Hòa âm và phối khí khúc cổ cầm “Thế giới Ta Bà – Thuyền cực lạc”



Tác giả: Đệ tử Pháp Luân Đại Pháp Paul Chen ở Melbourne, Úc

[ChanhKien.org]

Khúc cổ cầm: Thế giới Ta Bà – Thuyền cực lạc (m4a)

 

 

Bản nhạc “Thế giới Ta Bà – Thuyền cực lạc” từ giai điệu đến hòa âm đều dựa trên luật ngũ âm tương sinh. Bởi vì đây là một bản nhạc cổ cầm thuần túy, nó có thể được diễn tấu một cách tự do. Về mặt này, bản nhạc đã mạnh dạn thử nghiệm được điều đó.

1. Xác định Hoàng Chung

Đầu tiên là xác định ra Hoàng Chung. Người xưa dùng ống sậy để đo âm thanh (tần số rung động của âm thanh) trong môi trường tự nhiên vào ngày Đông chí (khi mặt trời vừa nhô lên), lấy đó làm âm chuẩn trong âm luật, gọi là Hoàng Chung (chuông vàng). Vì trái đất giống như cái chuông, người ta nghe được những âm thanh rung động mà nó phát ra, và do màu của đất lại là màu vàng (hoàng), đây có thể chính là nguồn gốc của tên gọi “Hoàng Chung”.

Theo cách suy luận này, hiện nay người ta đo được tần số rung động của Trái đất (cộng hưởng Schumann) trung bình là 7,83Hz, thử lấy giá trị này nhân lên 32 lần thì tần số thu được là 250,56Hz, đây được gọi là Hoàng Chung. Lấy Hoàng Chung làm nốt C4 (tên nốt nhạc hiện đại), thông qua luật ngũ độ tương sinh (Pythagore) thu được A4 = 422,82Hz, tần số này có lẽ khá phù hợp với tần số rung động tự nhiên, có thể có lợi cho cơ thể con người. (Cộng hưởng Schumann không phải là một giá trị cố định, mà vẫn đang liên tục thay đổi).

Trên thực tế, bởi vì “Thế Giới Ta Bà” là một tổ khúc [1], nó còn liên quan đến việc phối khí của các nhạc cụ hơi như sáo và tiêu. Các nhạc cụ hơi hiện đại đều lấy tần số A4 = 440Hz làm tiêu chuẩn để định âm, ngay cả khi dùng hơi để lấy chuẩn cao độ thì biên độ của nó cũng bị hạn chế. Do đó, cuối cùng nhạc sĩ đặt ra A4 = 429Hz ~ 432Hz (việc chỉnh âm trên nhạc cụ độ chính xác có hạn), lấy tiêu chuẩn này để định âm thì cao độ của Hoàng Chung lại là 254,22Hz ~ 256Hz. (Chú ý: Khi ghi âm bản nhạc này, cao độ của chủ âm (giai điệu chính) là A4 = 430 ~ 432Hz, cao độ của nốt trầm và hoà âm là A4 = 429 ~ 430Hz).

2. Điệu thức

Lấy Hoàng Chung làm âm chuẩn, theo luật ngũ độ tương sinh sinh ra 12 thang âm [2], tạo ra điệu Hoàng Chung Cung (cung C – đô trưởng). Quá trình này tương đối chính xác trên đàn cổ cầm, nhưng trên các nhạc cụ hơi khác thì chỉ có thể điều chỉnh gần giống dựa vào hơi thổi.

Trên cơ sở điệu Cung, cổ cầm được lên ba dây trở thành điệu Hoàng Chung Chủy (cung F), còn được gọi là Cổ Cầm chính điệu.

Trên cơ sở điệu Chủy, cổ cầm tiếp tục được lên năm dây, trở thành điệu Hoàng Chung Thương (cung B giáng).

Vậy là đã tạo nên ba điệu thức được sử dụng trong bản nhạc “Thế giới Ta Bà – Thuyền Cực Lạc” (Khi phổ nhạc, để thuận tiện cho việc diễn tấu sau này, điệu Hoàng Chung Cung – cung C được soạn trong điệu Hoàng Chung Chủy – cung F, lúc này âm tán trong điệu F của cổ cầm (cổ cầm có ba loại âm sắc: âm phiến, âm tán và âm án) không có âm trầm – âm 1, mà hạ xuống âm 7 thấp hơn hai quãng tám).

