Thiển ngộ về chữ “Văn” (文)



Tác giả: Kim Tiên

[ChanhKien.org]

Chữ “Văn”「文」trong giáp cốt văn (chữ khắc trên mai rùa – giáp và xương thú – cốt) và kim văn (chữ được khắc hoặc đúc trên đồ đồng) viết là   . Một số nhà văn tự học cho rằng có một số ký hiệu nằm ở giữa chữ “Văn”「文」. Những ký hiệu này là một số “Văn thân” (hình xăm) được vẽ trên ngực con người. Trong xã hội nguyên thủy, các bộ lạc khác nhau trong lúc giao tranh dùng những ký hiệu này để phân biệt giữa ta và địch.

“Văn” 「文」là chữ độc thể, là chữ đầu tiên xuất hiện khi tạo chữ, cũng là chữ cơ bản nhất. Chữ “Văn” hợp với “Văn” tạo thành chữ “Tự”「字」, cho nên “Tự”「字」là chữ hợp thể. Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhiều khái niệm có liên quan đến chữ “Văn”「文」. Kết hợp các chữ (văn tự) lại sẽ tạo thành “văn chương”, nhiều loại “văn chương” kết hợp lại tạo thành “văn học”, còn có “nhân văn”, “thiên văn”, “văn hóa”, “văn minh”, v.v. Cơ sở của những khái niệm này đều bắt nguồn từ chữ “Văn”.

Lấy “Văn” làm nguyên tố cơ bản nhất, sau đó từ từ phát sinh nhiều ra, dần dần hình thành văn minh và văn hóa của nhân loại. Như vậy từ góc độ này mà xét thì xem “văn” chỉ đơn giản là “Văn thân” (hình xăm) là không phù hợp, bởi vì khái niệm “hình xăm” hoàn toàn không thể trở thành nguyên tố cơ bản của văn hóa hoặc văn minh của một dân tộc. Cho nên tôi nghĩ nên hiểu “văn” thành “nhân”「人」thì đúng hơn bởi vì chỉ có “nhân” (người) mới có thể đảm đương sứ mệnh hình thành và phát triển văn tự, văn chương, văn hóa và văn minh. (Hoặc có thể còn có một tầng hàm ý khác, ký hiệu “hình xăm” trong chữ “văn” là thọ ký mà Thần ban cho người dân của dân tộc này, dùng để phân biệt với người của dân tộc khác).

1. Nhân văn

Người ta thường nói “nhân văn”, tôi thấy chữ “Văn” dường như đều liên quan đến “nhân” (con người). Hình dáng của chữ “văn”「文」kỳ thực là hình dáng phía trước của một người. Nét chấm phía trên là đầu, sau đó có hai cánh tay, ở giữa là thân người, phía dưới còn có hai chân. Điều này chứng tỏ “văn” và “nhân” kỳ thực chính là nhất thể. Vì thế tôi nghĩ trong chữ “Văn” là “Nhân”. Con người là có tầng thứ, chữ “Văn” cũng có tầng thứ. Những người ở các tầng thứ khác nhau cũng viết ra các chữ ở các tầng thứ khác nhau. Phong cách con người khác nhau, phong cách của chữ mà họ viết ra cũng khác nhau. Phẩm chất thiện ác của mỗi người khác nhau, phẩm chất thiện ác của chữ cũng khác nhau. Nói tóm lại, con người có tín tức khác nhau, chữ họ viết ra đối ứng cũng mang theo các tín tức khác nhau. Vì vậy, người xưa có thể thông qua chữ viết của một người mà suy đoán ra số phận của người đó.

