Tài liệu giảng dạy môn văn hóa (cao cấp): Hạ Kiệt thi hành chính sách tàn bạo tất diệt vong (Câu chuyện lịch sử)



Tác giả: Ban biên tập tài liệu giảng dạy môn văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Lời bình của người biên tập: Vì để truyền rộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, thanh trừ ảnh hưởng của văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã dùng những chính kiến có được nhờ tu luyện Đại Pháp để bắt đầu biên soạn bộ Tài liệu giáo dục văn hóa chính thống Trung Quốc. Vì mới là những bước đầu tiên, nên sẽ khó tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi mong được đệ tử Đại Pháp trên toàn thế giới, nhất là đồng tu trong lĩnh vực giáo dục tham dự và góp ý. Chúng tôi chân thành hy vọng đồng tu dùng tài liệu giảng dạy này, từ đó phản hồi lại những vấn đề gặp phải trong khi đứng lớp và những ưu khuyết điểm của giáo trình, nhằm giúp chúng tôi không ngừng sửa chữa nâng cao, để giáo trình ngày càng thêm phong phú và hoàn chỉnh. Đồng thời chúng tôi cũng hoan nghênh nhiều đồng tu có nguyện ý tham dự sáng tác, biên tập tham gia ban biên tập để cùng biên soạn hoàn thành giáo trình này.

◇◇◇ ◇◇◇ ◇◇◇

Nguyên văn

孔甲崩,子帝皋立。帝皋崩,子帝發立。帝發崩,子帝履癸立,是為桀。帝桀(1)之時,自孔甲以來而諸侯多畔夏,桀不務德而武(2)傷百姓,百姓弗堪。乃(3)召湯而囚之夏台(4),已而釋之。湯修德,諸侯皆歸湯,湯遂率兵以伐夏桀。桀走鳴條(5),遂放(6)而死。桀謂人曰:「吾悔不遂殺湯於夏台,使至此。」湯乃踐天子位,代夏朝天下。湯封夏之後;至周,封於杞(7)也。(出自《史記》卷二夏本紀第二)

Hán Việt

Khổng Giáp băng, tử đế Cao lập. Đế Cao băng, tử đế Phát lập. Đế Phát băng, tử đế Lữ Quý lập, thị vị Kiệt. Đế Kiệt (1) chi thời, tự Khổng Giáp dĩ lai nhi chư hầu đa bạn Hạ, Kiệt bất vụ đức nhi vũ (2) thương bách tính, bách tính phất kham. Nãi (3) thiệu Thang nhi tù chi Hạ Đài (4), dĩ nhi thích chi. Thang tu đức, chư hầu giai quy Thang, Thang toại suất binh dĩ phạt Hạ Kiệt. Kiệt tẩu Minh Điều (5), toại phóng (6) nhi tử. Kiệt vị nhân viết: “Ngô hối bất toại sát Thương vu Hạ Đài, sử chí thử.” Thang nãi tiễn thiên tử vị, đại Hạ triều thiên hạ. Thang phong Hạ chi hậu; chí Chu, đối vu Kỷ (7) dã. (Trích từ 《Sử Ký》Quyển Nhị Hạ Bản Kỷ Đệ Nhị)

Chú thích

(1) Kiệt(桀): tên vua nhà Hạ.

(2) Vũ(武): bạo lực.

(3) Nãi(乃): như nãi(乃).

(4) Hạ Đài(夏台): tên địa ngục, còn có tên là Quân Đài, nằm ở phía nam huyện Vũ tỉnh Hà Nam ngày nay.

(5) Minh Điều(鳴條): tên địa danh, có nơi nói phía tây của An Ấp, lại có nơi nói là đất của Nam Di.

(6) Phóng(放): lưu đày. Vùng đất lưu đày là ở Nam Sào, thuộc Sào Triều tỉnh An Huy ngày nay.

(7) Kỷ(杞): thuộc huyện Kỷ tỉnh Hà Nam ngày nay. Chu Vũ Vương (sau khi tiêu diệt nhà Thương) phong cho hậu duệ của Đại Vũ là Đông Lâu Công ở đất Kỷ.

Bản dịch tham khảo

Khổng Giáp qua đời, con là Cao kế vị. Cao Đế qua đời, con là Phát kế vị. Phát Đế qua đời, lại do con là Lý Quý kế thừa ngôi vị, hiệu là Hạ Kiệt. Từ thời của Khổng Giáp, các nước chư hầu phần đông đều chống lại nhà Hạ, sau khi vua Kiệt đăng cơ lại không chú trọng tu tâm dưỡng đức, dùng võ lực để xâm phạm các bộ tộc khác, khiến cho các bộ tộc khác không cách nào chịu được.

