Tại sao mẹ chồng luôn kể khổ với tôi?
Tác giả: Thái Liên – Đệ tử Đại Pháp Đường Sơn, Hà Bắc
[ChanhKien.org]
Con xin kính chào Sư phụ từ bi vĩ đại!
Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi là một đệ tử Đại Pháp bắt đầu tu luyện từ tháng 02 năm 1998. Trong nhiều năm qua, mỗi khi tôi đến thăm mẹ chồng, bà thường phàn nàn với tôi về cách đối xử tệ bạc của bố chồng. Bà kể cho tôi mọi chuyện, từ chuyện gần đây đến chuyện đã xảy ra từ rất lâu, và đủ thứ chuyện vặt vãnh khác, đôi khi bà còn tức giận đến mức nghiến răng và bật khóc. Có những việc mà tôi không biết là mình đã từng nghe qua bao nhiêu lần rồi.
Vào một đêm cách đây nửa tháng, mẹ chồng tôi bị đau răng dữ dội, nửa khuôn mặt của bà bị sưng lên, ăn uống khó khăn và không thể mở được miệng. Nhưng ngay khi nhìn thấy tôi, bà lại bắt đầu khóc và kể với tôi về việc bố chồng tôi đối xử với bà không tốt ra sao. Tôi cảm thấy mẹ chồng tôi thật là vô lý, răng đau đến như vậy mà vẫn nghĩ đến những điều không hay về bố chồng. Tôi đã cố gắng khuyên bà nhiều lần và bảo bà nên nghĩ về những điều vui vẻ, nhưng bà vẫn không ngừng phàn nàn về mọi lỗi lầm của bố chồng. Tôi cảm thấy rất buồn bực và khó chịu, tôi không muốn nghe bà cằn nhằn và thực sự muốn trốn thoát ngay lập tức.
Về đến nhà tôi bình tĩnh lại và hướng nội tìm, tại sao mẹ chồng luôn phàn nàn về bố chồng trong nhiều năm như vậy? Mặc dù trước đây tôi đã từng nghĩ về vấn đề này, nhưng nó vẫn chỉ là trên bề mặt và tôi chưa bao giờ thực sự đào sâu vào hướng nội tìm. Tôi nhớ tới những lời Sư phụ giảng:
“Trong đó có một nguyên nhân, ấy là khi chư vị chưa khai ngộ, thì cái tốt – xấu ở các sự vật mà chư vị nhìn thấy, chẳng qua là chiểu theo tiêu chuẩn thị – phi của thế gian Pháp mà thôi, chư vị không nhìn thấy chân tướng của sự việc, không thấy quan hệ nhân duyên của các việc. Những việc đánh chửi hay nạt dối giữa người với người ắt phải có nhân duyên tồn tại, chư vị nhìn không thấu thì chỉ có thể là càng giúp càng hỏng việc” (Pháp Luân Công, Chương 1 – Khái luận)
Đúng vậy, tôi không biết mối quan hệ nhân duyên giữa mẹ chồng và bố chồng trong kiếp trước, cũng không hiểu về việc ân oán thị phi giữa họ, sao trong lòng tôi lại luôn thiên vị bố chồng và cảm thấy mẹ chồng hơi bất công với bố chồng kia chứ? Có lẽ họ đang hoàn trả cho nhau những gì họ nợ.
Tôi lại nghĩ đến việc vì sao mình lại khó chịu như vậy? Sư phụ giảng:
“Trong tu luyện cần tiêu nghiệp, tiêu nghiệp sẽ thống khổ; làm sao có thể tăng công một cách nhẹ nhàng thoải mái kia chứ! Nếu không thì tâm chấp trước của chư vị làm sao bỏ được đây?” (Bài giảng thứ sáu – Chuyển Pháp Luân)
Tôi đột nhiên ngộ ra rằng, phải chăng đời trước tôi cũng đã từng đối đãi với bà như vậy? Liên tục cằn nhằn và phàn nàn với bà? Và cũng khiến bà cảm thấy khó chịu, thống khổ? Nếu đúng là như vậy, thì chẳng phải là tôi đang hoàn trả nghiệp lực mà tôi đã tạo ra hay sao? Tiêu nghiệp khẳng định là rất khó chịu, vậy thì đây chẳng phải là điều tốt sao?! Tại sao tôi vẫn không vừa ý, vẫn oán trách mẹ chồng chứ? Tôi nên cảm ơn bà mới đúng!
Tôi lại nghĩ, từ bề mặt mà nhìn thì mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng tôi có liên quan gì đến tôi không? Khẳng định là có, bởi vì Sư phụ đã dạy chúng ta:
“Khi xuất hiện bất kể mâu thuẫn gì, xuất hiện bất kể sự việc gì — tôi từng dạy chư vị rồi — thì không chỉ hai người có phát sinh mâu thuẫn ấy phải tìm nguyên nhân bên trong bản thân mình, mà người thứ ba [đứng ngoài chứng kiến] cũng phải nghĩ về bản thân mình, vì sao lại để chư vị thấy [mâu thuẫn] ấy?” (Giảng Pháp tại các nơi IV – Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago năm 2004)
Đối chiếu với lời Sư phụ giảng, tôi hướng nội tìm, có phải là tôi cũng thường xuyên phàn nàn về người khác không? Thường xuyên không vừa ý với người khác không? Đúng là như vậy. Chẳng phải là tôi vẫn luôn phàn nàn về việc mẹ chồng cằn nhằn với mình sao?