Nói về con người, tôi xin có đôi lời dông dài. Trong chữ Hán cổ, chữ “nhân”「人」thường là hình tượng mặt bên của một người (giống như thế này:). Người này trông như đang nghiêng người cúi xuống, trông teo tóp, thấp kém, nhỏ bé. Đây là để chỉ một người phổ thông, bình thường nhất. Khi một người triển hiện hình tượng chính diện cao lớn uy vũ, đỉnh thiên lập địa của mình thì thường có quan hệ với các chữ mang nghĩa cao lớn, thần thánh như “đại” 「大」, “thiên”「天」, đương nhiên cũng bao gồm cả chữ “văn”「文」. Những chữ này đều thể hiện dáng người đứng thẳng chính diện, đỉnh thiên lập địa. “Đại”「大」và “Nhân”「人」là nhất thể. “Đại” chính là hình tướng một người đứng chính diện đầu đội trời, chân đạp đất (giống như thế này ). Mạnh Tử nói: “Đại nhân giả, vị thất kỳ xích tử chi tâm giả dã”. Tức là: người chưa đánh mất trạng thái thuần chân của mình thì gọi là đại nhân. “Thiên” và “Nhân” là nhất thể. “Thiên”「天」chính là “Đại”「大」thêm một nét ngang. Nét ngang này chỉ không gian, tức là trên đỉnh đầu con người là không gian cao tầng. Chỉ có điều, vào thời kỳ đầu, nét ngang trên chữ “Thiên” là một ô vuông (giống như thế này), chứng tỏ không gian này là mở. Sau này biến thành nét ngang (giống như thế này), chứng tỏ không gian này đã bị phong bế (đóng) lại. Chữ “Văn” và chữ “Nhân” 「人」cũng lại là nhất thể. Chúng đều là hình tướng chính diện của một người, điều này cho thấy “Văn” nên thể hiện ra nội hàm cảnh giới cao của “Nhân”.

2. Không và có

Sự khác biệt giữa chữ “Văn”「文」và chữ “Đại”「大」là ở giữa chữ “Văn”「文」có một khoảng rộng, chỉ phần thân của một người, là rỗng và trống không. Cũng có thể chính là để chỉ trên thân người (hoặc ngực) có thể dung nạp rất nhiều tín tức nội hàm. Chữ “văn”「文」vào thời đầu vốn là người có thêm các ký hiệu tại phần ngực, có nội hàm. Có lẽ nội hàm của nó là thượng thiên hữu ý cấp cho con người, là điều mà con người mang theo từ tiên thiên. Nhưng cùng với việc nền văn hóa và văn minh của chúng ta càng ngày càng phong phú và thăng trầm, chữ “Văn” trên phần ngực của con người đã phản ngược lại biến thành không, tôi lý giải có thể có đạo lý ở ba phương diện như sau.

Thứ nhất, nội hàm tiên thiên được ban cho con người đã dần dần biến mất. Con người càng ngày càng đọa lạc, cảnh giới con người càng ngày càng thấp, con người rời khỏi nguồn gốc ban sơ của mình, khỏi vị Thần đã tạo ra bản thân mình càng ngày càng xa thì bản năng tiên thiên liền biến mất.

Thứ hai, con người nên là không. Gia Cát Lượng nói: “Tĩnh dĩ tu thân” (tạm dịch là giữ tĩnh lặng để tu thân), “Ninh tĩnh trí viễn” (tạm dịch là giữ yên tĩnh thì trí rộng). Trong sách “Đại học” có viết: “Tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự” (tạm dịch là sau khi giữ được tĩnh lặng thì sẽ có an lạc, sau khi có an lạc thì có thể suy nghĩ thấu đáo). Phật giáo cho rằng định có thể sinh huệ, mà ý nghĩa của chữ “Huệ”「慧」là người quét sạch bụi trần trong tâm. Tất cả những điều này cho thấy con người nên là không, nên giữ cho tư duy trống rỗng, vứt bỏ đi những thành kiến ngoan cố trong lòng và những quan niệm bại hoại trong đầu, nhường chỗ cho những nội dung mà bạn thật sự cần dung nạp.

