Bài viết kỷ niệm 20 năm Chánh Kiến – Thảo luận về văn minh 5000 năm Trung Hoa: Công trình thủy lợi Đô Giang Yển chí thiện chí mỹ (Kỳ 1)



Tác giả: Phất Hiểu

[ChanhKien.org]

Ghi chú của ban biên tập: Cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng tu, sau khi đăng tải bài “Thông tri kêu gọi gửi bài nhân dịp 20 năm Chánh Kiến Net”, chúng tôi liên tục nhận được bài viết của các đồng tu gửi đến. Thời hạn cuối cùng nhận bài là ngày 31 tháng 12 năm 2021, do vậy chúng tôi đã lựa chọn ngày 13 tháng 5, ngày sinh của Sư phụ và cũng là ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, để bắt đầu đăng tải các bài viết. Cũng hy vọng rằng các đồng tu chưa đóng góp có thể nỗ lực viết ra những chánh kiến của mình trong tu luyện Đại Pháp, về nhân thể, sinh mệnh, vũ trụ và vạn sự vạn vật.

Đô Giang Yển nổi tiếng thế giới, là công trình thủy lợi quy mô lớn được xây dựng dưới sự chỉ đạo của hai cha con thái thú quận Thục, Lý Băng (李冰) thời Chiến quốc (cuối thời Tần Chiêu Vương), tọa lạc tại huyện Quan cách thành phố Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên 60 km về hướng Tây Bắc, là công trình trị thủy nhánh sông Mân Giang của Trường Giang, có công năng hợp nhất vừa để dẫn nước cho tưới tiêu, vừa dùng để phòng chống lũ lụt. Đô Giang Yển sau khi xây dựng thành công, đã giải quyết được rất nhiều tác hại do hạn hán và lũ lụt gây ra cho địa phương (khu đồng bằng trũng Thành Đô); từ khu Nội Giang (Đô Giang Yển đã phân chia Mân Giang thành khu Nội Giang và Ngoại Giang) thông qua hệ thống tưới tiêu Bảo Bình Khẩu dẫn nước qua hơn 10 huyện thành, với hơn 520 nhánh sông và kênh đào, phục vụ tưới tiêu cho hơn 300 vạn mẫu ruộng, khiến vùng đồng bằng trũng Thành Đô trở thành một địa khu giàu có bậc nhất, là “Thiên phủ chi quốc” bạt ngàn những cánh đồng phì nhiêu. Đến ngày nay công trình Đô Giang Yển vẫn còn phát huy công dụng của nó, tạo phúc cho bách tính trong vùng suốt hơn 2200 năm. Đô Giang Yển đã được tổ chức giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là danh sách “Di sản văn hóa thế giới”.

Công trình thuỷ lợi Đô Giang Yển có lịch sử lâu đời, vẫn hoạt động đến tận ngày nay, là một công trình “không cần đập” mà dẫn nước, thuận theo thế nước, nổi tiếng thế giới, tạo phúc một phương, là kiệt tác của các bậc tiền bối từ 2000 năm trước. Mỗi một bộ phận cấu thành nên Đô Giang Yển đều cô đọng hàm chứa trí huệ của bậc tiền nhân, như một viên minh châu rực rỡ tại vùng đất Tây Nam Trung Hoa, có thể nói là một trong những kỳ tích của nền văn hóa 5000 năm Trung Hoa.

I. Phân tích về mục đích và nguyên lý thiết kế công trình Đô Giang Yển

1. Vấn đề cần giải quyết

Dải đất Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên là đất vùng trũng, Mân Giang là một nhánh sông chính của Trường Giang, chảy qua khu đồng bằng phía Tây của Thành Đô theo hướng từ Bắc đến Nam, đến vùng huyện Giang, địa thế đột nhiên lại trở nên bằng phẳng, tạo nên phù sa bồi đắp; ngoại thành huyện Quan có ngọn núi Ngọc Lũy chặn đứng thế nước, nên vùng hạ lưu phía Tây Mân Giang thường xảy ra lũ lụt, mà khu vực phía Đông rộng lớn lại thường gặp hạn hán.

