Giảng chân tướng ở điểm du lịch Hague
Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp Hà Lan
[ChanhKien.org] Kính chào Sư phụ tôn kính và các bạn đồng tu!
Năm 2014, việc giảng chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Công cho khách du lịch Trung Quốc tại các điểm tham quan đã trở thành vấn đề cấp bách, chúng tôi đã quyết định đến Cung điện Hòa bình ở Hague vào Chủ nhật hàng tuần. Thực ra, trong 10 năm qua, một vài người trong số chúng tôi thường xuyên đứng giơ các biểu ngữ và tài liệu thông tin, nhưng gần đây hầu như không có ai.
Những người sống gần Hague và có thể phụ trách việc này đều đã ra nước ngoài, nên chúng tôi phải tìm phương án khác. Vì tôi có đủ thời gian rãnh nên đã nhận trách nhiệm này. Cảnh sát địa phương biết chúng tôi là một nhóm rất ôn hòa nên đã nhanh chóng cho phép chúng tôi được đứng lâu dài ở đây.
Chúng tôi bắt đầu vào những tháng hè và nhiều học viên đã đến hỗ trợ. Sau đó, khi năm học mới bắt đầu thì số học viên giảm dần. Trong những tháng mùa đông chúng tôi cũng không thể ở đó thường xuyên, vì có quá ít khách du lịch Trung Quốc đến thăm quan.
Hầu hết các học viên có thể tham gia là người Trung Quốc vừa mới đến Hà Lan và không quen với văn hóa cũng như lối sống phương tây. Sự khác biệt văn hóa đã gây nên những khảo nghiệm tâm tính lớn cho tôi. Để hạng mục diễn ra suôn sẻ, tôi đã yêu cầu mọi người phát chính niệm sau khi dựng các biểu ngữ nhưng chỉ có một số người làm theo, số khác thì ra ngoài quảng trường để phát tài liệu trực tiếp. Những người có con cái đi cùng đã đưa tờ thông tin cho con của họ và để các cháu phát tài liệu cho khách du lịch. Du khách ở Cung điện Hòa Bình đã có các phản ứng khác nhau. Điều này khiến tôi bận tâm bởi vì có rất nhiều tin tức về những kẻ ăn xin chuyên nghiệp đưa trẻ em ra các điểm du lịch để xin tiền. Tôi đã cố gắng giải thích điều này cho cha mẹ của các cháu, nhưng họ đều trả lời là những đứa trẻ rất ngây thơ và vô hại. Tôi không biết làm thế nào để giải quyết sự khác biệt về văn hóa này, đặc biệt là camera an ninh ở khắp nơi và chúng tôi có thể gặp rắc rối với cảnh sát. Một số cháu bé thậm chí còn không nói được ngoại ngữ. Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có khiếu nại. Tôi đã viết một bài chia sẻ về vấn đề này và nhờ người khác dịch [ra tiếng Anh] để tránh gây hiểu lầm và thiếu tin tưởng [nếu tôi tự dịch không tốt]. Lúc đầu không có phản ứng gì, ngoại trừ một bài viết của một trong những vị học viên phụ huynh kể trên được Minh Huệ đăng tải. Tôi không biết về nó và vài tháng sau đó mới nghe về nó. Đây không phải là lúc để tranh cãi hay để thể hiện quyền hành, vì vậy tôi đã thanh lý tư tưởng và tập trung cho sự thông suốt của các hoạt động.
Sư phụ giảng trong Hồng ngâm 3, “Ai đúng, ai sai”:
Thùy thị thùy phi
Tu luyện nhân
Tự trảo quá
Các chủng nhân tâm khứ đích đa
Đại quan tiểu quan biệt tưởng lạc
Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma
Tạm dịch:
Ai thị ai phi (ai đúng ai sai)
Người tu luyện
Tự tìm lỗi
Các loại nhân tâm phải bỏ nhiều
Quan ải lớn nhỏ chớ rớt lại
Cái đúng là họ
Cái sai là mình
Còn tranh gì nữa
Tôi đã mua cho bọn trẻ một vài viên bi và xà phòng để thổi bong bóng. Nhờ đó cha mẹ chúng không phải bận tâm và có thể tập trung vào việc giảng chân tướng, vì họ rất chuyên nghiệp và giảng chân tướng cho khách du lịch Trung Quốc rất tốt.
