Bài viết kỷ niệm 20 năm Chánh Kiến – Thảo luận về văn minh 5000 năm Trung Hoa: Công trình thủy lợi Đô Giang Yển chí thiện chí mỹ (Kỳ 2)



Tác giả: Phất Hiểu

[ChanhKien.org]

II. Các nét chí thiện chí mỹ của công trình Đô Giang Yển

1. Cử chỉ Thiện

Giả sử chúng ta coi như “lũ lụt” là âm, coi “hạn hán” là dương, vậy thì dải đất đồng bằng phía Tây Tứ Xuyên trước đây có thể nói là “Mất cân bằng âm dương”, như thế công trình Đô Giang Yển đã khiến cho “âm dương trở nên cân bằng”; nếu coi trái đất là cơ thể con người, thì sự lưu thông của công trình Đô Giang Yển, khống chế mạch nước, cũng chính là các kinh mạch được đả thông, loại bỏ các cục máu đông, tạo phúc một phương. Thế nên sau khi công trình vừa hoàn công liền thấy được ngay công hiệu, khiến cho cả một vùng đất ấy trở nên màu mỡ phì nhiêu bạt ngàn, tràn đầy sinh cơ, trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, “thiên phủ chi quốc”, sản vật phong phú!

Những di tích cổ như miếu Nhị Vương, Phục Long quan đã trở thành nhân chứng cho những công trạng, thần tích và tấm lòng cảm kích cũng như những hoài niệm của bách tính địa phương dành cho cha con Lý Băng.

2. Dựa thế mà dẫn nước

Công trình Đô Giang Yển không hề chắn dòng Mân Giang, không chặn ngang dòng, không chặn mạch nước, không chặn đường tàu thuyền đi lại, hoàn toàn là khơi thông, lợi dụng các quy luật của thế nước mà “tùy ý sử dụng”.

3. Lo nghĩ cho bách tính, tất cả đều tiết kiệm

Công trình dùng vật liệu sẵn có, một việc làm nhắm đến nhiều mục tiêu, không những tốn ít đầu tư, chi phí thấp, mà còn không có rác thải công trình, không phá hoại hoàn cảnh sinh thái, không có tác dụng phụ, trăm điều lợi không một điều hại, thật sự cao minh, thật sự mỹ diệu!

4. Đúng như tên gọi Bảo Bình Khẩu

Thiết kế của Bảo Bình Khẩu thật khiến người ta vỗ tay tán thưởng. Vì sao không trực tiếp mở ra một cổng dẫn thẳng, mà lại làm thành hình cổ chai? Đây không phải chính là muốn lợi dụng đặc điểm thủy lực học của hình cổ chai sao (hạn chế dòng chảy để phân tán ứng lực)? Giả sử không sử dụng cửa khẩu hình cổ chai của Bảo Bình Khẩu, mà trực tiếp mở một đường kênh rộng từ đầu đến cuối, thế thì nhất định làm cho nơi cửa nước vào (từ góc độ lực học mà nhìn nhận, là một điểm) sẽ chịu nhận áp lực lớn nhất, từ các tài liệu về lực học cho thấy, tại cửa nước vào sẽ xuất hiện “ứng lực tập trung”. Vậy thì, những khối đá xung quanh sẽ phải có cường độ cao đến thế nào, mới có thể trụ vững không bị bào mòn? Hơn nữa nó có thể chịu được bao lâu? Người xưa không có cách nhìn nhận dựa trên các lý luận khoa học có vẻ chính xác như người hiện đại, thế nhưng lại có thể sáng tạo ra những hiện thực tinh diệu, vì họ trực tiếp lấy vật, tượng, ý, chính là dùng đến đặc tính của hình cổ chai! Đều là có bao hàm trí tuệ trong ấy!

Nước sông đi qua Bảo Bình Khẩu không những trong sạch, mà còn có thể dẫn nước đi khắp huyện Quan, lại men theo hướng đông mà dẫn nước cho cả vùng đồng bằng Thành Đô rộng lớn, nuôi dưỡng người dân một phương này, thật sự là miệng (khẩu) vào của chiếc bình quý (Bảo Bình)!

