Nhân gian tiên cảnh: Bài thơ “Ẩm tửu” của Đào Uyên Minh
Tác giả: Tiêm Tiêm
[ChanhKien.org]
Đào Uyên Minh được coi là ẩn sỹ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Bài thơ “Ẩm tửu” (Uống rượu) của ông được lưu truyền rộng rãi và được hậu thế tôn sùng. Toàn bài thơ gồm năm mươi chữ:
“Kết lư tại nhân cảnh
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ?
Tâm viễn địa tự thiên.
Thải cúc Đông ly hạ
Du nhiên kiến Nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử trung hữu chân ý
Dục biện dĩ vong ngôn”.
Tạm dịch:
Dựng lều nơi nhân cảnh
Mà không tiếng ngựa xe.
Hỏi ta sao có thể?
Lòng xa cảnh tự nhàn.
Dưới giậu Đông hái cúc
Thảnh thơi thấy núi Nam.
Khí núi trời chiều đẹp
Chim rủ nhau bay về.
Trong lòng có chân ý
Muốn nói lời lại quên.
“Dựng lều nơi nhân cảnh
Mà không tiếng ngựa xe”.
Hai chữ “nhân cảnh” đáng để suy ngẫm, nếu kết hợp với vế sau “không tiếng ngựa xe”, có lẽ phải là một nơi không có người, hoặc là nơi hoang vu ít người sinh sống. Nhưng nếu nhìn theo góc độ khác, “nhân cảnh” cũng có ý chỉ cõi nhân gian. Nếu giải thích theo cách này, thì tác giả giống như một nửa là Thần Tiên rồi. Do đó, câu thơ này có thể được hiểu theo hai cách, cách giải thích thứ nhất là ông dựng một túp lều tranh ở nơi hẻo lánh ít người, lúc bình thường không nghe thấy tiếng ngựa xe; cách giải thích thứ hai chính là ví mình như một vị Thần Tiên sống ở chốn nhân gian, tự xây dựng một túp lều tranh, lúc bình thường không tiếp xúc với người đời.
“Hỏi ta sao có thể?
Lòng xa cảnh tự nhàn”.
Nếu có người hỏi ta tại sao lại muốn sống như vậy, thì câu trả lời là bởi vì ta đã buông bỏ hết thảy mọi phồn hoa nơi thế gian con người, nên tự nhiên yêu thích cuộc sống ở nơi vắng vẻ, ít người lui tới. Ở đây, “lòng xa” mang ý nghĩa siêu phàm thoát tục.
“Dưới giậu Đông hái cúc
Thảnh thơi thấy núi Nam”.
Đi hái hoa cúc dưới giậu cúc đằng Đông, có thể thảnh thơi nhìn thấy núi Nam. Hai chữ “thảnh thơi” thể hiện trạng thái tự tại, tiêu sái của thi nhân. Mà chữ “kiến” (thấy) thể hiện một loại tự nhiên mà không phải cưỡng ép. Nếu như dùng chữ “khán” (nhìn), thì ý cảnh sẽ khác rất nhiều.
“Khí núi trời chiều đẹp
Chim rủ nhau bay về”.
Cụm từ “trời chiều đẹp” trong câu thơ này có ý cảnh tương đồng với câu “Tịch dương vô hạn hảo” (Mặt Trời lặn đẹp vô ngần) của Lý Thương Ẩn. Hình ảnh hoàng hôn buông xuống, đàn chim bay về tổ, triển hiện ra trước mặt chúng ta là cảnh tượng tịch dương lặn về phía Tây, từng đàn chim bay qua. Đương nhiên ở đây cũng có ý nghĩa tu Đạo phản bổn quy chân. “Chim bay” cũng biết phải về nhà, vậy tại sao con người không muốn về nhà đây. Nhà ở đây là chỉ con người đều là từ trên thiên thượng tới, ý nói ngôi nhà trên thiên thượng.
“Trong lòng có chân ý
Muốn nói lời lại quên”.
Ở đây đại khái là có liên quan với ý phản bổn quy chân ở trước đó. Chim bay về tổ, con người ở trong cảnh giới này, cảm thụ được sự tốt đẹp của nhà, muốn dùng ngôn ngữ để giải thích lại phát hiện ra không cách nào có thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt.
Con người đều cho rằng nhân gian là nơi tốt đẹp, thế nhưng trong mắt của một số người tu luyện, cảnh giới Thần Tiên lại tốt đẹp hơn. Trong Tây Du Ký, khi Đường Tăng tới Nữ Nhi quốc cũng là như vậy, con người cho rằng là tốt đẹp, nhưng trong con mắt của Đường Tăng lại không tốt đẹp như vậy. Ngày nay đệ tử Đại Pháp dường như mất đi hết thảy mọi thứ ở thế gian, về kinh tế, họ bị chặn đứng; về danh dự, họ bị bôi nhọ. Nhưng tại sao họ vẫn kiên định như vậy? Bởi vì trong mắt họ, có một điều đáng truy cầu và trân quý hơn cả – đó là Pháp Luân Đại Pháp.
Cảnh giới của Đào Uyên Minh là của một ẩn sỹ chân chính, một người tu hành thực sự. Mọi thứ nơi trần thế, trong mắt ông, đã không còn quan trọng nữa.
Ngày đăng: 09-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.