Sai lầm lớn nhất của Khương Tử Nha
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Bắc Mỹ
[ChanhKien.org]
Khương Tử Nha nhận được bảng phong Thần do Sư phụ đưa cho, trước khi xuống núi, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã nói với ông rất rõ rằng: “Chuyến đi này, phàm là có người gọi, thì không được trả lời”, nhưng ông vẫn quay đầu đáp lại tiếng gọi phía sau của Thân Công Báo. Đây là một sai lầm rất rõ ràng của Khương Tử Nha trên con đường tu hành của mình. Có nhiều đồng tu đã thảo luận, trao đổi về vấn đề này. Ngoại trừ điều đó, Khương Tử Nha dường như không có điều gì sai sót. Thực ra không hẳn là như vậy, tôi cho rằng, Khương Tử Nha đã phạm phải hành vi sai lầm rất lớn của một người tu hành. Tức là coi làm việc là tu hành, tâm làm việc vượt quá cả tu hành, thậm chí vì vậy mà quên mất cả tu hành, cuối cùng đã rơi vào vòng danh lợi tình của nơi thế gian. Khương Tử Nha ở trên núi trong 40 năm, xuống núi trong 30 năm (tính từ lúc xuống núi đến lúc được phong hầu). Khi còn trên núi là thanh tu, khi xuống núi mới là thực tu, rất đáng tiếc Khương Tử Nha đã không ngộ được đến điểm này.
Hồi thứ 15 trong “Phong Thần diễn nghĩa” có đoạn viết rằng: “Lúc này Thành Thang sắp diệt vong, nhà Chu đang hưng thịnh; lại gặp đúng lúc các vị Thần Tiên phạm giới, Nguyên Thuỷ phong Thần, Khương Tử Nha có phúc được làm tướng, vừa khớp số mệnh”. Thiên tượng biến hoá, sự việc thế gian phải có người cụ thể làm, Thần không thể trực tiếp làm. Dùng lời của Nguyên Thuỷ Thiên Tôn thì là: “Ngươi vất vả thay ta một phen, xuống núi phong Thần”. Khương Tử Nha buồn rầu trả lời: “Đệ tử thực lòng muốn xuất gia, trải qua nhiều năm tháng gian khổ, tu luyện tuy không có gì xuất sắc, xin lão gia mở lòng từ bi, chỉ ra chỗ mê lầm để con tỉnh ngộ, đệ tử nguyện ở lại núi khổ luyện tu hành, tất không dám tham luyến hồng trần phú quý, xin tôn sư thu dụng”. Thay Nguyên Thuỷ Thiên Tôn phong Thần là sứ mệnh cực kỳ trọng đại ở thế gian và Thiên thượng, nhưng ông căn bản tựa như không hiểu điều này, mà ông lại hiểu lầm rằng việc bảo ông xuống núi chính là đuổi ông đi, cắt đứt con đường tu hành. Nam Cực Tiên Ông lúc đó đã giải thích cho ông rằng: “Bây giờ ngươi tuy là xuống núi, đợi khi mọi việc thành công, tự sẽ có ngày trở lại núi”. Trước khi mọi việc hoàn thành, Tử Nha xác thực đã lên núi mấy lần, ấy là khi gặp phải khó khăn cần sự giúp đỡ, sau khi mọi việc thành công tại sao ông không nhớ trở lại núi nữa? Sau Vạn Tiên trận, Lão Tử, Nguyên Thuỷ nói với Tử Nha rằng: “Hôm nay đến đây, ta cùng 12 đại đệ tử ai về động phủ nấy, đợi ngươi phong Thần xong, sinh mệnh bản thân ngươi sẽ tu lại một lần mới, khi ấy mới thực sự là Chân Tiên”. Sau khi phong Thần, Tử Nha có nhớ đến việc tái tu sinh mệnh bản thân để làm một chân Tiên hay không? Không có, mà là an hưởng địa vị tướng quân, thậm chí đối với việc được phong hầu đã cảm kích đến rơi lệ.
