Cảnh giác với việc xuất hiện “cơ chế tranh đấu” và tư duy phụ diện một cách không tự biết
Mộc Duyên – Học viên Đại Pháp ở hải ngoại
[ChanhKien.org] Trong một hai năm gần đây, tôi phát hiện ra các đồng tu xung quanh mình vô thức mang theo tâm tranh đấu và cách nghĩ phụ diện đối với động cơ của đồng tu khác khi nói chuyện hay gửi tin nhắn. Tôi nghĩ rằng vấn đề này ở khu vực chúng tôi đã trở nên rất nghiêm trọng, vì vậy tôi viết bài chia sẻ này để giao lưu cùng mọi người, xin đồng tu từ bi chỉ ra những chỗ thiếu sót.
Vấn đề trên chủ yếu thể hiện ở việc nhiều học viên không thích người khác can thiệp và cự tuyệt lắng nghe mọi kiến nghị, đã đến mức “không thể giao lưu tu luyện một cách bình thường với họ”. Ví dụ, ngay khi một số đồng tu nghe thấy những đề xuất, ý kiến của người khác hoặc người khác chỉ ra rằng họ có điểm nào đó không phù hợp với Pháp, họ sẽ ngay lập tức chống trả và nói: “Bạn đừng nghĩ chuyện thay đổi người khác. Hãy quản tốt bản thân mình. Tu luyện là tu chính mình.” hoặc nói: “Ép buộc người khác làm theo ý mình, bạn có tâm coi thường người khác.” Những ngôn luận này có người thoạt nghe cảm thấy dường như cũng có lý, thực ra đây đều là dùng lý giải phiến diện về Pháp lý để “phản bác” lại người khác, hoặc trực tiếp sử dụng logic và ngôn ngữ tranh luận của “đáp trả” lại những lời mà đồng tu giao lưu với họ, nói cho người khác cứng họng. Còn có đồng tu có thể không làm được “thực tu”, bình thường học Pháp, phát chính niệm không đủ nhưng thậm chí khi đồng tu nhắc họ phát chính niệm làm ba việc, họ đều cảm thấy đây là “xen vào việc của người khác”.
Mọi người đều biết rằng hướng nội là một trong những Pháp bảo của người tu luyện, cũng là một quá trình cần thiết để chúng ta thực tu tâm tính. Vậy thì việc cự tuyệt lắng nghe nhận xét và ý kiến từ người khác, có phải là biến tướng của việc “từ chối tu luyện tâm tính” không? Trong thời gian dài, những đồng tu này đã không tu bỏ tâm tranh đấu và tâm tự mãn ngoan cố, cảm thấy bản thân mình mới là đúng, người khác không nói động đến chuyện của họ được, từ đó hình thành nên một lớp vỏ dày đặc bao lấy người, “cơ chế tự động” được hình thành bởi tâm tranh đấu — chỉ cần người khác nói gì đó liền sẽ phản công. Tuy nhiên, những người tồn tại vấn đề này thường rất khó tự nhận ra. Loại trạng thái tu luyện này rất nguy hiểm, trong nhiều lần giảng Pháp, Sư phụ đều đã nhắc nhở các đệ tử phải sửa bỏ loại trạng thái
“Hễ nói liền giãy nẩy lên.”
(Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])
Mặc dù chúng ta không thừa nhận cựu thế lực, nhưng chúng đang nhìn chằm chằm vào sơ hở của học viên.
Một số đồng tu trực tiếp đăng những lời lẽ phản bác người khác lên các trang mạng xã hội, ngày ngày đều đăng, nội dung đều là nói về những chuyện tu luyện xung quanh họ, hoặc châm biếm mỉa mai những người phản đối họ. Lấy ví dụ, một đồng tu mà mọi người đều cho là cực đoan đã lên mạng nói rằng bản thân mình “ngôn từ sắc bén”, ứng đáp nhanh nhẹn, và “triển khai hỗn chiến về tinh thần và trí tuệ” với những học viên Pháp Luân Công nào phản đối mình. Mọi người có thể nhìn ra được trạng thái tu luyện này có phải là biểu hiện của tâm tranh đấu phát triển đến cực điểm hay không. Ngôn luận của anh ấy/cô ấy đã trở nên quá không thanh tỉnh, vô cùng đáng sợ.
