Chấp trước căn bản: chấp trước vào ngoại hình



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp hải ngoại

[ChanhKien.org]

Trong Kinh văn “Tiến đến viên mãn, Tinh tấn yếu chỉ II Sư phụ giảng:

“Nhưng người ta đến thế [gian] là do nhân duyên đã quyết định đường đời con người và những được-mất trong đời con người; lẽ nào quan niệm của con người lại có thể quyết định từng quá trình trong đời người được? Do vậy cái gọi là ‘những theo đuổi và nguyện vọng tốt đẹp’ ấy cũng đã trở thành những truy cầu chấp trước thật đau khổ mà vĩnh viễn không đạt được”.

Với tôi ngoại hình có thể được xem là một chấp trước căn bản, tôi vô cùng chấp trước vào nó và cũng vì nó mà tôi đã từng cảm thấy vô cùng đau khổ.

Quá khứ tồi tệ

Chấp trước này bắt đầu có từ khi tôi còn rất nhỏ. Thuở ấy tôi rất ngưỡng mộ những bạn nữ xinh đẹp trong lớp. Sau khi lên trung học thuận theo việc đọc tiểu thuyết ngôn tình và xem phim ảnh mà chấp trước này lại mạnh lên thêm một bậc, khiến sắc đẹp trở thành điều tôi khao khát nhất trong cuộc đời.

Khi lên đại học trong lớp tôi có nhiều bạn nữ không xinh đẹp lắm, phần lớn họ đến từ nông thôn nên trông khá già dặn. Có một cô gái nhỏ tuổi hơn tôi nhưng nhìn lại giống như một người trung niên. Có lần cô ấy còn bị nhầm là dì của tôi. Lúc đó tôi nghĩ nếu mình có ngoại hình như vậy chắc bản thân sẽ đau khổ đến mức không thể sống nổi. Thực ra hầu hết những cô gái đó đều thiện lương, thuần phác, so với các nữ sinh sinh ra ở thành phố thì họ có ít quan niệm hiện đại hơn, không sống hư vinh, không so đo. Còn cô gái bị nhầm là dì của tôi lại rất theo truyền thống và luôn biết nghĩ cho người khác. Nếu dùng đặc tính của vũ trụ để đánh giá thì cô ấy là một sinh mệnh tốt hơn tôi rất nhiều. Lúc đó tôi lại đang ngưỡng mộ một nữ sinh ở phòng bên cạnh. Cô ấy trông cứ như một nhân vật bước ra từ tiểu thuyết ngôn tình nào đó với gương mặt trong sáng, xinh đẹp. Tôi thầm nghĩ nếu sở hữu được ngoại hình xinh xắn như vậy có lẽ mình sẽ chẳng còn mong ước điều gì trên đời nữa và tôi cũng thường cảm thấy vô cùng ghen tỵ với cô ấy. Chấp trước vào ngoại hình của tôi khi ấy thật mạnh mẽ biết bao nhiêu!

Vào những năm 90 ngành phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn chưa phát triển. Khi đó tôi đi tìm hiểu khắp nơi, tìm được những chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu và đã thực hiện mấy lần phẫu thuật thẩm mỹ. Có những cuộc phẫu thuật thất bại và phải chỉnh sửa lại. Tôi chìm mê trong đó mà không thể thoát ra, luôn cho rằng ngoại hình là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Nhưng trớ trêu thay dù đã trải qua hết tất cả các cuộc phẫu thuật, khuôn mặt của tôi vẫn chẳng khác xưa là mấy, đến mức những người quen biết tôi thậm chí còn không nhận ra sự thay đổi, càng không biết tôi đã từng làm phẫu thuật. Giờ đây tôi đang vô cùng hối hận. Bởi vì ngoại hình cũng là một loại phúc phận của nhân sinh, nếu thứ đó không thuộc về tôi thì dù tôi có tranh giành cũng chẳng được. Nếu muốn ngoại hình thay đổi đáng kể thì ắt phải dùng đức mà hoán đổi, ấy là việc đối đãi không tốt với bản thân, bởi muốn được phần hơn ở phương diện này thì đồng nghĩa với việc phúc phận ở những phương diện khác sẽ bị giảm bớt.

