Sứ mệnh của giáo viên dạy lịch sử



Tác giả: Pháp Lạp Tử

 

[ChanhKien.org]

Con xin kính chào Sư tôn từ bi và vĩ đại! Chào các đồng tu.

Tôi là một đệ tử Đại Pháp may mắn bước vào tu luyện năm 2006, tôi là một giáo viên lịch sử cấp hai với hơn 30 năm thâm niên giảng dạy. Do từ nhỏ buộc phải tiếp thụ sự giáo dục tẩy não của ác đảng, nên tôi chưa từng có chút nghi ngờ về tính chân thực của những cuốn sách giáo khoa lịch sử cấp trung học. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vẫn sử dụng cái gọi là “lịch sử” đã bị ác đảng bóp méo để lừa dối học sinh của mình. Cho đến một ngày, sau khi xem “Ai là Trung Quốc mới” của Tân Hạo Niên và một vài đĩa CD diễn giảng của ông ấy được đồng nghiệp (đồng tu) tặng cho tôi, tôi đã bị sốc đến nỗi mồm miệng há hốc, lần đầu tiên tôi mới biết rằng sách giáo khoa lịch sử cấp trung học đầy những lời bịa đặt và lừa dối.

Nhờ các đồng tu không quản ngại giảng chân tướng cho tôi, nên tôi đã may mắn bước vào tu luyện Đại Pháp. Từ đó Tuần san Minh Huệ, Tuần báo Minh Huệ, Cửu Bình Cộng Sản ĐảngGiải thể Văn hóa Đảng… những tư liệu quý báu này đã giúp tôi thực sự nhận rõ bản chất tà ác của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ và bị sỉ nhục vì mình bị ác đảng lừa dối trong một thời gian dài, hơn nữa tôi đau khổ và tự trách mình vì trong bao nhiêu năm đã lừa dối học sinh, nối giáo cho giặc: Tôi đâu phải đang giáo dục con người, tôi thực sự đang phạm tội!

Bao nhiêu đêm không ngủ, trái tim tôi vô cùng dằn vặt đau khổ. Con đường phía trước quá mênh mông mù mịt, tôi biết đi về đâu? Những bài học lịch sử từng khiến tôi tự hào đã trở thành nỗi đau sâu thẳm trong tim tôi. Tôi không muốn lên lớp lịch sử nữa, càng không muốn đứng trên bục giảng mà mở miệng nói những lời dối trá, lừa gạt những đứa trẻ ngây thơ, vô tội! Một cảm giác tội lỗi nặng nề bao trùm trái tim tôi mỗi ngày, tôi rơi vào đau khổ và hối hận không cách nào tự thoát ra được. Bởi vì lúc ấy tôi mới đắc Pháp, học Pháp chưa sâu nên không hiểu rõ Pháp lý, tôi mang niềm hối tiếc vô tận, rất miễn cưỡng rời khỏi công việc giảng dạy môn lịch sử lâu dài của tôi và các học sinh yêu quý của tôi, từng bước rời khỏi tuyến đầu giảng dạy và chuyển đến bộ phận hậu cần. Nhưng nỗi đau trong lòng tôi vẫn không vì thế mà nguôi ngoai.

Cùng với việc không ngừng học Pháp và sự điểm hóa từ bi của Sư tôn, cuối cùng tôi đã nhận thức được cách làm cực đoan này của mình, tôi đã che giấu một trái tim bẩn thỉu và ích kỷ như vậy! Chỉ cầu giải thoát bản thân, bất chấp việc các em học sinh bị hủy hoại. Tôi rời bục giảng, nhưng học sinh của tôi vẫn tiếp tục bị đầu độc! Bởi vì các giáo viên khác vẫn truyền thụ cho các em những lời dối trá của ác đảng. Mặc dù các đồng tu và tôi đã nỗ lực giảng chân tướng cho các đồng nghiệp của chúng tôi trong tổ bộ môn lịch sử, nhưng hầu hết các giáo viên mặc dù trong tâm minh bạch, họ vẫn khiếp sợ uy quyền của ác đảng, không có dũng khí và can đảm để vạch trần những lời dối trá trong sách giáo khoa trước lớp học, khôi phục sự thật lịch sử. Sứ mệnh lịch sử này chỉ có thể được gánh vác bởi các đệ tử Đại Pháp, lẽ nào tôi có thể rời bỏ nó! Dưới sự an bài của Sư tôn, tôi lại lên lớp giảng dạy môn lịch sử.