2. Nhiệm vụ cơ bản (phân lũ và tưới tiêu)

Ý tưởng của công trình Đô Giang Yển, chính là mở một cửa dẫn ở phía Nam chân núi Ngọc Lũy, khiến sông Mân Giang sẽ tách ra một nhánh nhỏ thông hướng đến phía Đông núi Ngọc Lũy (hướng đến Thành Đô), có tác dụng là: thứ nhất có thể giảm lượng nước của Mân Giang và phân lũ; thứ hai là có thể dẫn nước tưới tiêu vào vùng phía Đông của Mân Giang, nhất cử lưỡng đắc! Khu vực núi bị phân ra gọi là Ly Đôi, chỗ được khai mở cửa dẫn gọi là Bảo Bình Khẩu.

3. Phân chia dòng nước (đê phân dòng nước, Ngư Chủy phân dòng nước)

Ở thượng lưu Bảo Bình Khẩu, lợi dụng bãi cát giữa lòng sông mà thiết kế một cái đập phân dòng nước, chia dòng sông Mân Giang thành hai nhánh, phía đông gọi là Nội Giang, dòng chảy chính phía tây gọi là Ngoại Giang, (chú ý: cả công trình Đô Giang Yển chỉ phân tách con sông Mân Giang ở vị trí này, mà ngoài phần hạ lưu Đô Giang Yển, vẫn giữ nguyên dòng chảy của Mân Giang), cổng dẫn nước phần Nội Giang rộng 150m, cổng dẫn nước phần Ngoại Giang rộng 130m, cửa dẫn nước Nội, Ngoại Giang với độ rộng tỷ lệ khác nhau có thể khiến nước sông cũng được phân dòng theo tỷ lệ tương ứng.

Cấu trúc hai mặt bên của đê phân dòng nước được làm thành dạng đập kiên cố: gọi là đê nội kim cương và đê ngoại kim cương, độ dài lần lượt là 650m và 900m. Đập phân dòng nước có hình dạng như đầu cá, hướng về phía thượng nguồn Mân Giang, phía trước gọi là phân dòng Ngư Chủy. Ngư Chủy có hình bán nguyệt, bề mặt dốc. Tỷ lệ phân dòng nước: Mùa xuân lượng nước ít, cũng là lúc ruộng đồng cần nước cho tưới tiêu, lượng nước dẫn vào Nội Giang sáu phần, còn bốn phần dẫn vào Ngoại Giang; mùa hạ nước nhiều, mực nước dâng cao vượt qua Ngư Chủy, nên sáu phần nước sông được dẫn vào Ngoại Giang, bốn phần cho chảy vào Nội Giang. Ngoài ra còn dùng một vật do nhân công chế tác gọi là “mạ chu” để điều tiết (cũng có thể nói là tinh chỉnh) tỷ lệ lượng nước ở Nội, Ngoại Giang. Mạ chu do ba thanh gỗ lớn xếp thành giá ba chân dùng để giữ cố định những lồng tre dài được xếp đầy đá sỏi ở trong (gọi là trúc long), giúp cho trúc long thể ổn định ở trong lòng sông, nếu đem những mạ chu này liên kết thành một hàng ngang đặt giữa sông, bên ngoài mạ chu đặt những trúc long này, bên trong mạ chu dùng đá sỏi thậm chí có thể rải đất sét đặt chặt lên trên, thì có thể ngăn dòng nước, giảm được lượng nước của bên cần giảm. Thông thường vào tiết xuân, vật này được đặt để ngăn dòng nước ở Ngoại Giang, khi không cần dùng, chỉ cần cắt bỏ mạ chu là được.

Xem thêm về mạ chu và trúc long (nguồn internet)

4. Tự tách gạn cát đá (Phi Sa Yển)

Sự tích tụ cát đá ở lòng sông là một việc lớn cần giải quyết trong việc trị thủy ở sông, hồ, đặc biệt là địa thế đột ngột bằng phẳng của huyện Giang, khiến cát bùn càng dễ bị lắng đọng.