Nhiều khách du lịch Trung Quốc đã chụp hình các biểu ngữ có hình ảnh các bài tập Pháp Luân Công, các tranh vẽ và hình ảnh minh họa các phương thức tra tấn mà những học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải gánh chịu. Đôi khi một hướng dẫn viên đến lấy một số tài liệu thông tin. Đa số khách du lịch Trung Quốc không nhận tư liệu vì hướng dẫn viên du lịch hay những người khác để mắt đến họ. Nhưng có rất nhiều người đã biết được chân tướng về cuộc bức hại và thậm chí thoái đảng ngay tại chỗ. Một số du khách đến từ châu Á rất ngạc nhiên khi thấy các học viên phương tây. Một người đàn ông từ Singapore nói: “Tôi nghĩ chỉ có người Trung Quốc mới tập Pháp Luân Công chứ”. Nhiều du khách Trung Quốc nói rằng họ đã gặp các học viên Pháp Luân Công tại các điểm du lịch khác trong chuyến đi của họ.
Cho dù vào mùa hè, mùa thu hay mùa đông, thời tiết luôn luôn đẹp trong suốt các hoạt động của chúng tôi. Chỉ ngoại trừ một lần! Lúc đó chúng tôi vừa nhìn thấy vài quan chức Trung Quốc trên một chiếc taxi bên kia đường thì một cơn gió mạnh thình lình thổi tới, suýt cuốn đi bàn thông tin của chúng tôi, mọi thứ đều bay tung tóe. Họ rất bất lịch sự và lạnh lùng khi chúng tôi tiếp cận họ. Tôi nhớ rằng nhiều năm trước thời tiết đã rất lạnh trong một cuộc biểu tình khi các thành viên của đảng cộng sản Trung Quốc đến thăm Hague. Khi ấy tôi cũng để ý thấy thời tiết lạnh kinh khủng. Một học viên lâu năm nói: “Nơi nào có tà ác, thời tiết luôn cực kỳ khó chịu!” Đó là vào thời gian đầu khi tôi mới tu luyện. Nhân dịp này tôi lại nhớ tới lời của học viên đó. Đôi khi trời mưa trong khu vực xung quanh Hague, nhưng không phải tại điểm có hoạt động giảng chân tướng của chúng tôi.
Thỉnh thoảng trời đổ mưa ngay sau khi tôi đã ngồi trên tàu về nhà. Nhưng ngay cả khi trời mưa trên khắp cả nước, bất cứ khi nào tôi rời tàu thì không có mưa nữa. Tuy nhiên, có một lần khi chúng tôi từ điểm giảng chân tướng về nhà, tôi thấy nhiều người đang trú mưa dưới mái hiên. Ngay cả việc đi bộ ra chỗ để xe đạp gần đó cũng sẽ bị ướt. Mưa như trút nước từ bầu trời và có vẻ sẽ không dừng lại sớm.
Tôi quyết định đi lấy xe và cứ thế về nhà. Tôi tự nhủ, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ngày hôm nay rồi, ngay cả khi trời có mưa ra gạch đá thì nó cũng không liên quan gì đến tôi. Tôi vừa đạp xe vừa nhẩm tính kế hoạch cho phần ngày còn lại. Sau khi đi được vài trăm mét tôi bỗng nhận thấy mình đã không bị ướt chút nào. Trời đột ngột ngừng mưa. Theo quan điểm thông thường, điều này thật chấn động và kỳ diệu. Tinh thần trách nhiệm đối với cứu độ chúng sinh sẽ tăng cường chính niệm của chúng ta. Đối với tôi, đây là minh chứng cho chính niệm và sự khích lệ của Sư phụ. Đối với cả nhóm, chúng tôi có thể thấy được sự khích lệ trong các bức ảnh chụp khi chúng tôi luyện công hoặc giảng chân tướng, với hình ảnh của cầu vồng hoặc ánh sáng rực rỡ rất đẹp. Tôi luôn chụp hình cho cả nhóm để không ai cảm thấy bị bỏ rơi. Tôi thường xuyên gửi hình ảnh cho cả nhóm.
