Thể ngộ về “Khi danh-lợi-tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ”
Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục
[ChanhKien.org] Trong bài “Chân tu” thuộc Tinh Tấn Yếu Chỉ, Sư phụ giảng:
“Tu luyện tự nó không hề khổ, điểm chốt là không buông bỏ được chấp trước người thường. Khi danh-lợi-tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ.”
Sau khi tôi gặp khổ nạn trong tu luyện, tâm tính được đề cao rồi, tôi mới hiểu những gì Sư phụ đã giảng trong đoạn Pháp kể trên.
Một ngày tháng 06 năm 2014, con trai tôi đang làm việc ở một thành phố khác gọi điện thoại cho tôi và nói: “Mẹ ơi, vợ con vừa đi khám ở bệnh viện, và cô ấy đang mang thai đôi.” Tôi hỏi: “Thế con cần bố mẹ giúp các con như thế nào?” Con trai tôi trả lời: “Không cần gì cả mẹ ạ, con chỉ muốn báo tin cho bố mẹ thôi.”
Vài ngày sau, con trai tôi lại gọi và nói: “Mẹ vợ của con đang ở nhà con được hai tuần nay rồi. Bây giờ bà đang chuẩn bị rời đi vì bà vừa được nhận vào làm việc trong một cơ quan Nhà nước với mức lương cao. Con thì bận việc, mà cũng không biết nấu ăn hay làm việc nhà. Bác sĩ nói phụ nữ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong khi mang thai để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi, mà con thì không biết làm. Hiện giờ công việc của bố sắp hết rồi, mẹ thì đã nghỉ hưu mấy năm nay. Mẹ ở nhà không có việc gì làm. Con cần bố mẹ đến càng sớm càng tốt, phòng của bố mẹ đã sẵn sàng rồi.”
Sau khi nghe xong, tôi thấy rất giằng co. Tôi đã tu luyện tinh tấn hơn 10 năm, và chồng tôi ủng hộ Đại Pháp. Ông ấy sẵn sàng làm tất cả việc nhà để hỗ trợ tôi học Pháp và luyện công cũng như làm tốt ba việc. Những người thường ở khu vực chúng tôi ở đã hiểu chân tướng về Đại Pháp. Vì họ đã nhận thức được Đại Pháp nên tôi có một môi trường tu luyện rất tốt. Có một nhóm học Pháp chung ở nhà tôi. Nếu tôi đi, liệu môi trường tu luyện tốt đẹp mà rất khó gây dựng được này có bị mất đi không? Nhóm học Pháp chung sẽ không tồn tại nữa, điều đó sẽ mang đến những tổn thất không đáng có cho một số đồng tu. Tôi đã suy nghĩ về điều này. Liệu có dễ dàng tạo được một môi trường tu luyện tốt khác ở một thành phố lớn hay không? Tôi đã phải mất một thời gian rất lâu để tìm được một đồng tu tâm đầu ý hợp, và các nguồn lực về tư liệu của Đại Pháp cũng sẽ bị cắt bỏ. Nếu tôi nói tôi không muốn đi, con trai tôi chắc chắn sẽ không thông cảm. Can nhiễu này đột ngột xảy đến, và tôi phải đối mặt với nó. Làm sao để tôi có thể vượt qua được đây? Bởi vì tôi vẫn còn do dự, nên tôi đã không trả lời ngay qua điện thoại.
Con trai tôi không nghe được ý kiến của tôi, nên đã gọi điện thoại nói chuyện với bố nó. Bố nó đã lập tức đồng ý và định ngày đi. Ngay trước hôm chúng tôi đi, chồng tôi nói: “Sáng mai chúng ta sẽ đến nhà con.” Bỗng nhiên tâm tôi chao đảo. Thực ra, tôi không nói gì với con trai qua điện thoại vì tôi muốn trì hoãn một thời gian. Tôi muốn tìm một giải pháp để không ảnh hưởng tới việc tu luyện của mình mà lại giải quyết được tình huống nan giải của con trai. Trên thực tế, không thể một tay giữ chặt nhân tâm mà tay kia lại muốn vươn tới Phật quốc được. Tuy nhiên, chồng tôi là người thường và lại đưa ra quyết định một cách đột ngột như vây. Tôi biết là không thể thay đổi được quyết định đó. Tại sao ông ấy lại quyết định hấp tấp đến thế? Tại sao ông ấy không tôn trọng hoặc lắng nghe ý kiến của tôi, một người tu luyện, trước khi quyết định? Ông đã nghĩ gì vậy? Ông không trả lời hết các câu hỏi của tôi. Lúc đó tôi đã không nói gì cả, nhưng trong tâm tôi thì lại oán trách họ: “Tại sao ông lại không hiểu cái tâm của người tu luyện? Ông đã ủng hộ tôi tu luyện trong nhiều năm như thế, vậy mà khi đối mặt với một việc có thể can nhiễu đến tu luyện của tôi trong tương lai, tại sao ông lại không nghĩ cho tôi chứ? Hành vi của ông giống như một sự bức hại đột ngột của tà ác.” Tôi đã khóc một cách đau đớn cả đêm hôm đó.
