Phân tích và cảm nhận chữ Hán: Chữ “Trí huệ” (智慧)



Tác giả: Đặng Anh Sĩ

[ChanhKien.org]

Trí huệ là gì? Đây có thể là câu hỏi mà vô số người theo đuổi từ nghìn xưa tới nay. Trí huệ là gì? Trí huệ chân chính là gì? Nếu xem xét tường tận, hai chữ Trí「智」và Huệ「慧」trong Hán tự có thể cho bạn câu trả lời tốt nhất và có lẽ là câu trả lời cuối cùng.

Chữ Trí「智」có cấu trúc dạng chữ trên dưới. Chữ Tri「知」nằm trên chữ Nhật「日」. Tầng nghĩa đầu tiên là “tri nhật”, chính là biết được thái dương (Mặt trời). Mọi thứ trên thế gian đều nương nhờ vào mặt trời và tồn tại trên cơ sở của mặt trời. Động vật, thực vật và con người trên trái đất mà chúng ta biết đây đều nương nhờ vào mặt trời. Sông núi trên trái đất cũng nương nhờ vào mặt trời. Trong lịch sử có vô số cuộc chiến tranh vì tranh giành lãnh thổ, tài nguyên. Tài nguyên đến từ đâu? Không phải chúng vẫn phụ thuộc vào mặt trời sao? Mặt trời vận hành âm thầm, tạo nên phì nhiêu và cằn cỗi, tạo nên sông núi và đồng bằng, tạo nên trời đất và khoáng sản, có mùa đông lạnh giá và mùa hè nóng bức, có hạnh phúc và khổ nạn. Có sự phân chia khu vực, có sự khác biệt về tập tục, bất đồng về văn hóa, tranh chấp giữa tư tưởng và hiện thực, cũng có chiến tranh và hòa bình.

Tầng ý nghĩa thứ hai là, Tri「知」trên cơ sở của Nhật「日」, chính là hiểu, biết bất kỳ tri thức nào đều dựa vào mặt trời. Không có mặt trời thì làm sao có trái đất? Không có mặt trời thì không có sinh mệnh, cũng không có tư tưởng, cũng chính là không có cái gọi là biết và không biết.

Mặt trời mang ân huệ tới mọi ngóc ngách trên trái đất. Nếu như bạn biết được tất cả mọi thứ đều đến từ mặt trời, tất cả mọi vấn đề đều có liên quan đến mặt trời, mọi vấn đề bao gồm chính trị, xã hội, kinh tế, cuộc sống, v.v đều có thể tìm thấy lời giải đáp và phương án giải quyết từ mặt trời thì đó chính là “trí”.

Chữ Huệ「慧」có kết cấu trên, giữa và dưới. Phía trên có hai chữ Phong「豐」(nghĩa: phong phú), giữa là chữ Sơn「山」ngược chiều kim đồng hồ, dưới là chữ Tâm「心」.

Mỗi người đều có một trái tim, đều có những lo lắng, suy nghĩ và những vấn đề khó vượt qua. Con người vì sao khổ sở như vậy, chính là vì tâm họ mệt mỏi. Vô số ngọn núi đè nặng trong tâm, nếu nhà nào cũng có những khó khăn, thì xã hội đó cũng không được thái bình. Đặc biệt là thời mạt thế ngày nay, bất kể tầng lớp nào, quốc gia nào cũng đều có vô số các vấn đề. Trung Quốc có vấn đề của Trung Quốc, nước Mỹ có vấn đề của nước Mỹ, nước càng phát triển càng có nhiều vấn đề phát sinh. Đủ loại vấn đề chất chồng lên nhau, từng tầng từng tầng, kiềm hãm lẫn nhau, không ai có thể giải quyết được. Có chính phủ nào có thể giải quyết được không? Không thể. Mọi người đều biết, nếu tiếp tục thế này sẽ không có lối thoát. Tài nguyên cạn kiệt, môi trường sinh sống của con người xấu đi khiến con người không thể sinh tồn. Khó khăn chồng chất, tương lai mịt mù, con người nên làm sao đây?

Từ “huệ”「慧」 có thể cho con người một đáp án rất tốt. Núi dù lớn đến mấy, nếu đè nặng trong lòng thì phải lật đổ nó xuống, trồng trọt hoa màu ở trên thì sẽ thu hoạch được vụ mùa bội thu.

Vì sao phải lật ngọn núi「山」ngược chiều kim đồng hồ? “Thuận tắc thành nhân, nghịch tắc thành tiên” tạm dịch là thuận theo thì làm người, nghịch lại thì làm Thần tiên. Nếu chúng ta tiếp tục đi theo trào lưu thì sẽ là kết thúc và hủy diệt. Chúng ta cần phải đi ngược lại trào lưu, quay về truyền thống, đi tìm cách giải thoát.

Chỉ lật đổ ngọn núi thôi thì chưa đủ. Bên trên còn cần phải trồng thật nhiều cây quả, hoa màu, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm thì mới có thể thu hoạch bội thu. Không dụng tâm làm thì có thể thu hoạch bội thu được không? Không chỉ là thu hoạch về vật chất mà còn là thu hoạch về tinh thần, thu hoạch cả hai mới được. Điều này cần nỗ lực nhiều thế nào, cần bao nhiêu tinh lực, bao nhiêu tâm tư đây??

Rất nhiều người có thể lo lắng ngọn núi to lớn thế vào thời mạt hậu có thể lật được không? Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trước trận Đại hồng thủy, cũng không biết ngày tận thế như vậy đã từng quét sạch trái đất bao nhiêu lần. Nhưng nền văn minh lần này đã ghi lại rõ nhân loại đã từng bước đi đến ngày hôm nay như thế nào. Khi chúng ta đối mặt với lịch sử, lịch sử chính là một bộ sách giáo khoa sống động, thể hiện một cách sinh động mọi thứ từ lúc sáng thế cho đến ngày diệt vong. Thượng Thiên cần phải an bài biết bao nhiêu mới có thể làm cho chúng sinh thật sự hiểu được sự bại hoại của sinh mệnh, sự bại hoại của thế giới và thậm chí cả sự bại hoại của vũ trụ? Ngày tận thế thật sự đang ở trước mặt chúng ta. Đây là để chúng ta học tập và lý giải. Một bộ giáo trình công phu như thế, cơ hội đắc được khó tới nhường nào? Nếu như chúng ta tham ngộ được đạo lý bên trong, nắm bắt được chân lý của nó thì sau khi thiên địa canh tân, trong thời đại mới, nhất định sẽ càng thanh tỉnh, càng có thể làm theo điều thiện. Nó giống như rặng núi uy nghi, kết ra vô số trái to. Đó nhất định là trên trời và nhân gian cùng thu hoạch. Tất nhiên là thiên địa nhân cùng ăn mừng.

Nếu như nói, “trí” là tư tưởng thì “huệ” chính là hành động. Tư tưởng và hành động cùng bổ sung tương hỗ cho nhau, đó chính là trí huệ.

Không có trí huệ thì chính là khổ nạn và đường cùng. Có trí huệ thì nội tâm nhất định bình yên, tất cả đều ảo diệu như vậy, đẹp đẽ như vậy.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/278943



Ngày đăng: 02-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.