Lúc đó tôi chấp trước đến phát cuồng, đối với sắc đẹp cứ dùi mãi vào sừng bò, cha tôi cũng vì quá lo lắng cho tôi mà đổ bệnh, cuối cùng ông mất sớm. Hồi tưởng lại những năm tháng bướng bỉnh, tham cầu, chấp mê bất ngộ ấy tôi cứ day dứt mãi, đáng lẽ tôi nên biết quý tiếc những gì Sư phụ an bài cho mình, bao gồm cả ngoại hình. Sư phụ đã dọn sẵn con đường để tôi đắc Pháp, ban cho tôi phúc phận lớn nhất trong đời, vậy mà tôi lại mê đắm vào những thứ của người thường, tôi thật có lỗi với cha mình, càng có lỗi hơn với Sư phụ. Vào khoảng năm 1993 tôi từng đọc qua sách Đại Pháp, còn có một lần học công trong công viên vào năm 1995 nhưng tiếc rằng vẫn chưa thực sự đắc Pháp. Trong khoảng thời gian đó tôi bị tâm tham dục cực đoan, dưới ảnh hưởng của quan niệm hiện đại, can nhiễu bước vào tu luyện.

Chấp trước căn bản sau khi tu luyện

Sau khi tu luyện tôi vẫn chưa buông bỏ được chấp trước vào ngoại hình. Bản thân vẫn thường dùng cái quan niệm thâm căn cố đế này để đánh giá người khác. Khi thấy ai đó trẻ trung, xinh đẹp, tôi liền ngưỡng mộ, thậm chí còn ghen tỵ. Vài năm trước người tôi ngưỡng mộ nhất là một nữ đồng tu trông rất trẻ trung, dù đã ở tuổi trung niên nhưng nhìn vẫn cứ như một thiếu nữ. Tôi cảm thấy cô ấy dường như tu được rất tốt, khẳng định là luyện công rất chăm chỉ. Ngược lại khi nhìn thấy những phụ nữ trông già trước tuổi nhìn như những “bà bác” tôi cảm thấy thật tiếc cho họ, cảm thấy với họ dường như mọi thứ đều xong cả rồi vậy.

Tôi từng bị chủng quan niệm cố chấp này chi phối và còn cho rằng suy nghĩ như vậy là lẽ đương nhiên, là suy nghĩ thiên kinh địa nghĩa. Dần theo năm tháng trôi qua tôi chuyển từ ngưỡng mộ những người xinh đẹp sang ngưỡng mộ những người trông trẻ trung, cảm thấy đó là “thành tựu” có giá trị nhất của đời người. Phân tích sâu hơn tôi thấy đằng sau suy nghĩ này thực ra là tâm hư vinh và tâm sắc dục mạnh mẽ. Thứ nhất, ngoại hình trẻ trung, xinh đẹp giúp một người có thể diện giữa đám đông và thuận theo thói đời trượt dốc thậm chí khi cãi nhau người ta cũng dùng ngoại hình để công kích, hạ thấp những người không ưa nhìn. Thứ hai, bản thân tôi luôn truy cầu một tình yêu đẹp và vì loại tâm này mãi vẫn chưa được trừ bỏ tận gốc nên tôi luôn cho rằng chỉ khi còn trẻ đẹp mới có “giá trị” để được yêu thương, lỡ một khi trở thành “bà bác” tôi sẽ không còn “giá trị” nữa.

Càng lớn tuổi tôi càng cảm thấy đau khổ và lo lắng về ngoại hình của mình. Khi nhìn người khác tôi cũng bị vẻ ngoài của đối phương làm dao động ghê gớm. Tôi thường cảm thấy việc ai đó trông xấu xí hoặc già, béo không thể chấp nhận được, thậm chí có lúc còn… “giật mình sợ hãi”. Kỳ thực phần đông con người trong xã hội đều trông “bình thường” như vậy, chỉ là do chấp trước quá mạnh mẽ của tôi cùng với quan niệm biến dị tích lũy lâu dài qua thời gian mới dẫn đến việc tôi có một loại tâm tình và cảm xúc thiên lệch như vậy.

Nhìn lại quá khứ tôi thấy mình từng chấp trước và mê muội đến như thế, bị loại quan niệm này chi phối mà không cách nào tự thoát ra được.

Chuyển biến quan niệm

Về sau một đồng tu đã khai sáng cho tôi về vấn đề này. Cô ấy có ngoại hình rất ưa nhìn nhưng hoàn toàn không bận tâm đến vẻ bề ngoài. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng không phải ai trên đời cũng quá coi trọng ngoại hình. Gần đây, tôi đọc một bài viết trên Minh Huệ Net kể về một nữ đồng tu. Khi còn trẻ, cô ấy rất xinh đẹp, ai gặp cũng khen ngợi, nhưng cô hoàn toàn không để tâm đến dung mạo trời ban, sau này, cô ấy gặp tai nạn xe hơi và bị hủy nhan sắc nhưng cô vẫn không bận tâm. Dù người khác khuyên đi phẫu thuật thẩm mỹ cô cũng không làm. Cô cho rằng trước đây mình trông thế nào thì là thế ấy, bây giờ trông như thế nào thì là như vậy, hoàn toàn không có suy nghĩ gì.