Sau khi chúng tôi đến nơi, chồng tôi nói với tôi: “Vì con cái cần giúp đỡ, chúng ta là người lớn cần phải đến đây.” Tôi nghĩ chồng tôi đã không quyết định sai vì ông ấy là một người thường, dùng tiêu chuẩn của một người thường. Sư phụ đã giảng:
“Là người luyện công, chư vị nếu muốn nhảy xuất ra, thì chư vị phải dùng tiêu chuẩn ấy mà nhận định, chư vị không được dùng tiêu chuẩn của người thường mà nhận định; do đó về khách quan cũng tồn tại can nhiễu như thế.” (Bài giảng thứ chín – Chuyển Pháp Luân)
Khi tôi nghĩ tới điều đó, tất cả sự tiếc nuối, buồn bã, và cả những trách móc đều tan biến mất.
Tôi nghĩ ít nhất tôi sẽ thử tình huống này một thời gian xem sao. Tôi luôn luôn dùng tiêu chuẩn của một người tu luyện để đánh giá bản thân mình. Tôi sẽ làm việc nhà để con dâu tôi cảm thấy vui. Thật ra, tất cả các học viên đều biết rằng chúng ta cần làm ba việc. Chúng tôi phải tranh thủ nhiều thời gian để cứu thêm được nhiều người nữa. Chúng tôi thường ăn uống đơn giản hết mức có thể, và có khi chúng tôi chỉ ăn một hoặc hai bữa trong những ngày bận rộn. Tuy nhiên, con dâu tôi là một người thường và đang mang thai, nên tôi phải chuyên tâm chăm sóc nó.
Hàng ngày, vợ chồng tôi rời nơi ở vào tầm 2 giờ chiều, là lúc nóng nhất trong ngày. Chúng tôi đi bộ 15 phút tới trạm xe buýt. Chúng tôi xuống xe sớm để đi siêu thị mua rau tươi. Sau đó chúng tôi lại đi bộ 15 phút nữa tới nhà con trai. Mỗi một lượt đi chúng tôi mất một tiếng rưỡi. Khi tới đó, tôi bắt tay làm việc nhà, lau dọn căn nhà rộng 100m2, và nấu ăn.
Sau khi đồ ăn đã sẵn sàng, tôi gọi con dâu ngồi vào bàn ăn cơm. Sau khi tôi gọi vài lần, nó mới chậm chạp đi đến và lúc đầu chỉ ăn chút chút. Rồi nó không ăn nữa và nói: “Con no rồi.” Mấy ngày sau đó khi đồ ăn đã sẵn sàng, con dâu tôi lại không ăn và nói: “Con không đói.” Sau khi tôi gọi nó vài lần, nó cũng không ăn. Nó cứ nói “không đói”. Tôi hỏi nó: “Con không ăn, con thực sự không cảm thấy đói sao?” Con dâu tôi không nổi cáu mà chỉ nói chậm rãi: “Con không biết nữa!”
Chúng tôi đã mất thời gian nấu cả bàn thức ăn cao lương mỹ vị cho nó ăn. Chúng tôi cứ đợi nó ăn, nhưng nó không ăn. Tâm tôi thực sự căng thẳng và bồn chồn. Tôi lo lắng vì nó không ăn đủ để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai đôi. Tôi bồn chồn vì sợ lỡ chuyến xe buýt cuối cùng. Chúng tôi đã đợi nó ăn cho đến gần 7:45 tối, là khi mà phương tiện công cộng dừng phục vụ. Chúng tôi không muốn lỡ chuyến xe buýt cuối cùng, và chúng tôi không thể chờ thêm được chút nào nữa. Đến khi chúng tôi về đến nhà thì đã gần chín giờ tối. Hôm sau lúc ba giờ chúng tôi đến đó và thấy cả bàn đầy thức ăn vẫn còn nguyên. Con dâu tôi đã không ăn một miếng nào. Vì thời tiết nóng nực, thức ăn đã bị ôi thiu. Tôi quá buồn phải đổ thức ăn đi khi mà cả hai vợ chồng đều chưa được nếm.
