Một chút thể hội trong 25 năm tu luyện



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[ChanhKien.org]

Tôi đắc Pháp vào năm 1996 và hiện đang ở độ tuổi 70. Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi đã liên tục bị bức hại và bị giam giữ phi pháp với tổng thời gian lên tới hơn 13 năm. Nhờ sự bảo hộ từ bi của Sư phụ, tôi vẫn giữ vững tín tâm đối với Đại Pháp, kiên định chính tín cho đến ngày hôm nay. Sau đây là trải nghiệm tu luyện của tôi trong 25 năm qua.

1. Không ngừng quy chính bản thân trong quá trình chép Pháp

Trước khi được chuyển đến một bệnh viện địa phương, tôi vốn là một nhân viên y tế phục vụ trong quân đội. Tôi cũng đã từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo và có danh tiếng nhất định trong các đồng nghiệp tại địa phương. Số phận an bài, năm 1996, chỉ chưa đầy hai năm sau khi được điều chuyển đến bệnh viện tỉnh, một điều không may đã xảy ra với tôi. Do tranh giành quyền lực, nhiều quan chức cấp cao bị trừng phạt vì tham nhũng. Tôi cũng bị liên lụy oan sai, kỷ luật, kiểm điểm, thanh tra. Ngay sau khi có kết luận không có liên quan đến tham nhũng, tôi đã bị đưa đến một viện kiểm sát ở nơi khác để thẩm tra. Trong ba ngày ở khách sạn, điều tra viên chỉ hỏi tôi đã đắc tội với lãnh đạo nào. Sau đó tôi được trả tự do. Vài tháng sau, mặc dù có kết luận rằng tôi không có bất kỳ sai phạm nào về tài chính, nhưng đơn vị công tác không bố trí công việc cũng như không trả lương cho tôi, tôi buộc phải ở nhà. Lúc đó, tôi rất suy sụp. Tôi hút thuốc và uống rượu cả ngày để giải khuây, không giao du với ai.

Tôi cảm thấy thật oan ức! Trong lúc khó khăn và tuyệt vọng, thật may mắn, vào tháng 6 năm đó, tôi đắc Pháp. Sau khi tôi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân suốt đêm, căn bệnh thấp khớp kéo dài hơn 20 năm đã biến mất! Tôi từng phải nhập viện gần như hàng năm và hàng ngày phải uống thuốc chống thấp khớp ngoại nhập. Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân, tôi ngừng uống thuốc. Tôi đã minh bạch ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống và nguồn gốc những oan ức của mình. Chính Đại Pháp đã giúp tôi buông bỏ oán hận và cải biến hoàn toàn vận mệnh của tôi. Kể từ đó, tôi bước trên con đường tu luyện phản bổn quy chân.

Sau khi đắc Pháp, vì đơn vị công tác chưa sắp xếp được việc làm nên tôi dành hết thời gian chuyên tâm vào tu luyện. Trong mắt vợ tôi, tôi đã trở thành một người tu luyện chuyên nghiệp. Thời điểm đó, mỗi buổi sáng tôi luyện 5 bài công pháp hai lần liền tại điểm luyện công, lần thứ nhất luyện với những học viên phải đi làm, lần thứ hai với những người đã nghỉ hưu. Sau khi hoàn thành các bài công pháp, chúng tôi học Pháp cùng nhau. Vào buổi tối, tôi ngồi thiền hai giờ cùng vợ. Có một lần, chúng tôi ngồi đả tọa trong ba tiếng liền. Chúng tôi cũng tổ chức học Pháp nhóm mỗi tối từ thứ Hai đến thứ Sáu. Ngoại trừ các hoạt động của Pháp Luân Công, tôi hiếm khi tham gia các hoạt động người thường. Về căn bản, tôi không xem phim, TV hay đọc tạp chí, và cũng từ bỏ sở thích sưu tập tem.

Sư phụ giảng:

“Con người tựa như đồ chứa đựng, cho mang chứa cái gì thì là như thế” (Hòa tan trong Pháp, Tinh Tấn Yếu Chỉ).

Thời điểm đó, tôi chỉ muốn mang chứa Pháp thật nhiều để có thể cải biến bản thân nhanh hơn nữa.

