Phân tích và cảm nhận chữ Hán: Hảo (好)



Tác giả: Đặng Anh Sĩ

[ChanhKien.org]

Âm: 好, phát âm giống chữ 號 (pinyin: hào, đọc nặng xuống). Thanh khứ (thanh 4), âm trắc. 好 là chữ đa âm, ở đây chỉ giới thiệu các âm thanh khứ.

Hình: kết cấu trái phải, bên trái là chữ Nữ (女), bên phải là chữ Tử (子).

Ý: dùng để so sánh, phân biệt, phán đoán phẩm chất của sự việc, sự vật, con người v.v, là từ khen ngợi, trái nghĩa với xú (丑, xấu), sai (差, kém), hoại (壞, hư).

Từ hình dạng chữ mà xét, bên trái là chữ “nữ”, có thể đại biểu cho người nữ, cô gái. Chữ “tử” bên phải, thông thường có thể hiểu là người nam. Một nam một nữ kết hợp lại thành một gia đình, là điều trăm năm tốt đẹp. Nếu như chữ “nữ” bên trái tượng trưng cho phụ nữ, còn chữ “tử” bên phải có thể hiểu là một em bé, thì một người phụ nữ bế một đứa con cũng có thể xem là tốt, cũng có thể xem là một sự tốt đẹp. Nhưng mà có thể vẫn cảm thấy chưa đủ. Bởi vì từ “hảo” không phải chỉ dùng để miêu tả con người, mà còn dùng để miêu tả vật, sự kiện, vạn sự vạn vật đều có thể dùng từ “hảo” để đo lường, phân biệt. Người nào đó có tốt (hảo) không? Con chó có đẹp (hảo) không? Khu rừng có tốt (hảo) không? Chiến tranh có tốt (hảo) không? Trái đất có tốt (hảo) không? Tinh thần của cuộc họp có tốt đẹp (hảo) không? Chế độ dân chủ có tốt (hảo) không? v.v. Phạm vi sử dụng của từ hảo (好) thực sự quá rộng.

Nói chung, đặc trưng quan trọng của phụ nữ là dịu dàng, ôn hòa nhu thuận, hiền thục, xinh đẹp, hiền hậu thiện lương, tinh ý. Xinh xắn, đẹp đẽ, dung nhan kiều diễm dùng để miêu tả vẻ ngoài của phụ nữ. Tính cách hiền thục, dịu dàng miêu tả tố chất, tu dưỡng nội tâm của người phụ nữ. Thiện lương, tinh ý thể hiện năng lực giao tiếp với thế giới bên ngoài. Bất kỳ sự vật nào đều có biểu hiện bên ngoài, bên trong, không phải tồn tại một cách cô lập, đều có mối quan hệ với các sự vật khác nhau. Chữ “nữ” bên trái của chữ “hảo” (好), nếu dùng cách giải nghĩa này thì có thể nói là thích hợp hơn trong phạm vi rộng, cũng là cách giải thích dễ hiểu nhất.

Chữ “tử” có thể lý giải là người nam, cậu bé, đứa trẻ; cũng có thể hiểu là con cháu đời sau, có mối quan hệ kế thừa, kế thừa bài học của quá khứ và chỉ đạo cho những hành động trong tương lai (thừa tiền khải hậu).

Kết hợp lại, “hảo” chính là để biểu đạt vẻ ngoài xinh đẹp, nội tâm tu dưỡng tốt đẹp bên trong, dung hợp với thế giới bên ngoài; hơn nữa, còn có thể “thừa tiền khải hậu”.

Từ xưa tới nay, “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” (ý nói người con trai tốt luôn mong tìm kiếm được người con gái dịu dàng, đức hạnh, đoan trang làm vợ). Người xưa dùng từ “nữ” thông tục dễ hiểu để diễn tả sự đoan trang của con người, sự ưu tú của sự vật, sự tốt đẹp của sự việc, đồng thời khắc họa một cách hình tượng những phẩm chất ưu tú của vạn sự vạn vật.

