Tài liệu giảng dạy môn văn hóa (cao cấp): Vua Vũ nói về cần mẫn (Câu chuyện lịch sử)
Tác giả: Ban biên tập tài liệu giảng dạy môn văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Lời bình của người biên tập: Vì để truyền rộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, thanh trừ ảnh hưởng của văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã dùng những chính kiến có được nhờ tu luyện Đại Pháp để bắt đầu biên soạn bộ Tài liệu giáo dục văn hóa chính thống Trung Quốc. Do đây là những bước đi đầu tiên nên khó tránh khỏi có sự thiếu sót, chúng tôi rất cần các đệ tử Đại Pháp tại các nơi trên thế giới, đặc biệt là các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục có thể góp sức và giúp chỉ ra chỗ thiếu sót. Chúng tôi chân thành hy vọng những đồng tu sử dụng bộ giáo trình này có thể phản hồi với chúng tôi những vấn đề gặp phải trong quá trình giảng dạy, cũng như các ưu khuyết điểm của bộ giáo trình, giúp chúng tôi không ngừng chỉnh sửa và đề cao, để bộ giáo trình ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng hoan nghênh thêm nhiều đồng tu có mong muốn tham gia vào việc biên soạn giáo trình có thể gia nhập đội ngũ, cùng nhau hoàn thành việc biên soạn bộ giáo trình này.
◇◇◇ ◇◇◇ ◇◇◇
Nguyên văn
帝舜謂禹曰:「女亦昌言(1)。」禹拜曰:「於,予何言!予思日孳孳(2)。」皋陶(3)難(4)禹曰:「何謂孳孳?」禹曰:「鴻(5)水滔天,浩浩懷山襄陵,下民皆服(6)於水。予陸行乘車,水行乘舟,泥行乘橇(7),山行乘檋(8),行山刊木(9)。與益予眾庶稻鮮(10)食。以決九川(11)致四海,浚畎澮(12)致之川。與稷予眾庶難得之食。食少,調有餘補不足,徙居。眾民乃定,萬國為治。」皋陶曰:「然,此而(13)美也。」(出自《史記・夏本紀》)
Hán Việt
Đế Thuấn vị Vũ viết: “Nữ diệc xương ngôn (1).” Vũ bái viết: “Vu, dư hà ngôn! Dư tư nhật tư tư (2).” Cao Dao (3) nan (4) Vũ viết: “Hà vị tư tư?” Vũ viết: “Hồng (5) thủy thao thiên, hạo hạo hoài sơn tương lăng, hạ dân giai phục (6) vu thủy. Dư lục hành thừa xa, thủy hành thừa châu, nê hành thừa khiếu (7), sơn hành thừa cúc (8), hành sơn san mộc (9). Dữ Ích dữ chúng thứ đạo tiên (10) thực. Dĩ quyết cửu xuyên (11) trí tứ hải, tuấn khuyển khoái (12) trí chi xuyên. Dữ Tắc dữ chúng thứ nan đắc chi thực. Thực thiểu, điều hữu dư bổ bất túc, tỉ cư. Chúng dân nãi định, vạn quốc vi trị.” Cao Dao viết: “Nhiên, thử nhi (13) mỹ dã.” (Trích từ 《Sử Ký • Hạ Bản Kỷ 》)
Chú thích
(1) Xương ngôn(昌言): đưa ra cao kiến.
(2) Tư tư(孳孳): nỗ lực không lười biếng.
(3) Cao Dao(皋陶): tên người.
(4) Nan(難): hỏi (trong hỏi đáp).
(5) Hồng(鴻): to lớn, đồng nghĩa với Hồng(洪).
(6) Phục(服): việc, ở đây là động từ, chỉ hoạt động hay làm việc.
(7) Khiếu(橇): một loại thuyền trượt bùn thời cổ đại dùng để đi trên vùng đầm lầy.
(8) Cúc(檋): loại giày đặc chế dùng để leo núi, dưới đế có đóng răng cưa để phòng bị trượt.
(9) San mộc(刊木): chặt vót cọc gỗ làm ký hiệu.
(10) Tiên(鮮): chim thú vừa bị giết thịt.
(11) Cửu xuyên(九川): chín con sông, gồm Nhược Thủy, Hắc Thủy, Hoàng Hà, Hán Thủy, Trường Giang, Tế Thủy, Hoài Thủy, Vị Thủy, Lạc Thủy.
(12) Khuyển khoái(畎澮): kênh rạch, mương nước trên đồng ruộng.