Thời kỳ đầu, tôi liên tục đọc Pháp, xem video Sư phụ giảng Pháp, học thuộc Pháp và chép Pháp. Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, tôi đã học thuộc cuốn Chuyển Pháp Luân ba lần, chép Pháp bảy lần trong ba năm. Đặc biệt, tôi đã từng dùng bút lông để chép cuốn Chuyển Pháp Luân. Ngoài ra, tôi còn chép Chuyển Pháp Luân (Quyển II), Pháp Luân Công, Hồng Ngâm, Tinh Tấn Yếu Chỉ và các bài giảng Pháp tại các nơi. Nhờ sự bảo hộ của Sư phụ, tôi thậm chí còn chép Chuyển Pháp Luân một lần khi bị giam giữ. Năm 2018, tôi đã được giải thoát khỏi hang ổ hắc ám. Kể từ đó, ngoài việc tham gia học Pháp nhóm cùng gia đình, tôi đã học thuộc lòng một lần và chép lại Chuyển Pháp Luân ba lần bằng bút lông. Ngoài ra, tôi còn chép Hồng Ngâm (1-5) một lần. Học Pháp là điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Đối với tôi, học thuộc và chép Pháp là phương pháp học hiệu quả nhất. Khi chép Pháp, tôi không chỉ sử dụng trí não của mình mà còn phải dùng tay và tập trung tư tưởng. Khi chép Pháp cũng cần giữ trạng thái tỉnh táo, đó cũng là một quá trình không ngừng quy chính bản thân trong Pháp.

Trong khi học thuộc và chép Pháp, tôi không đem theo quan niệm con người, cũng không cố ý đào sâu vào nội hàm. Tôi chỉ hiểu ý nghĩa bề mặt của câu chữ. Sư phụ đã giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ” (Chuyển Pháp Luân)

“Kỳ thực, chư vị khi tu luyện, sẽ chính là từng chút một từng chút một mà lên trong khi không biết không cảm thấy. Hãy nhớ kỹ: cần ‘vô sở cầu nhi tự đắc’.” (Học Pháp, Chuyển Pháp Luân (Quyển II))

Trong khi chép Pháp, tôi thấy thật khó để diễn tả nội hàm thâm sâu của Đại Pháp. Ngoài ra, tôi cũng có thể phát hiện nhiều chấp trước và loại bỏ chúng. Tôi hoàn toàn hòa tan trong Pháp, cả thân và tâm không ngừng phát sinh cải biến. Khi gặp vấn đề, tôi có thể đặt mình là một người tu luyện để hành xử, hình thành thói quen hướng nội, và buông bỏ được rất nhiều chấp trước.

Nhờ nền tảng học Pháp vững chắc, kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, tôi có thể thản nhiên đối diện với những khổ nạn. Ví như, nhà bị lục soát vì từ chối giao nộp sách Đại Pháp; ép học lớp tẩy não do đơn vị công tác tổ chức; không được bố trí công việc; không được hưởng lương hưu; không được trợ cấp sinh hoạt; khai trừ công chức và hàng loạt những bất công khác. Ngoài ra, tôi có thể bị cảnh sát bắt giữ, giám sát, theo dõi và nghe lén. Với sự gia tăng của cuộc bức hại, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã rầm rộ phỉ báng Đại Pháp, xuyên tạc sự thật. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ liên lạc với các đồng tu và cùng nhau chia sẻ thể ngộ. Tôi nói với họ rằng chúng ta cần vững tin vào Sư phụ và Đại Pháp. Dần dần, ngày càng nhiều học viên bước ra, sử dụng các phương thức khác nhau hướng thế nhân giảng chân tướng; một số thậm chí đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Vợ chồng tôi và gần một trăm học viên khác bị bắt cóc và giam giữ phi pháp vì đã thỉnh nguyện lên Tỉnh ủy. Để tránh bị đưa vào lớp tẩy não, vợ chồng tôi đã phải bỏ nhà ra đi, rồi bị cảnh sát truy nã, bắt cóc, cưỡng bức lao động cải tạo phi pháp. Sau đó, tôi và người thân còn tiếp tục bị bắt cóc và kết án phi pháp nhiều lần.

Trong thời gian bị giam giữ phi pháp, dù là ở trại tạm giam, trại lao động cưỡng bức hay nhà tù, tôi đều chiểu theo tiêu chuẩn “Chân – Thiện – Nhẫn” và làm ba việc một cách lý trí. Sư phụ giảng:

“Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không hề theo yêu cầu, mệnh lệnh hay chỉ thị của tà ác.” (Chính niệm của đệ tử Đại Pháp có uy lực, Tinh Tấn Yếu Chỉ II).