Tôi phát hiện ra rằng những người không mấy quan tâm đến ngoại hình thường là những người có tương đối ít nhân tâm ở các phương diện khác, bởi vì họ không có tâm tranh cường hiếu thắng, không có tâm lý muốn vượt trội hơn người, cũng không khao khát được khen ngợi hay yêu thích, nên tự nhiên họ không có động lực để coi trọng ngoại hình. Thực ra có rất nhiều những người như vậy. Còn việc tôi để ý thái quá đến ngoại hình có liên quan tới rất nhiều nhân tâm mạnh mẽ, chủ yếu là tâm muốn vượt trội hơn người, không chịu nổi cảm giác thua kém và bị chế giễu. Ngoài ra, còn có chấp trước vào tình chưa buông bỏ. Vì thế việc chú ý đến ngoại hình chỉ là bề ngoài, còn chấp trước vào lời khen, sự công nhận và yêu thích của người khác mới là gốc rễ. Cuối cùng, ngoại hình trở thành một “công cụ” để tôi vươn lên và làm hài lòng người khác, chính là muốn dùng “công cụ” này để thu hoạch những thứ tốt từ mọi người.

Trong “Bài giảng thứ hai” của cuốn Chuyển Pháp Luân Sư phụ giảng:

“Hễ là người truy cầu công năng, chư vị phải chăng muốn sử dụng nơi người thường, hiển thị nơi người thường; nếu không thì chư vị muốn để làm gì? Nhìn không thấy, rờ không được; ngay cả làm vật trang trí cũng phải tìm đồ [đẹp mắt] dễ coi chứ! Đảm bảo là ẩn giấu trong ý thức chư vị có suy nghĩ dùng chúng với mục đích ấy”.

Vậy tại sao tôi lại đặc biệt để ý đến “công cụ” ngoại hình này đến thế? Là vì bị cuốn theo dòng, khi đạo đức trượt dốc thì con người càng coi trọng những thứ bề ngoài mà đôi mắt có thể nhìn thấy. Thêm nữa là vào thời kỳ mạt Pháp chấp trước vào sắc tình của thế nhân cũng trở nên phổ biến, do đó ngoại hình dường như cũng trở thành một loại công cụ “đắc lực” nhất.

Bây giờ tôi đã minh bạch được việc một người trông trẻ hơn hay đẹp hơn thì không có gì đáng để ngưỡng mộ. Tôi nhớ nhiều năm trước tôi đã cảm thấy rất đắc ý vì cách ăn mặc làm tôi trông trẻ ra nhiều. Một nữ đồng tu cũng chấp trước vào ngoại hình khi nhìn thấy tôi thì đôi mắt sáng lên, vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng thực ra, giai đoạn đó lại là khoảng thời gian mà tôi cảm thấy hối hận nhất và không muốn nhớ lại nhất trong quá trình tu luyện của mình.

Lúc ấy tôi đang sa vào một mối quan hệ tình cảm nam nữ không đúng đắn, dù chỉ ở trong tư tưởng nhưng cũng là một việc mà người tu luyện tuyệt đối không nên có, chuyện đó đã gây ra nghiệp tư tưởng và ác báo cho tôi trong nhiều năm sau này. Mà người ấy cũng rất chú trọng đến ngoại hình của phụ nữ, nói thẳng ra là một kẻ háo sắc. Sau này tôi mới hiểu rằng, những ai vướng vào chuyện tình cảm nam nữ không đúng đắn, dù chỉ trong suy nghĩ hay trên hành vi thì đều là những người hết sức ích kỷ, tự tư tự ngã, có khiếm khuyết lớn về nhân phẩm và đạo đức, đầu não chứa đầy tà niệm. Điều họ thực sự quan tâm chỉ là cảm xúc của bản thân nhưng lại tự lừa người dối mình rằng đang đối xử tốt với đối phương.

Quan trọng hơn, tình cảm nam nữ không chỉ gây trở ngại cho quá trình tu luyện của bản thân mà còn can nhiễu nghiêm trọng đến con đường tu luyện của đồng tu. Nó không giống như quan niệm phổ biến trong xã hội ngày nay, cho rằng những tình cảm nảy sinh trong suy nghĩ không phải là vấn đề gì to tát. Trong Kinh văn “Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc” Sư phụ giảng:

““Chính Pháp” cự đại cứu độ chúng sinh mà Sáng Thế Chủ và chư Thần an bài hàng muôn vàn năm há lại dung thứ cho con người thế gian can nhiễu! Đó là tội to lớn nhất mà chúng sinh các giới tuyệt không thể phạm!”

