Đằng sau bức “Lan Đình tập tự”



Tác giả: Thanh Phong

[ChanhKien.org]

Bản sao các bài thơ của “Lan Đình tập tự”. (Ảnh: Shenyun.com)

Năm 353 (năm Vĩnh Hòa thứ 9 triều vua Tấn Mục Đế), vào ngày mùng 03 tháng 03 âm lịch Vương Hi Chi cùng các nhân sĩ nổi tiếng như Tạ An, Tôn Xước… tổng cộng có 41 người cùng tổ chức hội thơ ở Lan Đình tại núi Hội Kê thuộc huyện Sơn Âm (nay thuộc Triệu Hưng, Chiết Giang). Những người dự hội đã sáng tác thơ phú nói lên hoài bão của mình và chép thành một tập, sau đó mọi người đề nghị người mở hội – nhân sĩ Vương Hi Chi đức cao vọng trọng viết lời mở đầu ghi lại buổi nhã hội này, chính là bức “Lan Đình tập tự”.

Bức “Lan Đình tập tự” có một vị trí cực cao trong lịch sử văn học, và trong lĩnh vực thư pháp nó cũng đạt đến vị trí đỉnh cao mà chưa tác phẩm nào có thể vượt qua.

Chúng ta đều biết rằng Vương Hi Chi là một nhà thư pháp vĩ đại, kỳ thực ông còn là một đạo sỹ. Trong quyển “Tấn Thư” Vương Hi Chi viết rằng: “Thế sự Trương thị Ngũ đấu mễ đạo, hựu tinh thông thư đạo”, nghĩa là chuyện thế sự của người họ Trương là đạo năm đấu gạo, lại tinh thông thư pháp. Nhiều thế hệ trong đại gia tộc Vương Hi Chi đều là những tín đồ Đạo giáo thành tín, vị tổ mà họ tín phụng chính là ông tổ Trương Đạo Lăng của phái Thiên Sư Đạo. Trong bộ sách “Tiềm phu luận” của Vương Phù đời Hán có đoạn ghi chép: “Nhân thị Vương thị, kỳ hậu tử tôn, thế hỉ dưỡng tính, thần tiên chi thuật” (Thế là từ đó con cháu họ Vương đều thích tu tâm dưỡng tính, học phép thuật của Thần tiên). Vương Hi Chi thường “cùng đạo sỹ Hứa Mại tu luyện, uống đan dược, vượt ngàn dặm hái thuốc, đi khắp các quận phía Đông, vượt khắp danh sơn, băng qua biển thẳm”. Lối thư pháp của ông vì thế mà cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đạo giáo. Những khi nhàn rỗi Vương Hi Chi hay sao chép kinh sách Đạo giáo, trong đó nổi tiếng nhất là bản chép tay “Hoàng Đình Kinh”, do vậy giải thích từ góc độ tu luyện thì tuyệt phẩm “Lan Đình tập tự” cũng là tự nhiên thuận bút thành văn, nếu từ tầng của người thường thì thực sự không thể giải thích được.

Sau đây chúng ta hãy cùng phân tích nội dung bức “Lan Đình tập tự”:

Vĩnh Hòa cửu niên, tuế tại Quý Sửu, mộ xuân chi sơ, hội vu Cối Kê Sơn Âm chi Lan Đình, Tu Hễ sự dã. Quần hiền tất chí, thiếu trưởng hàm tập. Thử địa hữu sùng sơn tuấn lĩnh, mậu lâm tu trúc; hựu hữu thanh lưu kích thoan, ánh đới tả hữu. Dẫn dĩ vi lưu trường khúc thuỷ, liệt tọa kỳ thứ; tuy vô ty trúc quản huyền chi thịnh, nhất trường nhất vịnh, diệc túc dĩ sướng tự u tình. Thị nhật dã, thiên lãng khí thanh, huệ phong hòa sướng; ngưỡng quan vũ trụ chi đại, phủ sát phẩm loại chi thịnh; sở dĩ du mục sính hoài, túc dĩ cực thị thính chi ngu, tín khả lạc dã.