Trong nhà tù và trại lao động cưỡng bức, tôi không đeo ‘phù hiệu quản thúc nghiêm ngặt’, từ chối lao động khổ sai, không phối hợp với những yêu cầu vô lý của tà ác. Để chứng thực Đại Pháp và duy hộ các quyền hợp pháp của người tu luyện, tôi đã nhiều lần tuyệt thực và từ chối làm các việc của tù nhân. Lần nào Sư phụ cũng an bài cho tôi một môi trường tương đối thoải mái để tu luyện và giảng chân tướng. Trong trại tạm giam, tôi có thể công khai dạy mọi người các bài công pháp và giảng đạo lý làm người tốt cho những tù nhân khác. Gần một trăm tù nhân và nhiều sĩ quan cảnh sát đã đồng ý tam thoái. Trong hang ổ của ma quỷ, nhờ sự bảo hộ từ bi của Sư phụ, tôi đã vượt qua các quan nghiệp bệnh sinh tử như “tăng huyết áp”, “rối loạn nhịp tim” hay “nhồi máu não”, mỗi lần đều đường đường chính chính bước ra khỏi hang ổ của tà ác.

2. Tu bản thân, hướng nội tìm khi bị hàm oan

Sau khi đắc Pháp, tôi gặp mâu thuẫn với cả người thường và đồng tu. Trong những tình huống này, tôi nghiêm khắc với bản thân và có thể hướng nội tìm. Ngay cả khi tôi thấy mình không có lỗi, tôi vẫn có thể đề cao tâm tính.

Tôi bắt đầu tích cực tham gia hồng Pháp tại điểm luyện công. Ngoài ra, tôi đã tham gia và phối hợp cùng các phụ đạo viên tổ chức các khóa học chín ngày. Người hữu duyên ngày một tăng thêm, các đồng tu đều hy vọng rằng tôi có thể trở thành một phụ đạo viên, và thậm chí còn có tin đồn tôi sẽ làm việc tại tổng trạm phụ đạo. Nhưng đúng lúc ấy, tổng trạm phụ đạo đột nhiên thông báo sẽ có ba phụ đạo viên mới, nhưng không có tên tôi trong danh sách, đồng thời cũng có thông tin rằng tôi là kẻ loạn Pháp. Vào thời gian đó, tôi đang vượt quan nghiệp bệnh ở nhà, và ba vị phụ đạo viên mới đã đến để “an ủi” tôi. Họ nói: “Chúng tôi không mong muốn xảy ra chuyện này.” Tôi cười và đáp lại một cách ôn hòa: “Tôi làm phụ đạo viên hay không không quan trọng. Sư phụ biết và Ngài sẽ đưa ra kết luận cuối cùng nếu tôi làm loạn Pháp. Xin đừng lo lắng cho tôi. Sau này, nếu mọi người cần tôi làm bất cứ việc gì ở điểm luyện công, chỉ cần gọi, tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ”. Nhìn thấy tâm thái đó của tôi, họ cảm thấy nhẹ nhõm. Sau đó, tôi không được phép tham gia các hoạt động hồng Pháp do tổng trạm phụ đạo tổ chức, cũng như không được phép tham gia học Pháp nhóm dành cho phụ đạo viên. Tuy nhiên, tâm tôi vẫn bình thản, việc tu luyện và hồng Pháp của tôi không bị ảnh hưởng. Có lẽ đó là an bài của Sư phụ, vì khi không phải đảm nhận nhiều công việc của phụ đạo viên, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để học Pháp và luyện công. Vì vậy, tôi đã có thể làm những gì nên làm để duy hộ Đại Pháp khi Trung Cộng phát động cuộc bức hại tà ác.

Năm 2004, tôi trở về nhà sau hai năm ở trại lao động cưỡng bức. Tôi đã cùng một số đồng tu phối hợp để thức tỉnh những người tà ngộ bằng cách dành nhiều thời gian để nói chuyện với họ. Sau đó, hầu hết các học viên tà ngộ đã quay trở lại con đường tu luyện, và “nhóm trợ giúp” cũng giải tán.

