Nhận thức đối với con đường khoa học trong tương lai (3)
Tác giả: Linh Tử
[ChanhKien.org]
Ba, Âm Dương Ngũ Hành
Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành, ngay từ lúc bắt đầu đã đứng tại cơ điểm rất cao để nghiên cứu quy luật của vũ trụ, từ trên chỉnh thể mà nghiên cứu đặc tính của sự vật. Cũng giống như hội họa, đầu tiên cần phải phác thảo bố cục, đặc điểm, sau đó mới mô tả chi tiết; hoặc như làm công trình, đầu tiên cần phải có bản vẽ tổng thể, dự thảo ngân sách,… Nghiên cứu về cơ thể con người cần phải từ hoành quan đến vi quan, nhưng khoa học hiện đại lại giải phẫu nhân thể, phân chia càng ngày càng nhỏ, chỉ thấy lá chứ không thấy cây, càng không thể nhìn thấy rừng. Khoa học cổ đại Trung Quốc lại vô cùng phát triển, nó đi theo một con đường khác với khoa học hiện đại.
Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành là tên gọi chung của học thuyết Âm Dương và học thuyết Ngũ Hành. Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành là sự tổng hợp của sự hiểu biết và nghiên cứu thế giới khách quan của Đạo gia. Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật; chính là Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh lưỡng nghi, Âm Dương lưỡng nghi hòa hợp mà sinh ra Ngũ Hành vạn vật.
Học thuyết Âm Dương cho rằng: Bất kể sự vật gì trong vũ trụ đều có thể khái quát thành hai loại là âm và dương, bên trong bất kỳ sự vật nào cũng đều có thể phân thành hai phương diện âm và dương, sự kết hợp của âm dương quyết định đặc tính chủ yếu của sự vật tại thời điểm đó. Mà bất kỳ một phía âm hoặc dương trong mỗi sự vật lại có thể tiếp tục phân thành âm dương, cho đến vô cùng vô tận. “Âm Dương giả, thiên địa chi đạo dã, vạn vật chi nạp kỷ, biến hóa chi phụ mẫu, sinh sát chi bản thủy, thần minh chi phủ dã” (Hệ từ – Âm Dương ứng tượng đại luận) (Tạm dịch: Âm Dương là quy luật của trời đất, kỷ cương của vạn vật, nguồn gốc của mọi biến hóa, căn nguyên của sự sinh trưởng và hủy diệt, là kho tàng chứa đựng thần minh).
Đồ hình Thái Cực của Đạo gia, là văn hóa tiền sử. Chu Hi nói: “Thái cực là nguyên lý của vạn sự vạn vật trong trời đất”. Thái có nghĩa là cực đại; Cực là cao nhất xa nhất, chí tận mà không thừa. Thái Cực đồ là biểu hiện tốt nhất của học thuyết Âm Dương, là sự phát sinh của hết thảy sự vật trong giới tự nhiên, là sự khái quát cao độ của quy luật biến hóa phát triển.
Nói chung, Dương nghi đại biểu cho một loạt các ý nghĩa như số lẻ, quang minh, tích cực, vận động, hướng ngoại, vươn lên, ấm áp, màu trắng, nam tính, cương cường, bề ngoài, số dương, cúi xuống, thực tế, bên trái, đức hạnh, cởi mở,…; Âm nghi đại biểu cho một loạt các hàm nghĩa như số chẵn, âm ám, đảo ngược, an tĩnh, giữ bên trong, hạ xuống, lạnh lẽo, màu đen, nữ tính, ôn hòa, nội tại, số âm, ngẩng lên, hư không, bên phải, hình phạt, phong bế,…
Trong mối quan hệ Âm và Dương thì trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, biểu hiện trong điều kiện bình thường thì Âm Dương cùng tồn tại và dựa vào nhau, chỉ có Âm thì không thể phát triển, chỉ có Dương thì không thể sinh thành. Mỗi bên lấy bên kia làm điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của mình, Âm Dương cân bằng, cùng tồn tại, cùng dung hòa. Trong điều kiện đặc thù thì Âm và Dương làm suy yếu lẫn nhau, Âm Dương cùng biến hóa, Âm cực Dương sinh, Dương cực Âm sinh, để đạt đến được trạng thái cân bằng Âm Dương mới.
Học thuyết Ngũ Hành cho rằng: Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều do năm loại vật chất cơ bản là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy cấu thành. Sự tương sinh tương khắc và chế ước lẫn nhau của năm loại vật chất này tạo thành một chỉnh thể hữu cơ, tức là nói vũ trụ duy trì sự phối hợp và cân bằng trong sự vận động tương sinh, tương khắc không ngừng giữa ngũ hành, đây là ý nghĩa cơ bản của học thuyết Ngũ Hành.