Sau đây tôi xin chia sẻ với các đồng tu về một số cách thức giảng dạy lịch sử, có gì chưa đúng, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

1. Giải thích các khái niệm lịch sử, phá trừ tuyên truyền giả dối của ác đảng

Trong tiết dạy tư tưởng văn hóa, khi giảng đến câu danh ngôn “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” (Dịch nghĩa: thiên hạ hưng thịnh, tồn vong, là trách nhiệm chung của mọi người dân) của Cố Viêm Vũ, nhà tư tưởng thời Minh Thanh, sách giáo khoa trích dẫn một đoạn nguyên văn từ tác phẩm “Nhật Tri Lục” của ông: “Dịch tính cải hiệu, vị chi vong quốc. Nhân nghĩa sung tắc nhi chí vu suất thú thực nhân, nhân tương tương thực, vị chi vong thiên hạ. ….. bảo quốc giả, kỳ quân kỳ thần nhục thực giả mưu chi; bảo thiên hạ giả thất phu chi tiện dữ hữu trách yên nhĩ hĩ!” (Dịch nghĩa: thay tên đổi hiệu, gọi là vong quốc. Lấy nhân nghĩa mà dẫn dã thú đến ăn thịt người, người ăn thịt người, gọi là vong thiên hạ… người bảo vệ đất nước, vua ấy tôi ấy là dã tâm của kẻ ăn thịt; người bảo vệ thiên hạ, thất phu thấp hèn cũng phải có trách nhiệm). Tôi nói với các em học sinh rằng “vong quốc” (mất nước) và “vong thiên hạ” (mất thiên hạ) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Vong quốc: chỉ sự thay đổi của triều đại và sự thay đổi chính quyền của người thống trị. Đây chỉ là vấn đề quan tâm của các vua chúa cùng các quan đại thần và những người tranh quyền đoạt vị, không liên quan gì đến người dân, giống như sự thay đổi của các triều đại Trung Quốc cổ đại, hay như trường hợp hai đảng thay phiên nhau nắm quyền ở các nước Âu – Mỹ. Tuy nhiên, bất kỳ triều đại nào, bất kỳ chính quyền nào, bất kỳ đảng chấp chính nào cũng không thể đại diện cho một quốc gia hoặc một dân tộc được. Cùng lắm họ chỉ như một làn sóng nhỏ trong dòng sông dài phát triển lịch sử của quốc gia hoặc dân tộc mà thôi. Do đó, sự sụp đổ của bất kỳ chính quyền nào cũng đều rất bình thường, hoàn toàn không tồn tại loại tà thuyết như “không có đảng xx thì không có nước Trung Quốc mới” hoặc “mất đảng là mất nước”. Thánh nhân vĩ đại từng nói:

Trung Quốc bất thị Trung Cộng

Biệt hỗn hào thị thính

Diễn nghĩa:

Trung Quốc không phải là Trung Cộng

Chớ nhìn và nghe lẫn lộn

(“Văn minh Trung Hoa là gì?” – Hồng Ngâm III)

Nếu đảng hủ bại có mất, quốc gia cũng sẽ không mất, sẽ càng thịnh vượng hơn. Thánh nhân vĩ đại còn nói:

Lịch sử trung đích trầm luân đô nhất dạng

Huỷ điệu đích thị hủ bại đích vương triều

Phục hưng đích thị văn minh dữ thiện lương

Diễn nghĩa:

Trầm luân trong lịch sử là cũng như thế

Cái bị hủy diệt đi là vương triều hủ bại

Điều được phục hưng là văn minh và lương thiện

(“Tôi hát vì các bạn” – Hồng Ngâm III)

 

Trung Nguyên thượng hạ ngũ thiên niên

Triều triều đại đại hoán tân nhan

Diễn nghĩa:

Trung Nguyên đã trải qua khoảng năm nghìn năm

Triều đại nối tiếp nhau với bộ mặt đổi mới

(“Loạn thế” – Hồng Ngâm II)

Nhìn tổng thể lịch sử vẻ vang 5.000 năm của dân tộc Trung Hoa, có triều đại nào mất đi mà không có triều đại mới lên thay đâu?

Vong thiên hạ: đề cập đến sự tiêu vong của dân tộc và văn hóa, nó có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Như thời cận đại, dân tộc Trung Hoa bị các cường quốc xâm chiếm, khi đứng trước thảm họa vong quốc diệt chủng của dân tộc, bảo vệ toàn bộ quốc gia, chấn hưng dân tộc Trung Hoa, đề cao quan niệm đạo đức toàn dân tộc là việc đại sự của cả nước, bao gồm những sĩ phu không cầm quyền cho đến các tầng lớp dân chúng có địa vị thấp trong xã hội, ai ai cũng đều có trách nhiệm.

Như vậy, học sinh có thể hiểu chính xác hàm nghĩa chân chính của “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”, phân biệt rõ việc ác đảng đã cố tình đánh tráo khái niệm đảng và quốc gia, tuyên truyền lừa gạt rằng đảng chính là quốc gia.

2. Khôi phục sự thật lịch sử, gạt bỏ những lời dối trá vô liêm sỉ của ác đảng

a) Ai là trụ cột chèo chống cuộc chiến tranh kháng Nhật?

Trong bài học “Chiến tranh kháng Nhật” của môn lịch sử văn minh chính trị, một trong những vấn đề cốt lõi được đề cập đến là: Ai là trụ cột chèo chống cuộc chiến tranh kháng Nhật. Sách giáo khoa bất ngờ nói dối một cách hoang đường, vô liêm sỉ: “Đảng cộng sản Trung Quốc là trụ cột chèo chống của cuộc kháng chiến chống Nhật toàn dân tộc”.

Để giúp các học sinh hiểu được sự thật, tôi đã tốn rất nhiều công sức để thu thập rất nhiều tư liệu lịch sử chân thực, sau đó tỉ mỉ thiết kế bài giảng bằng PowerPoint cho bài học này.

Đầu tiên, tôi bổ sung dữ liệu về bốn trận chiến lớn, dùng những số liệu và lời trích dẫn để khôi phục lịch sử.

Mọi người đều biết, bốn trận chiến lớn là những trận chiến nổi tiếng nhất trong cuộc chiến tranh kháng Nhật vệ quốc long trời lở đất. Nhưng sách giáo khoa chỉ đề cập sơ lược đến trận chiến Tùng Hộ, ngay cả số quân tham chiến và số người thương vong của cả hai bên đều không nhắc đến, còn trận chiến Thái Nguyên, Từ Châu và Vũ Hán thì chỉ nêu tên mà thôi. Vì vậy, tôi đã thêm thông tin chi tiết về bốn trận chiến lớn, như: chỉ trong bốn trận chiến, lực lượng quân Quốc dân đảng tham chiến là hơn 2,68 triệu quân, số người thương vong hơn 700.000 người, tiêu diệt hơn 360.000 quân Nhật.

