Tác giả: Liễu Địch
[ChanhKien.org]
Nhạc Phi từ nhỏ đã lập chí tận trung báo quốc. (Ảnh: The Epoch Times)
Từ ngày buộc tóc tòng quân tới lúc thu phục lại được Kiến Khang, Nhạc Phi chinh chiến tám năm, trải qua hơn 200 trận chiến lớn nhỏ, cuối cùng trở thành một vị tướng trẻ tuổi thống lĩnh một đội quân tinh nhuệ. Sau khi quân Kim rút lui, những binh sĩ quân Tống trước đây đào ngũ giờ lưu lạc trở thành thổ phỉ, tiếp tục làm loạn ở vùng Giang Tây, Lưỡng Hồ. Nhạc tướng quân không kịp phủi bụi đường chinh chiến, dứt khoát tham gia chiến dịch bình định lũ giặc cướp này.
Ngày 10 tháng giêng năm đầu Thiệu Hương (năm 1131), Nhạc Phi nhận được chiếu lệnh từ Hoàng thượng, cùng Giang Hoài Chiêu Thảo Sứ là Trương Tuấn đi chinh phạt Lý Thành. Lý Thành tự xưng là “Lý Thiên Vương”, thừa dịp quân Kim xâm lược xuống phía Nam mà xâm phạm vùng Giang Hoài. Sau đó Lý Thành đóng ở vùng Giang Châu, quân số gần mười vạn, có ý đồ thu phục vùng Giang Nam. Triều đình xem hắn là họa lớn, Trương Tuấn tự biết không thể khắc chế được quân địch, liền xin triều đình mời Nhạc Phi, vị tướng có mưu lược và dũng khí đứng đầu ba quân tới tương trợ.
Bình định Lý Thành - mưu kế kỳ diệu, tính toán như Thần
Tháng hai, Nhạc Phi tiến quân cấp tốc, cùng Trương Tuấn tới trú tại Hồng Châu. Sau đó, tướng của đám giặc cướp là Mã Tiến cũng đến, dẫn theo mười vạn quân tới lập doanh trại, cùng quân Tống đối đầu cách nhau một con sông, sĩ khí bừng bừng. Đối mặt với đại địch, Trương Tuấn gọi người vào trong trướng nghị sự, các tướng sĩ liên tục đưa ra kế sách, chia quân làm hai lộ cùng nhau tấn công. Nói tới biện pháp hành quân tác chiến cụ thể, thì lại do Nhạc Phi đề xuất, căn cứ vào đặc điểm “Tham lam mà không suy nghĩ đến hậu quả” của Mã Tiến, ông kiến nghị lấy kỳ binh (cánh quân bất ngờ, thần kỳ) để giành thắng lợi.
Nhạc Phi lấy kỳ mưu chiến thắng mười vạn quân của Lý Thành, lập được kỳ công. Bức tranh “Xuất kỳ phá tặc đồ” nằm trong bộ “Bắc quan di tích đồ thiếp” của Triều Tiên. (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)
Kế hoạch của ông như sau: Trước tiên lấy ba nghìn kỵ binh, lên trên thượng nguồn rồi vượt sông, bất ngờ tấn công; mà Nhạc gia quân của Nhạc Phi nguyện ý làm đội quân tiên phong lấy ít thắng nhiều này. Sau khi Nhạc Phi vượt sông, dẫn quân xung phong, tấn công mạnh vào cánh phải doanh trại của Mã Tiến; quân Tống ở một lộ khác giáp kích trợ giúp, quả nhiên đánh cho Mã Tiến đại bại, hơn năm vạn giặc cướp bị bắt giữ. Mã Tiến mang theo tàn binh hốt hoảng chạy trốn, nhưng bị Nhạc gia quân truy kích gắt gao.
Mã Tiến chạy tới một cây cầu đất, muốn vượt sông chạy trốn, nhưng cây cầu đất đột nhiên sụp đổ, hắn không còn đường thoát, đành phải dẫn năm nghìn quân phản công. Nhạc Phi lại một lần nữa thể hiện tài nghệ bắn cung cao siêu của mình, một tên bắn hạ tướng tiên phong của quân địch. Sau đó các dũng sĩ của Nhạc gia quân hăng hái giết địch, khiến bọn giặc cướp tứ tán khắp nơi, Mã Tiến chạy trốn tới Quân Châu. Ngày hôm sau, Mã Tiến cùng đường, định lấy binh lực còn lại chuẩn bị quyết chiến với quân Tống. Nhạc Phi đã dự tính từ trước, cầm theo 200 người, giương cao lá cờ có chữ “Nhạc” tới bên ngoài thành nghênh chiến.
Bọn phỉ thấy Nhạc Phi ít người lực yếu, khinh suất mở cuộc tấn công. Hai quân giao chiến chưa được bao lâu, bốn phía đột nhiên xuất hiện lượng lớn quân Tống, bốn mặt vây công. Tình thế binh lính hai bên đảo ngược hoàn toàn, quân đội của Mã Tiến quá sợ hãi mất hết ý chí chiến đấu, tám nghìn người ngựa tự nguyện quy hàng. Mã Tiến chạy trốn một mạch, nhiều lần trúng mai phục, mất tổng cộng năm nghìn binh lực, không còn sức phản kháng, cuối cùng bên cạnh chỉ còn hơn mười người.