Tính chất của năm loại vật chất cơ bản: Mộc, sinh sôi, phát triển, tươi tốt, chủ về nhân, tính của nó là trực, tình của nó là ôn hòa; Hỏa, nóng nực, hướng lên, chủ về lễ, tính của nó là nóng vội, tình của nó là cung kính; Thổ, lớn lên, dưỡng dục, chủ về tín, tính của nó là trọng, tình của nó là hậu; Kim, thanh tĩnh, thu lại, đìu hiu, chủ về nghĩa, tính của nó là cương, tình của nó là liệt; Thủy, đông lạnh, ẩm ướt, hướng xuống, chủ về trí, tính của nó là thông, tình của nó là thiện.
Sở dĩ học thuyết Ngũ Hành có thể khái quát vạn sự vạn vật trong vũ trụ là vì phương pháp tư duy chủ yếu của nó là chiểu theo đặc tính “ngũ hành”, căn cứ vào tính chất, tác dụng và hình thái khác nhau của sự vật, phân chia sự vật hoặc hiện tượng thành năm loại lớn, lại căn cứ vào quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành, giải thích mối liên hệ giữa các loại sự vật hoặc hiện tượng.
Ngũ Hành tương sinh: Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy;
Ngũ Hành tương khắc: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.
Trong mối quan hệ tương sinh, bất kỳ một hành nào đều có hai phương diện “sinh ra ta” và “ta sinh ra”. Trong mối quan hệ tương khắc, bất kỳ một hành nào đều có hai phương diện “khắc ta” và “ta khắc”. Trong hệ thống ngũ hành, mỗi bộ phận đều không hề biệt lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, mỗi thay đổi của một bộ phận chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trạng thái của tất cả các bộ phận khác, đồng thời cũng chịu sự chế ước thống nhất của chỉnh thể ngũ hành.
Nếu không có sự tương sinh giữa ngũ hành thì sẽ không có sự phát sinh và phát triển của sự vật, nếu không có tương khắc thì sẽ không thể duy trì sự cân bằng và phối hợp trong sự biến hóa và phát triển của vạn vật, bất kỳ nội bộ sự vật nào và mối liên hệ giữa các sự vật đều tồn tại hai phương diện không thể tách rời là sinh và khắc, đồng thời trong sinh có khắc, trong khắc có sinh, phụ thuộc lẫn nhau, tương phụ tương thành, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy và duy trì sự phát sinh, phát triển và biến hóa chính thường của sự vật.
Mối quan hệ giữa học thuyết Âm Dương và học thuyết Ngũ Hành: Học thuyết Âm Dương chủ yếu giải thích mối quan hệ cùng nhau tồn tại, dựa vào nhau, cùng sinh trưởng, cùng chuyển hóa của hai mặt đối lập của sự vật; Học thuyết Ngũ hành sử dụng thuộc tính của sự vật, phân loại ngũ hành và quy luật sinh khắc chế hóa để giải thích thuộc tính của sự vật và mối liên hệ lẫn nhau của sự vật. Vạn sự vạn vật đều có thuộc tính của hai khí âm dương, đồng thời vạn sự vạn vật cũng đều là một loại vật chất nào đó trong ngũ hành.
Trong “Loại kinh đồ dực” có nói: “Ngũ hành là chất của âm dương, âm dương là khí của ngũ hành. Khí không có chất không thể thành lập được, chất không có khí không hành được”. Điều này đã nói một cách minh xác trong ứng dụng thực tế, khi nói về âm dương thường liên hệ đến ngũ hành, khi nói về ngũ hành tất yếu phải đề cập tới âm dương. Tức là nói ngũ hành là hình thức biểu hiện vật chất của âm dương, âm dương là thuộc tính khí chất của ngũ hành. Trong ngũ hành có âm dương, trong âm dương có ngũ hành, trong âm dương ngũ hành đều có bao hàm đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn”, mới có thể khiến âm dương ngũ hành hình thành một chỉnh thể, gọi chung là học thuyết Âm Dương Ngũ Hành.
Bên trong Âm và Dương, Ngũ Hành đều có sự thống nhất của các mặt đối lập. Tà thuyết “quy luật đối lập thống nhất” sai lệch mà Trung Cộng vẫn nói trên thực tế là coi “thống nhất” thành một hình thức, coi “đối lập” thành thực chất, hướng đến thuyết nhị nguyên, thuyết hai điểm, phương pháp nhị phân, cường điệu một cách tuyệt đối các mặt đối lập, mâu thuẫn, đấu tranh, nói rằng đây là động lực phát triển của sự vật, cái lý luận “học thuyết đấu tranh” này là “thế giới quan khoa học phát triển” chủ yếu của Trung Cộng.