Cách nội đê kim cương về đầu phía Nam hơn 700m (tức đoạn dưới, phần đuôi của đê phân dòng) mở ra một cửa động, khoảng 240m, thiết kế một đập chắn cuốn nước ngắn, gọi là Phi Sa Yển, cách hạ lưu Bảo Bình Khẩu khoảng 120m. Ở bên bờ bên kia của Phi Sa Yển, có một mỏm đá đầu hổ nhô lên ở vùng Nội Giang, dưới tác dụng lực cản cũng như điều hướng của mỏm đá đầu hổ đối với dòng nước và cát đá, đã đẩy dòng sông chảy hướng về phía Ngoại Giang, thậm chí sinh ra các dòng nước xoáy, nước sông cuồn cuộn liền cuốn cát đá vượt qua Phi Sa Yển vào Ngoại Giang, khi thế nước lớn thì đến những khối đá lớn trên đê cũng có thể bị cuốn đi, khéo léo tạo ra và tận dụng động lượng của dòng nước xoáy (lực ly tâm)!

Vì để khống chế chính xác lượng nước ở Nội Giang, ở mỏm đá bên bờ sông đã khắc thêm ba hình người đá, trên ba hình người đá đó có khắc các ký hiệu cũng như nói rõ phương pháp khống chế lượng nước.

5. Hạn chế dòng chảy và đường thông (Bảo Bình Khẩu)

Bảo Bình Khẩu, nghe tên biết ý, chính là khá chật hẹp, kết cấu hình cổ chai, để hạn chế lưu lượng nước. Nó được xây dựng ở đầu cuối của Nội Giang, vị trí mà lượng nước dẫn vào Nội Giang đã giảm đi rất nhiều. Sau quá trình tách gạn cát, nước sông chảy ra sau khi bị hạn chế dòng đã rất hiền hòa đi thông qua Bảo Bình Khẩu dẫn đến khu tưới tiêu cho cả khu đông rộng lớn.

Bảo Bình Khẩu rộng ở hai đầu, thu hẹp ở giữa, trên rộng dưới hẹp, cửa vào rộng 70m, cửa ra rộng 40-50m, trên dưới phần cổ lọ thu hẹp rộng khoảng 20m, cao 19m, phần eo hẹp dài 36m.

6. Phòng hộ và tràn lũ (Đê chữ Nhân)

Có thể thấy, theo thiết kế vào mùa lũ sẽ có bốn phần lượng nước được điều tiết vào Nội Giang, nhưng khi thế lũ quá lớn, dù đã có Bảo Bình Khẩu hạn chế dòng chảy, nhưng nước lũ vẫn sẽ làm mực nước dâng cao, vậy nên mới cần đến Phi Sa Yển để gạn bớt cát đá và lượng nước, cũng như đê chữ Nhân (đập xả lý) phụ trợ xả lũ. Vị trí của đê chữ Nhân ở đầu Nam của Phi Sa Yển (hạ lưu), phía Tây Ly Đôi. Theo hiểu biết của tôi, tác dụng của đê chữ Nhân là: một là tác dụng phòng hộ, ngăn phòng nước trong Nội Giang chảy vào Ngoại Giang, ở đoạn từ Phi Sa Yển đến tận Bảo Bình Khẩu có thế năng nước, áp lực nước, lưu lượng nước rất lớn, Bảo Bình Khẩu lại cách cửa dưới Phi Sa Yển 120m, đồng thời do Bảo Bình Khẩu cản dòng nước, nên ở đoạn này hình thành một vùng nước xoáy (Phúc Long Đàm); hai là có lần xả lũ thứ hai (không để nước lại chảy ngược về Phi Sa Yển), xả lượng nước dư thừa men theo đê chữ Nhân vào Ngoại Giang (dòng chính của Mân Giang); ba là tránh ứ đọng, khiến bùn cát được gạn bỏ, tránh việc bùn cát làm ứ tắc, khiến nước sông chảy từ Bảo Bình Khẩu hướng về phía Đông huyện Quan không còn nhiều bùn cát, dòng nước rất trong sạch. Đê chữ Nhân phụ trợ cho Phi Sa Yển, cả hai đều không thể thiếu. Nếu nói đến tác dụng phòng hộ của đê chữ Nhân, thì hoàn toàn không phải là cấu trúc tường đê chắn cao theo cách “Nghiêm phòng tử thủ”.

7. Dẫn lưu (Đê bách trượng)

Trên tổng thể vẫn thuận theo hướng chảy của dòng sông, nên việc xây đê đập ở giữa sông hoặc hai bên dòng nước có thể khống chế và dẫn dòng nước và bảo vệ bờ sông. Ở bờ Đông thượng lưu của Ngư Chủy phân dòng xây dựng một đê bách trượng (đê cao trăm thước), tổng chiều dài gần 2000m, khiến nước lũ và bùn cát bị ép chảy qua Ngoại Giang, và bảo vệ bờ sông.