Thủ lĩnh giặc cướp là Lý Thành nghe tin, dẫn mười vạn đại quân giao chiến cùng quân Tống, bị Trương Tuấn đánh bại. Nhạc Phi thừa thắng truy kích, ở Vũ Ninh, Giang Tây bày trận dài 30 dặm, chuẩn bị tiêu diệt mấy vạn tên giặc cướp còn lại bên bờ sông Tu Thủy. Tới lúc đại chiến thì như có Thần linh hỗ trợ, sông Tu Thủy nổi sóng lớn cản đường vượt sông của Lý Thành. Nhạc gia quân chiếm hết cả thiên thời địa lợi, quân địch không đánh mà tự suy sụp. Tư liệu lịch sử có ghi lại: “Bất minh nhất phù, bất thi nhất thốc, nhi giải nhất ấp đảo thùy”. Tạm dịch: “Không cần một tiếng dùi trống, không một hạt bụi, mà cả một thành đều quỳ xuống chân của ông”. Cuối cùng, Lý Thành chạy giữ được mạng, đầu quân cho chính quyền nước Tề.
Thư pháp của Nhạc Phi: Hoàn ngã hà sơn, tinh trung báo quốc. (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)
Trương Dụng đầu hàng, dùng giấy mà thắng được nghìn quân
Kẻ tiếp theo bị chinh phạt là năm vạn quân của Trương Dụng. Hắn là đồng hương của Nhạc Phi, nổi tiếng dũng mãnh, tự xưng là “Trương Mãng Đãng”; thê tử của hắn có tên là “Nhất Trượng Thanh”, cũng là kẻ đầu lĩnh có võ nghệ phi phàm. Hồi Tông Trạch còn trấn thủ ở Khai Phong, bọn chúng cũng vì nước mà dốc sức, nhưng tới khi Đỗ Sung kế nhiệm thì vào rừng làm cướp. Trước khi xuất chinh, Trương Tuấn lại cầu viện Nhạc Phi: “Không có Nhạc công thì không thể khắc chế quân địch được!” Lại hỏi: “Cần bao nhiêu binh lực?” Nhạc Phi trả lời như chém đinh chặt sắt: “Ta đi một mình, giặc này có thể bắt gọn tay không!”
Vì để bảo đảm không có bất trắc, Trương Tuấn vẫn phái ra ba nghìn binh mã trợ giúp Nhạc Phi. Lần này Nhạc Phi không dùng vũ lực tấn công, mà lại cử người đưa tới cho Trương Dụng một phong thư do chính tay mình viết. Trong thư viết, Nhạc Phi nhớ tới việc Trương Dụng là đồng hương của mình mà khuyên hắn, chớ có nghĩ đến việc giao chiến, hãy tới quy hàng, có thể được quốc gia trọng dụng, hưởng thụ công danh vinh hoa; nếu kháng cự thì chỉ có thể nhận lấy thất bại mà thậm chí còn phải mất mạng, danh tiếng chẳng còn.
Từng chữ từng chữ của Nhạc Phi đều mạnh mẽ, dẫn động tình cảm của viên tướng làm phản, phân tích lý lẽ cho hắn ta. Hồi đầu chiến tranh, Trương Dụng chính là bại tướng dưới tay Nhạc Phi. Lúc nhìn thấy phong thư này, há còn chút dũng khí nào để chiến đấu đây? Trương Dụng lập tức cùng thê tử quỳ xuống bái lạy sứ giả: “Nhạc công cũng giống như phụ thân của tôi, sao dám không đầu hàng?” Nhạc Phi không phí một binh một tốt, đã chiêu hàng được mấy vạn binh sĩ.
Chứng kiến thành công kinh ngạc ấy, Trương Tuấn cũng nói lời cảm thán với thuộc hạ: “Mưu lược của Nhạc công, chúng ta đều không so được!” Tới lúc bẩm báo quân công, Nhạc Phi chắc chắn là người đứng đầu.
Tượng Dương Tái Hưng (Vương Song Khoan vẽ)
Bình định Tào Thành, vui mừng thu được mãnh tướng
Năm Thiệu Hưng thứ hai (năm 1132), giặc cướp làm loạn vùng Lưỡng Hồ, trở thành cái họa loạn mới ở trong nước của triều đình. Vì Nhạc Phi liên tục lập chiến công, nên ông được giao làm chủ soái dẫn quân xuất chinh. Có câu nói bắt giặc trước tiên phải bắt tướng. Trong đám giặc cướp có Tào Thành là thế lực lớn nhất, chỉ huy mười vạn phỉ binh. Kẻ đầu tiên Nhạc Phi phải dẹp yên chính là Tào Thành. Biết tin Nhạc gia quân đích thân tới, Tào Thành không dám khinh suất, tự mình đốc thúc quân sĩ tác chiến, còn phái cả người lẻn vào doanh trại Nhạc Phi thám thính tình hình.
