Bài báo công kích mới nhất của The New York Times đã bóp méo sự thành công của Shen Yun ra sao



Bài viết của Petr Svab / Biên dịch: Lâm Yến, Trương Đình

[ChanhKien.org]

Ngày 31 tháng 8 năm 2021, tòa nhà The New York Times ở thành phố New York. (Samira Bouaou/The Epoch Times)

Trong khi hầu hết các đoàn nghệ thuật đang vật lộn với khó khăn tài chính, phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ hoặc doanh nghiệp để hoạt động, thì Shen Yun lại phá vỡ quy tắc thông thường bằng cách áp dụng mô hình kinh doanh tự chủ. Từ một đoàn nghệ thuật nhỏ ban đầu, đến nay Shen Yun đã phát triển thành tám đoàn lưu diễn khắp toàn cầu.

Đoàn nghệ thuật Shen Yun được thành lập bởi những người tu luyện Pháp Luân Công, với tôn chỉ phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa. Thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật, Shen Yun cũng kêu gọi thế giới chú ý đến cuộc bức hại mà Pháp Luân Công đang gánh chịu ở Trung Quốc, một quốc gia cộng sản.

Vậy mà, thành công về nghệ thuật và tài chính của Shen Yun lại bị tờ The New York Times nhiều lần công kích. Trong thời gian chưa đầy năm tháng, tờ báo này đã đăng ít nhất chín bài viết mang tính công kích nhắm vào Shen Yun, trong đó bao gồm cả một số bài báo được ấn bản tuần này.

Trong bài viết công kích mới nhất, The New York Times đã đưa tin dưới góc độ tiêu cực về nguồn dự trữ tiền mặt của Shen Yun, và cố gắng làm mờ nhạt thành công của Shen Yun bằng cách nhấn mạnh vào việc một số học viên Pháp Luân Công tình nguyện đóng góp sức người, sức của để hỗ trợ quảng bá cho các buổi biểu diễn.

Ngay từ đầu bài viết, The New York Times thậm chí còn ám chỉ rằng Shen Yun “có thể” đã thu được một số khoản tiền thông qua các thủ đoạn phi pháp, nhưng sau đó lại không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để bảo vệ cáo buộc này.

Theo The Epoch Times, các phóng viên của The New York Times đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật trong bài báo, và đã che giấu độc giả sự thật rằng trước khi đăng bài họ đã bị cáo buộc đưa ra những nội dung không chính xác.

Shen Yun đã đưa ra một tuyên bố đáp trả: “Chúng tôi thực sự đã đạt được thành công phi thường”.

“Chúng tôi đã xây dựng nên một đoàn biểu diễn nghệ thuật phát triển nhanh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà không cần sự trợ giúp bên ngoài. Đây cũng là sự thật”.

“The New York Times đã hoàn toàn bóp méo nguyên nhân dẫn đến thành công của chúng tôi, cũng như sự thực về cách chúng tôi thực hiện được mục tiêu đó trên nhiều phương diện”.

Shen Yun đã trở thành một hiện tượng văn hóa quan trọng, mỗi năm đều trình diễn một chương trình múa cổ điển Trung Hoa hoàn toàn mới, lấy chủ đề “Trung Quốc trước thời chủ nghĩa cộng sản”. Mỗi đoàn nghệ thuật đều có một dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trực tiếp, mỗi năm phục vụ khoảng một triệu khán giả trên toàn cầu.

Pháp Luân Công phản bức hại

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần hướng tới việc tu dưỡng bản thân, lấy “Chân – Thiện – Nhẫn” làm chỉ đạo căn bản, bao gồm năm bài công pháp động tác chậm rãi và đẹp mắt. Vào những năm 1990, Pháp Luân Công được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, vào thời điểm đó chính quyền Bắc Kinh ước tính có khoảng từ 70 đến 100 triệu người tu luyện. Năm 1999, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã cáo buộc Pháp Luân Công “tranh giành quần chúng” với hệ tư tưởng cộng sản và phát động một chiến dịch đàn áp.

Từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu một chiến dịch bắt giữ quy mô lớn đưa hàng triệu học viên Pháp Luân Công vào tù hoặc các trại lao động. Nhiều học viên đã bị tra tấn đến chết hoặc bị mổ cướp nội tạng sống. Những nội tạng này được ĐCSTQ sử dụng để phát triển ngành công nghiệp cấy ghép nhằm trục lợi.

Những người tu luyện Pháp Luân Công trên toàn cầu, bao gồm cả ở Trung Quốc đại lục, cũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động phản bức hại, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc đại lục đối với cuộc đàn áp này. Trong đó, nhiều người ở hải ngoại đã lên tiếng vì những người thân của họ đang bị giam giữ hoặc bị bức hại ở Trung Quốc, và việc tham gia hoạt động phản bức hại của họ hoàn toàn là tự nguyện.

Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC), một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi việc Pháp Luân Công bị đàn áp cho biết: “Các học viên Pháp Luân Công đã sử dụng những phương thức sáng tạo và phi bạo lực, không chỉ để giúp lên tiếng cho gia đình và đồng tu của họ ở Trung Quốc, mà còn hy vọng giúp người dân Trung Quốc cũng như mọi người trên toàn thế giới nhận ra sự tuyên truyền độc hại và sai sự thật của ĐCSTQ, từ đó chấm dứt cuộc bức hại này”.

Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp viết trong một thông cáo báo chí rằng: “Những nỗ lực này bắt nguồn từ một niềm tin sâu sắc, rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, đây là điều mà rất nhiều tín ngưỡng đều tin vào; đặc biệt là những hành vi bạo lực đàn áp và sát hại người vô tội, dù không phải trong kiếp này, cũng sẽ bị trừng phạt sau khi chết”.

Mặc dù cuộc đàn áp với quy mô lớn diễn ra ở Trung Quốc và các lực lượng dân chúng đã nỗ lực phơi bày sự thật về cuộc bức hại này, nhưng sự chú ý của các phương tiện truyền thông Mỹ đối với cuộc bức hại này lại tương đối chậm chạp. Tất nhiên, cũng có một số ít ngoại lệ, chẳng hạn như loạt bài viết về Pháp Luân Công của nhà báo Ian Johnson của The Wall Street Journal, loạt bài này đã mang về cho ông giải Pulitzer năm 2001.

Theo một báo cáo phân tích do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp công bố vào đầu năm nay, The New York Times không chỉ không đưa tin về sự kiện nhân quyền quốc tế quan trọng này mà còn đưa ra lập trường đối lập. Ban đầu, tờ báo này lặp lại tuyên truyền chống Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Sau đó, ngay cả khi ngày càng có nhiều bằng chứng về cuộc bức hại xuất hiện, tờ báo gần như hoàn toàn phớt lờ sự kiện vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này.

Trong những năm gần đây, The New York Times bắt đầu công khai công kích đoàn thể Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ, đặc biệt là Đoàn Nghệ thuật Shen Yun.

Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã đặt ra nghi vấn về thời điểm công bố loạt bài gần đây của The New York Times, chỉ ra rằng các bài viết này trùng khớp với thời điểm của một chiến dịch mới của ĐCSTQ được triển khai nhằm “tiêu diệt” Pháp Luân Công ở hải ngoại, như được nêu trong báo cáo của những người tố giác.

Trong một tuyên bố ngày 30 tháng 12, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã chỉ ra rằng, chiến dịch được gọi là “tiêu diệt” này bao gồm các cuộc tấn công “thông qua các bài báo trên các kênh truyền thông không có mối liên hệ rõ ràng với chính quyền ĐCSTQ”.

Đoàn nghệ thuật Shen Yun cũng đưa ra một tuyên bố: “Những bài báo của The New York Times bóp méo về Shen Yun đã hoàn toàn bỏ qua sự thật — đó là câu chuyện về những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đã đổ cả mồ hôi, máu và nước mắt để thoát khỏi sự bức hại của ĐCSTQ”.