Sự kế thừa “thừa tiền khải hậu” là yếu tố quan trọng của chữ “hảo”. Sự ưu tú của vạn sự vạn vật cần được truyền lại. Dù tốt đẹp đến mấy, nếu không được truyền lại thì cũng sẽ bị giới hạn và không thể trường tồn. Nếu không có kế thừa thì sự vật giống loài làm sao có thể tiếp tục, thế giới làm sao có thể duy trì? Chữ “hảo” có kết cấu trái phải, chữ “tử” (子) chiếm một nửa nói rõ tính quan trọng của việc kế thừa. Người xưa coi việc có thể truyền thừa được cho đời sau là tiêu chuẩn để đo lường đúng sai, e rằng nhiều người không nhận thức được điều này, đối với những người phương Tây chưa được tích lũy kiến ​​thức từ đầu thì có thể là khó giải khó tin.

Phát âm từ “hảo” thanh 3 tức có ý biến hóa, vận động. Nó nhấn mạnh thêm nữa rằng, chất lượng tốt không chỉ là có thể truyền lại, mà còn là có thể trải qua khảo nghiệm. Cho dù thời gian có lâu dài, không gian có cải biến thì phẩm chất ưu tú vẫn được bảo trì như cũ, có thể được tiếp tục truyền lại. Đây chẳng phải là điều tốt đẹp hằng mơ ước hay sao?

Chữ “hảo” biểu đạt một tiêu chuẩn đo lường rất rộng, bao gồm bốn nhân tố chính: nhân tố bên ngoài, nhân tố bên trong, mối quan hệ với thế giới bên ngoài, và tính kế thừa, truyền lại cho đời sau. Đối với một người phụ nữ thì là có vẻ ngoài diễm lệ, khéo léo, đoan chính, nội tâm tĩnh lặng, hiền thục, dịu dàng; đối đãi người khác tử tế, thiện lương, tinh ý, còn có thể sinh con, dạy con, nối dõi tông đường. Đối với sự vật thì là vẻ ngoài tốt đẹp, bên trong có bản tính, có quy luật, không dị thường, làm người ta yên tâm mà lại bền vững.

Ví dụ, làm thế nào để đánh giá được một người có tốt hay không? Nếu người này tướng mạo tốt, tâm an yên, sống hòa hợp với mọi người, lại còn có con cháu nối dõi, những người như vậy quả thực là tốt. Những người vẻ ngoài xấu xí, ăn mặc lạ lùng không thể xem là người tốt, ít nhất sẽ khiến mọi người cảm thấy kỳ quái. Làm sao có thể tốt nếu không có sự hàm dưỡng nội tâm? Sống cô độc và không hòa đồng với mọi người là không ổn đúng không? Không có con cháu thì chẳng phải là đoạn tử tuyệt tôn? Đặc biệt người Trung Quốc giảng: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (ý nói bất hiếu có ba tội, không có con nối dõi là tội lớn nhất). Xã hội nhân loại cần có con cháu nối dõi, đời đời sinh sôi, truyền lại cho đời sau. Hành vi đồng tính vi phạm luân lý, đâu còn mặt mũi mà nhìn người khác, ai mà không khinh bỉ? Có bao nhiêu người không lo sợ con mình sẽ tiếp xúc với những loại người này? Nó khiến phần lớn mọi người và toàn thể xã hội phải lo lắng. Hơn nữa nếu không có con cháu thì chắc chắn không thể nói là tốt được.

