Từ vở “Mộc Quế Anh nắm giữ ấn soái” nhận thức về vấn đề thủ tiết
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp châu Úc
[ChanhKien.org]
Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles 2006”, Sư phụ giảng:
“Cựu thế lực, cựu vũ trụ coi điều gì là nặng nhất? Chính là ‘sắc’, sự không ý tứ giữa nam nữ, đó là thứ được xét là nặng nhất. Trong quá khứ hễ phạm phải giới luật về phương diện ấy, sẽ bị đuổi ra khỏi nhà chùa, hoàn toàn không thể tu nữa. Còn trước mắt Thần thì xem xét ra sao? Chư vị có biết rằng họ đã lưu lại những dự ngôn nói thế nào không? Họ dự ngôn rằng: Những đệ tử Đại Pháp còn lại cuối cùng đều là [ai] giữ vững được thuần khiết về phương diện này. Chính là nói rằng họ coi việc này là quan trọng phi thường, cho nên ai phạm phải giới [cấm] ấy, ai thực hiện không tốt về phương diện này, thì cựu thế lực, tất cả chư Thần trong vũ trụ ấy đều sẽ không bảo [vệ] chư vị, hơn nữa còn đẩy chư vị xuống”.
Hồi còn ở Trung Quốc đại lục tôi từng bị bức hại nhiều lần, bây giờ tôi mới ý thức ra khi ấy là do chấp trước căn bản và tâm sắc dục chưa tu bỏ; còn có rất nhiều loại biểu hiện của tâm sắc dục, có một số mà trong hoàn cảnh văn hóa đảng chúng ta rất khó nhận biết rõ.
Trong kinh văn “Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp” Sư phụ đã chỉ ra:
“Đặc biệt là quan niệm đã hình thành, phương thức tư duy đã hình thành, những cái đó khiến bản thân rất là khó nhận thức ra những biểu hiện một cách không tự biết của nhân tâm. Nhận thức không ra thì làm sao buông bỏ? Đặc biệt là hoàn cảnh kia ở Trung Quốc, tà đảng đã huỷ đi văn minh truyền thống Trung Quốc, làm ra một bộ những thứ toàn là những gì của tà đảng, cái gọi là ‘văn hoá đảng’. Dùng phương thức tư duy mà chúng lập ra ấy, sẽ khó nhận thức Chân Lý vũ trụ, thậm chí không nhận thức ra được rằng những tư tưởng hành vi bất lương kia là đối lập với những giá trị phổ biến của thế gian. Rất nhiều tư tưởng bất lương mà không nhận thức ra nổi thì làm sao đây? Chỉ có chiểu theo Đại Pháp mà làm”.
Nền văn hóa của Trung Quốc là văn hóa Thần truyền, người xưa khi giảng về đạo lý làm người thì giảng “trung nghĩa tiết liệt”. Trong kinh văn “Thế nào là đệ tử Đại Pháp”Sư phụ giảng:
“Lịch sử Tam quốc đặt định ra đặc điểm văn hóa gì? ‘Nghĩa’. Đoạn lịch sử đó [khiến] người ta biết cái gì gọi là ‘nghĩa’, biểu hiện và nội hàm của ‘nghĩa’. Nhạc Phi thời kỳ Nam Tống, mọi người biết chăng, đã đặt định ra điều gì? ‘Trung’. Cái gì là ‘trung’, khái niệm ‘trung’ là gì, hình thức biểu hiện thế nào, đối ứng ra sao”.
Vậy thì “tiết liệt” là gì? Tôi lên mạng tra được: kế thừa chế độ từ nhà Nguyên, tiết phụ được định nghĩa là người phụ nữ bị mất chồng trước 30 tuổi và thủ tiết cho đến trên 50 tuổi, còn liệt nữ thông thường chỉ những phụ nữ vì kiên quyết giữ gìn trinh tiết mà phải chịu nhận cái chết.
