Tác giả: Tiêm Tiêm
[ChanhKien.org]
Thi nhân triều Đường là Lý Bạch có một bài thơ là “Trên lầu Tạ Diễu ở Tuyên Châu tiễn quan hiệu thư Thúc Vân”, trong đó có một câu thơ “Rút đao chém nước, nước càng chảy, Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” đã được truyền tụng rộng rãi. Có điều, nội hàm của bài thơ này lại rất có ý nghĩa.
Khí ngã khứ giả,
Tạc nhật chi nhật bất khả lưu.
Loạn ngã tâm giả,
Kim nhật chi nhật đa phiền ưu.
Trường phong vạn lý tống thu nhạn,
Đối thử khả dĩ hàm cao lâu.
Bồng Lai văn chương Kiến An cốt,
Trung gian Tiểu Tạ hựu thanh phát.
Câu hoài dật hứng tráng tư phi,
Dục thượng thanh thiên lãm minh nguyệt.
Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu,
Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu.
Nhân sinh tại thế bất xưng ý,
Minh triêu tán phát lộng biên chu.
Tạm dịch:
Người bỏ ta mà đi mất,
Ngày hôm qua chẳng thể giữ lại.
Người làm rối lòng ta,
Ngày hôm nay thật lắm ưu phiền.
Gió thổi dài muôn dặm tiễn nhạn thu,
Trước cảnh có thể say sưa trên lầu cao.
Văn chương Bồng Lai, cốt cách Kiến An,
Trong đó có Tiểu Tạ là người cao nhã.
Lòng đầy dật hứng, tứ thơ hùng tráng bay cao,
Muốn lên đến trời xanh để với trăng sáng.
Rút đao chém nước, nước càng chảy,
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm.
Người sống ở đời không như ý,
Sớm mai rũ tóc xuôi thuyền trên sông.
Bài thơ mở đầu bằng câu thơ: “Người bỏ ta mà đi mất, Ngày hôm qua chẳng thể giữ lại; Người làm rối lòng ta, Ngày hôm nay thật lắm ưu phiền”. Thoạt nhìn có vẻ bình thường, không có gì đặc biệt, nhưng có lẽ ý ban đầu của thi nhân không như chúng ta nghĩ. Ý nghĩa của câu này là: Hết thảy những điều thuộc về ngày hôm qua thì không thể giữ lại được, còn trùng trùng những lưu luyến, không nỡ buông bỏ của ngày hôm nay đang làm rối loạn tâm trí ta. Mà hàm ý ẩn chứa trong đó là: Những việc của ngày hôm nay làm nhiễu loạn lòng ta, nhưng cuối cùng cũng sẽ trở thành ngày mai, trở thành quá khứ. Cuối cùng thì cũng sẽ rời ta mà đi, vậy thì hà tất phải chấp chước? Ý nghĩa cũng chính là nên buông bỏ.
“Gió thổi dài muôn dặm tiễn nhạn thu, Trước cảnh có thể say sưa trên lầu cao. Văn chương Bồng Lai, cốt cách Kiến An, Trong đó có Tiểu Tạ là người cao nhã. Lòng đầy dật hứng, tứ thơ hùng tráng bay cao, Muốn lên đến trời xanh để với trăng sáng”. Những câu thơ này không cần giải thích quá nhiều, đều là bày tỏ hùng tâm tráng chí của bản thân nhà thơ. Mà câu thơ “Muốn lên đến trời xanh để với trăng sáng” thì lại càng thể hiện khí phách phi phàm.
“Rút đao chém nước, nước càng chảy, Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”. Lý Bạch thích uống rượu, kỳ thực người xưa rất nhiều người cũng thích uống rượu làm thơ. Thi nhân lại phát hiện ra rằng uống rượu không những không làm vơi đi nỗi sầu, mà ngược lại còn khiến lòng càng buồn thêm. Câu thơ này lại xuất phát từ Lý Bạch, người mà mỗi lần làm thơ hay ngâm thơ đều phải uống rượu, dường như lại càng trở nên thú vị. Uống rượu thì rồi cũng sẽ đến lúc tỉnh, tỉnh rồi thì những gì cần phải đối mặt vẫn phải đối mặt.
“Người sống ở đời không như ý, Sớm mai rũ tóc xuôi thuyền trên sông”. Câu thơ này thoạt nhìn có vẻ là sự bất lực, nhưng kỳ thực lại không phải như vậy. Thi nhân ngay từ đầu đã biết rằng, hết thảy những điều khiến người ta không buông bỏ được đều sẽ trở thành quá khứ. Do đó, ông mới nghĩ đến việc rời xa phiền muộn, chèo thuyền nhỏ mà đi xa.
Trong con mắt của người tu luyện, mọi thứ ở thế gian đều là không chân thực. Bởi vì chúng thoắt đến rồi đi, giống như một ảo ảnh, một hình ảnh hư huyễn mà thôi. Hôm nay và ngày mai vốn rất gần, những điều khiến con người hôm nay sống chết không buông, chỉ trong chớp mắt đã trở thành quá khứ, không còn giá trị. Buông bỏ phiền não, tu Đạo thành Tiên mới là con đường giải thoát chân chính. Câu thơ “Sớm mai rũ tóc xuôi thuyền trên sông” của thi nhân, kỳ thực cũng hàm chứa nội hàm này.