Thứ ba, văn hóa và văn minh không phải là mục đích chân chính cuối cùng mà chỉ là phương tiện trải đường cho nó. Khi đọc đến mục “Pháp vô định Pháp” trong Bài giảng thứ nhất của cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi hiểu được rằng Phật Thích Ca Mâu Ni nói với đệ tử của mình:

“Ta đời này chưa có giảng Pháp nào hết”.

“Vậy nên Ông muốn nói người đời sau không được lấy những lời Ông giảng làm chân lý tuyệt đối, chân lý bất biến; nếu không người đời sau sẽ bị hạn cuộc vào tầng Như Lai hoặc thấp hơn Như Lai, mà không thể đột phá lên tầng cao hơn”.

Tôi ngộ ra rằng nền văn minh mà các nhà hiền triết và Giác Giả như Lão Tử, Khổng Tử của Trung Quốc, Socrates, Giê-su của phương Tây truyền lại cũng là vì để trải đường cho con người tìm kiếm Pháp lý cuối cùng. Các nền văn minh có trước đó đều không phải là mục đích cuối cùng, vì vậy chữ “Văn” thể hiện trạng thái “không”.

3. “Văn” dĩ tải đạo

Trong “Thuyết văn giải tự chú” viết: “Hoàng đế chi sử Thương Hiệt kiến điểu thú đề hàng, tri phân lý chi khả tương biệt dị dã. Sơ tạo thư khiết, y loại tượng hình, cố vị chi văn”. Đây là nói ngày xưa khi Thương Hiệt tạo chữ đã căn cứ vào “đề hàng chi tích” của chim thú mà sáng tạo ra “Văn”. “Đề hàng chi tích” ở đây là dấu chân của chim thú trong tự nhiên, Thương Hiệt nhìn rồi đắc được khải thị mà tạo ra văn tự. Dấu chân chim thú chỉ là một vài manh mối gợi ý, bản thân chúng không phải là chim thú, nhưng mà theo dấu vết của chúng thì có thể tìm được chim thú. Đây là một đạo lý rất đơn giản. Như vậy, chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa mà suy xét, đồ vật trên thế giới cũng chỉ là một vài manh mối gợi ý như kiểu dấu chân, tuyệt không phải là trạng thái bản chất nhất của chúng, nhưng chúng ta có thể từ những đồ vật này đi tìm ra bản chất ban đầu của chúng. Sứ mệnh của văn tự cũng giống như vậy. Văn tự chỉ là một vài ký hiệu, hình tượng triển hiện tại không gian hiện thực nơi nhân loại, nhưng chúng ta có thể căn cứ vào văn tự để tìm được cảnh giới cao hơn. Nhất là một số văn tự được các sinh mệnh cao tầng hoặc Giác Giả lưu truyền lại, phía sau chúng có mang theo các tín tức của tầng thứ cao hơn. Người có thể tu luyện đến cảnh giới nào thì có thể nhìn thấy các tín tức đối ứng với cảnh giới đó. Người xưa thường nói “Văn dĩ tải Đạo”. Đây có thể là sứ mệnh của chữ “Văn”.

4. Văn hóa

Chữ “Hóa”「化」này thật ra cũng là người. Hình tượng của chữ “Hóa” thời nhà Thương là như thế này:  . Đây là hình dáng mặt bên của hai người bình dân bị xoay chuyển điên đảo, giống như đang dùng “văn” để chuyển hóa con người. Vì vậy tôi nghĩ rằng “văn hóa” chính là dùng lý của cảnh giới cao để chuyển hóa (hoặc giáo hóa) con người, làm những người tầng thứ thấp kém, nhỏ bé chuyển hóa thành “đại nhân” như Mạnh Tử nói, tìm về với trạng thái tiên thiên thuần chính của bản thân. Trong “Thuyết văn giải văn” nói: “Hóa, giáo hóa dã” (tạm dịch là Hóa: là giáo hóa). Sách “Khang Hy tự điển” cũng giải thích: “Dĩ đức hóa dân viết hóa”(tạm dịch là dùng đức để giáo hóa dân chúng, viết là hóa) chính là có ý nghĩa như vậy.