Trước khi nghỉ hưu, tôi đối xử với học sinh của mình theo cách tương tự, luôn tìm lỗi ở chúng, chỉ trích và la mắng chúng. Nào là bài tập về nhà viết không đẹp, trên lớp không chăm chỉ nghe giảng, điểm kiểm tra không đạt yêu cầu, v.v. Có vẻ như tôi chưa bao giờ hài lòng với chúng, luôn tìm lỗi, không phải chỗ này sai thì chỗ kia chưa đúng. Tôi thường cảm thấy phẫn nộ và thất vọng với chúng, nói với chúng rất nhiều đạo lý sáo rỗng và còn coi đó là vì tốt cho chúng. Thực ra, đó chính là vị tư, vị ngã, cầu danh, cầu lợi và chứng thực bản thân. Bởi vì nếu thực sự nghĩ cho lợi ích của học sinh thì tôi đã không tức giận. Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy mình thật nực cười, lòng dạ quá hẹp hòi. Tôi cũng cùng người nhà nói những điều không hay về cháu mình, trách móc và oán giận cháu. Tôi tức giận về việc cháu nói dối người thân và bạn bè, vay số tiền lớn rồi không trả, rồi lại tiêu tiền hoang phí.
Tôi cũng đã nghị luận sau lưng các đồng tu, cảm thấy đồng tu này có chấp trước, đồng tu kia có nhân tâm, phàn nàn về việc đồng tu không thực tu và không hướng nội tìm, như thể chỉ có tôi mới là đệ tử chân tu của Sư phụ. Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy xấu hổ, mỗi đồng tu đều là đệ tử của Sư phụ, đều có Sư phụ bảo hộ và điểm hoá cho họ. Tại sao tôi phải lo lắng về những điều đó? Chẳng phải là tôi quá kiêu ngạo, quá tự đại sao?! Kỳ thực chính là do bản thân tu luyện chưa tốt. Không dùng Pháp lý của Sư phụ giảng để tu luyện bản thân.
Bởi vì Sư phụ đã giảng:
“Luyện công là hướng nội tìm, tự mình hãy tu luyện chính mình nhiều hơn, tìm nguyên nhân ở tự thân. Rằng mình làm còn thiếu sót ở phương diện nào, [thì] mình cần tranh thủ đề cao, dùng nỗ lực vào trong. Người mà toàn là dùng sức lực ra bên ngoài, người khác đều tu tốt cả rồi, đã lên cả rồi, mà chư vị vẫn không lên, chư vị chẳng phải tự hoang phí [thời gian] sao? Tu luyện cần phải tu chính mình!” (Chương 3: Tu luyện tâm tính – Pháp Luân Công)
Lần tìm kiếm này, tôi thực sự bất ngờ, thì ra là tôi vẫn còn nhiều nhân tâm như vậy, vốn dĩ là mẹ chồng vẫn đang “biểu diễn” cho tôi xem, mà tôi lại không ngộ ra, cũng chưa từng nghĩ đến việc bà oán giận bố chồng có liên quan gì đến tôi. Tôi thực sự nên cảm ơn mẹ chồng từ tận đáy lòng, bà cũng không hề thoải mái chút nào, thật sự rất khó khăn.
Buổi tối hôm kia, chúng tôi lại đến nhà mẹ chồng. Bà giống như thay đổi thành một người hoàn toàn khác. Bà rất vui khi gặp chúng tôi và vết sưng trên mặt bà đã giảm bớt. Ban đầu, chúng tôi dự định ngày hôm sau sẽ làm thủ tục nhập viện để kiểm tra toàn diện cho bà, nhưng mẹ chồng nói rằng bà tin Pháp Luân Đại Pháp là tốt và Sư phụ sẽ bảo hộ bà, nên bà không cần phải đến bệnh viện nữa. Kỳ thực, mấy ngày hôm đó tôi lo lắng nếu tôi đi cùng bà đến bệnh viện, các đồng tu ở nơi khác vốn đã hẹn trước là mang vật tư đến cho tôi thì làm thế nào đây? Mặc dù tôi đã phát chính niệm và cầu xin Sư phụ an bài, nhưng đôi lúc tôi vẫn cảm thấy lo lắng. Lúc đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Hơn nữa, trong suốt cả buổi tối hôm đó, mẹ chồng không hề trách bố chồng một lời nào. Luôn vui vẻ thoải mái. Thật tuyệt vời khi được bao quanh bởi nhiều niềm vui như vậy! Chủ đề muôn thuở này cuối cùng cũng kết thúc khi tôi hướng nội tìm. Tu luyện thật là kỳ diệu!
Từ nay trở đi tôi sẽ chuyển biến quan niệm của mình, tu luyện bản thân. Tôi cần phải làm được tu khẩu, không nghị luận về người khác, càng không được trách móc hay phàn nàn. Cần nhìn nhiều hơn vào sở trường và ưu điểm của người khác.
Con xin cảm tạ ân đức từ bi vô lượng của Sư phụ!
Nếu có chỗ nào chưa phù hợp với Pháp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính!
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/296223
Ngày đăng: 30-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.