Trong chuyến lưu diễn của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận năm 2012 có vở “Mộc Quế Anh nắm giữ ấn soái” tái hiện lại đoạn lịch sử các nữ tướng Dương gia tiếp nhận cờ soái bảo vệ Trung thổ. Nghệ thuật bình thư gọi màn diễn này là “Thập nhị quả phụ chinh Tây”, 12 quả phụ ấy gồm: Xà Thái Quân, Trương Kim Định – vợ của Dương đại lang, Lý Thúy Bình – vợ của Dương nhị lang, Chu Ngọc Mai – vợ của Dương tam lang, Lâm Tố Mai – vợ của Dương tứ lang, Mã Tái Anh – vợ của Dương ngũ lang, Vương Lan Anh – vợ của Dương lục lang, Đỗ Kim Nga – vợ của Dương thất lang, Chu Thục Vinh – vợ của Dương bát lang, Mộc Quế Anh – vợ của Dương Tông Bảo, Khương Thúy Bình – vợ của Dương Tông Anh và Tiêu Nguyệt Nương – vợ của Dương Tông Miễn.
Vì sao các nữ tướng “nhỏ nhoi” của Dương môn lại có thể chiến đấu chống lại quân Tây Hạ? Theo tôi lý giải, vì họ đã kiên quyết giữ gìn trinh tiết nên được Thần giúp đỡ và giành được chiến thắng. Ở đây ngoại trừ Xà Thái Quân và Mộc Quế Anh ra thì những người phụ nữ khác không những bị mất chồng trong chiến tranh mà còn chưa có con, tất cả đều có thể thủ tiết. Giai đoạn lịch sử này đã dệt nên những tấm gương cho phụ nữ đời sau thực hành giữ gìn tiết hạnh.
Các nữ tướng Dương môn vì cái chết bất trắc của chồng mà trở thành góa phụ, vậy còn những phụ nữ bị chồng bỏ rơi thì sao? Phải chăng họ cũng cần thủ tiết? “Nữ giới”, quyển sách do nữ sử gia thời Đông Hán Ban Chiêu viết, cũng là một trong nữ tứ thư mà các tiểu thư khuê tú ngày xưa phải đọc, viết rằng: “Lễ, phu hữu tái thú chi nghĩa, phụ vô nhị thích chi văn, cố viết: Phu giả, thiên dã. Thiên cố bất khả đào, phu cố bất khả ly dã. Hành vi thần chỉ, thiên tắc phạt chi; lễ nghĩa hữu khiên, phu tắc bạc chi”. Nghĩa là: Trong “Lễ Ký” có nói: “Người chồng nếu không có vợ thì không có người giúp việc cúng tế tổ tiên, không có con cái để kế thừa gia nghiệp, thế nên bất đắc dĩ mới tái hôn. Đạo nghĩa của người vợ là trọn đời chung thủy với chồng, khi chồng qua đời không nên tái giá”. Cho nên, chồng chính là trời của vợ. Không cách nào có thể nhảy thoát khỏi bầu trời, nên cũng không thể nào phản bội, xa rời chồng được. Phụ nữ nếu như làm trái với đạo trời (luân lý đạo đức) thì ông trời sẽ giáng tai ương trừng phạt. Nếu như làm trái lễ nghĩa thì sẽ bị chồng khinh khi, bạc bẽo.
Có thể thấy trong văn hóa truyền thống Trung Quốc người ta tin rằng khi phụ nữ bị chồng ruồng bỏ thì cần xem xét lỗi lầm của mình chứ không nên tái hôn, nếu không tìm lỗi ở bản thân mà tùy tiện đi lấy người khác sẽ bị ông trời trách phạt. Cá nhân tôi cho rằng khái niệm về người phụ nữ bị chồng bỏ rơi thời cổ đại và những phụ nữ ly hôn thời hiện đại là giống nhau.
Vậy nếu trong trường hợp không phải quả phụ mà là người chồng còn sống thì sao? Tôi nghĩ rằng điều cơ bản nhất là phải chung thủy với chồng, tức là một lòng một dạ với chồng, không có ý dâm với bất cứ người đàn ông nào khác, kể cả khi đối phương chưa phải chồng mà là bạn trai mình thì cũng đối đãi như vậy.