Một ví dụ khác là trong bài Một tấc núi sông, một tấc máu trích dẫn lời các tướng lĩnh trong trận chiến Tùng Hộ:

“Thay vì chết mà không chiến đấu, hãy làm quen với nó và cố gắng tồn tại” – Trần Thành

“Làm hết sức mình, đổ đến giọt máu cuối cùng” – Trương Phát Khuê

“Cuộc đời tôi chỉ có hai con đường, kẻ thù sống, tôi chết! Tôi sống, kẻ thù chết!” – Thái Bính Viêm…

Những số liệu chi tiết, cụ thể, những lời nói hào hùng, vang dội và những cảnh chiến đấu trực quan, bi tráng này đã tái hiện sinh động cử chỉ anh hùng của các tướng sỹ quân Quốc dân đảng đổ máu trên chiến trường, thề chết bảo vệ đất nước.

Tiếp đó, tôi bổ sung các tư liệu của mười vị đại tướng nổi tiếng nhất của Quốc dân đảng kháng Nhật, để tái hiện phong thái của các anh hùng dân tộc.

Mười vị đại danh tướng của Quốc dân đảng trong cuộc chiến chống Nhật có đầy đủ họ tên, có ảnh mặc quân phục, còn có những lời bình luận, đánh giá về họ.

Trương Tự Trung – vị tướng Trung Quốc được người Nhật Bản tôn trọng nhất.

Lý Tông Nhân – vị tướng Trung Quốc được người Nhật Bản cho là đánh trận giỏi nhất.

Tiết Nhạc – vị tướng Trung Quốc mà người Nhật Bản coi là khó đối phó nhất…

Để cho học sinh chiêm ngưỡng tư thế uy vũ oai hùng của họ, cảm nhận phong thái đội trời đạp đất của họ.

Cuối cùng, tôi bổ sung danh sách các tướng lĩnh hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Nhật, để các anh hùng liệt sỹ Trung Hoa không bị lãng quên.

Trong tám năm kháng chiến, Quốc dân đảng có 206 vị tướng chết trận, bao gồm hai vị tổng tư lệnh tập đoàn quân (Trương Tự Trung, Lý Gia Ngọc) và 8 quân đoàn trưởng, 2 quân đoàn phó, 20 sư đoàn trưởng, 13 sư đoàn phó và 17 lữ đoàn trưởng.

Có thể thấy rằng, vào thời điểm đó, mọi tướng sỹ Quốc dân đảng trên chiến trường, ai ai cũng là những anh hùng dân tộc xung phong đi đầu, hy sinh quên mình; Còn ngày nay, thực tế là tất cả các quan chức của Đảng cộng sản đều là những kẻ đàn áp nhân dân, tham nhũng, vơ vét của dân.

Tóm lại: Trong thời kỳ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, Quốc dân đảng đã điều động hàng triệu quân, thương vong rất nặng nề. Các tướng sỹ đã dũng cảm hy sinh, không tiếc xương máu, dùng sinh mạng của mình để bảo vệ sự tôn nghiêm của tổ quốc, bảo vệ quê hương của chúng ta, đây mới là rường cột của dân tộc Trung Hoa, đây mới là trụ cột vững vàng của cuộc kháng chiến chống Nhật! Họ đã vì tổ quốc lập nên chiến công hiển hách, vĩnh viễn được chúng ta tôn thờ!

Đáng buồn thay, “Mười vị đại danh tướng”, “Những vị tướng quân chết trận”… những người anh hùng liệt sỹ Trung Hoa đã hiến thân vì nước ấy, tên của họ đã không được xuất hiện trong các sách giáo khoa lịch sử bậc trung học. Nhưng đây chỉ là bóng tối trước bình minh! Khi mây đen tản hết, ánh sáng mặt trời chiếu rọi khắp giang sơn gấm vóc vùng Hoa Hạ, tên tuổi của họ sẽ được ghi vào danh sách các anh hùng liệt sỹ Trung Hoa, lưu danh vạn cổ.

Ngoài ra, vào thời đầu cuộc chiến, quân đội ĐCSTQ biên chế chỉ vẻn vẹn 30.000 đến 40.000 người, chỉ có một vị tướng hy sinh là Tả Quyền.

Vậy thì lẽ nào chúng ta không nhận ra ai là trụ cột sao?

b) Bước ngoặt lịch sử này có thực sự vĩ đại không?