Thành viên nhóm của chúng tôi cũng không cố định vì không phải ai cũng có thể tham gia các hoạt động vào mỗi Chủ nhật. Sau vài tháng, một học viên sống gần đó đã tham gia. Bây giờ chúng tôi có thể cất các biểu ngữ và các tài liệu khác tại chỗ của anh. Đây là một sự hỗ trợ lớn, bởi vì tất cả chúng tôi phải đi tàu lửa và mang các thứ đi cùng. Vào các ngày Chủ nhật, tàu chỉ chạy sau 8:00 giờ sáng. Chúng tôi phải vào vị trí trước 9:00 giờ sáng để sắp xếp mọi thứ. Là một điều phối viên, dĩ nhiên tôi phải có mặt ở đó đầu tiên. Trở ngại lớn nhất đối với tôi là vận chuyển. Tôi phải chở mọi thứ trên xe đạp của tôi. Đôi khi tôi buộc dây các hộp dụng cụ không kỹ, khiến chúng rơi khỏi xe và lăn lóc trên mặt đất. Một khó khăn nữa là lịch trình tàu hỏa với nhiều đường vòng và công trình đường sắt. Tôi phải đổi chuyến nhiều lần. Nhưng dù sao, hầu hết các trường hợp tôi đã đến đúng giờ hoặc thậm chí sớm hơn một chút, bất chấp tất cả khó khăn.
Một lần khi đến sớm, tôi đã gặp một gia đình Trung Quốc sống ở Đức. Tôi đã đưa một tờ Thời báo Đại Kỷ Nguyên cho người chồng, nhưng ông nói rất nhiều thứ không đúng sự thật. Cuộc trò chuyện với anh ta cho tôi thấy một lần nữa rằng các học viên Trung Quốc của chúng ta rất quý giá. Họ giảng chân tướng rất nhanh chóng, kiên nhẫn và trí tuệ.
Chúng ta mong muốn tất cả chúng sinh đề cao cùng với chúng ta, ngay cả khi mối liên hệ và sự hiểu biết của họ là khác nhau, tất cả chúng ta đều đang hít thở cùng một bầu không khí.
Cung điện Hòa bình là một điểm du lịch hấp dẫn, nhiều du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Đôi khi tôi liên tưởng dòng người bước ra từ những chiếc xe buýt trông giống như một dòng sông. Những khuôn mặt khác nhau, nền văn hóa và các quan điểm về cuộc sống khác nhau. Nhưng đối với cuộc bức hại này họ đều vô cùng căm ghét. Điều đáng chú ý là nhiều người châu Âu đến Cung điện Hòa bình từ những nơi rất xa xôi. Chúng tôi biết rằng họ với chúng tôi là hữu duyên và Sư phụ đã an bài để họ có một tương lai tốt đẹp. Có những lúc mọi người dường như khá lạnh lùng và thờ ơ với việc giảng chân tướng của chúng tôi. Vào những lúc đó tôi tự hỏi mình đã làm gì sai. Nhưng một lần khác, trước khi một du khách người Đức lên xe buýt, anh ta cảm ơn chúng tôi về các tờ thông tin và nói: “Cám ơn vì đã quan tâm đến chúng tôi”. Anh ấy không biết rằng mình đã bước lên bậc thang của tương lai.
Sư phụ giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2003:
Từ bi là tu xuất ra ấy, [chứ] không phải biểu hiện ra ngoài; là từ nội tâm, chứ không phải làm để người khác coi; nó vĩnh viễn [tồn tại] ở đó, nhưng không thuận theo thời gian hay hoàn cảnh mà biến đổi theo.
Tôi luôn lo ngại rằng mình quá hà khắc, mà các đồng tu lại không thể cho tôi biết điều đó vì họ không biết ngoại ngữ. Tôi tìm thấy thiếu sót lớn nhất của tôi là thiếu khoan dung. Trong nhiều trường hợp, tôi phải gánh trách nhiệm của rất nhiều sinh mệnh. Tôi còn rất nhiều quan niệm cũng như phương thức tư duy của người thường cần phải buông bỏ. Ngày hôm nay tôi là một đệ tử Đại Pháp, vì vậy tôi phải thoát khỏi những trói buộc của quan niệm cũ.
Cảm ơn Sư phụ và các đồng tu.
Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7224
Ngày đăng: 12-01-2018
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.