Có thể bỏ một hoặc hai bữa nếu bạn ăn không ngon miệng, nhưng nó bỏ ăn hàng ngày, làm cho tôi phải tự hỏi. Chúng tôi phục vụ con tốt như thế và lặng lẽ bỏ công ra mà không đòi hỏi con phải tôn trọng hay biết ơn. Ít nhất thì con cũng phải hiểu cho tấm lòng của những người già chứ? Trên thực tế thì không phải như vậy, như Sư phụ giảng:
“khi chữa bệnh cho họ chư vị đã trục khỏi thân họ biết bao thứ xấu, trị giúp họ đến một mức độ nào đó, nhưng lúc ấy chưa có thể hiện biến đổi rõ ràng [ra bên ngoài]. Nhưng trong tâm họ không vừa ý, không cảm tạ chư vị; có khi còn nguyền rủa rằng chư vị lừa họ! Chính là đối mặt với những vấn đề ấy, để tâm của chư vị được ‘ma luyện’ trong hoàn cảnh ấy.” (Bài giảng thứ ba – Chuyển Pháp Luân)
Con dâu tôi đã chẳng thèm nói gì, không ăn gì, và hình như có vấn đề. Tôi hiểu rằng con dâu tôi đã chấp nhận sự chăm sóc của tôi. Bỗng nhiên, tôi ở trong một hoàn cảnh mà tôi không thể giận nó hay có thể nói gì với nó. Đây là một hoàn cảnh để tôi tu bỏ bản ngã làm mẹ chồng của mình. Tôi cảm thấy một nỗi khổ không thể diễn tả thành lời. Sư phụ giảng:
“Chư vị nên nhớ rằng chính niệm của chư vị có thể thay đổi người thường và không bị dẫn động bởi người thường.” (tạm dịch) (Giảng Pháp ở San Francisco, 2005)
Do đó, hàng ngày tôi kiên định học Pháp và phát chính niệm bất kể tôi về nhà muộn đến mấy. Tôi đã cố gắng thay đổi môi trường tu luyện của mình.
Hai tuần sau con dâu nói với tôi: “Hôm nay mẹ con sẽ tới đây.” Tôi nói: “Tốt rồi! Thế chồng con có biết không?” Nó nói: “Con chưa nói với anh ấy.” Tôi hỏi con dâu: “Mấy giờ mẹ con đến? Ai sẽ đi đón bà ấy?” Nó trả lời: “Con sẽ đi!” Tôi nói: “Không, để mẹ nói với chồng con bảo nó đi đón bà ấy.” Tôi bảo con trai: “Mẹ vợ con sẽ tới đây hôm nay. Không kể là con bận đến đâu, con không được quên đến trạm xe buýt đón bà ấy.”
Về việc có mặt đột ngột của bà thông gia, tôi không biết có phải là con dâu tôi đã gọi bà ấy đến hay do bà ấy nhớ con gái, hay là bà ấy đã bỏ việc, hay bà ấy không được nhận vào làm, hay bà ấy đang lên kế hoạch gì đó cho con gái và cháu ngoại. Tôi không hỏi tại sao, và cũng không tiện hỏi. Đó không phải là việc của tôi. Vào thời điểm đó, tôi chỉ biết nhiệm vụ của tôi là phục vụ ăn uống và chăm sóc con dâu trong khi nó mang bầu để đảm bảo là nó mạnh khoẻ và hai đứa cháu song sinh được phát triển bình thường cho tới ngày ra đời. Đó là thời điểm phù hợp để bà thông gia tới nhà con gái. Điều này phù hợp với tiêu chuẩn cuộc sống người thường. Tuy nhiên, tôi không hiểu làm thế nào bà thông gia biết là tôi đã không làm tốt việc chăm sóc con gái bà ấy, nên tôi đã phải về sau hai tuần. Đây có phải là khảo nghiệm đối với tôi không? Tôi cố gắng hướng nội như một người tu luyện để xem liệu tôi có làm tổn thương con dâu không, nhưng tôi không tìm thấy gì cả. Rồi tôi nghĩ nó là một người thường. Nó thường không nói chuyện hoặc làm việc một cách cởi mở. Giống như kiểu chơi trốn tìm vậy. Tôi không thể hiểu chuyện gì xảy ra trong tâm nó, và tôi cảm thấy khổ não khi phải buông bỏ sự dày vò này.