Tôi lý giải được rằng giữa các đồng tu thì chỉ có thể cứu giúp lẫn nhau, nếu can nhiễu đến đồng tu thì tội lỗi gây ra cũng nặng nề như can nhiễu đến việc cứu người, đây không phải là chuyện có thể tự cho rằng không đáng kể gì rồi giải quyết qua loa cho xong. Trong tình huống có vô số không đếm xuể những cặp mắt của chư Thần trong vũ trụ đang chăm chú nhìn vào các đệ tử Đại Pháp thì lẽ nào chúng ta có thể che giấu được những ý niệm của mình? Huống chi sai lầm này còn kéo dài suốt mấy năm trời.

Về sau tôi tìm hiểu được nữ đồng tu mà tôi từng ngưỡng mộ nhất vì vẻ ngoài trẻ trung cũng gặp phải những vấn đề tương tự như tự ngã, tâm tranh cường hiếu thắng, coi trọng tình cảm nam nữ và rất chú ý đến ngoại hình, cũng từng trải qua những chuyện tình cảm không nên có như “đôi bên cùng quyến luyến” v.v. Nghĩa là nói bạn thực sự không thể biết được một người xinh đẹp có nội tâm ra sao, vậy thì có gì đáng để ngưỡng mộ chứ?

Sau khi thoát ra khỏi lối suy nghĩ ấy tôi nhận ra mình không nên ngưỡng mộ những người trẻ trung, xinh đẹp, thay vào đó tôi nên ngưỡng mộ những đồng tu có tâm tính tốt, vì tâm tính mới là yếu tố then chốt quyết định tương lai của một sinh mệnh. Tôi cũng nhận thấy một số đồng tu tuy vẻ ngoài có già đi theo năm tháng nhưng bản tính lại rất thiện lương, đôn hậu, luôn biết nghĩ cho người khác, họ sống theo những giá trị truyền thống và không đặt nặng cảm xúc cá nhân. Khi ở nhà họ là những người vợ hiền, mẹ tốt, khi tham gia phối hợp chỉnh thể trong hạng mục họ rất điềm tĩnh và hòa đồng, trong lòng hoàn toàn không vướng bận việc ngoại hình trông có trẻ trung hay không.

Là người tu luyện, nếu cứ mãi ôm giữ chấp trước vào ngoại hình mà không buông bỏ thì hoàn toàn không có cách nào tiến đến thực tu. Loại chấp trước này là một trong những nhân tâm bất hảo nhất, là cái tâm phi thường bất chính, trái ngược hoàn toàn với phương hướng tu luyện của chúng ta. Sắc tâm chính là biểu hiện của ma tính đại phát, là tư tưởng của yêu ma quỷ quái, giống như mụ hoàng hậu trong truyện Bạch Tuyết, lúc nào cũng muốn trở thành người phụ nữ đẹp nhất thế gian. Tại sao một sinh mệnh độc ác như vậy lại quan tâm nhất đến ngoại hình? Kỳ thực cũng không hề ngẫu nhiên, mà đó là hệ quả tất yếu khi một sinh mệnh có lòng tham dục quá mạnh mẽ, luôn muốn tranh phần hơn và chiếm thế thượng, hơn nữa điều mụ ta coi trọng nhất chính là thứ mà dưới quan niệm hiện đại, trong con mắt của những người thế tục, là “lợi ích” lớn nhất, mang tính tự nhiên nhất.

Chấp trước vào vẻ ngoài trẻ trung thực chất cũng là một loại tâm tham dục mạnh mẽ, và quan niệm hình thành từ sắc tâm khi liên tục được củng cố sẽ trở nên ngày càng mạnh hơn. Và tôi cứ cảm thấy như thể mình đang nuôi dưỡng một thể sinh mệnh nào đó – giống như một người bị rối loạn nhân cách – chỉ chấp nhận bản thân trong hình ảnh một cô gái trẻ mà không cách nào nhìn nhận rằng mình đã là một phụ nữ trung niên, dù tuổi tác dần tăng nhưng tâm hồn thì vẫn vậy. Trong xã hội hiện đại ngày nay cụm từ “thiếu nữ trung niên” chính là nói về tâm lý biến dị của bệnh rối loạn nhân cách ở nhiều người. Tôi gắng sức tách bạch tâm lý đó ra khỏi bản thân mình, không thừa nhận nó và suy nghĩ theo cách ngược lại. Tôi tự hỏi bản thân: trên đời có biết bao nhiêu người không có ngoại hình lý tưởng, hay có người dù khuôn mặt bị lão hóa nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận, vậy tại sao tôi cứ một mực truy cầu sự trẻ trung xinh đẹp? Đây là đạo lý gì? Ngoại hình có ảnh hưởng đến việc tu luyện không? Tôi tự đặt ra những câu hỏi này nhằm làm lung lay chủng quan niệm đó.

