Kỳ nhân cổ đại: Người thợ điêu khắc mù và hoạ sĩ mù



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Khi đọc tiêu đề bài viết này độc giả có lẽ cảm thấy kỳ lạ, người mù thì làm thế nào mà tạc tượng và vẽ tranh được? Tuy nhiên, ở Trung Quốc thời cổ đại quả thực đã xuất hiện những người thợ điêu khắc và họa sĩ mù.

Theo sách Tục di kiên chí của văn nhân Nguyên Hiếu Vấn (năm 1190 – 1257) triều Kim ghi chép rằng ở huyện Bình Dương (thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay) có một ông lão họ Giả, tuy rằng cả hai mắt đều bị mù nhưng ông lại tạc được tượng Thần rất khéo, mọi người đều xem ông là thợ điêu khắc bậc thầy. Pho tượng Phật trong ngôi miếu ở huyện Giao Thành là do ông điêu khắc. Có thể nói rằng dung mạo của bức tượng hết sức đoan nghiêm. Một hòa thượng đã tận mắt chứng kiến quá trình điêu khắc của ông Giả nói rằng: sau khi dựng cây gỗ lên, đầu tiên ông thong thả xem xét hình dáng kích thước của thân gỗ, sau đó liền khắc họa được kết cấu của bức tượng trong tâm, tiếp đến một mạch thoăn thoát dùng dụng cụ tạc gỗ rất điêu luyện, khiến người ta phải thán phục!

Ở Triệu Châu còn có một vị hòa thượng bị mù cả hai mắt nhưng vẽ tranh rất giỏi, hơn nữa lúc vẽ ông thường dùng miệng ngậm mực Tàu hay những nguyên liệu vẽ khác rồi phun lên giấy. Mao Đề Cử Gia có một tác phẩm tranh của ông, bức tranh vẽ một con mãnh hổ nằm phục bên gốc cây đại thụ, cạnh đó có một con bưu màu xanh, “hổ mục thước thước như kim, vọng chi mao phát sâm lập” (dịch nghĩa: Mắt hổ sáng như vàng, lông hổ dày như nêm). (Từ bưu: có người nói bưu nghĩa là hổ con, cũng có người giải thích rằng bưu là con vật giống hổ nhưng không phải là hổ).

Về tài nghệ đáng kinh ngạc của hai nghệ nhân mù này, Nguyên Hiếu Vấn giải thích rằng họ đã thoát khỏi sự ước thúc của việc không thể nhìn thấy bằng mắt thịt và có thể nhìn thấy các vật thể theo những cách siêu thường. Tôi nghĩ hai nghệ nhân mù này, ngoài việc có một nền tảng nghệ thuật vững chắc và năng lực tư duy nội tại ra, rất có thể họ thực sự có công năng đặc dị mới có được những thành tựu xuất sắc như vậy.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/111919



Ngày đăng: 13-04-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.