Tạm dịch: Năm Kỷ Sửu, Vĩnh Hòa thứ chín, sắp vào tiết xuân; cùng họp nhau nơi Lan Đình, phía Bắc núi Cối Kê, chuẩn bị lễ Tu Hễ [1]. Những hiền sĩ, già có trẻ có, đều đến tụ họp. Nơi ấy có núi cao chót vót, rừng xanh rậm rạp, trúc dài tươi tốt, thêm suối trong cuộn chảy, lấp loáng bóng đôi bờ. Theo dòng nước uốn lượn có thể thả chén rượu đặt lời thơ, chia thứ bậc cùng ngồi. Tuy không có tiếng đàn sáo rộn rã nhưng một chén rượu, một lời ngâm cũng đủ để giãi bày tâm tình sâu kín. Hôm ấy trời cao khí trong, gió nhẹ lâng lâng, ngẩng nhìn vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật phồn vinh, phóng tầm mắt, mở cõi lòng, đủ để tận hưởng hết cái hứng thú của tai mắt, thực là vui vậy.

Ở hai đoạn đầu này lời văn được viết trong sáng, dễ hiểu. Rõ ràng là Lan Đình và khung cảnh xung quanh trông rất đẹp, đến một kẻ phàm phu cũng phải thấy lâng lâng tức cảnh sinh tình. Khi luận giải “Lan Đình tập tự” người ta cũng chỉ có thể hiểu đến thế mà thôi. Tuy nhiên có một điểm mà người bình thường không nhận thức ra được: Vương Hi Chi và các danh sĩ đều là những người tu Đạo, buổi họp mặt này kỳ thực chính là buổi giao lưu chia sẻ tu luyện; hơn nữa họ đều có căn cơ rất tốt, trong đó không ít người có thiên mục khai mở đến một tầng nhất định, có thể nhìn thấy, tiếp xúc được với nhiều thứ mà người thường trong cùng một hoàn cảnh không thể nhìn thấy, chạm đến được hay tiếp thụ được. Thế nên họ mới đạt tới cảnh giới “ngẩng nhìn vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật phồn vinh, phóng tầm mắt, mở cõi lòng, đủ để tận hưởng hết cái hứng thú của tai mắt, thực là vui vậy”.

Đoạn sau: Phù nhân chi tương dữ, phủ ngưỡng nhất thế, hoặc thủ chư hoài bão, ngộ ngôn nhất thất chi nội; hoặc nhân ký sở thác, phóng lãng hình hài chi ngoại. Tuy thú xá vạn thù, tĩnh táo bất đồng; đương kỳ hân vu sở ngộ, tạm đắc vu kỷ, khoái nhiên tự túc, bất tri lão chi tương chí. Cập kỳ sở chi ký quyện, tình tuỳ sự thiên, cảm khái hệ chi hĩ. Hướng chi sở hân, phủ ngưỡng chi gian, dĩ vi trần tích, do bất năng bất dĩ chi hứng hoài; huống tu đoản tùy hoá, chung kỳ ư tận. Cổ nhân vân: “Tử sinh diệc đại hĩ.” Khởi bất thống tai!

Tạm dịch: Phàm người cùng người tương hội chỉ là trong thoáng chốc của cuộc đời; có người khi giao tiếp là giữ kín hoài bão trong lòng không nói, có người vì sự ký thác mà gửi hết tâm tư vào hình hài. Tuy muôn vàn sở thích khác nhau, tĩnh động cũng khác, nhưng sự vui vẻ khi gặp nhau, dẫu trong chốc lát, (lại) chẳng biết tuổi già đang đến.

