2300 năm trước, người cổ đại đã xây dựng đài thiên văn ở sa mạc để xác định thời gian bằng Mặt Trời



[ChanhKien.org]

Theo The Epoch Times, từ rất lâu về trước, ở đây từng là nơi lạc đà Alpaca sống lang thang, những thung lũng xanh tươi màu mỡ uốn lượn và Mặt Trời được tôn thờ như một vị Thần.

Khi người Inca đến thung lũng sông Casma, những đài quan sát thiên văn bằng đá ở đó từng được sử dụng để đo thời gian bằng Mặt Trời, điều này giống như một phép màu.

Thung lũng sông Casma là một nơi trú ẩn màu mỡ giữa khí hậu khắc nghiệt. Nó uốn lượn từ bờ biển xanh tươi rậm rạp của Peru, băng qua sa mạc khô cằn và những dãy núi hiểm trở, giống như một dải lụa xanh mảnh mai xuyên qua thảo nguyên rộng lớn.

Tuy nhiên, mặc dù người Inca ở Peru đã cho nô lệ canh tác trong thung lũng màu mỡ đó, nhưng đài quan sát Mặt Trời ngày nay đã trở thành phế tích không phải do họ xây dựng. Cách Lima 250 dặm về phía Bắc, có một quần thể kiến trúc cổ xưa tên là Chankillo, có lịch sử lâu đời hơn một nghìn năm so với thời kỳ cai trị của đế chế Inca, nó được xây dựng bởi một dân tộc cổ xưa hơn.

Từ năm 300 đến 200 trước Công nguyên, nền văn hóa Casma đã xây dựng Chankillo gần bờ biển của thung lũng Casma. Mặc dù đã có lịch sử 2300 năm, đài thiên văn này vẫn có thể theo dõi chính xác đường đi của Mặt Trời trong các thời điểm khác nhau trong năm.

Cấu trúc bằng đá luôn khiến người ta ấn tượng sâu sắc này được cho là một bộ lịch cổ đại.

Chankillo nhìn từ trên không. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Những tàn tích cổ xưa của Chankillo, 250 dặm về phía Bắc của Lima, Peru. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Nguyên lý hoạt động của nó liên quan đến một hàng 13 tòa tháp đá vững chắc. Những tòa tháp này được phân bố đều đặn trên sườn núi, trông giống như một thước đo khổng lồ. Từ một vị trí ở xa, hướng về phía Đông của đài quan sát, người ta có thể nhìn thấy Mặt Trời mọc dọc theo hàng tháp này.

Khi Mặt Trời mọc xuất hiện giữa hai tòa tháp nào đó, hoặc ở một vị trí chính xác nào đó ở hai đầu, người quan sát có thể biết chính xác ngày tháng trong lịch Mặt Trời. Nền văn hóa Casma không sử dụng lịch La Mã ngày nay, mà sử dụng một kiểu lịch cổ xưa hơn, và cả hai đều có Hạ chí và Đông chí.

Đài quan sát Mặt Trời cũng đánh dấu Hạ chí và Đông chí.

Đài quan sát Mặt Trời Chankillo ở Peru. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Cảnh quan của đài quan sát Mặt Trời dưới ánh nắng Mặt Trời chiếu rọi. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Hạ chí và Đông chí là những ngày dài nhất và ngắn nhất trong năm, đánh dấu sự bắt đầu của mùa hè và mùa đông. Hai ngày này cũng đại biểu cho các điểm cực trị của đường đi hàng năm của Mặt Trời, cực Bắc và cực Nam. Mặt Trời mọc ở phía bên trái của đài quan sát, tức là đầu phía Bắc của đài quan sát, đánh dấu sự bắt đầu của mùa hè; còn khi Mặt Trời mọc lên từ phía bên phải của đài quan sát, hướng về phía Nam, có nghĩa là mùa đông đã đến.

Mặt Trời mọc ở hai đầu của đài quan sát đánh dấu Hạ chí và Đông chí, trong khi bất kỳ vị trí nào ở giữa thước đo của 13 tòa tháp sẽ tương ứng với bất kỳ ngày nào trong hai khoảng thời gian sáu tháng giữa chúng.