Đạo gia giảng “Trong không sinh có”, thế giới hỗn độn ban đầu là Vô Cực, có Đạo rồi mới sinh Thái Cực. “Đạo” nhắc đến ở đây, cũng chính là “Phật Pháp”, có “Phật Pháp” rồi mới có vũ trụ, tức “Đạo sinh Nhất”. Cái gọi là “Nhất sinh Nhị”, là nói trong một vũ trụ lại phân thành hai mặt Âm và Dương, nhưng đây đều là thể hiện cụ thể của “Phật Pháp”, và đều phải “thống nhất” với “Phật Pháp” tức là ở trong đặc tính tối cao của vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn”.
Nếu vũ trụ này vận hành theo “triết học đấu tranh” của Trung Cộng, lấy đấu tranh “đối lập” làm chủ đạo, vậy thì sẽ quay về trong trạng thái hỗn độn vô cực. Trước hết không bàn về những mâu thuẫn đối lập lớn lao, chỉ nói đến những thứ nhỏ, giữa các vi lạp với nhau ở vi quan, nếu như không có lực tương tác thiện lương, sẽ không tập hợp lại một chỗ được; truy ngược đến vi lạp bản nguyên vật chất ở vi quan nhất, nếu như không có đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn” của vũ trụ, cũng sẽ không hình thành một lạp tử nguyên thủy, không có Đạo sẽ không sinh thành Nhất. Tập trung vào “đối lập” là hết sức hoang đường, “thống nhất” mới là điều quan trọng hơn. Tự nhiên hài hòa, âm dương cân bằng, vạn vật sinh sôi; âm dương hòa hợp, thân thể khỏe mạnh. Dùng cái lý này để bàn luận về khoa học xã hội, trong một gia đình, nam cương nữ nhu, cương nhu tương tế, gia hòa vạn sự hưng; trong một quốc gia, cần phải coi trọng thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì mới có thể quốc thái dân an.
Trong mấy chục năm nay, chủ nghĩa Mác Mao tà ác, vẫn luôn làm cái gọi là “đấu với người là niềm vui vô tận”, coi mạng người như cỏ rác, tàn ác vô độ, kết quả làm cho nhà không ra nhà, nước không ra nước. Hiện nay Trung Cộng tự cảm thấy nguy cơ tứ bề, mới nói đến vấn đề an định đoàn kết, hiện tại lại nói đến xã hội hài hòa. Thế nhưng tư tưởng chỉ đạo không thay đổi, thực chất cũng không thay đổi, vậy có thể hài hòa được không?! Hiện nay còn chuyên chế còn trấn áp, chỉ là không dám làm một cách trắng trợn mà là chuyển thành bí mật, “làm trong phòng tối” “bên trong thắt chặt, bên ngoài nới lỏng” – hoàn toàn trở thành “xã hội đen hóa” rồi. Nói đến ổn định chỉ để người dân an phận giữ mình và chịu đựng chế độ bạo ngược. Hiện tại Trung Cộng âm ám cực độ, theo học thuyết Âm Dương thì: đã đến lúc Âm cực Dương sinh rồi!
Khoa học Trung Quốc cổ đại, là kết hợp Âm Dương và Ngũ Hành lại với nhau. Ví dụ nói trạng thái sinh lý của một người trong một ngày: từ nửa đêm giờ Tý đến rạng sáng giờ Mão, Âm tiêu Dương trưởng, thuộc về Đông Phương Giáp Ất Mộc, biểu hiện sinh phát, công năng sinh lý của cơ thể người cũng từ ức chế mà dần hưng phấn; đến giờ Tỵ, Ngọ là thuộc về Nam Phương Bính Đinh Hỏa, biểu hiện nóng nực, Dương khí hưng thịnh, công năng sinh lý của cơ thể người cũng chuyển sang trạng thái hưng phấn; từ giữa trưa đến xế chiều cho đến đêm thì lại tương phản, Dương tiêu Âm trưởng, công năng sinh lý của cơ thể dần trở nên ức chế.
Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành được ứng dụng rất rộng rãi tại Trung Quốc cổ đại, mà ứng dụng nhiều nhất chính là học thuyết Trung y cổ đại, các bộ vị trên cơ thể người, vừa phân thành âm dương vừa phân thành thuộc tính ngũ hành. Cả hai đều lấy tạng phủ, kinh lạc, khí huyết, tân dịch,… thành cơ sở vật chất của nó; đều là từ hiện tượng tự nhiên hoành quan bao gồm quy luật biến hóa của nhân thể, dùng các phương pháp suy luận để phân tích, nghiên cứu, giải thích hoạt động sinh lý của nhân thể và biến hóa của bệnh lý cũng như các loại liên hệ trong ngoài của nhân thể, đồng thời chỉ đạo cho trị liệu biện chứng lâm sàng. Âm dương và ngũ hành vận động và biến đổi không ngừng, bất tận. Bất kỳ một bên nào quá thịnh hoặc quá suy đều sẽ phá hoại trạng thái cân bằng động và sẽ khiến cho cơ thể không thoải mái. Dương thịnh sẽ sinh ra chứng quá nhiệt, cần dùng thuốc có tính hàn để ức chế Dương; Âm thịnh sẽ dẫn đến chứng lạnh, cần dùng thuốc có tính nóng, để hóa giải Âm. Tác giả có một cháu trai bị ho mãn tính không khỏi, đã uống mấy loại thuốc tiêu viêm và thuốc Bắc nhưng không hiệu quả, Tây y cũng không tìm ra nguyên nhân, sau đó tới khám Trung y. Vị bác sĩ già nói cháu bị chứng nóng, ho nóng. Thế là kê đơn thuốc, rất nhanh bệnh đã khỏi.
Một ví dụ khác là lịch pháp của Trung Quốc cổ đại. Dùng thiên can và địa chi để tính năm, tháng, ngày, giờ, gọi tắt là can chi, trong can chi đồng thời bao hàm âm dương, ngũ hành. Trong đó thiên can có 10 can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý; địa chi có 12 chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Thiên can và địa chi kết hợp lại tạo thành 60 vị can chi, cũng gọi là 60 hoa giáp. Trong dự đoán, tên tuổi đều dùng can chi “tứ trụ” (sinh thần bát tự) là căn cứ để bói toán.
Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành có thể vận dụng cho vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Trong sinh vật học, người ta đều biết quá trình thụ tinh của loài rùa, nhiệt độ ấp trứng khác nhau sẽ quyết định rùa nở ra là đực hay cái. Khi nhiệt độ ấp trứng của rùa biển nhỏ hơn 28°C thì tất cả các cá thể đều là con đực; khi nhiệt độ cao hơn 32°C thì tất cả các cá thể đều là con cái. Khi trứng cá sấu được thụ tinh ở nhiệt độ 30-34°C thì tất cả trứng đều là con cái, ở nhiệt độ 22-28°C tất cả trứng đều là con đực. Giới tính của ếch được xác định bởi nhiệt độ môi trường nơi nòng nọc phát triển. Khi nuôi ở nhiệt độ 25-28°C, hầu hết ếch đều là con đực. Khi nhiệt độ giảm xuống 10-12°C, hầu hết ếch lớn lên đều là con cái.
Nhiều người đã làm thí nghiệm về tình huống trên nhưng chưa biết cơ lý của nó là gì. Về bản chất, bất kỳ loài động vật hay thực vật nào cũng có thuộc tính âm dương của nó. Khi kết hợp với thuộc tính âm dương của môi trường, đạt đến âm dương cân bằng thì sự sống mới với các thuộc tính mới được tạo ra. Khi sinh vật âm tính gặp lại âm tính thì sẽ sinh ra con đực. “Rùa là loài đứng đầu trong những động vật có mai, có âm khí toàn diện nhất”. Trứng rùa biển được thụ tinh khi nở ở nhiệt độ thấp, thuộc về âm cực mà sinh dương, trong dương mà sinh âm.
Học thuyết Âm Dương Ngũ Hành là văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa và vẫn được ứng dụng trong dân gian cho đến ngày nay. Phần lớn dân chúng vẫn đang tiến hành gieo cấy vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa thu căn cứ theo “tiết khí”, lấy “tam cửu”, “tam phục” để vượt qua nóng lạnh, kết hôn thì phải chọn ngày đẹp, xây nhà, sửa lăng cần người đến xem phong thủy, trong hôn lễ vẫn là “nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường”, các thầy thuốc Trung y cũng dùng ba ngón tay để tìm ra bệnh tình, chúc thọ cho người già vẫn dùng nông lịch để tính toán, lễ hội vui nhất vẫn là năm mới Trung Quốc (Mặc dù Trung Cộng đã đổi tên gọi thành tiết xuân, gọi ngày đầu của dương lịch là năm mới, nhưng người dân vẫn không thừa nhận và vẫn coi Tết Nguyên Đán mới là năm mới thực sự).
Đạo gia cho rằng nhân thể là một tiểu vũ trụ, học thuyết âm dương ngũ hành đã có thể ứng dụng vào nhân thể, vậy có thể ứng dụng vào rất nhiều phương diện, con đường của khoa học tương lai, học thuyết Âm Dương Ngũ Hành sẽ càng có được nhiều ứng dụng rộng rãi hơn nữa.
(Còn nữa)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/56535
Ngày đăng: 20-06-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.