Đối mặt với chấp trước căn bản



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở Washington D.C

 

[ChanhKien.org] Tôi đắc Pháp năm 2000 lúc 16 tuổi. Hôm nay tôi xin chia sẻ về quá trình tu luyện và những gì ngộ được thông qua tu luyện.

1. Điều chỉnh việc học hành và làm việc để chứng thực Pháp tốt hơn

Vì đắc Pháp khi còn khá trẻ, nên tôi có thể định hướng cuộc đời mình chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp và việc chứng thực Pháp. Khi vào Đại học, tôi đã học chuyên ngành báo chí vì biết các kỹ năng này có thể được dùng để chứng thực Pháp.

Sau khi tốt nghiệp, tôi đã từng làm thợ quay phim cho ba đài truyền hình của người thường để nâng cao kỹ năng làm phóng sự, từ đó có thể đào tạo lại cho các nhân viên ở Tân Đường Nhân (NTD). Tuy nhiên công việc ở các hãng truyền thông người thường đôi khi vô cùng ảm đạm. Có một giai đoạn thời gian tôi phải đưa tin về các vụ giết người gần như mỗi ngày, tôi thấy bực bội vì phải dành quá nhiều thời gian ở khu phố nguy hiểm cùng với các phóng viên muốn săn tin giật gân. Công việc ấy đã làm tôi suy sụp, chán nản và cảm thấy cô đơn với gánh nặng lớn trên vai.

Đó là lối suy nghĩ lấy tự ngã làm trung tâm, đầy tự tư và thường nhân hóa. Thể ngộ của tôi là vì tôi tu luyện chưa đủ tốt và không đạt được cái Thiện thật sự nên cựu thế lực đã khiến cho tôi bị phân công đi đưa tin về nhiều vụ án mạng để tôi xuất được Thiện tâm với những người đang chịu khổ. Về mặt lý trí, tôi hiểu rằng mình cần có thiện tâm với những nạn nhân của bạo lực và nghèo đói, nhưng thực tế tôi đã không đạt được trạng thái Thiện mà người tu luyện cần phải có và thể hiện qua hành động.

Trong Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009, Sư phụ đã giảng:

Khi cần thiết, chư vị cần phải lý trí, thanh tỉnh như một người tu luyện, để trách nhiệm của mình, để chính niệm của mình làm chủ đạo, sau đó cái Thiện chân chính của chư vị mới có thể triển hiện xuất lai; đó chính là sự khác nhau giữa người tu luyện và Thần.

Tôi rất hối tiếc vì đã không thể tu xuất thiện tâm để vượt qua quan này. Tôi cảm thấy mình là nạn nhân hơn là trân quý ma nạn như một cơ hội để bản thân tiến thêm một bước đạt đến tiêu chuẩn của Pháp. Việc tham gia các nhóm học Pháp lớn và nhỏ cùng sự hỗ trợ của các học viên đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong thời gian làm việc ở hoàn cảnh đầy thử thách ấy, tôi đã gia nhập một tổ chức dành cho giới phóng viên ở Washington D.C. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để giao lưu với mọi người ở đó, một trong số họ đã cho tôi biết về các công việc đang được tuyển dụng ở Washington phù hợp với tôi.

Tôi đã ứng tuyển và buổi phỏng vấn trực tiếp diễn ra vô cùng suôn sẻ, nhà tuyển dụng nói rằng tôi sẽ sớm nhận được phản hồi. Chà, vài tuần trôi qua mà tôi chưa nghe thấy gì.

Sau khi học Pháp thật nhiều và nghiêm túc hướng nội, nhận ra rằng nếu không có công việc đó thì tôi vẫn ổn và nếu công việc đó là dành cho mình thì Sư phụ sẽ an bài để tôi có được. Tôi cần từ bỏ truy cầu và để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên. Ngay sau khi cải biến suy nghĩ, tôi đã được mời làm việc. Sau đó tôi chuyển đến Washington D.C, nơi tôi có thể thực hiện những sáng kiến giảng chân tướng mới.