Những học viên tự “chùn chân bó gối” như vậy có thể là những người có học thức cao, được gọi là đầu óc thông minh tại nơi người thường. Nhưng vấn đề thường nằm tại đây, cho rằng tư duy của mình cao minh hơn những người khác, vậy nên nghe không nổi ý kiến bất đồng. Họ thường sử dụng cái gọi là “đối đáp sắc bén” để khiến người kia không còn gì để nói, để hiển thị bản thân có “trí huệ cuộc sống” hay có logic tư duy đặc biệt hơn người. Tuy nhiên, điều họ không nhận ra là những lời mà họ dùng để phản bác lại người khác đều là ngụy biện và tư duy logic của người thường. Mục đích tu luyện của các đệ tử Đại Pháp chúng ta không phải để biện luận, cũng không phải để trổ tài ăn nói nhanh nhẹn.
Tại đây xin cảnh tỉnh bộ phận những người thường dùng lời lẽ châm biếm mỉa mai để nói chuyện với đồng tu, hãy mau chóng tỉnh táo lại, mau chóng học Pháp đồng hóa với Pháp, đâu có vị Phật nào miệng lưỡi sắc bén, đâu có vị Thần nào dùng cách mỉa mai chế nhạo để nói chuyện, những thứ này cách quá xa cảnh giới từ bi, hòa ái mà người tu luyện cần đạt được.
Ngoài ra, tư duy phụ diện cũng là một vấn đề vô cùng phổ biến – luôn luôn cho rằng lời nói của đồng tu khác là biểu đạt tư tâm nào đó, nghĩ về người khác bằng tư duy phụ diện, nghĩ xấu cho đồng tu. Vậy nên hễ người khác nói ra điều gì đều muốn tranh luận một phen. Vấn đề này đôi khi xuất hiện cùng lúc với tâm tranh đấu, cũng là vấn đề rất nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu xảy ra trong một hạng mục tu luyện, nó thường có thể gây ra hiểu lầm và gián cách, ảnh hưởng đến việc cứu người. Những tính toán nhỏ nhen của cựu thế lực là trông mong chúng ta không hòa thuận, mãi không làm việc được với nhau. Có những gián cách giữa một số đồng tu trong hạng mục không phải là ngẫu nhiên, chúng đều đã được sắp đặt an bài, đều là do cựu thế lực bày ra.
Tôi ngộ ra rằng tâm tranh đấu khởi tác dụng bảo vệ các chấp trước khác, hình thành một cơ chế tự động và một lớp vỏ “bảo hộ tự ngã”, từ đó khiến người ta không nghe được đề nghị của người khác. Trong quá trình tu luyện, nếu bạn nhận thức được những nhân tâm và tư tưởng xấu kia không phải là bản thân mình, bạn sẽ rất dễ dàng thoát khỏi nó, khi người khác chỉ ra cái tâm này bạn sẽ rất thoải mái và vui vẻ tiếp nhận. Những trường hợp hễ nói liền giãy nảy lên ấy, xét cho cùng cũng vẫn là bản thân không nhận rõ được những thứ kia không phải là chính mình, mà ngược lại thừa nhận chúng và vẫn bảo hộ chúng. Vậy chúng lại càng không muốn rời đi.
Sư phụ nói:
“Thế nên tôi từng giảng rằng, các đệ tử Đại Pháp đã là một người tu luyện, nhìn vấn đề nên là phản đảo [so với] người thường. Có người cảm thấy gặp phải việc không vui bèn không vui, thế chư vị chẳng phải là con người rồi? Có gì khác đâu? Khi gặp việc không vui, chính là lúc chư vị tu luyện bản thân mình, lúc tu tâm.”
(Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)
Mỗi một chấp trước đều là sợi dây ràng buộc khiến người tu luyện không thể viên mãn. Hiện nay là thời mạt thế, mỗi giây mỗi phút tu luyện đều vô cùng quý giá, hy vọng mọi người có thể tranh thủ cơ hội thực tu tâm tính.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/264506
Ngày đăng: 21-01-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.