8. Tu sửa dọn dẹp bãi bồi (Tuế tu – tu sửa hằng năm)

Để công trình thủy lợi Đô Giang Yển đã tồn tại hơn 2000 năm mà vẫn có thể phát huy tác dụng, thì không thể thiếu “chế độ tu sửa hằng năm”. Cho dù việc gạn bỏ cát, gạn đá, gạn dòng rất có hiệu quả, nhưng qua năm tháng lâu dài cũng khó tránh việc bị tích tụ, làm lòng sông bị bồi đắp cao. Cân nhắc việc trị thủy an toàn, ổn định lâu dài, cha con Lý Băng lại định ra chế độ tu sửa nạo vét bãi bồi hằng năm, gọi là “tuế tu”. Tuế tu là vào mỗi mùa đông xuân nước cạn, vào những ngày nông nhàn, tiến hành dọn sạch lòng sông, tu sửa toàn đê. Từ lúc bắt đầu có sương giá, ở vị trí của phân dòng Ngư Chủy cho ngăn nước Ngoại Giang, để tu sửa Ngoại Giang; đến khoảng trước sau Lập Xuân, lại mở cửa dẫn Ngoại Giang, đóng kín cửa Nội Giang, để tu sửa Nội Giang; sau tiết thanh minh hoàn công.

Nguyên tắc của công việc tuế tu là “Thâm đào than, đê tác yển” (tức là nạo vét cát đá sỏi tích tụ ở lòng sông, làm thấp đi những cát đá sỏi gạn lọc ở Phi Sa Yển). Khi nạo vét thấp lòng sông, dòng nước tự nhiên sẽ khơi thông, không bị tràn vào hai bên bờ, phòng được việc dâng cao hằng năm. Vậy nạo vét lòng sông thấp đến tiêu chuẩn nào? Dưới chân núi bờ bên kia của Phi Sa Yển chôn một khối đá được chạm thành hình con tê giác (thần thú trấn nước), gọi là Thạch Tê (thời Minh được đổi tên thành Ngọa Thiết), bắt buộc phải nạo vét lòng sông đến khi nhìn thấy Thạch Tê thì mới tính là đạt tiêu chuẩn độ sâu.

Tương truyền vào lúc xây dựng Đô Giang Yển, cha con Lý Băng đã trị phục được một con nghiệt long làm mưa làm gió. Ở trên Ly Đôi có một tòa kiến trúc cổ, gọi là Phục Long Quan. Trên ngọn núi nằm phía Đông của phân dòng Ngư Chủy, còn có một ngôi chùa tên Nhị Vương miếu, trên tường có khắc Tam tự kinh của công tác trị thủy “Thâm đào than, đê tác yển”. Còn có tám chữ châm ngôn “Ngộ Loan Tiệt Giác, Phùng Chính Trừu Tâm”, tức là nói, nếu gặp nơi bờ sông uốn khúc, cần trừ bỏ các góc nhọn; tu chỉnh lại lòng sông, ở giữa lòng sông cần bằng phẳng thuận lợi, không được lồi lõm gồ ghề, không được có chướng ngại.

9. Thi công (dùng vật liệu có sẵn ở địa phương)

Công trình thủy lợi cực kỳ lớn Đô Giang Yển này lại dùng những vật liệu vô cùng đơn giản, toàn bộ là vật liệu sẵn có ở địa phương. Đê thì dùng những khối đá cuội lớn dưới lòng sông để xây, đến đoạn nào thì lấy đá ở đó mà xây thành đê, vừa có thể dọn sạch lòng sông, lại không cần vận chuyển xa. Dùng nan trúc dày đan biện thành lồng trúc (trúc long), bên trong xếp đá cuội theo từng lớp để làm đê dự phòng. Nan trúc ngâm trong nước không dễ bị mục nát, trúc ở vùng này chỗ nào cũng có. Theo như cách nói hiện nay, chi phí xây dựng cực thấp, nguyên liệu dùng ít, sản lượng nhiều. Một việc làm nhắm nhiều mục tiêu!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/270801



Ngày đăng: 22-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.