(13) Nhi(而): ông, bạn… (ngôi thứ hai số ít, như “you” trong tiếng Anh)
Bản dịch tham khảo
Vua Đế Thuấn nói với Hạ Vũ rằng: “Ông cũng đưa ra cao kiến đi!” Hạ Vũ bèn chắp tay thi lễ mà rằng: “Ai! Tôi thì có gì để nói chứ? Tôi chỉ mong mỗi ngày có thể cố gắng không lười biếng mà làm việc thôi!” Cao Dao lại hỏi Hạ Vũ: “Làm thế nào cố gắng không lười biếng?” Hạ Vũ đáp: “Dòng nước lũ khuất lấp cả trời đất, mênh mông cuồn cuộn, che lấp cả núi non, tràn ngập chỗ đất cao, người dân ngày nào cũng phải sinh sống trong dòng nước lũ. Tôi sẽ đi xe trên đất liền, ngồi thuyền vượt sông, gặp phải vùng đầm lầy thì ngồi thuyền trượt bùn, mang giày có đóng đinh mà leo núi, trèo đèo lội suối, ở trên núi đóng cọc gỗ làm ký hiệu. Tôi sẽ cùng với Bá Ích phát thóc lúa và thịt chim thú cho người dân. Tôi sẽ khơi thông chín đường sông đổ ra biển, khai thông các kênh rạch thông ra sông. Tôi sẽ cùng với Hậu Tắc phát lương thực bị thiếu hụt cho người dân, chỗ nào thiếu lương thực thì điều động lương thực từ nơi có nhiều lương thực đến để bổ sung chỗ thiếu hụt, hoặc yêu cầu người dân di chuyển chỗ ở. Người dân được ổn định, thì mỗi nước chư hầu mới có thể cai quản tốt.” Cao Dao nói: “Đúng! Đây chính là mỹ đức của ông.”
Phân tích
Thời vua Nghiêu còn tại vị, lưu vực sông Hoàng Hà thường xuyên xảy ra nạn lũ, khiến cho dân chúng lâm vào cảnh lầm than. Ban đầu vua Nghiêu hạ lệnh cho Cổn (cha của Hạ Vũ) chỉ đạo việc trị thủy. Phương pháp trị thủy mà Cổn sử dụng là nước dâng đến đâu thì đắp đất ngăn lại đến đó, dựng đê, đắp đập ngăn nước. Kết quả ròng rã suốt 9 năm, chẳng những không thể khắc phục được lũ, mà còn khiến cho nạn lũ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Sau đó, Thuấn kế nhiệm vua Nghiêu trở thành thủ lĩnh bộ lạc, biết được Cổn trị thủy bất lực, thế là ông ra lệnh xử tử Cổn, rồi phái con trai của Cổn là Hạ Vũ tiếp tục trị thủy.
Khác với cách làm của Cổn, cách thức trị thủy mà Hạ Vũ sử dụng là mở kênh rạch dẫn nước, khai thông đường sông, dẫn nước lũ đổ ra biển lớn. Ông đã cần mẫn lao động cùng người dân, trải qua nỗ lực 13 năm ròng, cuối cùng ông cũng đã bình ổn được vấn đề nạn lũ trong thời gian dài, khiến cho người dân có thể an cư lạc nghiệp. Trọng điểm của bài này là ở việc Hạ Vũ nói về công việc mà ông làm mỗi ngày, ngoại trừ công tác trị thủy ra, ông còn xử lý công việc phân phát lương thực, chăm lo cho cuộc sống của người dân.
Biểu hiện cụ thể của tấm lòng yêu nước thương dân của Hạ Vũ đã khiến ông trở thành “chúng vọng sở quy” (người mà mọi người cùng tín nhiệm và hướng đến) sau khi vua Thuấn qua đời, ông được chọn làm thủ lĩnh bộ lạc kế nhiệm. Ngoài ra, để ca tụng công lao trị thủy vĩ đại của ông, người đời sau đều tôn xưng ông là Đại Vũ.
Mở rộng suy ngẫm:
1. Từ phương pháp trị thủy khác nhau của Đại Vũ và Cổn, bạn có được lĩnh ngộ gì?
2. Trong nhiều sử sách đều có ghi chép liên quan về Đại Vũ trị thủy, hãy chia sẻ sự tích cụ thể khác của Hạ Vũ đáng để người đời sau học tập mà bạn biết.
Tư liệu tham khảo:
1. Sử Ký, Bản Kỷ (Thượng) (Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất bản cổ tịch Đài Loan, năm 2001)
2. Tân Dịch Thượng Thư Độc Bản (Nhà in Tam Dân, năm 2005)
3. Tân Hiệu Bản Sử Ký Tam Gia Chú Tính Phụ Biên Nhị Chủng quyển 1 (Nhà in Đỉnh Văn)
4. Trang web Đại Kỷ Nguyên văn hóa http://www.epochtimes.com
5. Trang web Chánh Kiến http://big5.zhengjian.org
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/47964
Ngày đăng: 09-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.