Rồi khi tự thân mòn mỏi, tâm tình theo sự vật đổi thay, lòng đầy cảm khái. Niềm vui trong khoảnh khắc giờ đây bỗng biến thành vết bụi mờ, vậy nên lòng không thể không hoài cảm. Huống chi cuộc đời dài ngắn (thường) biến hóa, rồi cũng đến lúc tận chung. Người xưa nói: “Tử sinh đều là việc lớn”, há chẳng đau lòng sao! (Có bản viết: từng chưa hay tuổi già đang đến, có bản viết: không hay tuổi già đang đến)

Nếu xét từ góc độ tu luyện thì đoạn văn trên rất dễ lý giải, nói thẳng ra những thứ như danh lợi tình mà con người chấp trước đều không bền lâu, không thể tồn tại vĩnh viễn, một khi mất đi sẽ khiến người ta phải thở dài cảm thán.

Và đoạn cuối: Mỗi lãm tích nhân hứng cảm chi do, nhược hợp nhất khế; vị thường bất lâm văn ta điệu, bất năng dụ chi ư hoài. Cố tri nhất tử sinh vi hư đản, tề Bành thương vi vọng tác. Hậu chi thị kim, diệc do kim chi thị tích, bi phù!

Cố liệt tự thì nhân, lục kỳ sở thuật, tuy thế thù sự dị, sở dĩ hứng hoài, kỳ trí nhất dã. Hậu chi lãm giả, diệc tương hữu cảm ư tư văn.

Tạm dịch: Mỗi khi xét đến cảm hứng trong văn chương của người xưa rồi cùng hợp lại, thì lòng ta lại vì lời văn mà trỗi mối u hoài không giải rõ được vì sao. Cứ khăng khăng cho rằng sống chết đều là chuyện hư dối, lấy cái thọ của Bành Tổ mà so với cái yểu của Thương Sinh thì thật ngông cuồng. Đời sau nhìn lại nay cũng như nay nhìn lại xưa, cả đều buồn thay!

Vậy đây theo thứ tự các thi nhân mà chép lại; tuy tuổi tác chẳng đồng, sự việc có khác nhưng lòng hoài cảm thì như nhất. Người sau xem lại, hẳn vì lời thơ mà gợi niềm thương cảm hơn chăng.

Điểm mấu chốt của đoạn này là câu “cứ khăng khăng cho sống chết đều là chuyện hoang đường, lấy cái thọ của Bành Tổ mà so với cái yểu của Thương Sinh thì thật ngông cuồng”. Trong sách “Tề vật luận” Trang Tử đã giải thích một cách đơn giản về quan điểm trên rằng: mọi vật đang sống là đang chết, đang chết là đang sống (phương sinh phương tử, phương tử phương sinh). Con người chết rồi nhưng nguyên thần bất diệt, nguyên thần sẽ tiến nhập vào luân hồi và một sinh mệnh mới sẽ ra đời. Đứng từ góc độ tu luyện thì rất dễ hiểu, bản thân Vương Hi Chi là người tu Đạo và đã đọc thành thục sách của Trang Tử, không thể nào không hiểu được ý tứ của tiền nhân, vì sao ông lại nói như vậy? Kỳ thực ý mà ông muốn nói chính là chỉ có tu luyện chân chính mới có thể thoát khỏi luân hồi và có được vẻ đẹp vĩnh hằng của sinh mệnh; nhưng thực tế con đường tu luyện vốn rất gian nan, một người bình thường thân đầy chấp trước, không thể buông bỏ được tí gì mà muốn đạt tới cảnh giới thoát tục là không thể nào, chỉ là “hư dối”, “ngông cuồng”.

Thế nhân luôn cảm thán rằng đời người là vô thường và cố gắng đi tìm con đường vĩnh hằng cho sinh mệnh nhưng họ lại không buông bỏ được trùng trùng chấp trước của người thường, từ xưa đến nay đều như vậy. Qua bài “Lan Đình tập tự” Vương Hi Chi đã sử dụng thủ pháp văn chương để bày tỏ quan điểm của mình.