Vào ngày 10 tháng 1 năm 2016, tại Nhà hát Opera Tưởng niệm Chiến tranh ở San Francisco, các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun cúi chào khán giả sau buổi biểu diễn. (Leo Timm/Epoch Times)

Một phong trào quần chúng

Bà Gail Rachlin chia sẻ với The Epoch Times rằng, nhiều học viên Pháp Luân Công cho rằng thành công của Shen Yun là một sự đột phá, giúp nâng cao nhận thức của công chúng về cuộc bức hại đang diễn ra. Bà Rachlin là một nhà môi giới bất động sản ở New York, từng giữ các vị trí quản lý cấp cao tại American Airlines, FedEx, và Hilton Hotels. Bà là một trong những học viên Pháp Luân Công đầu tiên nỗ lực phơi bày sự đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công trước công chúng Mỹ.

Bà cho biết, khi Shen Yun đến biểu diễn, đó là một cơ hội quý giá để mọi người hiểu thêm về sự thật liên quan đến Pháp Luân Công.

Nhờ vào kinh nghiệm tổ chức sự kiện của mình, bà Rachlin nhanh chóng chủ động đề nghị giúp đỡ tổ chức các buổi biểu diễn Shen Yun tại New York.

Bà Gail Rachlin nói: “Shen Yun là cách tốt nhất để truyền tải tình huống thực tế của chúng tôi. Đó là cách chúng tôi thể hiện quyền tự do của mình”.

Các buổi biểu diễn của Shen Yun nhận được nhiều lời khen ngợi rộng rãi nhờ thông điệp truyền tải lay động lòng người, trình độ biểu diễn nghệ thuật cao và chất lượng chương trình hoàn hảo. Mỗi năm, Shen Yun đều đưa vào một hoặc hai tiết mục múa kể về sự thật Pháp Luân Công bị bức hại. Người dẫn chương trình cũng giải thích với khán giả rằng đây là lý do Shen Yun không thể biểu diễn tại Trung Quốc.

Thông thường, các học viên Pháp Luân Công sống ở khắp nơi trên nước Mỹ sẽ mời Shen Yun đến địa phương của họ biểu diễn. Các buổi diễn được tổ chức tại những nhà hát hàng đầu, thông qua các tổ chức phi lợi nhuận ở địa phương.

Doanh thu bán vé được sử dụng để chi trả các khoản chi phí cho đơn vị tổ chức và thù lao biểu diễn cho Shen Yun.

Trong một số trường hợp, các nhà tổ chức địa phương cũng tự bỏ tiền túi để quảng bá buổi biểu diễn và sẽ được hoàn trả chi phí khi bắt đầu có doanh thu từ việc bán vé.

The New York Times đã dựa trên một trường hợp ở bang Indiana trong mùa diễn 2017-2018 để đưa ra những tuyên bố sai lệch rằng buổi biểu diễn không thu được đủ doanh thu để nhà tổ chức chi trả chi phí ban đầu, và rằng vài năm sau họ mới có thể bù đắp các khoản chi này nhờ vào trợ cấp của chính phủ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Học hội Pháp Luân Đại Pháp ở Indiana, đơn vị tổ chức sự kiện, đã gửi một thông báo qua email cho phóng viên của The New York Times trước khi bài báo được đăng, và khẳng định rằng các tuyên bố của tờ báo là sai sự thật.

Trong tuyên bố, vị hội trưởng viết rằng: “Nếu anh có thể cung cấp những tài liệu mà các anh đã lấy làm bằng chứng để đưa ra những phát biểu sai lệch này, tôi sẽ rất cảm kích”. Tuy nhiên, ông cho biết, mình vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía phóng viên.

Ông giải thích với The Epoch Times rằng các buổi biểu diễn năm đó thực sự rất thành công, mang lại đủ doanh thu để chi trả toàn bộ chi phí trong cùng mùa diễn, và không hề liên quan đến bất kỳ khoản trợ cấp nào từ chính phủ. Ông cũng cung cấp sao kê ngân hàng năm 2018 của tổ chức phi lợi nhuận này để làm bằng chứng.

Phóng viên của The New York Times đã không trích dẫn bất kỳ nội dung nào trong tuyên bố của vị hội trưởng này trong bài báo của mình.