5. Điểm đặc sắc của “Ngư Chủy”

Cũng từ đây tôi lại lần nữa nghĩ đến phần phân dòng nước Ngư Chủy. Vì sao ở phần đầu phía trước của đê phân dòng lại có hình đầu cá mà không phải hình chữ nhân (人) hay hình bầu dục? Hình bầu dục thì tôi không rõ tác dụng thế nào, Nhưng hình chữ Nhân, tôi có thể hiểu rằng, nếu hai phần đầu đều là trên thẳng dưới thẳng, thì tại vị trí đầu tiếp xúc nó chỉ có thể phân dòng theo tỷ lệ đã định ra, mà không thể thay đổi tỷ lệ (bời vì điểm phân dòng nước là ở vị trí đầu tiếp xúc, nước cao nước thấp cũng không thay đổi được); nếu như đầu tiếp xúc là hình đường dốc xéo, theo vị trí nước cao nước thấp có thể thay đổi tỷ lệ (không thể hướng thẳng về thượng lưu, cần phải chếch ngang), nhưng có thể sẽ phải chịu tác động của ứng lực tập trung. Mà hình miệng cá thì sẽ thay đổi dần, không còn chịu tác động của ứng lực tập trung (bị tiêu biến), lại là hình dạng bằng phẳng, bên dưới rộng hơn, sẽ ổn định vững chắc hơn. Cá là động vật trong nước, thường bơi qua lại trong nước, nên hình dạng miệng và đầu cá nhất định là trạng thái thủy lực học tốt nhất, đây chính là vì sao cổ nhân chọn hình trạng cái miệng cá, đây rõ ràng là vận dụng của vật, tượng và ý vào thực tiễn. Khoa học hiện đại có ngành gọi là kỹ thuật sinh học (Bionics), theo tôi nhìn nhận chẳng qua cũng chỉ là phỏng theo phần vỏ ngoài nông cạn mà thôi.

6. Hệ thống tự gạn cát xảo diệu

Lòng sông tích bùn, cát và sỏi đá là hiện tượng tự nhiên, cũng là vấn đề lớn. Có thể tưởng tượng, nước sông cuồn cuộn đến Bảo Bình Khẩu, nhưng bị điều tiết ngăn trở, khiến bùn, cát và sỏi đá dưới tác dụng của trọng lực nhanh chóng bị trầm lắng xuống, sẽ thể tạo thành vấn đề lớn nhường nào! Vậy chẳng phải giải pháp Phi Sa Yển, nét đặc trưng chỉ tồn tại ở công trình Đô Giang Yển, thật đáng xưng là kiệt tác của Thần sao!

7. Tính chuẩn xác

Khoa học cổ đại có tính chuẩn xác hay không? Câu trả lời khẳng định là có. Công trình Đô Giang Yển từ một mặt đã khẳng định được điểm này. Những điều như tỷ lệ nước 4-6; ba người đá đánh dấu; Thạch tê được chôn bên dưới lòng sông; định kỳ nạo vét tu sửa. Ngoài ra những điều như số pi được Tổ Xung Chi tìm ra, hay cách tạo lịch thiên văn thời cổ đại, đều là những ví dụ minh chứng cho tính chuẩn xác của khoa học thời cổ đại.

8. Kế hoạch dài hạn

Tôi cho rằng, Đô Giang Yển có thể được bảo trì trong một thời gian khá dài mà không bị hư hại, đầu tiên là nhờ tính dẫn dắt, không cắt chặn ngang sông, không có góc chết, thuận ứng theo quy luật của thế nước; thứ hai là mỗi một thiết bị đều tối ưu hóa, đều là thiết kế tốt nhất. Ví như, nếu Bảo Bình Khẩu không phải Bảo Bình Khẩu, mà là một khe thoát thẳng, nói không chừng chỉ một hai năm là đã bị hư hại rồi. Thứ ba chính là tuế tu – tu sửa định kỳ hằng năm.

Cơ chế tuế tu đã bảo đảm cho Đô Giang Yển ở trạng thái như ban đầu, có thể nói là “trường sinh bất lão”, cha con Lý Băng đã nghĩ đến việc thiên thu vạn đại.

Tuế tu, cũng là một dạng “nghỉ ngơi dưỡng sức”, có chút giống với sự tu luyện của con người.

“Thâm đào than, đê tác yển”, “Ngộ loan tiệt giác, phùng chính trừu tâm”. Phương châm trước là phù hợp nguyên tắc khơi thông, lại không cần làm tường đê cao, mà bờ sông vẫn an toàn; phương châm sau là thích ứng đặc tính của dòng nước, giúp dòng chảy lưu thông được bình ổn thuận lợi, giảm đi lực xung kích đến bờ sông tại các khúc quanh. Nếu không, tại các khúc quanh co tất sẽ sinh ra dòng nước xiết và ứng lực tập trung, phá hoại sự ổn định dòng chảy, sinh loạn sinh tai khiến ở chỗ ngoặt dễ bị sụt lở đất, mà lòng sông bị gồ lên cũng không tốt, có thể tạo thêm gánh nặng cho hai bên bờ sông, v.v.