Điểm khác biệt rất lớn giữa “Lan Đình tập tự” và các tác phẩm nổi tiếng khác được lưu truyền lại là thư pháp của Vương Hi Chi vô cùng đẹp, đẹp đến mức khiến người xem phải nín thở. Cái đẹp nằm ở kết cấu bài văn, đẹp ở kết cấu con chữ, đẹp ở chỗ bút pháp, tất cả hòa quyện lại với nhau và triển hiện đầy đủ trên bức thư pháp này, người đời xưa nay xưng tụng là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”. Thế nhân thường dùng những câu sau trong bài “Lạc Thần phú” của Tào Thực để ca tụng vẻ đẹp của thư pháp Vương Hi Chi:

Phiên nhược kinh hồng, uyển nhược du long, vinh diệu thu cúc, hoa mậu xuân tùng.
Phảng phất hề nhược khinh vân chi tế nguyệt, phiêu diêu hề nhược lưu phong chi hồi tuyết

Tạm dịch:

Nhẹ nhàng như nhạn bay,
Uyển chuyển tựa rồng động,
Rực rỡ như thu cúc,
Tươi tốt tựa xuân tùng.
Phảng phất như mây che bóng nguyệt,
Phất phơ tựa làn gió tung hoa tuyết.

Tôi sẽ không đi vào chi tiết lý giải về nghệ thuật ở đây, điều tôi muốn chia sẻ là Vương Hi Chi đã viết bức thiếp Lan Đình trong khi say, chính ông cũng nói rằng sau này sẽ không bao giờ viết ra được bức thư pháp nào có chuẩn mực cao như vậy. Từ góc độ tu luyện mà xét thì rất minh hiển, khi đó là phó nguyên thần đang khống chế ông viết, bản thân Vương Hi Chi cũng đã ở một tầng thứ rất cao rồi, phó nguyên thần ắt có tầng còn cao hơn, vả lại ông còn được Thần giúp đỡ nên mới đạt tới trình độ ấy. Những người được gọi là nhà thư pháp ngày nay đã bị cuốn vào danh lợi và có cả núi chấp trước, Thần hoàn toàn không quản họ nữa, cho nên dù họ có luyện viết như thế nào, mô phỏng theo cổ nhân ra sao cũng sẽ không có được chuẩn mực ấy.

Loại hình thức nghệ thuật thư pháp này cũng có đối ứng với Thiên thượng, nó có thể được lưu truyền ở nhân gian là vì Thần muốn làm phong phú thêm cuộc sống của con người ở tầng này, đồng thời cấp cho con người một loại điểm hóa về “phản bổn quy chân”, vậy nên tác phẩm được lưu lại ở nhân gian nhất định phải có chuẩn mực cực cao và Vương Hi Chi là một sinh mệnh được lựa chọn theo mục đích như vậy. Đương nhiên không chỉ riêng thư pháp mà rất nhiều hình thức nghệ thuật khác cũng có sứ mệnh và an bài tương tự.

Bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khi nhìn ở một không gian khác cũng đều là sống. Bức “Lan Đình tập tự” này nhìn bề mặt thì là một bức thư pháp nhưng ở không gian thâm sâu thì là một tầng trời ở tầng thứ rất cao với kết cấu tuyệt diệu, bên trong có rất nhiều lâu đài, đình, các, còn có những sinh mệnh cao cấp sinh sống như long, phụng, phi thiên v.v. Vậy nên biểu hiện của “Lan Đình tập tự” ở không gian chúng ta sẽ khiến con người cảm thấy vô cùng đẹp đẽ, cũng là vì tác giả mang theo ký ức từ không gian cao tầng nên mới có thể đạt đến chuẩn mực như vậy. Đương nhiên khi bản tính của con người càng ngày càng bị dục vọng và chấp trước che lấp thì số người có thể thực sự thưởng thức được “Lan Đình tập tự” cũng càng ngày càng ít.

Chú thích của người dịch:

(1) “Tu hễ” là một trong những nghi lễ cơ bản thời cổ đại để cầu phước lành và giải trừ tai họa.

(2) Bản dịch “Lan Đình tập tự” trong bài có tham khảo, góp nhặt lại từ bản dịch của Nguyễn Hiến Lê và Trương Củng.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/274425



Ngày đăng: 24-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.