Tài liệu giảng dạy môn văn hóa (cao cấp): Người họ Hòa nước Sở tìm được đá chứa ngọc trong núi Sở (Câu chuyện lịch sử)
Tác giả: Ban biên tập tài liệu giảng dạy môn văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Lời bình của người biên tập: Vì để truyền rộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, thanh trừ ảnh hưởng của văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã dùng những chính kiến có được nhờ tu luyện Đại Pháp để bắt đầu biên soạn bộ Tài liệu giáo dục văn hóa chính thống Trung Quốc. Vì mới là những bước đầu tiên nên sẽ khó tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi mong được đệ tử Đại Pháp trên toàn thế giới, nhất là đồng tu trong lĩnh vực giáo dục tham dự và góp ý. Chúng tôi chân thành hy vọng đồng tu dùng tài liệu giảng dạy này, từ đó phản hồi lại những vấn đề gặp phải trong khi đứng lớp và những ưu khuyết điểm của giáo trình, nhằm giúp chúng tôi không ngừng sửa chữa nâng cao, để giáo trình ngày càng thêm phong phú và hoàn chỉnh. Đồng thời chúng tôi cũng hoan nghênh nhiều đồng tu có nguyện ý tham dự sáng tác, biên tập tham gia ban biên tập để cùng biên soạn hoàn thành giáo trình này.
◇◇◇ ◇◇◇ ◇◇◇
Nguyên văn
楚人和氏得玉璞楚山中(1),奉而獻之厲王(2)。厲王使玉人(3)相(4)之,玉人曰:「石也。」王以和為誑(5),而刖(6)其左足。及厲王薨(7),武王即位,和又奉其璞而獻之武王。武王使玉人相之,又曰:「石也。」王又以和為誑,而刖其右足。武王薨,文王即位,和乃抱其璞而哭於楚山之下,三日三夜,泣(8)盡而繼之以血。王聞之,使人問其故。曰:「天下之刖者多矣,子奚哭之悲也(9)?」和曰:「吾非悲刖也,悲夫寶玉而題(10)之以石,貞士(11)而名(12)之以誑,此吾所以悲也(13)。」王乃使玉人理(14)其璞而得寶焉,遂命(15)曰「和氏之璧」。(出自《韓非子・和氏》)
Hán Việt
Sở nhân Hòa thị đắc ngọc phác Sở sơn trung (1), phụng nhi hiến chi Lệ Vương (2). Lệ Vương sử ngọc nhân (3) tướng (4) chi, ngọc nhân viết: “Thạch dã.” Vương dĩ Hòa vi cuồng (5), nhi nguyệt (6) kỳ tả túc. Cập Lệ Vương hoăng (7), Vũ Vương tức vị, Hòa hựu phụng kỳ phác nhi hiến chi Vũ Vương. Vũ Vương sử ngọc nhân tướng chi, hựu viết: “Thạch dã”. Vương hựu dĩ Hòa vi cuồng, nhi nguyệt kỳ hữu túc. Vũ Vương hoăng, Văn Vương tức vị, Hòa nãi bao kỳ phác nhi khốc vu Sở sơn chi hạ, tam nhật tam dạ, khấp (8) tận nhi kế chi dĩ huyết. Vương văn chi, sử nhân vấn kỳ cố. Viết: “Thiên hạ chi nguyệt giả đa hỹ, tử hề khốc chi bi dã (9)?” Hòa viết: “Ngô phi bi nguyệt dã, bi phu bảo ngọc nhi đề (10) chi dĩ thạch, trinh sĩ (11) nhi danh (12) chi dĩ cuồng, thử ngô sở dĩ bi dã (13).” Vương nãi sử ngọc nhân lý (14) kỳ phác nhi đắc bảo yên, toại mệnh (15) viết “Hòa Thị chi Bích”. (Trích từ 《Hàn Phi Tử・Hòa Thị》)
Chú thích
(1) Hòa thị đắc ngọc phác Sở sơn trung(和氏得玉璞楚山中): tìm được đá chứa ngọc từ trong núi Sở, ở đây lược bớt chữ vu(於)(nghĩa là từ/ở). Hòa thị(和氏): chính là Biện Hòa. Ngọc phác(玉璞): là ngọc chứa trong đá chưa được gọt dũa.
(2) Phụng nhi hiến chi Lệ Vương(奉而獻之厲王): đem dâng cho Lệ Vương, ở đây lược bớt chữ vu(於) (nghĩa là cho). Chi(之): chỉ khối đá chứa ngọc.
(3) Ngọc nhân(玉人): người thợ ngọc.