Bình phẩm kỹ càng hơn, nhận thấy rằng người trị thủy đã hiểu rất sâu về đặc tính của nước, các nguyên tắc trị thủy toàn là thuận theo đặc tính của nước mà không chặn cứng lại, tạo ra hoàn cảnh “thoải mái” cho dòng nước, lũ lụt cũng không còn. Đối chiếu với một xã hội, một quốc gia, thì việc quản lý người dân, chẳng phải là cũng cần ứng xử như thế sao? Từ tầng diện này mà xét, lý trị quốc và lý trị thủy cũng chẳng phải đều giống nhau sao?

9. Chu đáo

Để thực hiện được mục tiêu tổng thể của công trình Đô Giang Yển, cần khai mở đường thông đến hướng đông, cần phân nhưng vẫn đảm bảo có thể khống chế tỷ lệ nước, cần dẫn hướng dòng chảy và bảo vệ bờ, cần gạn lọc cát đá, cần tu sửa hằng năm, v.v. và tất cả những vấn đề liên quan đều đã được giải quyết.

Càng kỳ diệu hơn là, không biết độc giả có nhận ra hay không: Công trình Đô Giang Yển trừ hai công năng cơ bản, quan trọng là giảm lũ và tưới tiêu, nó còn giúp tránh lũ (từ nội giang của Mân giang đến) cho vùng đồng bằng rộng lớn ở Thành Đô vốn cũng phụ trách điều tiết tưới tiêu. Vì thế lũ đã bị Phi Sa Yển, đê phân dòng lũ chữ Nhân và Bảo Bình Khẩu tiêu trừ, dù cho lưu lượng dòng của nội giang đạt cao hơn 3000m3/s (mét khối một giây), thì ở Bảo Bình Khẩu lượng nước chảy vào cũng chỉ ở mức khoảng 700m3/s mà thôi.

Nói cách khác: Bất luận lũ trên thượng lưu có lớn đến đâu, chỉ cần đi qua Đô Giang Yển, cùng các khu tưới tiêu thì sẽ không còn tồn tại mối họa của lũ nữa!

Đương nhiên, có những vùng do mưa lớn và các nhân tố khác tạo thành lũ, thì cũng không phải do Đô Giang Yển.

Đó là vùng đất rộng lớn đến thế nào chứ! Thiết kế thần diệu và cơ chế thần kỳ của Đô Giang Yển đã giúp miễn tránh được họa nước! Người dân trăm họ đã được hưởng phúc từ Đô Giang Yển! Nếu như chỉ đơn giản là chia một nhánh Mân Giang dẫn vào khu phía đông, khẳng định không thể phòng lũ, cũng sẽ có bùn, cát, đá tràn vào theo. Thật sự đúng là thêu hoa lên gấm, quá mỹ diệu rồi!

10. Lực lượng vô hình

Phía trên là những phương diện mà chúng ta có thể biết, có thể vẫn còn những điều mà chúng ta không hề biết. Ngoài ra, chúng ta vẫn không thể phớt lờ sự hiện diện của các lực lượng thần bí ấy.

Mọi người đã biết, đã có rất nhiều ví dụ về việc Gia Cát Lượng khéo léo mượn thiên tượng cũng như các lực lượng thần bí vô hình để chiến thắng. Vậy thì công trình Đô Giang Yển có những thứ về phương diện này không?

Người xưa tin tưởng tuyệt đối vào Thần linh, thế nên việc xây dựng Đô Giang Yển tự nhiên cũng thể hiện điều đó, sẽ có bố trí. Lý Băng cho người tạc ba hình người lên mỏm đá bên bờ sông, đánh dấu vạch chia, khống chế mực nước, lại lệnh cho các thợ thủ công tạc Thạch tê chôn dưới lòng sông để chỉ định độ sâu nạo vét, nghe nói đã tạc 5 cái Thạch tê, phân ra đặt ở các nơi khác nhau. Truyền thuyết nói tê giác có công năng phân dòng nước, thế nên được xưng là “Thần thú trấn thủy”, người ta gọi những con tê giác đá đó là “Thạch Tê”.

Cũng như thành quách ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, thời đó lúc kiến tạo, nghe nói cũng có đặt “Thần Thú”; Các kiến trúc phòng ốc cổ mà chúng ta thấy hiện nay, thì trên các cột trụ chính của nó chẳng phải cũng có các loại “Thần vật” mà chúng ta chẳng hề biết đến đó sao? Lại còn các con sư tử đá trước cửa lớn của các gia đình hào môn, v.v.

Phủ định sự tồn tại của Thần sẽ không biết kính sợ, sẽ làm ra các việc điên rồ, phá hoại di tích cổ, sẽ không được Thần giúp đỡ.

Tôi tin là, Thần thú trấn thủy ở Đô Giang Yển, sẽ dùng lực lượng nào đó để trán áp các loại yêu tinh thủy quái, nó ở không gian khác vẫn âm thầm bảo vệ cho Đô Giang Yển.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/270801



Ngày đăng: 24-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.