2. Tiến nhập vào xã hội

Tôi bắt đầu hoạt động tích cực trong tổ chức phóng viên kể trên. Tôi đã tổ chức các sự kiện cấp cao với chính phủ, quân đội và các lãnh đạo trên thế giới. Ngoài ra tôi còn tham gia mạng lưới đón tiếp khách du lịch tới từ hơn 20 nước tạm trú tại nhà tôi. Vài người trong số họ sau đó đã làm việc cho các Đại sứ quán ở Washington cũng như các tổ chức khác. Tôi còn tham gia những tổ chức và câu lạc bộ dành cho các nhà ngoại giao Mỹ. Tôi hiện là Đại sứ văn hóa cho những sĩ quan quân đội nước ngoài tham gia khóa đào tạo chuyên ngành tại Washington. Thông qua điều kiện này, tôi đã kết bạn với các sĩ quan quân đội cấp cao từ khắp nơi trên thế giới, và tôi có nhiều cơ hội giảng chân tướng cho họ.

Tôi dành nhiều thời gian đến các sự kiện của giới thượng lưu chẳng hạn như cuộc đua ngựa hằng năm, ở đó tôi thậm chí còn mua rượu sâm banh cho nhóm bạn của mình. Dĩ nhiên ai cũng biết tôi không uống rượu nên họ càng đánh giá cao sự hào phóng của tôi và đến lúc tôi giảng chân tướng thì họ sẽ lắng nghe một cách chăm chú. Tôi cũng tham dự các buổi tiệc ngoại giao, sự kiện cà vạt đen và thậm chí là các buổi trao đổi ngôn ngữ hàng tuần nơi tôi có thể giảng chân tướng cho vài người Trung Quốc. Tôi tin rằng phù hợp với chuẩn mực xã hội là điều quan trọng để có cơ hội gặp gỡ và cứu người.

Tôi có một người bạn không tu luyện trong giới chính trị cực lực phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Bạn tôi tự phát giảng chân tướng rất nhiều lần với Quốc hội Hoa Kỳ và giúp thúc đẩy nghị quyết về thu hoạch nội tạng. Tôi đã đưa mọi người tới buổi chiếu phim tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp, dắt mọi người đi xem Thần Vận và nấu ăn tại nhà cho những người bạn mới và cũ. Mọi người hay hỏi tôi về tấm hình đồ hình Pháp Luân và Luận Ngữ được gắn trên tường, thế là buổi nói chuyện về Đại Pháp được bắt đầu. Điều này diễn ra một cách tự nhiên và những người bạn nói rằng họ cảm thấy sự yên bình và năng lượng tích cực trong căn hộ của tôi.

Đôi khi tôi không nói với người ta rằng mình là học viên Pháp Luân Công bởi vì người ở Washington có quan niệm cứng nhắc. Đôi lúc tôi nói mình đã từng làm việc tại NTD từ đó biết được những việc khủng khiếp của Trung Cộng, bao gồm cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, tôi giảng chân tướng dựa trên góc nhìn của bên thứ ba và tùy hoàn cảnh mà ứng biến, nhưng trên hết điều tôi quan tâm là giảng chân tướng phù hợp với quan điểm của đối phương nên họ dễ dàng chấp nhận các dẫn chứng mà tôi đưa ra. Tôi tin rằng các học viên giữ vai trò chủ đạo trong xã hội là điều quan trọng và đừng ngại việc liên lạc với người ta từ ngày này qua ngày khác, tạo dựng mối quan hệ bạn bè bền vững, lâu dài và có ý nghĩa.

Mặc dù tôi có nhiều mối quan hệ trong xã hội, đôi khi tôi thấy tâm thái của mình không như một người tu luyện và chỉ hoàn thành mọi thứ trên bề mặt. Như Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017]:

Nếu không tu luyện, mọi người nghĩ xem, vậy bằng như người thường đang làm việc tốt;

Tôi phát hiện ‘cái tôi’ của mình thường bị thổi phồng mỗi khi nghĩ về những gì mình đã làm được ở bề mặt người thường. Đây là chứng thực bản thân chứ không phải chứng thực Pháp, và trái ngược với yêu cầu của Sư phụ.

Tuy nhiên, tôi hiểu rằng chúng ta không thể e ngại trở thành một phần của xã hội người thường, và sợ bị ô nhiễm bởi quan niệm và nghiệp lực của con người.

Sư phụ đã đề cập đến vấn đề này trong Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014]:

Bởi vì sự kiện này là rộng lớn, cả xã hội nhân loại đều thành ‘ngôi chùa’ của nó rồi.

Chúng ta không nên cô lập bản thân khỏi xã hội người thường, làm thế tựa như chúng ta chạy trốn khỏi ngôi chùa mà mình đang tu luyện, thực tế là toàn thế giới.