Trong bản nhạc “Thế Giới Ta Bà – Thuyền Cực Lạc” để phù hợp với chuỗi âm phiến của cổ cầm, trong cả ba điệu thức đều sử dụng âm giai của nhã nhạc. Nhưng âm phiến 4 thăng không theo luật ngũ độ tương sinh, mà theo luật thuần [3]. Đây là do tính năng của nhạc cụ cổ cầm.

3. Giải thích điệu thức: Trọng Lữ Cung và Hoàng Chung Trưng

Theo truyền thống cho rằng chính điệu (cung F) của đàn Cổ Cầm là điệu Trọng Lữ Cung, bởi vì Trọng Lữ là âm sinh ra cuối cùng trong 12 âm luật, như vậy điệu Trọng Lữ Cung tương đương với việc sau 12 âm luật lại tiếp tục tạo ra 11 âm bên dưới. Việc này trong phối khí không thể thực hiện được. Vì vậy để đơn giản hóa thao tác, chuyển điệu Trọng Lữ Cung sang tương tự điệu Hoàng Chung Chủy, từ điệu Hoàng Chung Cung chỉ cần lên dây thứ ba là được.

Theo truyền thống, cách chuyển điệu thường được sử dụng của Cổ Cầm là từ điệu chính vặn chặt 5 dây, hoặc nới lỏng 3 dây là được. Bởi vì Hoàng Chung là âm tiêu chuẩn đã được thiết lập từ trước, khi chỉnh dây đàn Cổ Cầm, trước nay chưa có ai tạo ra 12 âm luật từ điệu Hoàng Chung, rồi từ âm Trọng Lữ cuối cùng lại tiếp tục tạo ra 11 âm bên dưới để tạo thành điệu Trọng Lữ Cung. Vì vậy, mặc dù trên danh nghĩa chính điệu trong Cổ Cầm là điệu Trọng Lữ Cung, nhưng thực tế xưa nay nó được chuyển thành điệu gần giống Hoàng Chung Chủy.

4. Ngũ âm và ngũ hành

Bởi vì thuộc tính âm dương ngũ hành của Hoàng Chung là dương thổ, do đó 12 âm trong điệu Trọng Lữ Cung và 12 âm trong điệu Hoàng Chung Chủy có thuộc tính ngũ hành không tương đồng. Khi sáng tác âm nhạc, nếu cần cân nhắc tính tương khắc của âm dương ngũ hành trong âm nhạc để tạo hòa âm hoặc xem xét ảnh hưởng của nó đến âm dương ngũ hành của cơ thể con người, thì cần chú ý âm Cung trong Trọng Lữ Cung theo ngũ hành thuộc kim, còn âm Cung trong Hoàng Chung Chủy theo ngũ hành thuộc hỏa. Các âm còn lại trong hai điệu thức cũng đều có các thuộc tính khác nhau [4].

5. Hòa âm

Bởi vì phải xem xét đến thuộc tính âm dương ngũ hành của ngũ âm, cho nên trong hòa âm cũng áp dụng nguyên tắc ngũ độ tương sinh.

Đó là do sự “hài hòa” của luật thuần, cùng “sự hài hòa gần giống” của 12 luật bình quân [5] chỉ là một trong những tiêu chuẩn về tính thẩm mỹ của âm thanh. Trên thực tế, trong các tác phẩm âm nhạc âm thanh từ “hài hòa” đến “không hài hòa” đều được sử dụng để thể hiện những cảm xúc và trạng thái khác nhau – khi được sử dụng phù hợp, nó sẽ trở thành một phần tạo nên vẻ đẹp của bản nhạc.