Thay vào đó, phóng viên này đã lên tiếng rằng các học viên Pháp Luân Công tham gia vào các buổi biểu diễn Shen Yun vì cái gọi là “cuồng tín tôn giáo”, họ cho rằng xem những buổi diễn như một cách để cứu rỗi con người khỏi “ngày tận thế sắp đến”.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, khoảng sáu học viên Pháp Luân Công từng tham gia giúp đỡ tổ chức các buổi diễn của Shen Yun đều bác bỏ hoàn toàn bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến quan điểm “ngày tận thế”.

Ngược lại, họ đã nêu ra ba lý do chính để ủng hộ Shen Yun: Tất cả họ đều yêu thích văn hóa truyền thống Trung Quốc và cho rằng sau khi ĐCSTQ phá hủy nó thì việc phục hưng văn hóa là một sự nghiệp đáng được ủng hộ.

Họ cũng cho rằng các buổi biểu diễn của Shen Yun giúp nâng cao tinh thần cho khán giả.

Bà Audrey Lamb chia sẻ: “Shen Yun mang đến cho mọi người hy vọng, giúp khơi dậy những điều bình an nhất trong tâm hồn và đánh thức sự thiện lương trong lòng họ”.

Bà Lamb đã tham gia tổ chức các buổi biểu diễn Shen Yun tại San Antonio, Texas trong suốt bốn năm qua.

Bà nói thêm: “Shen Yun mang lại lợi ích cho xã hội và nhân loại, đó là một điều vô cùng ý nghĩa. Vì vậy, tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi được tham gia vào công việc này”.

Ngoài ra, họ cũng cho rằng các buổi biểu diễn Shen Yun là một biện pháp mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của mọi người về việc ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công.

Bà Gail Rachlin, sống tại New York chia sẻ: “Đây chính là lý do chúng tôi ủng hộ Shen Yun”, “chứ không phải vì một loại ‘ngày tận thế’ nào đó”.

Việc miêu tả Pháp Luân Công như một tín ngưỡng liên quan đến ngày tận thế là một chiêu bài tuyên truyền cũ kỹ mà ĐCSTQ từng sử dụng trong giai đoạn đầu của cuộc bức hại. Tuy nhiên, những tuyên bố này từ lâu đã bị vạch trần.

Trong một tuyên bố, Shen Yun cho biết: “Thật đáng lo ngại khi thấy một số chủ đề trong bài viết của The New York Times có sự tương đồng đáng kinh ngạc với tuyên truyền của ĐCSTQ về Shen Yun và Pháp Luân Công”.

25 năm trước, những câu chuyện này được dựng lên tại Bắc Kinh nhằm tước đoạt quyền tự do của chúng tôi, bôi nhọ nhân phẩm của chúng tôi, bịt miệng chúng tôi, và kích động mọi người chống lại chúng tôi, để tạo điều kiện cho một chiến dịch bạo lực và tàn sát trên toàn quốc.

“Những chủ đề (giống với tuyên truyền của ĐCSTQ) này lại xuất hiện trên The New York Times, điều này khiến nội bộ tờ báo cũng như độc giả của họ hết sức quan tâm”.

Phóng viên của The New York Times còn đưa ra cáo buộc sai lệch rằng một nhân viên của Shen Yun đã dùng toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để mua thiết bị và một số món đồ xa xỉ cho Shen Yun và các nhân viên sử dụng, sau đó qua đời vì ung thư do không đủ khả năng chi trả chi phí điều trị.

Shen Yun cho biết, nhân viên này “được các đồng nghiệp tại Shen Yun khuyên nhủ nên kiểm soát các khoản chi tiêu không cần thiết và đôi khi xa xỉ”, và mọi người xung quanh đều quan tâm đến tình trạng sức khỏe của cô do cô không chăm sóc tốt bản thân.

Shen Yun trong một tuyên bố cho biết: “Sau khi cô ấy từ chối điều trị nhiều lần, một nhân viên Shen Yun cuối cùng đã yêu cầu cô ấy đến bệnh viện và đích thân đi cùng”.

“Câu chuyện này thật đau lòng, và chúng tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đến các con của cô ấy, vì chúng tôi hiểu nỗi đau to lớn mà họ đã trải qua. Tuy rằng những hành động và quyết định này hoàn toàn do cô ấy tự mình đưa ra, mặc dù các nhân viên của Shen Yun đã khuyên nhủ nhiều lần thậm chí là quyết liệt, cô ấy vẫn không thay đổi ý định”.