Mấy hôm trước khi phát chính niệm thanh lý tâm sắc dục trong trường không gian của bản thân tôi nhìn thấy một sinh mệnh có hình tượng Trư Bát Giới nói: “Ta chịu hết nổi rồi”, tôi liền liên tưởng đến tiết mục “Kim hầu trí huệ thu phục Trư Bát Giới” trong chuyến lưu diễn của Shen Yun năm 2011. Trư Bát Giới là một hòa thượng có sắc tâm khá nặng, rất hám gái và có chính niệm thay đổi thất thường, đặc điểm tính cách là háo sắc, tham ăn, lười làm. Mà thói tham ăn, lười làm ấy chẳng phải là do tâm sắc dục chưa bỏ dẫn đến sao? Ngoài ra Trư Bát Giới còn là người ngốc nhất trong số bốn hòa thượng đi lấy kinh, cuối cùng anh ta tu thành Tịnh Đàn Sứ Giả, là quả vị chưa xuất khỏi tam giới. Tôi thiết nghĩ có phải vì tâm sắc dục chưa được tu bỏ nên người ta trở nên ngu ngốc, từ đó không dễ mà nhận thức Phật Pháp? Còn có một lần phát chính niệm thanh trừ tâm sắc tôi nhìn thấy cảnh tượng cách đây không lâu do không giữ vững tâm tính nên tôi đã đọc truyện ngôn tình và mỗi bộ tiểu thuyết trở thành một ngôi nhà (cấu thành từ chấp trước) đứng sừng sững trong trường không gian của tôi.
Xã hội hiện đại đã làm hỏng mất sự ý tứ chừng mực giữa nam và nữ, trước đây tôi cho rằng việc vỗ vai hay bắt tay với đồng nghiệp nam, bạn nam vốn không phải là chuyện gì to tát, nhưng bây giờ tôi ý thức ra được đó cũng là sắc tâm. Gần đây tôi đang tìm kiếm một công việc kế toán và cách đây không lâu, một chuyên viên kế toán nam lớn tuổi sống ở tầng trên đã đề nghị giúp tôi sửa lại sơ yếu lý lịch. Trong quá trình đưa ra ý kiến chỉnh sửa anh ấy đã đập tay với tôi, lúc đầu tôi thấy rất khó chịu và không biết phải làm sao, nhưng sau đó tôi nghĩ do trong tư tưởng tôi đã cho phép chuyện như vậy xảy ra nên cựu thế lực mới dùi vào sơ hở, vì thế tôi đã quy chính tư tưởng của mình. Quả nhiên anh ấy không đập tay với tôi nữa nhưng chỉ một lúc sau lại vỗ vai tôi, tôi nhận ra hành động này cũng là đang dùi vào sơ hở trong tư tưởng của tôi. Sau khi sửa xong sơ yếu lý lịch anh ấy nói muốn hẹn hò, tôi biết đó là do sắc tâm chiêu mời ma đến nên đã từ chối.
Trong Kinh văn “Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp” Sư phụ giảng:
“Nếu đệ tử Đại Pháp không thực thi được tốt, hạ thấp tiêu chuẩn tu luyện của bản thân mình, thì những sinh mệnh cũ cao tầng kia chúng là vô lượng vô số những thần vô lượng vô số những vương ở tầng tầng tầng tầng, nếu đều làm như nói ở trên, thì mọi người nghĩ xem, thì sẽ tạo thành cho Đại Pháp khó khăn lớn nhường nào? Những thần, vương [mà cần bị] thanh trừ ấy khi bị giải thể thì đồng thời vô lượng vô số chúng sinh trong phạm vi quản hạt của chúng là đều không thể đắc cứu. Nếu toàn thiên thể này đều như thế, thì đều không thể đắc cứu”.
Người xưa có những yêu cầu rất khắt khe trong vấn đề quan hệ nam nữ, cựu thế lực cũng coi trọng phương diện này nhất; hơn nữa việc đệ tử Đại Pháp yêu cầu chính mình đến mức độ nào sẽ liên hệ đến sự thành bại của tu luyện cũng như sự đắc cứu của chúng sinh. Tôi cảm thấy rằng các đệ tử Đại Pháp cần phải thanh trừ nhân tố văn hóa đảng và đủ loại quan niệm bại hoại của xã hội hiện đại về phương diện sắc dục, đồng thời yêu cầu đối với bản thân cũng phải cao hơn cả người xưa, tiêu chuẩn đặt ra cũng cần cao hơn.
Trên đây là một chút thiển ngộ cá nhân, nếu có điều chi không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ chính.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/111008
Ngày đăng: 12-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.