Tôi không thể nghĩ được gì nhiều. Chồng tôi và tôi phải vào bếp để chuẩn bị đồ ăn cho bà thông gia. Khi con trai tôi đưa mẹ vợ về đến nhà, tôi thấy con dâu rất phấn khởi gặp lại mẹ mình. Tôi không ghen tị chút nào, chỉ thấy vui. Việc bà ấy tới đây cũng có nghĩa là tôi có thể quay về với môi trường tu luyện của mình. Khi bữa tối đã sẵn sàng, bà thông gia chỉ cần nói: “Cùng ăn nào!”, lập tức con dâu tôi tới ăn. Nó ăn với một tâm trạng thoải mái. Sự khác biệt rành rành trong mối quan hệ giữa mẹ ruột với con gái và mẹ chồng với nàng dâu cho tôi thấy nguyên lý của Pháp một cách sâu sắc. Là người thường, ngoài cuộc sống vật chất và tinh thần thoải mái ra, con dâu tôi mong muốn được mẹ đẻ của nó chăm sóc. Vì thế, tôi nói với bà thông gia: “Bà đến đây thật tốt quá. Chúng tôi ở đây với mục đích là chăm sóc con gái bà và hai em bé. Nếu bà có thể hoàn thành việc đó thì chúng tôi có thể về nhà.” Bà thông gia nói: “Không phải tôi đến để đuổi bà đi đâu. Bà có thể ở lại thêm vài ngày nữa.” Tôi nói: “Tôi không muốn ở lại vài ngày nữa. Tôi muốn mua vé ngay hôm nay, và chúng tôi có thể về tối nay.” Sau đó, tôi ra ga tàu mua vé cho buổi tối hôm đó.
Khi con trai đưa chúng tôi ra ga, nó không thể đi cùng chúng tôi vào thang máy. Con tôi nhìn lên chúng tôi khi chiếc thang máy đi lên, trong khi tôi lại nhìn xuống nó. Vào lúc đó, chúng tôi, mẹ và con trai, dần dần cách biệt, và nước mắt tôi lã chã rơi. Sư phụ đã giảng:
“Nếu ‘tình’ kia chẳng đoạn, thì chư vị không thể tu luyện được. Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn.” (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)
Khi đoạn Pháp này xuất hiện trong tâm trí tôi, tôi bừng tỉnh như từ giấc mơ. Tôi biết là tôi phải từ bỏ cái tình, và tôi phải nhảy ra khỏi nó. Tuy nhiên, khi tôi thực sự phải từ bỏ nó, tôi mới cảm thấy một nỗi thống khổ không thể diễn tả bằng lời.
Sau thời gian hai tuần chịu đựng khổ não qua khảo nghiệm, tôi đã hiểu được Pháp lý này:
“Khi danh-lợi-tình của chư vị cần buông bỏ thì mới cảm thấy khổ.” (Chân tu – Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Khi cái danh của bạn không được hiểu rõ, tôn trọng, hay bị tổn thương, và bạn cần từ bỏ nó, đó là khi bạn cảm thấy khổ. Khi người thường không thể nói chuyện với bạn một cách cởi mở, bạn cần phải đoán quá nhiều, đó là khổ. Và khi bạn không thể thể hiện tình cảm của bạn trước mặt người khác thì cũng là khổ. Khi bạn phải thực sự từ bỏ chấp chước vào tình mẫu tử với con, nhưng không có ai hiểu bạn, và bạn không thể giải thích hay nói về nó và phải giấu nó vào tận sâu trong đáy lòng, đó là khi bạn thấy khổ.
Đây là thể ngộ của cá nhân tôi. Xin vui lòng chỉ ra những điều không thích hợp!
Dịch từ: http://pureinsight.org/node/6750
Ngày đăng: 01-03-2015
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.