Vào ngày 11 tháng 1 năm 2015, tại Nhà hát David H. Koch, Trung tâm Lincoln, New York, Đoàn Nghệ thuật Shen Yun chào khán giả khi kết thúc buổi biểu diễn. (Larry Dye/Epoch Times)

Đoàn nghệ thuật phi lợi nhuận

The New York Times đã cố gắng miêu tả Shen Yun như một tổ chức kiếm tiền thông qua quyên góp, tài trợ và tiết kiệm chi phí. Nhưng khi xem xét các báo cáo về tình hình tài chính của Shen Yun lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác: Vào năm 2023, thu nhập từ tài trợ và quyên góp của Shen Yun chỉ chiếm dưới 18%.

Các báo cáo này cho thấy thành công tài chính của Shen Yun chủ yếu đến từ doanh thu bán vé tăng mạnh.

Shen Yun chia sẻ rằng: “Giống như nhiều công ty khởi nghiệp, ban đầu chúng tôi dựa vào những cống hiến cá nhân, bao gồm một đội ngũ tình nguyện viên hoàn toàn làm việc vào buổi tối và cuối tuần để hiện thực hóa ước mơ của mình… Khi chúng tôi không ngừng phát triển, chúng tôi đã tăng lương cho nhân viên và nâng cao các dịch vụ của mình”.

Shen Yun cũng chỉ ra rằng, do công ty “cung cấp dịch vụ trọn gói cho nhân viên”, nên chi phí vận hành chiếm một phần khá lớn.

Shen Yun bổ sung rằng công ty còn cung cấp chỗ ở và thực phẩm miễn phí cho nhiều nhân viên.

Shen Yun cho biết: “Chúng tôi cũng tài trợ cho trường Phi Thiên, nằm trong khuôn viên chung với chúng tôi, nơi cung cấp học bổng toàn phần cho tất cả học sinh, bao gồm cả chỗ ở và thực phẩm, với chi phí khoảng 50.000 USD mỗi người mỗi năm”.

Cùng với quy mô công ty không ngừng mở rộng và các chương trình biểu diễn ngày càng được yêu thích, doanh thu của Shen Yun cũng tăng lên, đạt khoảng 50 triệu USD vào năm 2023.

The New York Times đặt câu hỏi tại sao Shen Yun giữ tiền trong ngân hàng thay vì sử dụng hoặc đầu tư. Nhưng tờ báo này lại không giải thích tại sao việc Shen Yun dự trữ tiền mặt lại bị coi là hành vi tiêu cực, cũng không cáo buộc việc dự trữ tiền mặt bị lạm dụng theo một phương thức nào đó.

Shen Yun bày tỏ trong một tuyên bố rằng: “Chúng tôi muốn đảm bảo mức dự trữ tài chính cao”.

“Thực tế là, ngay cả khi (do ảnh hưởng của đại dịch) không có buổi biểu diễn nào trong suốt một năm rưỡi, chúng tôi vẫn có thể hỗ trợ tất cả nhân viên vượt qua khó khăn của COVID-19 và sẵn sàng làm điều đó một lần nữa nếu cần thiết”.

Shen Yun nhấn mạnh rằng việc quản lý tài chính cần có tầm nhìn dài hạn. Shen Yun nói: “Sự chú ý của The New York Times vào việc dự trữ tiền mặt của công ty chúng tôi là sai lầm, có lẽ một phần vì họ không hiểu những gì cần thiết để vận hành một tổ chức như Shen Yun”.

“Không giống như phần lớn các công ty biểu diễn nghệ thuật trên thế giới, chúng tôi không có nhà tài trợ doanh nghiệp, không nhận được hỗ trợ thường xuyên từ chính phủ, và cũng không có kế hoạch quyên góp từ các thành viên tích cực. Chúng tôi tồn tại bằng phương thức truyền thống: dựa vào giá trị mà sản phẩm của chúng tôi mang lại cho người tiêu dùng”.

Bài viết của The New York Times cáo buộc Shen Yun “lách luật” để nhận được nhiều tiền cứu trợ trong đại dịch COVID-19, nhằm bù đắp thiệt hại do hai mùa biểu diễn bị gián đoạn vì lệnh phong tỏa và các hạn chế của chính phủ.

