Nhất lộ thánh duyên: Ma Thiên quốc và kim tự tháp (9)



Tác giả: Khải Hàng

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 8

Trong khi đả tọa, Mông Cương trông thấy Thần Phật đầy trời, họ đều đang chăm chú nhìn vào kinh thành của Ma Thiên quốc. Mông Cương biết rõ các vị Thần đang trợ giúp việc xây dựng tháp Phật, do vậy ông đã thỉnh cầu quốc vương hạ lệnh cho thần dân cả nước thành tâm niệm Phật, cầu trời khấn Phật phù hộ, gia trì cho việc xây dựng tháp Phật.

Ma Lạc chỉ huy các Uy Ni Đạt vận chuyển đá đến chân tháp, Ma Thái chỉ huy các Mỹ Ni Giai dùng dung dịch đá đen bôi lên đá. Ma Lạc cùng các thợ thủ công thảo luận việc xây dựng tháp Phật, ai đề xuất ý kiến hay, Ma Lạc đều tiếp thu, rồi nhờ quan tư tế Mông Cương quyết định. Dưới sự chỉ đạo của Mông Cương, Ma Thiên quốc bắt đầu xây dựng tháp Phật.

Trong suốt thời gian xây tháp, quốc vương và vương hậu không ở cạnh nhau, vương hậu thành kính lễ Phật, các vương công đại thần và dân chúng đều noi theo, cả nước trên dưới một lòng quan tâm đến việc xây tháp Phật. Người dân Ma Thiên quốc rất thuần phác, nam giới nho nhã, lễ độ; nữ giới đức độ, đoan trang.

Việc xây tháp Phật hoàn toàn sử dụng sức người. Bốn người lực lưỡng nâng một tảng đá lớn để không bị phí sức. Sau khi đào móng xong, ở hai bên họ xây các bậc thang đi xuống đáy tháp, các Uy Ni Đạt vận chuyển đá xuống dưới đáy và bắt đầu xây tháp. Khi tầng thấp nhất được xây xong, người ta sử dụng gỗ kim cương (một loại gỗ rất dày và mịn) làm thành cái giá hình bậc thang bao xung quanh tháp, mọi người gọi là bậc thang lên trời. Các Uy Ni Đạt chân đi giày bện từ cỏ Tiên Lan, giày cỏ được bện rất chặt, có khả năng bám rất chắc, khi vận chuyển đá lên bậc thang, chân họ luôn có cảm giác như được nâng lên, họ gọi hiện tượng này là “chân đạp mây”, họ cho rằng đó là do Thần linh hỗ trợ.

Trong khi xây tháp, các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong dân gian đều hội tụ tại kinh thành, họ muốn sáng tác ra những ca khúc hay nhất, hát lên những tiếng hát ngọt ngào nhất để ca ngợi công trình xây dựng tháp Phật vĩ đại. Mông Cương đích thân viết giai điệu và lời ca đưa cho nhạc sĩ và ca sĩ. Những bài hát này rất nhanh chóng được lưu truyền khắp Ma Thiên quốc. Trong đó, một bài hát khí thế hào hùng nhất là bài “Khúc hoan ca của Thần”, những bài hát khác như “Thần cứu độ thế nhân”, “Sự từ bi của Thần”, “Chờ đợi Thần đến” cũng khiến người nghe vô cùng xúc động. Một danh ca có giọng cao cất tiếng hát như những âm thanh từ trên thiên thượng đến, tiếng hát vang vọng khắp cả một vùng. Còn danh ca nổi tiếng với giọng trầm lại hát lên những âm thanh kỳ diệu giống như từ lòng đất vọng ra, cảm giác trầm ấm, vang vọng, tràn đầy sinh lực.

Thời tiết ở Ma Thiên quốc cũng rất đẹp, thường mưa vào buổi tối và nắng vào ban ngày. Nơi xây dựng tháp Phật thì không mưa nhưng khí hậu lại vô cùng mát mẻ. Ban ngày, Mặt trời trên đỉnh đầu không khiến người ta cảm thấy nóng bức, những làn gió mát thoang thoảng mang đến cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Những người cao tuổi nói: “Đó là chiếc ô của Kình Tản nương nương đang che mát cho họ”.

Giữa chừng khi các thợ thủ công nghỉ ngơi, những người phục vụ mang đến quả ngọt và nước suối mát. Những lời ca du dương cũng được cất lên khiến mọi người quên đi mệt mỏi, tâm tình trở nên vui vẻ.

