng Pháp tại các nơi IX – Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009).

Cảm tạ ân Sư đã khổ tâm an bài, khiến cho đệ tử lại đề cao một bước lớn trong tầng thứ tu luyện. Viết tới đây, những giọt nước mắt cảm ân của đệ tử đã không ngừng tuôn rơi. Một lần nữa khấu bái ân Sư!

Người xưa có câu: “Nhân thân nan đắc, Trung thổ nan sinh, chính Pháp nan ngộ”. Tôi có được thân người, sinh ra tại Trung Quốc, lại đắc được Pháp Luân Đại Pháp vạn cổ khó gặp. Tôi đều có đủ, hơn nữa tôi còn là “Đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp”. Đồng tại cùng với Phật Chủ, đồng hành cùng Chính Pháp, lại còn gánh vác sứ mệnh thần thánh cứu độ chúng sinh! Tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Chính Pháp đã đến gần hồi cuối, Sư phụ giảng:

“Mong rằng mọi người cuối cùng càng ngày càng tốt hơn, quyết không được giải đãi, quyết không được phóng túng, nhất quyết không thờ ơ” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles năm 2006).

Do đó, ở trong thời gian vô cùng quý báu, đáng giá ngàn vàng này mà Sư tôn từ bi vĩ đại đã chịu đựng cực to lớn để kéo dài thêm, tôi phải nắm chắc để tinh tấn tu luyện như thuở ban đầu, không cô phụ hy vọng của Sư phụ, không giải đãi, không phóng túng, không thờ ơ. Học Pháp nhiều hơn, hướng nội tìm, tu tâm tính, làm tốt ba việc, chân tu, thực tu. Viên mãn theo Sư phụ trở về!

Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu! Hợp thập!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/290814



Ngày đăng: 21-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.