Văn hóa là phải trải qua quá trình lắng đọng. Quá trình lắng đọng này thường dùng cách thức của “văn” để thể hiện. Ví dụ: triều nhà Thanh là lúc sắp kết thúc thời kỳ vương triều ở Trung Quốc, trong những năm trị vì của Càn Long đã chỉnh lý lại tác phẩm đồ sộ “Tứ khố toàn thư”, chiếu theo Kinh, Sử, Tử, Tập – bốn bộ sách lớn tập hợp chỉnh lý một cách hết sức toàn diện văn hóa truyền thống Trung Quốc. “Nhị thập tứ sử” không chỉ ghi lại các phương diện nội dung như tiểu sử nhân vật mà còn ghi lại chế độ lễ nhạc, phép tắc nhà binh, thiên văn, kinh tế xã hội, địa lý sông ngòi, v.v. Thương Hiệt tạo chữ là sử quan của Hoàng Đế cũng có một tầng hàm ý như vậy. Bởi vì để con người cuối cùng được chuyển hóa thành công, không phải giải quyết trong chốc lát mà là một quá trình lâu dài. Vì vậy, văn hóa truyền thống Trung Quốc đã trải qua quá trình lắng đọng vài ngàn năm. Những nhân tố giáo hóa này, trong ký ức, quan niệm, sinh mệnh của con người mà từng chút từng chút tích lũy, làm phong phú thêm, đầy đủ thêm một mạch cho đến thời khắc cuối cùng, đợi đến lúc con người đạt được “hóa” cuối cùng, tức là thực hiện bước nhảy vọt về chất lượng sinh mệnh, tìm về tự ngã chân chính của con người, trở về với cảnh giới ban sơ.

5. Văn minh

Sách “Đại học” đã viết rõ rằng “Đại học chi đạo tại minh minh đức”. Chu Hi cho rằng “minh đức” là một loại bản tính “sở đắc hồ thiên” (tạm dịch là có được từ trời), nhưng “vi khí bẩm sở câu, nhân dục sở tế” (tạm dịch là bị gò bó bởi tức giận, bị che lấp bởi dục vọng), vì vậy bị phong bế trong tối tăm u ám. “Minh minh đức” chính là phát lộ đưa loại bản tính tiên thiên này thể hiện ra ngoài, đưa con người trở về với trạng thái chân thật ban sơ, tức là “dĩ phục kỳ sơ dã” (tạm dịch là để khôi phục trở về trạng thái ban đầu). Vì vậy tôi nghĩ: văn minh chính là phải quay về với phẩm chất đạo đức chân thật ban đầu, nếu không thì không phải là văn minh. Có rất nhiều nền văn minh phồn vinh trên thế giới vì đạo đức con người bại hoại mà bị hủy diệt, như Atlantis vì bại hoại mà chìm xuống đáy biển, Pompeii vì bại họa mà bị núi lửa vùi lấp, Triều Thương vì Trụ Vương thất đức mà bị Nữ Oa bỏ rơi, thế giới thời Noah vì đạo đức trượt dốc toàn diện mà bị hồng thủy nhấn chìm, Lâu Lan do bại hoại mà bị bão cát hủy diệt, thành Sodom bị Thượng Đế tiêu diệt vì không tìm nổi được mười người nhân nghĩa, v.v.

“Đạo Đức Kinh” viết “tự tri giả minh”. “Văn minh” chân chính nằm ở chỗ con người biết đối chiếu với tiêu chuẩn đạo đức mà “tự tri” (tự biết), tức là phát lộ ra phẩm chất thuần chính nhất của bản thân, quay trở về với trạng thái chân thật tiên thiên của mình. Quá trình này là con người tự động, tự giác, không phải do người khác đến cưỡng ép. Mà những hiện tượng đọa lạc, bại hoại, phản đạo đức kia không thể được gọi là văn minh. Đó là phản văn minh, là mặt đối lập của văn minh.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/263547



Ngày đăng: 06-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.