Lại nói, con người chết nhưng linh hồn bất diệt, điều gì có thể bảo đảm cho việc truyền lại những gì mình có cho đời sau? Kiếp này có quyền lực to lớn, hưởng thụ hết vinh hoa phú quý ở nhân gian, kiếp sau thì sao? Nhiều người phải trả nợ nghiệp, tội nặng sẽ phải đọa địa ngục. Liệu chư Thần Phật có thể cho họ kiếp sau tiếp tục nắm quyền cao chức trọng không? Cũng không phải là không thể, các Phật sống Tây Tạng chẳng phải có thể tiếp tục nắm quyền sao? Một gia tộc tu đức hướng thiện có thể duy trì trăm năm, thậm chí ngàn năm. Bao nhiêu người tu Đạo một đời khổ hạnh, công thành viên mãn mà nhờ đó thoát được bể khổ trở về Thiên Quốc, điều đó chẳng phải càng tốt đẹp hơn sao?

Lại lấy một ví dụ khác, hỏi một xã hội nào đó có tốt hay không? Xã hội này trông có vẻ tốt đẹp, người dân sinh sống trong đó cảm thấy an tâm, thoải mái, hạnh phúc, thân thiện với hàng xóm; hơn nữa xã hội này có thể truyền từ đời này sang đời khác, bảo trì lâu dài. Xã hội như thế này quả thật tốt. Nếu như một xã hội trông có vẻ hỗn loạn ghê gớm, người dân sống trong đó rất đau khổ, mấy năm lại rối ren một lần, kéo dài vài năm, sau vài năm lại lặp lại, thường xuyên xảy ra chiến tranh với các nước láng giềng. Có thể nói xã hội như thế là tốt đẹp không?

Vũ khí có tốt không? Khoa học kỹ thuật có tốt không? Một tư tưởng nào đó có tốt đẹp không? Một tôn giáo nào đó có tốt không? Tất cả đều có thể dùng tiêu chuẩn này để đo lường.

Trong suốt lịch sử, có ai mà không tìm cầu điều tốt đẹp? Tìm cầu người tốt, đồ vật tốt, sự việc tốt, hôn nhân tốt, gia đình tốt, cuộc sống tốt, công việc tốt, xã hội tốt. Con người đang tìm cầu, chẳng phải động vật, thực vật cũng tìm kiếm những nơi tốt hay sao? Trên trái đất tìm không thấy thì tìm ngoài vũ trụ; nhân gian tìm không thấy thì tìm trên thiên quốc. Các vị Thần Tiên trên trời cũng chẳng phải đang tìm kiếm những điều tốt đẹp sao? Nhưng mà cái gì mới là thật sự tốt? Mẹ chồng nói mẹ chồng đúng, con dâu nói con dâu đúng, tranh cãi không ngừng. Bao nhiêu năm qua rồi, bao nhiêu nhân vật nổi tiếng trong lịch sử có nhiều ý kiến khác nhau, bàn tán không ngừng, thậm chí các quốc gia đối lập với nhau tới mức dẫn đến chiến tranh.

Chúng ta hãy nhìn lại chữ “hảo” (好), chẳng phải chỉ một chữ Hán này đã nói lên được hết thảy những bí ẩn huyền diệu bên trong sao? Người sáng tạo chữ Hán phải có trí huệ to lớn đến mức nào mới có thể xuyên suốt lịch sử, xuyên việt thời gian, không gian, viên dung trời đất nhân gian mà tạo ra một chữ Hảo hoàn thiện, toàn diện và tường tận như vậy đây??

Nhân tiện nói thêm, “hảo” (好) trong tiếng Anh là “good”. Nghĩa gốc của “good” là “hàng hóa”, “vật phẩm”. Xem “hàng hóa” là tốt, vì vậy mà chủ nghĩa sùng bái vật chất ở phương Tây thịnh hành, thực hiện chủ nghĩa tư bản, cái gì cũng lấy lợi ích làm trọng. Nhưng mà “good” gần giống với “God”, “God” nghĩa là Thần. Từ “good” (tốt) trong tiếng Anh thực tế chỉ “hàng hóa” có nguồn gốc từ Thần mới là tốt thật sự. Nếu quay lưng lại với Thần thì biến thành kẻ ham muốn vật chất vô độ chỉ vì lợi ích cá nhân mà không điều gì không làm.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/278946



Ngày đăng: 05-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.