13 tòa tháp của đài quan sát Mặt Trời. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Kết quả đo lường của nó có thể chính xác trong vòng một hoặc hai ngày. Điều này không khác gì cách thức đọc của nền văn hóa Casma từ rất lâu trước đây. Ngày nay, đài quan sát Mặt Trời này được coi là đặc thù, và là đài quan sát Mặt Trời cổ xưa nhất cùng loại.

Nhưng đó chưa phải là tất cả về Chankillo.

Trên một ngọn núi gần đó, còn sừng sững một công trình kiến trúc khác khiến mọi người ấn tượng sâu sắc: bức tường ba lớp tăng cường sức chống chịu, lối vào giả để ngăn chặn những kẻ xâm nhập, những viên gạch lộn xộn trong vòng tròn đồng tâm được cho là tàn tích của một ngôi đền kiên cố.

“Chankillo là một kiệt tác của người Peru cổ đại. Một kiệt tác kiến trúc, một kiệt tác kỹ thuật và thiên văn học”, nhà khảo cổ học người Peru Ivan Ghezzi nói với hãng tin AFP khi ông đến thăm di tích này. “Nó là cái nôi của thiên văn học châu Mỹ”.

Đài quan sát Mặt Trời nhìn từ trên xuống. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Một cảnh trên không của Chankillo. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Năm 2007, ông Ghezzi và đồng nghiệp người Anh Clive Ruggles đã viết một bài nghiên cứu về Chankillo. Họ đề xuất rằng những tòa tháp này là một đài quan sát Mặt Trời đánh dấu Hạ chí và Đông chí, có thể giúp người dân cổ đại theo dõi mùa màng và thu hoạch, cũng như các ngày lễ tôn giáo.

Trong một thời gian dài, nông dân ở thung lũng Casma hiện đại và những người nông dân sống dọc theo bờ biển màu mỡ (những người đã biến Peru trở thành một trong những quốc gia sản xuất bơ lớn nhất thế giới) luôn muốn mở rộng canh tác sang vùng đất có các di tích khảo cổ này.

Năm 2020, khi dịch COVID bùng phát, các nhà khảo cổ học đã phải bỏ lại rất nhiều di tích ở Peru. Theo báo cáo, những người nông dân đã lợi dụng thời cơ này để trồng cây nông nghiệp trong phạm vi ranh giới của Chankillo.

Một ngôi đền kiên cố với ba bức tường và cửa giả nhìn từ trên cao. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Một nhà nghiên cứu kiểm tra một cấu trúc ở Chankillo. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Một ngôi đền kiên cố ba tầng với đài quan sát Mặt Trời Chankillo ở phía sau. (Janine Costa/AFP qua Getty Images)

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tổ chức UNESCO đã phong tỏa hàng chục di tích lịch sử, bao gồm Chankillo và một số địa điểm khác trên toàn thế giới.

Năm 2021, Chankillo cùng với rừng Kaeng Krachan của Thái Lan, và cảng Tuyền Châu cổ của Trung Quốc được tuyên bố là khu vực cấm, và trở thành di sản thế giới do UNESCO công nhận. Theo báo cáo, việc này được thực hiện để bảo vệ những gì còn sót lại của chúng, ngăn chặn ảnh hưởng của những người nông dân và kẻ trộm.

Năm 2009, một di tích cổ đại khác của Peru được bảo vệ khi Caral, thành phố cổ xưa nhất của châu Mỹ và sáu kim tự tháp ở đó trở thành di sản thế giới. Nhìn lại vài thập kỷ trước, pháo đài Machu Picchu nổi tiếng nằm chót vót trên dãy núi cao ở Peru, vẫn luôn được bảo vệ từ năm 1983.

(Bài viết gốc “Ancient Humans Built Observatory in Desert 2,300 Years Ago That Tells Exact Date Using Sun—But How?” được đăng trên The Epoch Times).

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291599



Ngày đăng: 08-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.