Lúc nghỉ ngơi buổi tối, các Uy Ni Đạt và các Mỹ Ni Giai đều ngồi đả tọa, tĩnh tâm niệm Phật hiệu “Cự Hỷ Lạc Phật” trong khoảng một tiếng. Ban đêm, Tác Y tiên tử mặc áo màu trắng, quần màu xanh lục, tay cầm vân bình, trong bình có cỏ Vạn Đằng, nhìn thì rất bình thường nhưng khi lôi nó ra khỏi bình thì cây cỏ nhỏ trong phút chốc vươn ra hàng vạn nhánh, trên mỗi nhánh đều có một cái lá nho nhỏ, trên mỗi lá có một bọt nước óng ánh, khi Tiên tử phất nhẹ cỏ Vạn Đằng, các hạt bọt nước rơi xuống người các thợ thủ công, làm tiêu tan sự mệt mỏi của họ. Các Tiên Nhạc đồng tử mình mặc áo vàng, tay cầm nhạc khí với những nốt nhạc phát ánh vàng kim, họ bay vào trong giấc mộng của các thợ thủ công. Buổi sáng tỉnh dậy, các Uy Ni Đạt nói: “Nghỉ ngơi một đêm mà tràn đầy sinh lực”, còn có người nói họ nghe được những giai điệu âm nhạc mỹ diệu.

Khi xây tháp được năm tháng, vào một buổi tối nọ, Ma Lạc và Ma Thái nghỉ ngơi trên một cái đài gần khu vực xây tháp Phật. Ma Thái nói với anh trai: “Em cảm thấy tháp Phật đang lấp lánh ánh hào quang rồi”, ngừng một lúc Ma Thái lại nói: “Anh à, buổi tối thật đẹp, em cảm thấy trong tâm một cảm giác hân hoan và nhẹ nhàng, như đang bay trong không trung và quan sát mặt đất”. Ma Lạc mỉm cười gật đầu.

Tháp Phật xây được tám tháng, Mông Cương nói với Ma Lạc: “Tháp Phật xây xong, công đức vô lượng, quốc vương còn phải chuyên cần tu đức hạnh nữa”. Ma Lạc giật mình, hành lễ nói: “Quan tư tế tôn quý, nếu đức hạnh của ta có gì khiếm khuyết, xin ngài hãy lập tức cảnh báo ta”. Mông Cương nói: “Không phải như vậy, trong khi ngồi tĩnh tọa, thần đã nhìn thấy ba bức họa, bức họa thứ nhất vẽ cảnh tháp Phật xây xong có chim phượng hoàng bay vòng trên không trung. Bức họa thứ hai vẽ cảnh tháp Phật xây xong, vạn dân chúng quy thuận. Bức họa thứ ba vẽ cảnh tháp Phật xây xong, mùa màng bội thu, trong không trung xuất hiện ngàn vạn điềm lành. Thần cho rằng tháp Phật xây xong thì Thần Phật sẽ ban cho Ma Thiên quốc nhiều phúc báo hơn nữa, cho nên quốc vương càng phải chuyên cần tu đức hạnh, giáo hóa dân chúng”. Ma Lạc gật đầu.

Khi tháp Phật sắp xây xong, Ma Lạc nằm mơ thấy tay mình đặt đá lên đỉnh tháp. Tỉnh dậy, Ma Lạc quyết định làm theo điểm hóa của Thần linh đặt đá lên đỉnh tháp. Thế là chàng dậy thật sớm, đích thân đi hái hoa tươi, tắm rửa sạch sẽ xong dâng hoa lên điện Thần, lễ bái Thần linh rất lâu, khẩn cầu Thần Phật phù hộ.

Thần dân biết tháp Phật sắp xây xong nên từ sớm đã tập trung đứng xem xung quanh tháp Phật. Họ thấy quốc vương mặc trang phục giản dị nên rất kinh ngạc, sau đó họ nhanh chóng biết rằng quốc vương muốn đặt đá lên đỉnh tháp Phật. Lúc đó thần dân vô cùng xúc động, họ chờ đợi mọi việc sắp xảy ra, trong tâm lặng lẽ cầu nguyện cho quốc vương.

Ma Lạc chọn ra bốn tráng sĩ trợ giúp, khi an vị trên đỉnh tháp, đá lớn được chuyển lên, Ma Lạc trong tâm khẩn cầu Thần linh phù hộ, tâm trí thuần khiết, toàn tâm vào việc đặt đá. Chàng đưa tay phải ra nâng cao tảng đá, tay trái nắm lấy gờ, các thợ thủ công bên dưới đều kinh hoàng, chăm chú đứng xem.

Lúc này, quan tư tế Mông Cương và Ma Thái trông thấy cổ tay phải của Ma Lạc lấp lánh ánh hào quang, vốn là tiên đan hóa thành. Đây là loại tiên đan có năng lượng rất lớn, là pháp bảo độc nhất của Đại Lực thần trên thượng giới, đã qua chín tháng luyện thành, Đại Lực thần lại truyền thần lực vào đó, sau đó nữ thần Kháp La Phi tặng cho Ma Đàm (cha của Ma Lạc). Khi Ma Lạc đặt tảng đá lên, ánh hào quang trên cổ tay khiến Ma Lạc có thần lực hơn người, thần lực lại có thể bảo hộ tảng đá, khiến tảng đá càng thêm vững chãi. Không chỉ Mông Cương và Ma Thái nhìn thấy hào quang, còn có một số người khác cũng trông thấy ánh hào quang trên mình quốc vương. Ma Lạc đã đặt tổng cộng chín tảng đá lớn lên đỉnh tháp.