Sau đó vua Kiệt triệu tập thủ lĩnh của tộc Ân là Thương Thang rồi giam cầm ở Hạ Đài, không lâu sau lại thả ông về. Thương Thang tu dưỡng đức hạnh, nên các nước chư hầu đều quy thuận theo, thế là Thương Thang dấy binh mang quân đánh Hạ Kiệt. Kiệt tháo chạy đến Minh Điều, cuối cùng bị lưu đày rồi chết. Kiệt nói với người ta rằng: “Ta hối hận năm xưa không giết chết Thang ở Hạ Đài, khiến bản thân rơi vào tình cảnh này.”

Thương Thang lên ngôi thiên tử, thu lấy thiên hạ của nhà Hạ. Ông phong hậu duệ của nhà Hạ làm các chư hầu, đến thời Chu, hậu duệ nhà Hạ được phong đến đất Kỷ.

Phân tích

Những năm cuối triều Hạ, từ thời Khổng Giáp về sau, các quân vương lên ngôi không chỉnh đốn nội loạn, gây họa bên ngoài không dứt, khiến cho lòng người tan rã, các nước chư hầu phần nhiều đều chống lại nhà Hạ. Hạ Kiệt lên ngôi lại không nghĩ đến cải cách, bạo ngược vô đạo, chinh phạt chiến loạn không ngớt, hao tiền tốn của, đêm ngày uống rượu hưởng lạc, hoang dâm vô độ, hoàn toàn không màng đến người dân lầm than cơ cực, tiếng oán thán nổi lên khắp nơi, khổ không thể tả. Hạ Kiệt còn bắt giam và giết hại đại thần trung thành can gián, các nước chư hầu tứ bề cũng đồng loạt chống lại nhà Hạ, cuối cùng Hạ Kiệt lâm vào tình cảnh trong ngoài đều khốn đốn. Thương Thang thấy thời cơ thảo phạt Kiệt đã chín muồi, bèn lấy phong thái thay Trời hành đạo, phát động chiến tranh với triều đình nhà Hạ hủ bại mục ruỗng, lập nên triều đại nhà Thương mới.

Ở trận Minh Điều, đội quân của Thương Thang đã đánh bại quân của Hạ Kiệt, vua Kiệt sau đó bị lưu đày rồi chết ở Nam Sào. Điều này cũng chứng minh cho câu nói “bạo chính tất vong” (tức là thi hành nền chính trị bạo ngược tất sẽ diệt vong). Vậy mà Hạ Kiệt sau khi bại trận, tuy đã đến cùng đường mạt lộ, nhưng vẫn không biết hối cải mà còn nói rằng, ông ta hối hận năm xưa đã không giết chết Thương Thang, khiến bản thân rơi vào tình cảnh như vậy.

Mở rộng suy ngẫm

1. Hạ Kiệt là bạo chúa khét tiếng trong lịch sử, trong thời gian ông tại vị, thậm chí còn xảy ra thiên tượng sao sa, động đất, sông ngòi khô cạn. Bài học của lịch sử đang nói với chúng ta rằng: thiên tai chính là lời cảnh báo và sự trừng phạt dành cho người đi ngược lại thiên lý. Bạn hãy chia sẻ cách nghĩ của bản thân về mỗi liên hệ giữa thiên tai và nhân họa.

2. Triều đại nhà Hạ cường thịnh, trải qua hơn 400 năm lịch sử, cuối cùng lại bị lật đổ bởi một nước chư hầu nhỏ, vậy nên về sau mới có lời răn “Ân giám bất viễn, tại Hạ hậu chi thế” (nhà Ân lật đổ nhà Hạ, con cháu nhà Ân lấy sự diệt vong của nhà Hạ làm tấm gương, sau này dùng để chỉ người đời sau lấy sự thất bại của người đời trước làm tấm gương). Bạn hãy chia sẻ cảm nghĩ của bản thân sau khi đọc bài này.

Tư liệu tham khảo

1.《Sử Ký》 Bản Kỷ (Thượng) (công ty trách nhiệm hữu hạn xuất bản cổ tịch Đài Loan, năm 2001).

2.《Tân Dịch Thượng Thư Độc Bản》 (nhà in Tam Dân, năm 2005).

3. Tân Hiệu Bản Sử Ký Tam Gia Chú Tính Phụ Biên Nhị Chủng quyển 1 (nhà in Đỉnh Văn)

4. Trang Chánh Kiến http://big5.zhengjian.org

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/47967



Ngày đăng: 01-07-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.