Có một bài học trong môn lịch sử phát triển kinh tế, tiêu đề thứ nhất là: “Bước ngoặt lịch sử vĩ đại”, chỉ đại hội toàn thể lần thứ 3, khóa 11, năm 1976 của ĐCSTQ. Căn cứ các tài liệu giảng chân tướng mà tôi đã đọc, tôi chỉ rõ cho học sinh một cách nhìn hoàn toàn mới về nội dung chủ yếu của đại hội này.

Điều 1: “Thiết lập lại … đường lối tư tưởng thực sự”. Tức là nói, tất cả những gì đã nói trước đây đều là lời giả dối, từ nay về sau phải nói lời chân thật. Điều 2: “Từ bỏ phương châm sai lầm lấy ‘đấu tranh giai cấp là chủ yếu’ và chuyển trọng tâm công tác sang hiện đại hóa, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”. Tức là nói, “lấy đấu tranh giai cấp làm chính” trước đây là sai, từ nay về sau phải làm điều đúng đắn, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm.

Tôi hỏi các em học sinh: “Phát triển kinh tế, chú trọng đến đời sống nhân dân là nhiệm vụ cốt lõi và trách nhiệm của tất cả các nhà cầm quyền trong và ngoài nước từ xưa đến nay. Nếu sai lệch khỏi phương châm này thì chính là sai lầm nghiêm trọng. Vậy mà đại hội này chỉ thừa nhận điều họ làm trước đây là sai lầm, và cam kết từ nay về sau sẽ sửa chữa sai lầm này, đây chính là bước ngoặt lịch sử ‘vĩ đại’! Các em có nghĩ rằng bước ngoặt lịch sử này thực sự ‘vĩ đại’ không?”. Các em học sinh lắc đầu phủ nhận. Tôi đưa thêm ví dụ: “Điều này giống như một kẻ giết người gây ra rất nhiều nợ máu, một hôm hắn đột nhiên thanh minh rằng, trước đây tôi đã sai khi giết người, từ nay về sau tôi sẽ không giết người nữa. Theo logic trên, kẻ giết người chỉ nói lời thanh minh mà chưa có bất kỳ hành động sửa đổi nào, thì có nên được gọi là thay đổi vĩ đại không?”. Các em học sinh như được khai sáng đầu óc, lập tức hiểu ra.

Những lý luận méo mó theo kiểu chỉ hươu nói ngựa, cố tình trộn lẫn đúng sai như vậy tràn ngập trong các sách giáo khoa lịch sử ở Trung Quốc đại lục.

Sách giáo khoa lịch sử bậc trung học ở Trung Quốc đại lục đầy những lời dối trá và bịa đặt, mấy chục năm qua, nó đã đầu độc nhiều thế hệ trẻ em Trung Quốc

Nhượng tử tôn lý niệm bất chính lịch sử bất thanh

Diễn nghĩa:

Khiến đời sau lý niệm không chính lịch sử không rõ”

(“Văn minh Trung Hoa là gì” – Hồng Ngâm III)

Ở đây, tôi xin kêu gọi các đệ tử Đại Pháp trong ngành giáo dục ở đại lục, nhất định phải giảng thanh chân tướng triệt để thấu đáo cho các giáo viên lịch sử, đánh thức lương tri và thiện niệm của họ, khiến họ không sợ uy quyền của tà đảng, dũng cảm đảm nhận trách nhiệm xã hội và sứ mệnh lịch sử mà người trí thức nên có, không còn che giấu lương tâm, đảo ngược trắng đen, ca ngợi công đức của ĐCSTQ, khôi phục lại sự thật lịch sử cho con em chúng ta.

Bài viết này hy vọng sẽ mang lại chút gợi mở cho các đồng tu trong ngành giáo dục.

Con xin cảm tạ Sư tôn từ bi vĩ đại!

Cảm ơn các đồng tu!

Hợp thập.

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/255376



Ngày đăng: 17-03-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.