Trong khoảng thời gian đó, có nhiều tin đồn cho rằng tôi là “kẻ phản bội”. Trước quan điểm của một số người cho rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công ở địa khu chúng tôi là không nghiêm trọng, tôi đã đăng một bài báo trên Minh Huệ Net, chỉ ra rằng địa khu này là một trong những địa khu bị bức hại nghiêm trọng nhất: Khi cuộc đàn áp bắt đầu, hầu hết các trạm trưởng, trạm phó trạm phụ đạo, và các phụ đạo viên đã bị “chuyển hóa” một cách chủ động hoặc bị động; Phòng 610 địa phương cũng đã thiết lập một “cơ sở chuyển hóa” trong cả nước; thành lập một “nhóm trợ giúp” gồm chủ yếu những kẻ tà ngộ; hàng trăm người chuyển hóa đã công khai ký tên vào bản kiến nghị “Đề xuất của Hiệp hội chống tôn giáo X”, v.v…. Bài báo của tôi cũng chỉ ra rằng tà ác đã âm mưu hủy hoại ý chí của các học viên Pháp Luân Công. Khi một số người đoán rằng bài báo là do chính tôi viết, họ đã lan truyền trong các học viên rằng tôi đang “tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công”, v.v. Trước những lời buộc tội và tin đồn này, tôi vẫn bất động tâm, hướng nội tìm.

Tôi từng là người có tính cách mạnh mẽ và không thể chịu đựng một chút bất công nào. Tôi luôn nghĩ mình thông minh và có bản sự, và hoàn toàn không để mắt đến người khác. Trước đây nếu gặp phải những chuyện này, tôi sẽ không thể cư xử một cách hòa ái. Nếu bị vu cáo là “loạn Pháp”, “phản đồ”, hay “tham gia vào cuộc bức hại tà ác nhắm vào các học viên Pháp Luân Công”, tôi nhất định sẽ truy đến cùng, tranh đấu thắng thua để thanh minh cho bản thân.

Trước khi tu luyện Đại Pháp, tôi đã từng kinh qua vị trí lãnh đạo “Bộ phận cai nghiện ma túy” của đơn vị và đảm nhận một dự án nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia về cai nghiện ma túy trong y tế. Bí thư đơn vị đã báo cáo tôi với cơ quan công an, nói rằng chúng tôi bán ma túy thông qua việc sử dụng một loại “thuốc giảm đau” mới do phòng nghiên cứu cung cấp. Nghe xong, tôi kích động đến mức không chỉ tranh luận với ông ấy tại cuộc họp mà còn mời cả lãnh đạo thành phố, lãnh đạo cơ quan Công an đến phân xử vụ việc. Tôi chứng minh rằng mình không chỉ vô tội mà còn có công. Cuối cùng, các lãnh đạo biểu dương nỗ lực của chúng tôi, nói rằng nó đóng một vai trò tích cực trong việc ổn định xã hội.

Sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi đã có thể bất động tâm, liên tục hướng nội để tìm ra những thiếu sót của bản thân khi mâu thuẫn xảy đến. Tôi buông bỏ những tâm tranh đấu, hiển thị, hoan hỷ, tật đố, chấp trước vào bản thân và coi thường người khác. Sau đó tôi kiên trì tiếp tục làm những gì cần làm cho Đại Pháp.

3. Buông bỏ chấp trước vào tình cảm vợ chồng

Tôi đã mất ba người thân trong cuộc bức hại. Ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, một ngày nọ, tà ác nghe trộm cuộc nói chuyện điện thoại, rằng một số học viên muốn gửi băng video “Tiểu sử của Chúa Giê-su” cho tôi. Kết quả là buổi trưa, nhà tôi bị lục soát, và những tiếng đập cửa khủng khiếp đã làm bố vợ 80 tuổi của tôi hoảng sợ. Ông lên cơn đau tim, phải nằm viện cho đến khi qua đời.

Khi vợ chồng tôi bỏ nhà ra đi, cảnh sát đã nhiều lần sách nhiễu, uy hiếp người mẹ ngoài 80 tuổi của tôi tại nơi bà ở, khiến bà bị tăng huyết áp và nhồi máu não hai lần, phải nằm liệt giường một thời gian dài cho đến khi mất. Khi hai người thân qua đời, tôi đã bị giam giữ bất hợp pháp trong tù.

Vợ tôi bị kết án hai lần. Trong thời gian bị giam giữ, cô ấy bị biệt giam, bị quản lý nghiêm ngặt, bị ép phải ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài dẫn đến huyết áp tăng cao, chân bị phù thũng. Sau khi vợ tôi ra tù lần thứ hai, cô ấy lại bị bắt cóc và giam giữ vì giảng chân tướng. Ngay sau khi tôi được tự do vào năm 2018, vợ tôi đột ngột qua đời tại nhà. Đây là cú sốc rất lớn và tôi cảm thấy vô cùng đau khổ. Tuy nhiên, vì lý do an toàn, tôi đã từ chối để các đồng tu đến dự tang lễ. Tôi chỉ cho phép người nhà tổ chức tang lễ. Ngay lúc đó, tôi nghĩ rằng tình thân quyến không thể ảnh hưởng đến mình.