Xét về mối quan hệ giữa ngũ âm và ngũ hành cũng như ảnh hưởng của ngũ hành đối với cơ thể con người, tiêu chuẩn thẩm mỹ có thể khác nhau. Về phương diện hòa âm, nếu nó có thể có tác dụng điều hòa tích cực đối với cơ thể con người (cho dù là khí huyết hay cảm xúc) thì sự hòa âm đó là có giá trị. Nếu nó có thể khơi dậy chính khí của mọi người, khích lệ chính niệm của mọi người, đánh thức suy nghĩ của mọi người, thì sự hòa âm như vậy càng “đẹp” hơn.

Định nghĩa này có thể đã vượt ra ngoài khái niệm “hòa” trong danh từ “hòa âm”, nhưng trong kỹ thuật, nó vẫn được thể hiện bằng kỹ thuật hòa âm, về mặt hiệu quả cũng hỗ trợ thể hiện nội hàm của giai điệu chính.

6. Lời kết

Về định âm và điều luật, đây chỉ là một quan điểm sáng tác, hoặc chỉ là một lần thử nghiệm, không nhất thiết đã chính xác. Khi đề cập đến phương diện ứng dụng của mối quan hệ giữa ngũ âm và ngũ hành, bản thân tôi mới bắt đầu nghiên cứu.

Còn về ngũ hành, đây chỉ là những yếu tố cơ bản trong Tam Giới. Nhưng tôi nghĩ, nếu các đệ tử Đại Pháp muốn phù hợp với yêu cầu của Pháp Chính nhân gian, hỗ trợ khôi phục văn hóa truyền thống của con người, vậy thì rất nhiều việc đã làm cũng có thể là những việc ở trong Tam giới.

Tôi cho rằng âm nhạc là sự tổng kết và thể hiện đời sống và tư tưởng của con người. Con người ở trong tam giới, sinh hoạt như thế nào, duy trì thái độ sống ra sao, tác động và ảnh hưởng qua lại thế nào với môi trường, đó đều có thể là một phần của văn hóa nhân loại. Có lẽ trong quá trình sống này, các giá trị quan và thế giới quan phổ quát của nhân loại cũng thuận theo kinh nghiệm và suy nghĩ của con người mà được hình thành và đặt định.

Văn hóa của nhân loại được sản sinh trong môi trường tự nhiên, thế nên cũng không thể tách khỏi khuôn khổ của quy luật tự nhiên. Về phương diện âm luật, có thể cũng như vậy.

Trên đây là một số cảm ngộ cá nhân xin chia sẻ để độc giả tham khảo, mong các nhà chuyên môn góp ý, chỉnh sửa.

Chú thích của người dịch:

[1] Tổ khúc: Một thể loại nhạc hòa tấu không lời, gồm nhiều bản nhạc khác nhau nhưng cùng thể hiện một chủ đề nhất định, được biểu diễn một cách nối tiếp liên tục thành một nhạc phẩm duy nhất.

[2] Luật 12 âm: Âm nhạc Trung Quốc cổ đại có 12 âm luật (thang âm) gồm: Hoàng Chung, Đại Lữ, Thái Thốc, Giáp Chung, Cô Tiển, Trọng Lữ, Nhuy Tân, Lâm Chung, Di Tắc, Nam Lữ, Vô Xạ, Ứng Chung.

[3] Luật thuần (Just Intonation): Phương pháp điều chỉnh quãng và thang âm dựa trên các tỷ lệ của chuỗi bồi âm (thang âm tự nhiên).

[4] Âm nhạc Trung Hoa dựa trên hệ thống âm nhạc cổ truyền dân tộc bao gồm 5 loại âm điệu, 5 nốt nhạc chính gọi là ngũ âm. Năm âm thanh này được sắp xếp thành: Cung, Thương, Giốc, Chủy, và Vũ, tương ứng với ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tham khảo bài viết: https://chanhkien.org/2011/02/ngu-hanh-va-ngu-am-trong-am-nhac-trung-hoa.html

[5] Luật bình quân: Sự sắp xếp cân bằng những tương quan về quãng giữa các bậc của hệ thống âm thanh trong âm nhạc.

Ghi chú của người dịch: Do năng lực chuyên môn mỹ thuật còn có hạn, bản dịch có thể chưa được hoàn hảo, hoan nghênh sự góp ý của các bạn độc giả có chuyên môn về ngành này.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/274026



Ngày đăng: 07-02-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.