3. Quan khảo nghiệm gia đình

Tôi lớn lên cùng với cha mẹ và anh trai. Tuổi thơ tôi có nhiều ký ức bất hạnh. Cha tôi thường nóng giận và bị trầm cảm. Tôi thường sợ về nhà sau buổi học. Nỗi sợ hãi này thôi thúc tôi tìm kiếm sự bình yên trong tu luyện và khao khát có một gia đình hạnh phúc mà mọi thành viên đều tu luyện.

Trong kinh văn “Tiến đến viên mãn”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II, Sư phụ đã giảng:

Có người thật sự [nhận] thấy được Pháp lý của Đại Pháp; cũng có rất nhiều học viên là từ quan niệm của con người mà tìm thấy ở Đại Pháp những theo đuổi và truy cầu khác nhau trong đời người; chính vì nhân tâm chấp trước ấy thúc bách mà đến tu luyện Đại Pháp.

Sư phụ cũng giảng:

Sau khi tu luyện một [giai] đoạn thời gian rồi, thì phải chăng vẫn còn là những suy nghĩ ban đầu, phải chăng là cái tâm ấy của con người vẫn lưu bản thân tại đó?

Tôi nhận thức được mình mong muốn tình thương ấm áp của một gia đình toàn đồng tu. Tôi muốn được cảm thấy an toàn và muốn thôi oán hận gia đình mà tôi đã sinh trưởng. Tôi chấp trước vào sự bảo hộ của Sư phụ. Mãi tới một năm rưỡi trước, khi gặp khổ nạn trong gia đình, tôi mới nhận ra đây là chấp trước căn bản.

Sau khi tôi bắt đầu tu luyện, cha tôi bị các nhân tố ở không gian khác can nhiễu. Mỗi khi tôi mở nhạc Đại Pháp, thân xác cha tôi bỗng dưng đau đớn.

Mẹ tôi thường nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Một lần nọ bà kể với tôi khi bà nhắm mắt và nghe nhạc Phổ Độ, bà thấy một vị Phật ngồi trong sắc vàng.

Vài năm trước, cha mẹ tôi quyết định chuyển đến sống ở châu Mỹ La-tinh. Một năm rưỡi trước, cha tôi bị thương rất nặng trong một sự cố.

Tôi lên máy bay vào đêm hôm đó. Tôi cố gắng giữ tỉnh táo và nhìn nhận sự việc bằng cái nhìn siêu thuờng của một người tu luyện. Tôi gọi điện cho vài đồng tu trong khi đang chờ chuyến bay và họ chia buồn về việc của cha tôi. Tôi không muốn nghe điều đó. Tôi muốn thông qua việc này để tu luyện như một đệ tử Đại Pháp chân chính.

Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

[khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm

Nhưng tôi lo lắng phải một mình giải quyết gánh nặng gia đình. Sáng hôm sau, mẹ và tôi lái xe đến bệnh viện, bác sĩ nói rằng cha tôi đang trong tình trạng nguy kịch. Tôi đến bên giường của cha, đọc Luận Ngữ và phát chính niệm cho ông. Nước mắt giàn giụa và giọng của tôi run run khi đọc Luận Ngữ cho ông nghe. Tôi cầu xin Sư phụ thiện giải và an bài việc chuyển sinh để ông có cơ hội tu luyện trong tương lai, vì cha tôi cũng biết Đại Pháp là tốt.

Tôi đã ở bên mẹ từ sáng tới tối, cố hết sức giữ bình tĩnh. Vài ngày sau, anh trai và chú tôi cũng đã đến. Khi họ đến, tôi bắt đầu trở nên cực kỳ xúc động bởi vì tôi có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về bản thân và suy nghĩ sâu hơn về những điều đang diễn ra. Mỗi khi những suy nghĩ bắt đầu dấy lên, tôi cố gắng ngăn lệ rơi nhưng không thể. Tôi bị choáng váng bởi tình huống này.

Tuy nhiên tôi phát hiện một điều. Khi cảm xúc dâng trào, hễ tôi phát chính niệm thì tôi lại ngừng khóc. Tôi tự nhủ: “Cựu thế lực, ta không thừa nhận ngươi. Hãy rời khỏi ta, nếu không ngươi sẽ bị tiêu hủy!” Ngay khi những ý niệm đó xuất ra, tâm trí tôi bình ổn lại và ngưng khóc ngay lập tức. Phát hiện này giúp tôi nhận ra mình đang bị bức hại bởi cựu thế lực bởi vì cảm xúc dâng trào bị tan biến ngay khi tôi phát chính niệm. Tôi nhận ra rằng cựu thế lực đã lợi dụng cha mẹ để tạo ra ma nạn cự đại nhằm bắt tôi phải từ bỏ chấp trước vào gia đình. Tình cảm tôi dành cho cha mẹ không phải là yêu thương gì hết, mà chỉ là oán hận.