(4) Tướng(相): giám định.
(5) Cuồng(誑): dối trá.
(6) Nguyệt(刖): chặt chân, hình phạt chặt chân thời cổ đại.
(7) Hoăng(薨): các chư hầu thời cổ đại chết gọi là hoăng.
(8) Khấp(泣): nước mắt.
(9) Tử hề khốc chi bi dã(子奚哭之悲也): Cớ sao ngươi lại khóc đến bi thương như vậy?
(10) Đề(題): bình phẩm, đánh giá.
(11) Trinh sĩ(貞士): kẻ sĩ chính trực.
(12) Danh(名): gọi là.
(13) Thử ngô sở dĩ bi dã(此吾所以悲也): Đây là nguyên do mà tôi đau khổ.
(14) Lý(理): gọt dũa ngọc.
(15) Mệnh(命): (động từ) nghĩa là đặt tên.
Bản dịch tham khảo
Biện Hoà người nước Sở tìm được một khối đá có chứa ngọc trong núi Kinh (tức núi Sở, do nước Sở có nhiều cây kinh nên gọi là Kinh hay Kinh Sở), liền đem nó dâng lên cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương sai thợ ngọc giám định khối đá, người thợ ngọc nói: “Đây là đá”. Sở Lệ Vương liền cho rằng Biện Hòa nói dối, liền sai chặt chân trái của Biện Hòa.
Đến khi Lệ Vương qua đời, Vũ Vương lên ngôi, Biện Hòa lại đem khối đá có chứa ngọc dâng cho Vũ Vương. Vũ Vương sai thợ ngọc giám định, thợ ngọc lại nói: “Đây là đá”. Vũ Vương lại cũng cho rằng Biện Hòa nói dối, liền sai chặt luôn chân phải của anh ta. Sau khi Vũ Vương chết, Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa ôm khối đá có chứa ngọc đó đến dưới chân núi Kinh, bi ai mà khóc suốt ba ngày ba đêm, khóc cạn cả nước mắt, đến nỗi mắt cũng chảy cả máu.
Sở Văn Vương sau khi biết được tin ấy, bèn cho người đến chỗ Biện Hòa hỏi nguyên cớ, vua nói: “Người bị chặt chân trên đời này nào có ít, cớ sao ngươi lại khóc bi thương đến vậy?” Biện Hòa đáp: “Tôi không phải đau khổ vì bị chặt chân, tôi đau khổ vì ngọc quý lại bị người ta nói thành đá, người trung trinh lại bị nói thành kẻ nói dối, đây mới là nguyên do mà tôi đau khổ”. Sở Văn Vương nghe vậy, liền phái thợ ngọc gọt dũa khối đá có chứa ngọc kia, từ trong đó gọt ra được một khối đá quý, vì vậy viên ngọc này được gọi tên là “Ngọc Hòa Thị Bích”.
Phân tích
Hòa Thị là một trong số ít những bài viết ngắn chưa đến 1.000 chữ trong bộ sách Hàn Phi Tử. Bài viết này chủ yếu viết theo lối tự sự, mượn tình cảnh đáng thương của một người nước Sở là Biện Hòa hai lần dâng lên vua khối đá chứa ngọc chưa được gọt dũa mà lần lượt bị chặt đi chân trái và chân phải, để nói với thế nhân một cách hình tượng về đạo lý: muốn khiến cho quân vương nhận thức được chân lý là điều vô cùng khó khăn, so với việc nhận biết bảo vật còn khó hơn. Bởi vì “nhân chi vu Pháp thuật dã, vị tất Hòa Thị Bích chi cập dã” (con người đối với học thuật trị quốc của Pháp gia chưa hẳn đã cần gấp như Ngọc Hòa Thị Bích), vậy nên trong lịch sử, để chân lý được tiếp nhận luôn phải trải qua một đoạn đường khó khăn, gian khổ và gập ghềnh. Mỗi khi chân lý xuất hiện thì vẫn luôn chỉ có một số người có thể nhận thức và kiên trì với nó.
Câu chuyện “Hòa Thị Bích” về sau được lưu truyền rộng rãi, một số người cũng dùng câu chuyện này để biểu đạt tâm tình “có tài nhưng không gặp thời”.
Mở rộng suy ngẫm
1. Nên nhìn nhận thế nào đối với nỗi đau của người họ Hòa?
2. Điều gì là chân lý xuyên suốt quá khứ và hiện tại?
3. Làm sao để tránh cho bi kịch của người họ Hòa không lại xảy ra lần nữa?
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/47703
Ngày đăng: 14-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.