Khúc cổ cầm: Thế giới Ta Bà – Thuyền cực lạc



Tác giả: Paul Chen – Đệ tử Đại Pháp tại Melbourne, Australia

[ChanhKien.org]

Bản nhạc: spsj-jlz-pu.pdf 2.45 MB

“Thế Giới Ta Bà – Thuyền Cực Lạc” là một trong những khúc nhạc của “Thế giới Ta Bà”, miêu tả cảnh chèo thuyền du ngoạn trên sông, thuận dòng mà đi xa. Trên đường đi có lúc nước chảy chầm chậm, mây trôi qua mặt, có khi sóng to gió lớn, khúc sông quanh co uốn lượn. Dưới bóng cây mờ ảo, trong cảnh non nước hữu tình, lại thấy ở trên những chiếc thuyền chở khách ven bờ ca vũ yến ẩm cùng tiếng nói đùa không ngớt. Nhưng dù phong cảnh có đẹp đến đâu, hay thế nước hung hiểm nhường nào, luôn mang theo tâm là một vị khách trọ nơi cõi tục trần gian, thuận thế mà hành, thuận theo tự nhiên mà đến, mà đi, bảo trì một tâm cảnh thanh tịnh bất động như vậy, cho đến khi đạt tới “diệu cảnh” không thể nói bằng lời.

Mượn chủ đề “Thế Giới Ta Bà – Thuyền Cực Lạc” để thử thảo luận và nghiên cứu xem con người nên lý giải như nào về phương thức sinh tồn và ý nghĩa sinh tồn của bản thân. Trong Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore 1998, Sư phụ giảng: “Thế giới Ta Bà chính là Tam Giới”. Tất cả sinh mệnh ở trong cảnh giới này đều ở trong luân hồi. Ở trong một hoàn cảnh như vậy, sinh mệnh luôn vì danh lợi mà mệt nhọc, lại vì tình mà mê, đồng thời còn bị ràng buộc trong ân oán giữa người với người, không được giải thoát, giống như thân thể bị hãm trong dòng nước cuồn cuộn, lúc nổi lúc chìm, luôn không thể giải thoát.

Nếu như có thể buông bỏ tất cả những gì chấp trước, tâm không lo nghĩ, sẽ giống như chèo thuyền du ngoạn trên dòng nước lớn, không còn chìm nổi theo những chấp trước đó nữa. Nếu có thể giữ một nội tâm trầm tĩnh, tu luyện bản thân trong dòng nước chìm nổi ấy mà đi thể ngộ tất cả những điều bản thân đã trải qua, thì luân hồi cuối cùng cũng sẽ đi đến bờ bỉ ngạn.

Lấy thân làm thuyền, không mê hoặc trong thế gian, trong hành trình của sinh mệnh buông hết bụi trần vương vấn trong lòng, “giải thoát” cuối cùng mới là ý nghĩa của Cực Lạc.

“Thế giới Ta Bà – Thuyền Cực Lạc” là một khúc cổ cầm, toàn khúc được chia thành ba đoạn. Đoạn thứ nhất sử dụng điệu hoàng chung chủy (cung F – Fa trưởng). Đoạn thứ hai sử dụng điệu hoàng chung thương (Cung B giáng – Si giáng trưởng). Đoạn thứ ba lại bắt đầu bằng điệu hoàng chung chủy, tiếp theo đó chuyển sang điệu hoàng chung cung (cung C – Đô trưởng).

Đoạn thứ nhất, trong làn sóng nhẹ bên bờ và dưới bóng cây la sa, có con thuyền lẻ loi rời bờ, mặt nước lăn tăn gợn sóng, tiến nhập vào non nước hữu tình. Vô số phong cảnh dọc đường, lúc động lúc tĩnh, tầm mắt dần dần mở rộng. Nhưng sau đó chuyển sang cảnh tượng hùng vĩ hơn.

Đoạn thứ hai miêu tả hai bên bờ và con thuyền chở khách. Người trên thuyền ca vũ yến lạc trong sóng to gió lớn. Làm kẻ bàng quan (đứng ngoài quan sát) trong hồng trần tục thế lúc này có một cảm thụ khác — Sinh mệnh trầm mê ở trong thế gian phồn hoa, lại không biết luôn có nguy cơ rình rập, giống như con thuyền kia có thể bị lật nhào phía sau bất kể lúc nào. Chỉ có sớm cập bến vào bờ, kết thúc loại hung hiểm này, mới là “Cực Lạc” chân chính. Cho nên khi kết thúc đoạn thứ hai con thuyền chở khách tuy rằng vẫn thuận theo dòng, dần dần đi ra xa, nhưng biểu hiện đã có chút mệt nhọc. Mà thuyền nhẹ không chấp vào thế gian, đã tiến vào một cảnh giới khác. Mà cảnh giới hoàn toàn mới này, đã được thể hiện đầy đủ ở đoạn thứ ba.

Trong đoạn thứ ba, dù là thuyền đi, hay là thế nước, tất cả đều gắng hiển hiện ra sự tĩnh lặng, huyền diệu. Khi bản nhạc kết thúc, âm cao nhất của toàn khúc từ xa vang vọng lại, nhưng không có bất kỳ hồi âm nào. Mặc dù xa xôi không thể biết được, nhưng hi vọng loại ý tưởng này có thể khiến người nghe cảm thụ được, đó là bờ bên kia của con thuyền trôi trên dòng nước nhẹ.

Chú thích: Định âm và điệu luật của “Thế giới Ta Bà – Thuyền cực lạc” có thể xem bài tham khảo có tựa đề “Hòa âm và phối khí khúc cổ cầm ‘Thế giới Ta Bà – Thuyền cực lạc’” đã đăng trên Chánh Kiến Net.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/273912



Ngày đăng: 13-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.