Hết thảy hành động của chúng đều không qua được sự cảnh giác của Nhạc gia quân, họ rất nhanh chóng đã đưa tên do thám đến trước mặt Nhạc Phi thẩm vấn. Nhạc Phi lại tương kế tựu kế, diễn một vở kịch hay trước mặt tên do thám. Trong lúc đang thẩm vấn, ông làm bộ chợt nhớ ra điều gì đó đi ra ngoài trướng rồi hỏi han quân sĩ về tình hình lương thảo. Mắt thấy Nhạc Phi thảo luận về việc quân bên ngoài trướng, tên do thám đang ở trong trướng tự nhiên vểnh hết tai lên nghe ngóng.
Chỉ nghe thấy quân sĩ lo lắng bẩm báo: “Lương thực sắp ăn hết rồi, lại chưa có người cung cấp, làm thế nào đây?” Nhạc Phi cũng nói: “Mau thúc giục, nếu không chúng ta chỉ còn cách rút quân”. Dường như chợt để ý ra vừa “để lộ” thông tin, thanh âm bỗng nhiên im bặt. Nhạc Phi trở lại đại doanh, gương mặt rầu rĩ, giống như biết mình vừa mới lỡ lời. Ông tiếp tục thẩm vấn tên do thám, nhận ra hắn là “dân thường” nên thả cho đi. Tên do thám vội vã mang tin tình báo về báo cáo. Tào Thành nghe thấy mừng lắm, chuẩn bị đợi đến ngày hôm sau xuất quân.
Không ngờ rằng, ở phía đối diện, Nhạc Phi đã chuẩn bị yến tiệc thịnh soạn để khao thưởng đại quân, nửa đêm dẫn quân lặng lẽ tới gần doanh trại quân địch. Sáng sớm hôm sau, Nhạc gia quân đột nhiên xuất hiện phát động tấn công mãnh liệt. Lũ giặc cướp không kịp đề phòng, toàn quân bị diệt. Tào Thành chạy trốn, lại tập hợp được mấy vạn binh lực, chống cự ở ba quan ải vùng Quế Lĩnh. Nhạc Phi không dựa theo binh pháp, không bày trận thế, mà lại yêu cầu tám nghìn quân sĩ dũng mãnh tấn công vào cửa ải. Nhất thời tiếng trống trận sôi động, tiếng chém giết vang trời. Lũ giặc cướp bị sự dũng mạnh của Nhạc gia quân làm cho kinh sợ, tản mát đi như chim thú. Trận chiến đó Tào Thành thất bại, đầu hàng Hàn Thế Trung.
Trong lúc bình định Tào Thành, Nhạc gia quân cũng gặp phải một thất bại hiếm thấy. Trong lúc chiến sự, đại tướng của Tào Thành là Dương Tái Hưng phản công mãnh liệt, Nhạc Phi mất đi một người em trai là Nhạc Phiên và một viên tướng. Sau khi Tào Thành đầu hàng, Dương Tái Hưng vẫn ngoan cố chống cự, cuối cùng bị ái tướng của Nhạc Phi là Trương Hiến đánh bại. Lúc đó Dương Tái Hưng trốn trong một khe suối sâu, Trương Hiến muốn giết hắn để báo thù, hắn lại bằng lòng chịu trói, cầu xin một con đường sống: “Ta là hảo hán, nên đưa ta đi bái kiến Nhạc công!”
Nhìn thấy kẻ thù, Nhạc Phi không những không báo thù, trái lại còn kinh ngạc trước biểu hiện phi phàm của Dương Tái Hưng. Vì đại nghĩa của quốc gia, Nhạc Phi quyết định vứt bỏ thù riêng, cởi trói cho anh ta, lại nói: “Ta không giết ngươi, ngươi nên lấy trung nghĩa để báo đền quốc gia!” Dương Tái Hưng cảm động trước tấm lòng và tinh thần của Nhạc Phi, lập tức nhận lời. Từ đó Nhạc gia quân có thêm một vị mãnh tướng anh dũng thiện chiến.
Chỉ trong thời gian chưa tới hai năm, Nhạc Phi dẫn quân Nam chinh Bắc chiến, ngựa không dừng chân, bình định các lộ giặc cướp. Thanh danh và thực lực của ông đã ngang hàng với các lão tướng đương thời. Nhưng đó không phải là chí hướng của Nhạc Phi, mà chỉ là sự chuẩn bị để ông đánh lên phía Bắc Trung Nguyên, tấn công nước Kim đưa hai Hoàng đế trở về. Chí hướng của Nhạc Phi là bình định thiên hạ, từng có người hỏi ông, tới lúc nào thì thiên hạ mới thái bình? Cũng chính là đang hỏi ông, tới lúc nào thì mới kết thúc cuộc sống Nam chinh Bắc chiến này? Nhạc Phi đáp: “Quan văn không yêu tiền, quan võ không tiếc hy sinh, lúc ấy thiên hạ thái bình rồi”.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/18/10/6/n10765712.htm