Hồi tưởng lại quá khứ tôi nhận ra mình từng xem thường những người có ngoại hình không đẹp, còn đối với những người trông ưa nhìn hoặc trông trẻ hơn tôi lại có một loại cảm giác đặc biệt, cứ như thể họ cao hơn người bình thường một bậc, các bạn nói xem lối nghĩ này bất thiện đến nhường nào? Sau này tôi không ngừng nhắc nhở bản thân rằng chúng sinh là bình đẳng, so với những người xinh đẹp thì những người không có ngoại hình bắt mắt cũng chẳng hề thấp kém chút nào. Kiểu quan niệm “nhan sắc là chính nghĩa” này thực sự là một trong những quan niệm tà ác nhất của thời mạt thế, đằng sau nó là vô vàn ma tình và lạn quỷ. Rất nhiều người lương thiện trong xã hội bình thường cũng không nghĩ như vậy, đặc biệt là người phương Tây, họ thường có thái độ tôn trọng và đối xử bình đẳng với những người khuyết tật hoặc có khiếm khuyết về ngoại hình.

Lời kết

Quan niệm của tôi về ngoại hình giờ đây đã được uốn nắn trở lại. Tuy quan niệm đã chuyển biến, nhưng phương diện về cảm thụ tình cảm cũng cần được quy chính, bởi vì thói quen cảm nhận hình thành trong thời gian dài vốn không thể thay đổi ngay lập tức được. Dù sao tôi đã thể hội được tình cảm từng khiến bản thân rơi vào đau khổ cùng cực nên nhất định phải buông bỏ và tu bỏ hoàn toàn cái tình.

Qua những bài giảng Pháp mà tôi học gần đây tôi có một số thể hội. Trong “Bài giảng thứ chín” trong sách Chuyển Pháp Luân Sư phụ giảng:

“Họ ngày càng coi trọng những lợi ích thực tiễn nhỏ nhoi ấy, như vậy bụng dạ của họ ngày càng hẹp hòi, họ ngày càng cho rằng lợi ích vật chất có được ở nơi người thường mới là những thứ không thể buông bỏ được, họ cũng nhận rằng bản thân họ coi trọng hiện thực, họ cũng không chịu thiệt thòi”.

Tôi cảm thấy trong quá khứ ngoại hình đối với tôi chính là “thứ giữ chặt không rời”, cũng là chủng lợi ích mà tôi coi trọng nhất. Đằng sau đó là tâm cầu danh, tâm thể diện, tâm sắc dục, tâm háo thắng, tất cả đều bắt nguồn từ cái tôi. Vì không đọc hiểu được Đại Pháp thần thánh, không hiểu được rằng cái lý nơi con người là phản lý, thế nên mới ôm giữ danh lợi tình mà không buông. Nghĩ lại tôi thấy vô cùng hối hận và xấu hổ trước sự từ bi khổ độ của Sư phụ.

Cũng trong “Bài giảng thứ chín” Sư phụ giảng:

“Chư vị đâu biết rằng họ sống mệt mỏi ra sao, họ ăn không ngon ngủ không yên, trong mơ cũng lo lợi ích của mình bị tổn thất. Đối với lợi ích cá nhân, họ cứ dùi mãi vào sừng bò, chư vị nói xem họ sống vậy có mệt mỏi không; cả một đời họ cứ sống vì điều đó”.

Nhớ lại rất nhiều lần trong mơ tôi cũng để tâm đến ngoại hình, nghĩa là ngay cả trong mơ tôi cũng lo sợ cái ‘lợi ích’ căn bản này bị tổn thất, thực sự đã dùi sâu vào sừng bò, sống một cuộc đời thật mệt mỏi.

Bởi vì tôi phát hiện xung quanh có nhiều đồng tu có cùng quan niệm giống như tôi nên muốn chia sẻ một số thể hội của mình về phương diện này, hy vọng chúng ta có thể khích lệ lẫn nhau và cùng thoát khỏi vũng lầy của quan niệm hiện đại này càng sớm càng tốt.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/292824



Ngày đăng: 15-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.