Khi Tử Nha chủ động khuyên Vũ Vương cắt đất, phong hầu và ban bổng lộc cho các công thần và thân vương thì Lý Tịnh, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Dương Tiễn, Vi Hộ, Lôi Chấn Tử v.v. bảy người lập tức đứng ra cáo từ rồi về núi. Điều này rõ ràng là điểm hóa đồng môn Khương Tử Nha để lựa chọn giống như vậy, công thành thân thoái, tu đạo mới là việc chính.
Biệt giá quy sơn tị thế hiêu,
Nhàn tương đan táo tự phần thiêu.
Tu thành vũ dực siêu tam giới,
Luyện tựu âm dương việt cửu tiêu.
Lưỡng nhĩ phạ văn kim tử quý,
Nhất thân ly khước thị phi triêu.
Tiêu diêu bất vấn nhân gian sự,
Nhậm nhĩ thương tang hóa hải triều.
Tạm diễn nghĩa:
Biệt giá hồi sơn tránh tục trần,
Thanh nhàn tự mang lò đan đốt.
Tu thành đôi cánh xuất tam giới,
Luyện thành âm dương vượt chín tầng trời.
Hai tai sợ nghe phú quý bạc vàng,
Một thân rời xa triều đại thị phi.
Tiêu dao chẳng màng việc nhân gian,
Mặc cho bãi bể nương dâu thăng trầm biến hoá.
Tiếc thay, Tử Nha nghe thấy bảy người cáo từ hồi sơn, chỉ là không nỡ ly biệt mà “bất thắng thảm thích” (không khỏi buồn thương), tâm tu đạo mảy may không còn chút nào nữa.
Duyên phận của Khương Tử Nha tại sao lại rớt nhanh tới mức như vậy? Từ một phương diện có thể thấy rằng, cũng giống như các môn pháp tu luyện khác trong lịch sử, sư phụ của ông đã không giải thích rõ ràng thấu triệt phương pháp tu luyện chân chính cho ông, tự bản thân ông cũng không minh bạch tu luyện thực chất là gì. Một phương diện khác, cũng chính là xác thực hiển lộ sự hiểm ác của chốn hồng trần.
Trước khi Khương Tử Nha xuống núi, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã nói rõ trong một bài kệ rằng: “Trải qua 20 năm khó khăn gian khổ, nhẫn nại thủ phận vẫn an nhiên”, liên tục không ngừng đối diện với các loại hoàn cảnh khó khăn gian khổ, bán gầu đan bằng tre không bán nổi một cái, bán bột cũng bị gió thổi bay, mở quán cơm thì không có một khách nào tới ăn, không ngừng bị vợ la mắng đến mức phải bỏ vợ, rồi lại bị Thiên tử truy đuổi, tróc nã… trong tâm Khương Tử Nha e rằng không thể bình tĩnh nổi, điều này có thể nhìn thấy qua những lời mắng mỏ qua lại giữa ông và vợ là Mã Thị, khi ấy trong lòng Khương Tử Nha cũng chất đầy oán hận bất bình và nghi hoặc. Bởi vì Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã báo trước, ông biết rằng mình là người đại khí vãn thành, có tài nhưng thành công muộn màng, tiếp theo sẽ có sứ mệnh lớn cần phải hoàn thành ở thế gian. Nhưng, tiếp theo mỗi ngày bản thân sẽ gặp phải sự việc gì, với từng quan nạn trước mắt cần phải đối diện và vượt qua như thế nào, tất cả những điều này đối với ông đều là mê mang mịt mờ. Ông không hề ý thức được rằng việc ông lấy vợ khi tuổi đã già cùng những việc khác v.v. đều là hoàn cảnh được cố ý an bài để ông tu hành. Ông không thể hiểu được mối liên hệ giữa những phiền não vụn vặt này và sứ mệnh sau đó là gì. Không hiểu được thì cần ma luyện, ma luyện một mạch hơn 20 năm. Đến cuối cùng, ông cũng đã được minh quân trọng dụng, vô cùng phấn chấn, thời khắc ông thi triển tài năng cũng đã tới.