Sau khi cha qua đời, tôi ở lại với mẹ khoảng một tuần và quay về nhà với một trái tim nặng trĩu.

Khi kể chuyện này với vài người bạn thân từ thời thơ ấu, nhiều người nói: “Chúng tôi yêu bạn”. Nghe xong tôi khóc. Tại sao câu nói “Chúng tôi yêu bạn” lại khiến tôi xúc động đến thế? Có lẽ tôi chưa bao giờ cảm nhận được tình thương trước đó và tôi vẫn đang chấp trước vào nó. Tôi biết rằng từ khi bắt đầu tu luyện đến nay, tôi luôn khao khát tình thương, một gia đình ấm áp mà mọi người cùng tu luyện dưới sự bảo hộ an toàn của Sư phụ. Tôi nhận ra đây là chấp trước căn bản.

Sư phụ đã giảng trong kinh văn “Tiến đến viên mãn”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II:

Hơn nữa chúng khống chế những kẻ tà ác nhắm thẳng vào hết thảy tâm của con người, hết thảy chấp trước, mà kiểm nghiệm các đệ tử Đại Pháp một cách toàn diện không bỏ sót {vô lậu} và phá vỡ; nếu như chư vị thật sự có thể trong tu luyện mà vứt bỏ chấp trước căn bản kia của con người, thì ma nạn tối hậu này đã không tà ác đến như vậy.

Dần dà tôi ngộ rõ ra một điều: những gì tôi đã trải qua là một kiểm nghiệm xem tôi có thể rũ bỏ chấp trước căn bản và chân chính tu luyện hay không.

Chấp trước căn bản vào sự thoải mái và cảm giác an toàn cũng là lý do khiến tôi trì trệ trong tu luyện. Vì tôi thường cảm thấy bất an, nên tôi sợ đào bới ra chấp trước của mình, điều đó khiến tôi nuôi dưỡng quan niệm rằng tôi nên sống cuộc sống thoải mái, chịu khổ là điều tồi tệ và nên tránh xa. Tôi hiểu rằng người tu luyện nên trân quý ma nạn và khảo nghiệm về tâm tính, chúng được Sư phụ an bài để đề cao tầng thứ của chúng ta.

Sư phụ đã giảng trong kinh văn “Càng về cuối càng tinh tấn”, Tinh Tấn Yếu Chỉ III:

Chịu khổ chịu nạn là cơ hội rất tốt để tiêu trừ nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi, tịnh hoá nhân thể, đề cao cảnh giới tư tưởng, và thăng hoa tầng thứ; đó là việc rất tốt; Pháp lý chân chính là như vậy.

Tôi cần thay đổi quan niệm của mình từ căn bản. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là đặt ba việc lên vị trí hàng đầu và vị trí trọng yếu nhất: học Pháp, phát chính niệm và giảng chân tướng.

Đôi lúc tôi cảm thấy mình không đạt được tiêu chuẩn của Pháp, nhưng Sư phụ đã trao cho chúng ta lực lượng:

Người dám tới chính là xuất sắc lắm, cả Thần cũng nhìn nhận rằng sinh mệnh đó rất xuất sắc, đây là ‘dũng sỹ’, đây là dám ngay tại nơi cựu thế lực toàn vũ trụ tập trung mà chứng thực Pháp, chứng thực bản thân, bước đi thành con đường mới mà cứu vãn chúng sinh. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])

Các bạn đồng tu của tôi, hãy nhớ rằng chư Thần trong vũ trụ này nhìn nhận chúng ta rất dũng cảm, là những sinh mệnh xuất sắc với sứ mệnh phi thường cần phải hoàn thành! Tôi hy vọng mình có thể làm tốt hơn với trách nhiệm thần thánh mà Sư phụ đã giao phó cho tôi và tất cả chúng ta.

Xin hãy chỉ ra những gì không đúng với Pháp.

Con xin cảm tạ Sư phụ. Cảm tạ các bạn đồng tu.

 

Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7501

 



Ngày đăng: 16-04-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.