Trong khi đó, Mông Cương nhìn thấy những con mắt dày đặc trên không trung đang quan sát việc xây tháp Phật, ông thấy khi Ma Lạc nâng một tảng đá, xung quanh tảng đá có rất nhiều thiên sứ với đôi cánh dài, phát ra ánh hào quang chói lọi. Ma Thái cảm thấy trong tâm có một đóa hoa sen đang xoay chuyển, phát ánh hào quang êm dịu, Ma Thái thấy toàn thân của anh trai phát ánh hào quang màu tím, trong đó có những tia chớp lấp lóe. Trong đầu Ma Thái hiện lên hai chữ “Tích Lịch”, nàng nghĩ: “Tích Lịch, đằng sau còn phải có từ nữa chứ, là gì vậy nhỉ? Có một từ có vẻ rất quen thuộc mà ta lại không nghĩ ra”, Ma Thái đột nhiên hơi chút hoang mang. Bỗng một vị Thần tiên trên trời vui vẻ nói: “Ngũ Thái Liên Hậu quên mất tên của Tích Lịch Kim Cương rồi sao?”

Ngày hôm đó, vương hậu Văn Mỹ một lòng lễ Phật, cầu xin Thần Phật ban cho quốc vương thần lực, trong tâm vui sướng vô hạn khi biết tháp Phật sắp xây xong. Lễ Phật xong, nàng đi ra nơi tháp Phật, chứng kiến Ma Lạc đặt xong tảng đá cuối cùng lên đỉnh tháp. Đỉnh tháp xây xong Ma Lạc mới xuống, Văn Mỹ trông thấy xung quanh Ma Lạc có quần thần đi theo, trong mắt Văn Mỹ lúc đó, Ma Lạc trông như một vị thần. Văn Mỹ dùng lễ nghi tôn quý quỳ bái trước Ma Lạc, thần dân đều quỳ bái theo, trong tâm tràn đầy sự kính ngưỡng vô hạn đối với quốc vương. Ma Lạc và Ma Thái nhìn nhau cũng vội quỳ xuống bái lạy, cảm tạ Thần linh trên trời dưới đất đã phù hộ cho tháp Phật xây thành.

Tháp Phật được xây trong chín tháng, ba ngày sau khi xây xong tháp, Ma Lạc cử hành nghi thức long trọng đặt bức tượng Phật và Thần mới vào trong tháp. Quan tư tế Mông Cương chủ trì nghi lễ “thỉnh Phật” trang nghiêm. Thời đó, người ta cho rằng Phật ngự tại thiên giới và Ngài có thể diễn hóa thành vô số thân thể. Khi con người thành kính, kính ngưỡng thờ cúng Phật, thì Đức Phật trên thiên thượng sẽ cảm ứng được, Ngài sẽ phái huyễn thân nhập lên tượng Phật, khiến tượng Phật có sự từ bi và pháp lực giống như chủ tôn, chỉ có người đức cao mới có thể “thỉnh Phật”.

Mông Cương nói: “Đức Phật từ bi vĩ đại, xin Ngài hãy lắng nghe tấm lòng của thế nhân: chúng con với tấm lòng thành kính thỉnh cầu Ngài đến ngụ tại thế gian. Tâm hồn con người dễ dàng bị mê mờ, nhưng sự từ bi của Phật thì vạn cổ bất biến, cầu mong đức Phật nghe được lời thỉnh cầu của chúng con, cầu mong Đức Phật đến thế gian. Chúng sinh tại thế gian lắng nghe lời Phật dạy, đắm mình trong hào quang của Phật mà không rơi vào khổ ải, để chờ đợi được cứu độ”. Mông Cương nói xong, đặt một cuốn kinh vào trong tượng Phật, dùng giấy dán lại, sau đó tụng đọc kinh Phật.

Lúc này trên không trung xuất hiện mây ngũ sắc, phượng hoàng bay đến, trăm chim tụ tập, những thợ thủ công nhìn thấy cảnh tượng này đều vô cùng xúc động.

Bức tượng Cự Hỷ Lạc Phật được đưa vào thờ trong tháp Phật là tượng Phật ngồi đả tọa, hai bên là tượng Thần Đại Địa Mô Mẫu và Chiến Thần Lệ Thiên. Cự Hỷ Lạc Phật là một vị Phật vĩ đại trên thế giới Thiên quốc, Ngài sẽ mang đến cho đất nước niềm hạnh phúc và may mắn. Tượng Thần Mô Mẫu đoan trang có nhiệm vụ giáo hóa, dạy dỗ đức hạnh cho dân chúng. Tượng Chiến Thần Lệ Thiên uy nghi phù hộ cho Ma Thiên quốc lập nên những chiến công, mở mang bờ cõi, thu phục các nước láng giềng kết duyên với Ma Thiên quốc.

 

Xem tiếp phần 10

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/241879



Ngày đăng: 19-03-2018

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.