Không lâu sau khi vợ qua đời, tôi nảy sinh tâm sợ hãi và bị ảnh hưởng bởi những khó chịu trên thân thể. Tôi sợ rằng mình sẽ chết. Dù ngày hay đêm, tôi đều sợ hãi khi nghe tiếng xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát, tiếng người đi lại ngoài cửa, tiếng đập cửa, tiếng động trên gác và cả tiếng chuột. Tôi đã không thể luyện công và ngay cả khi đang ngủ, tôi cũng cảm thấy sợ hãi. Những can nhiễu này đã diễn ra trong một thời gian dài.

Tại sao chấp trước sợ hãi lại nổi lên? Tôi sợ hãi điều gì? Tôi đã từng phục vụ trong quân đội, đã tham gia chiến tranh, trải qua hiểm nguy trong mưa bom bão đạn. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, tôi bị bắt cóc vì bước ra thỉnh nguyện, bị cảnh sát “truy nã” khi bỏ nhà đi; tôi đã từ chối lao động khổ sai, tuyệt thực, không phối hợp với tà ác để chống lại cuộc bức hại khi ở trong hang ổ ma quỷ. Tôi chưa bao giờ sợ tà ác. Tâm sợ hãi làm sao có thể đột nhiên nổi lên? Nó đã can nhiễu tôi trong một thời gian dài.

Sư phụ giảng:

“Vì con người có ‘tình’, nóng giận là ‘tình’, ưng ý là ‘tình’, yêu là ‘tình’, hận cũng là ‘tình’; vui thích làm điều [nào đó] là ‘tình’, không thích làm điều [nào đó] cũng là cái ‘tình’ ấy; thấy người này hay người kia dở, yêu thích làm gì đó hoặc chẳng yêu thích làm gì đó, hết thảy đều là ‘tình’; người thường chính là vì cái ‘tình’ ấy mà sống. Như vậy làm một người luyện công, một người siêu thường, thì không thể dùng cái [đạo] lý ấy để nhận định được, cần đột phá điều này. Do đó [đối với] rất nhiều tâm chấp trước xuất phát từ ‘tình’, chúng ta cần xem nhẹ, cuối cùng hoàn toàn vứt bỏ.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân).

Thông qua điểm hóa của Sư phụ, tôi nhận ra rằng mình đã bị mắc vào cái tình của người thường. Tình cảm đối với người vợ quá cố đã cản trở việc tu luyện của tôi, và biểu hiện ra là tâm sợ hãi.

Nhìn bề ngoài, tôi không nghĩ mình bị vướng vào “tình thân quyến” hay “tình vợ chồng”, nhưng vợ chồng tôi lại có “tình đồng tu” sâu đậm. Chúng tôi bắt đầu tu luyện cùng với nhau. Kể từ đó, chúng tôi đã đối xử và động viên nhau một cách chân thành. Cả hai gần như không thể tách rời; chúng tôi cùng nhau học Pháp và hồng Pháp. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, chúng tôi đã cùng nhau thỉnh nguyện để đòi lại công bằng cho Đại Pháp, cùng giảng chân tướng và phát tài liệu. Ngoài ra, khi tôi viết bài chia sẻ, vợ tôi sẽ là người chỉnh sửa. Chúng tôi chỉ đơn giản là cùng làm tất cả các việc và phối hợp rất ăn ý. Vào đêm muộn, chúng tôi vẫn sẽ đọc một vài bài thơ trong Hồng Ngâm trước khi đi ngủ. Chúng tôi cảm thấy rất vui khi chia sẻ những thể ngộ về Pháp.