Trên đời thật khó tìm được một người tri kỷ. Thiên Lý mã lúc nào chẳng có, nhưng Bá Nhạc không phải lúc nào cũng tìm thấy (Bá Nhạc là bậc thầy am hiểu về ngựa thời Xuân Thu). Rõ ràng Khương Tử Nha có cái tình tri ngộ với Văn Vương đến sau này là Vũ Vương. Kẻ sĩ có thể chết vì tri kỷ. Đây là động lực rất lớn để Khương Tử Nha liều mạng già của mình, để vì họ Cơ mà đánh thiên hạ. Ông không đứng ở góc độ của sư phụ, sư huynh… hay các chúng Thần khác mà nhìn, hoặc đứng từ góc độ của người tu luyện mà xem xét. Ông lại chủ yếu đứng từ góc độ con người để nhận định mối quan hệ quân thần và thế sự hưng suy. Không sai, vì từ lúc ông bắt đầu xuống núi, ông thực sự không còn coi bản thân mình là người tu hành nữa.
Sư phụ Pháp Luân Đại Pháp đã công khai truyền Pháp hơn 30 năm. Đệ tử Đại Pháp cũng đã trải qua cuộc bức hại 24 năm (tính đến thời điểm bài viết). Có bao nhiêu đệ tử Đại Pháp cũng rơi vào hình thức khổ luyện như của Khương Tử Nha nhưng về phương diện tu hành tâm tính thực tế vẫn chưa đủ sáng tỏ, chưa biết tranh thủ nắm chắc lấy cơ hội? Thậm chí có người dần dần chìm đắm vào người thường.
Trong Đại Pháp không có danh lợi, nhưng có trong hình thức các hạng mục giảng chân tướng và cứu người. Chúng sinh trong Đại Pháp là bình đẳng, nhưng trong quần thể các học viên có đủ các thành phần, từ chuyên gia, nghệ thuật gia, minh tinh, CEO, nhà quản lý, giáo sư… Sư phụ đã nói với các học viên rằng Đại Kỷ Nguyên và Tân Đường Nhân tương lai sẽ là những phương tiện truyền thông lớn nhất trong xã hội loài người, tác giả lý giải rằng đó là kết quả, sự xuất hiện và tồn tại của các nền tảng và công cụ là vì mục đích tu luyện và cứu người, chứ không phải là mục tiêu truy cầu (tinh thần) của học viên và trong quá trình đó bị nhân tâm dẫn động hãm nhập vào làm việc, thành bại hay danh lợi. Đệ tử Đại Pháp phản bức hại là vì cứu người, không phải là vì mong chờ sự sụp đổ của tà đảng… hay những thay đổi trong chính trị của xã hội nhân loại. Chúng ta trong quá trình tu luyện cần bảo trì trạng thái phù hợp tối đa với hình thức tu luyện trong xã hội người thường, nhưng phù hợp với hình thức xã hội người thường không phải là mục đích, mà tu luyện mới chính là mục đích.
Giống như một bài viết trên Minh Huệ Net có tựa đề là “Mong nguyện rằng cuối cùng tất cả chúng ta đều xứng đáng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp”, tác giả nhìn thấy rằng “Cùng với sự biến đổi của thời gian và những cám dỗ của xã hội hiện đại, không ít người đã dần dần giải đãi tu luyện, vì thế mà cảm thấy tu luyện và học Pháp gian khổ, cứ thế trôi theo sự trượt dốc của trào lưu xã hội đã rơi vào danh lợi, thậm chí bị cuốn vào internet, điện thoại di động, bỏ việc tu luyện gác sang một bên. Có người có nói thế nào cũng rất khó quay trở lại, thậm chí trong khi giao lưu cũng không nói những vấn đề dựa trên Pháp. Trong cuộc bức hại, mấy chục người đã kiên trì hơn 10 năm, mà sau này trong mấy chục người ấy chỉ còn lại mấy đồng tu vẫn còn kiên định đi trên con đường tu luyện trợ Sư cứu người. Thật sự khiến người ta đau lòng”. Tác giả cũng từng chấp trước và đặt hy vọng vào các nhà lãnh đạo chính trị trong người thường, vì thế mà cũng từng trải qua những tiêu trầm và kích động, cũng từng tham gia vào các hạng mục Đại Pháp ở nước ngoài nhưng vì chỉ vì lý do kiên trì với ý kiến bản thân mình hoặc dựa vào cương vị, trình độ, cống hiến ít nhiều ở thế gian của mình mà phát sinh tranh chấp với đồng nghiệp, lúc nào cũng chăm chăm nhìn vào những gì mình cho rằng đã phó xuất, đối với những xung đột gặp phải thì ôm giữ bực bội mà không buông, v.v. May mắn thay, mỗi lần như vậy, dưới hồng ân của Sư phụ và sự giúp đỡ của các đồng tu, tôi đã kịp thời quay về trạng thái tu luyện.