Shen Yun cho rằng những cáo buộc này “rất dễ mang tính chất gây hiểu lầm”.

Bà Rachlin cho rằng việc miêu tả Shen Yun lấy việc kiếm tiềm làm mục đích là không hợp lý. Bà nói: “Nếu bạn muốn kiếm tiền, có rất nhiều cách khác để làm điều đó”.

Ai cũng biết rằng, ngành biểu diễn nghệ thuật rất khó duy trì cân bằng tài chính chỉ dựa vào doanh thu bán vé. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu ngành nghệ thuật SMU DataArts cho thấy các công ty biểu diễn nghệ thuật thường chỉ kiếm đủ tiền từ doanh thu bán vé để trang trải khoảng một nửa chi phí hoạt động.

Tháng 1 năm 2022, San Francisco chào đón buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật Shen Yun. (Nguồn: Minghui.org)

Đoàn Nghệ thuật Shen Yun được thành lập vào năm 2006, khi đó phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn: không có danh tiếng, không có sân khấu biểu diễn, không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, cũng như không có tài trợ từ doanh nghiệp hay các nhà hảo tâm.

Các chương trình biểu diễn của Shen Yun có quy mô sản xuất lớn, bao gồm trang phục thiết kế riêng, màn hình công nghệ cao và dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trực tiếp. Ngoài ra, Shen Yun còn sáng tạo hoàn toàn mới các điệu múa, trang phục, thiết kế màn hình và tác phẩm âm nhạc cho mỗi mùa biểu diễn. Chưa kể vào thời điểm khi Shen Yun mới được thành lập, các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở New York đã trở nên quá bão hòa.

Bà Lamb cho rằng việc The New York Times đưa tin tiêu cực về Shen Yun là điều rất kỳ lạ, bởi những người như bà tham gia quảng bá Shen Yun đều là tự nguyện.

“Bây giờ người ta chỉ sống vì tiền thôi sao?” Bà chia sẻ với The Epoch Times rằng: “Chúng tôi có những mục tiêu tinh thần, chúng tôi theo đuổi những thứ vượt lên trên cuộc sống hàng ngày, những thứ vô hình”.

The New York Times cũng nhiều lần cố gắng ám chỉ rằng ông Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công, thu lợi từ các buổi biểu diễn của Shen Yun, nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào.

Các học viên Pháp Luân Công thường gọi ông Lý Hồng Chí là “Sư phụ” – nghĩa là Thầy hoặc Đại sư. Vào năm 1992, Đại sư Lý Hồng Chí bắt đầu truyền giảng Pháp Luân Công tới công chúng thông qua một loạt các lớp học được tổ chức tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Giáo lý chính của ông sau đó được xuất bản thành cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Cuốn sách này nhanh chóng trở thành một trong những sách bán chạy nhất ở Trung Quốc, nhưng sau đó bị chính quyền Trung Quốc cấm. Các cuốn sách liên quan đến Pháp Luân Công bị chính quyền tịch thu, thậm chí còn công khai tiêu hủy.

Ông Lý Hồng Chí đôi khi phát biểu tại các Pháp hội do các học viên Pháp Luân Công tổ chức, chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ. Nội dung các bài giảng này cũng lần lượt được xuất bản thành sách.

Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết trong một tuyên bố ngày 30 tháng 12, “Ông Lý Hồng Chí không nhận bất kỳ thu nhập nào từ các tổ chức liên quan đến Pháp Luân Công, bao gồm cả tổ chức phi lợi nhuận Shen Yun”.

Tuyên bố nêu rõ: “Tất cả các sách và video hướng dẫn về Pháp Luân Công đều có thể được truy cập miễn phí trên internet, và tất cả các Pháp hội của Pháp Luân Công đều được tham gia miễn phí. Rõ ràng, lợi ích kinh tế chưa bao giờ là mục đích của ông ấy”.

Nguyên văn: How The New York Times Distorts Shen Yun’s Success in Latest Attack Article đăng trên phiên bản tiếng Anh của The Epoch Times.

(Theo The Epoch Times)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/294281



Ngày đăng: 13-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.