Nếu vợ tôi vẫn còn sống, cô ấy sẽ giúp tôi giải quyết mọi vấn đề một cách thấu đáo. Tuy nhiên, cô ấy đột ngột ra đi, nhiều công việc giảng chân tướng phải dừng lại. Hơn nữa, chúng tôi rất ít liên hệ với người thân, và gần như cắt đứt mọi liên lạc với các đồng tu. Kỳ thực, đây chính là tâm ỷ lại, được biểu hiện ra dưới danh nghĩa “tình cảm”. Cảm giác mất mát, cô đơn không thể chịu đựng được đã can nhiễu tôi. Khi tìm thấy chấp trước này, tôi đã nhanh chóng nỗ lực học Pháp và làm ba việc. Chẳng bao lâu sau, Sư phụ đã giúp tôi loại bỏ chấp trước sợ hãi này, thứ đã cản trở con đường tu luyện của tôi. Bây giờ tôi đã nhảy thoát ra khỏi cái “tình đồng tu” với vợ mình.

4. Kiên định bước đi trên con đường tu luyện

Vào năm 2018, sau khi tôi thoát khỏi hang ổ ma quỷ thì các đồng tu đến gặp tôi. Tôi nói với họ về việc mình đã lên kế hoạch để phơi bày tà ác tại địa phương ở một mức độ lớn hơn. Tuy nhiên, họ đã thuyết phục tôi tăng cường học Pháp và hướng nội trước khi quay trở lại làm mọi việc. Một số người thậm chí còn khăng khăng rằng chúng tôi nên giảng chân tướng trực diện thay vì phơi bày tà ác. Gia đình tôi cũng không mấy tán thành kế hoạch của tôi.

Vì sao tôi bị bức hại? Việc tôi tiếp tục cứu người là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là tôi đã không cân bằng tốt quan hệ giữa học Pháp và thực tu, giữa tu luyện với làm các việc, và giữa tu luyện cá nhân với tu luyện Chính Pháp, và hay đi đến cực đoan trong các hành xử của mình. Tôi đã coi làm các việc là tu luyện mà không chú trọng tu luyện tâm tính.

Tuy nhiên, tôi không nên từ bỏ việc vạch trần tà ác chỉ vì tôi đã bị bức hại. Sư phụ đã viết trong Hồng Ngâm II:

Vô Trở

Tu luyện lộ bất đồng

Đô tại Đại Pháp trung

Vạn sự vô chấp trước

Cước hạ lộ tự thông

Tạm dịch:

Vô Trở

Đường tu luyện khác nhau

Đều ở trong Đại Pháp

Vạn sự không chấp trước

Đường dưới chân tự thông

Trong quá trình tĩnh tâm chép Pháp, tôi ngày càng minh xác tính trọng yếu của việc phơi bày và chấn nhiếp tà ác. Khi tìm kiếm trên mạng, tôi nhận thấy rằng Đài truyền hình Tân Đường NhânThe Epochtimes đã truyền tải thông tin của tôi về tà ác địa phương. Điều này đã khiến tôi vững tin hơn. Vì vậy, tôi đã quyết tâm tiếp tục chép Pháp, tham gia các buổi học Pháp nhóm, phát chính niệm vào bốn khung giờ toàn cầu, và giảng chân tướng trực diện tại các khu chợ. Tôi chỉ đơn giản là hòa tan trong Pháp.

Tôi đã nhận thấy hiệu quả làm việc tăng lên sau khi tôi nỗ lực học Pháp nhiều hơn. Trong hơn hai năm kể từ khi thoát khỏi nhà tù, tôi đã viết hơn 100 bài báo vạch trần tà ác. Ngoài ra, tôi đã hoàn thành các bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, các bài bình luận, các câu chuyện tu luyện của các học viên mới và cũ. Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13 tháng 5 và Pháp hội Minh Huệ, tôi đã giúp các học viên địa phương chỉnh lý và gửi bài chia sẻ. Hầu hết các bài của chúng tôi đã được Minh Huệ hoặc các kênh truyền thông khác chọn đăng, khởi tác dụng tích cực trong việc vạch trần và chấn nhiếp tà ác, khích lệ đồng tu làm tốt ba việc, giảng chân tướng, cứu độ thế nhân. Trong hai mươi năm qua, tôi đã giúp hàng trăm người minh bạch chân tướng và tam thoái, tôi cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc trong tâm vì những nỗ lực của tôi có thể cứu được con người thế gian.

Sư phụ đã giảng:

“…vậy nên mới nói cứ tu luyện như thuở đầu, tất thành chính quả.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)

Ở giai đoạn cuối cùng của tu luyện Chính Pháp, tôi nên trân quý thời gian để làm tốt ba việc và hoàn thành thệ ước từ tiền sử.

Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/270251

https://www.pureinsight.org/node/7681



Ngày đăng: 21-04-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.