Trong “Phong thần diễn nghĩa”, giữa Lý Tịnh và Khương Tử Nha có một sự tương phản. Điểm giống nhau là, Trần Đường quan Lý Tịnh từ thuở nhỏ đã tầm đạo tu chân, bái Độ Ách Chân nhân ở Tây Côn Luân làm sư, học thành công thuật độn Ngũ Hành. Vì Tiên đạo khó thành, vì vậy mà ông được cử xuống núi để phò tá Trụ Vương, giữ chức quan tổng binh, hưởng thụ phú quý ở nhân gian, đây là bối cảnh của ông trước khi phạt Trụ. Sau khi chinh phạt Trụ thành công, Lý Tịnh hoàn toàn có thể giống Khương Tử Nha thụ nhận tước lộc triều đình, ngày ngày cùng vợ con hưởng lạc, cùng con cháu đời đời hưởng phú quý. Nhưng Lý Tịnh lại không như vậy, mà ông lựa chọn lên núi tu luyện, đến cuối cùng nhục thân trở thành thánh thể. Ngược lại, theo sử sách truyền lại rằng Khương Tử Nha khi trăm tuổi đã kết hôn với một người phụ nữ tên là Thân Khương, sinh hạ được một con gái (sau này là hoàng hậu Ấp Khương) và 13 người con trai, thực sự có thể gọi là một gia đình hưng vượng, địa vị phú quý, không ai có thể sánh được. Có thể có đồng tu cho rằng Khương Tử Nha làm như vậy là một sự an bài trong Chính Pháp. Đó là một vai diễn trong lịch sử nhằm lưu lại một nền văn hóa tương ứng. Điều này không thể nhìn thấy trong “Phong thần diễn nghĩa”, hay nói cách khác khả năng chủ ý thức của Khương Tử Nha nhận thức được rõ ràng làm như vậy về cơ bản là bằng không. Trong vấn đề “tái tu chân mệnh để thành chân Tiên” và việc tận hưởng danh, lợi, tình ở thế gian, giữa hai điều này thì không nghi ngờ gì, Khương Tử Nha đã chọn điều thứ hai. Mà các đệ tử Đại Pháp ngày nay chỉ là mượn dùng tài nguyên và hình thức thế gian để tu luyện và cứu người. Sư phụ đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta:
“Vạn cổ sự
Vị Pháp lai”
(“Hý Nhất Đài”, Hồng Ngâm II)“Bởi vì nhân loại là vì Đại Pháp mà được tạo nên, [nên] Đại Pháp là tuyến chính của vở kịch này, hết thảy những gì tồn tại cho chúng sinh đều xoay quanh tuyến chính ấy. Chỉ vì người ta mê đắm theo những biểu diễn xung đột mâu thuẫn chi tiết trong vở kịch kia, mà lạc mất tuyến chính của vở kịch, [quên mất] mục đích nhân sinh là gì”. (Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002])
Tôi viết bài này, là để tự nhắc nhở và có thêm động lực cố gắng cho bản thân mình. Vô luận hoàn cảnh hiện tại của bạn giống như Khương Tử Nha lúc khốn cùng hay Khương Tử Nha khi công thành danh toại, thì cũng đừng quên hồng nguyện chân chính khi tới thế gian này, trong khó khăn nghịch cảnh hay khi ở trong vinh quang thành tựu, đều là vì tu luyện và trợ Sư cứu người. Chớ nên chấp trước không buông đối với thế gian rồi cuối cùng phạm những sai lầm và hối tiếc như Khương Tử Nha.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/285780
Ngày đăng: 24-03-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.