Tây Du luyện tâm (1): Trong tâm mỗi người đều có một bộ Tây Du



Tác giả: Liễu Duyên

[ChanhKien.org]

Tu luyện là tu tâm, tuy nhiên con đường tu tâm có ma nạn trùng trùng, tâm ma khó bề nhận biết, khó phân thật giả, khó giữ được kiến giải đúng đắn, khó luyện được chân tâm. Tóm lại là muốn phá giải mê mờ tìm về chân ngã thì đã khó càng thêm khó.

Người sống trên đời luyện thì chính là luyện cái tâm, nhưng ‘chân tâm’ thường không hiện diện nơi thế gian, lúc nào cũng bị một lớp vỏ ngoài (nhục thân) bao bọc. Đợi khi thời gian lâu rồi, tâm bị thùng thuốc nhuộm lớn là xã hội này làm cho ô nhiễm, khiến ‘nhân tâm’ nhiều lên, cư xử khéo léo linh hoạt, cũng học được cách tự tư tự lợi, hại người lợi mình, khuôn mặt đã trở thành chiếc mặt nạ che giấu chân tâm. Tục ngữ nói ‘lòng người khó dò’, tâm tư không để người ngoài biết được, chỉ có những ai giỏi quan sát lòng người mới có thể dòm ngó được đôi chút.

“Tây Du Ký” mà mọi người trên thế giới biết và thích xem thì mọi người đều đã sớm hiểu rõ. Nhưng như người ta thường nói, người trong nghề thì xem cách thức, người ngoài nghề chỉ xem náo nhiệt. “Tây Du Ký” được viết thành sách lần đầu tiên vào triều đại nhà Minh rồi lưu truyền đến ngày nay. Suốt mấy trăm năm qua, sức hút của nó không hề giảm sút, có thể nói người già lẫn trẻ nhỏ đều yêu thích, người tốt, kẻ xấu đều mở xem, đời người không có “Tây Du Ký” thì không vui vẻ. Đông đảo chúng sinh quyến luyến trong hồng trần, nhưng nhân sinh đâu chỉ dừng lại ở một bước Tây Du. Bất kể là xem cách thức hay là xem náo nhiệt, đều không thể xem được hết những điều khiến người ta vui thú. Có lẽ, chỉ có tình tiết câu chuyện xuất sắc về những điều như mắt Thần như điện, hàng yêu phục ma, tôi luyện nhân tâm trong “Tây Du Ký” mới có thể tiến gần đến chân tâm của bản thân, làm xúc động lòng phàm vốn đã bị mê mờ này. Mọi người đều có thể từ trong Tây Du nhìn thấy được hình ảnh phản chiếu nội tâm của chính họ, khá gần gũi, gần sát với cái tâm nguyên sơ của mỗi người, thế mới khiến người ta yêu thích một cách không tự biết. Nhìn lại suốt từ cổ chí kim, bất luận là ảnh hưởng theo chiều sâu, chiều rộng hay theo mức độ yêu thích, thì chỉ có “Tây Du Ký” mới có thể đạt được như vậy.

Tuy rằng nhân vật nam chính trong “Tây Du Ký” là Đường Tăng, nhưng người này lại thường bị nhân vật đứng thứ hai là Mỹ Hầu Vương Tôn Ngộ Không chiếm mất ‘ống kính’. Thậm chí có lúc Đường Tăng còn bị nhân vật thứ ba vốn thật thà, chậm chạp là Bát Giới đem ra làm trò đùa, đi theo phụ họa cho vị đại sư huynh mà bản thân bị ép nhận. Ngay cả Sa Tăng thật thà, chậm chạp cũng có năng lực hơn Đường Tăng, từ đó làm nổi bật sự vô năng của nhân vật chính. Nhưng mà nhân vật chính dù sao vẫn là nhân vật chính, vả lại Đường Tăng còn có thân thể rất thu hút yêu ma quỷ quái. Từ khi có lời đồn ‘ăn một miếng thịt của Đường Tăng có thể trường sinh bất lão’ thì suốt đường đi nhân vật này luôn bị yêu quái tơ tưởng, bị các loại yêu ma của dục vọng canh chừng cơ hội để ra tay. Chúng luôn bắc nồi nấu dầu, chất đống củi, chờ đợi Đường Tăng đến địa bàn của mình để bắt lại, bỏ vào nồi. Việc này dẫn tới thống khổ cho Đường Tăng khi sự tồn tại của bản thân giống như miếng mồi. Ngộ Không mỗi khi xuất trận thì khí phách ngút trời, mỗi lần đánh dường như phong quang vô hạn, một đường đả phá không gì cản nổi, lại còn náo loạn Thiên cung, lấy được danh hiệu Tề Thiên Đại Thánh. Đường Tăng trưởng lão một khi xuất hiện thì bước vào con đường ‘dầu sôi lửa bỏng’, cộng thêm cám dỗ sắc dục. Ôi thôi thương thay! Lời đồn do ai phát tán ra? Số mệnh định rõ Đường Tăng làm hòa thượng, vậy nhưng nhân vật này lại có dung mạo tuấn tú, nên làm hòa thượng cũng không an tĩnh, dẫn đến việc yêu ma từ khắp nơi tới xâm phạm. Chúng nhìn thấy Đường Tăng là thèm thuồng, nếu không muốn ăn thịt thì cũng là muốn lấy làm chồng, giăng bẫy nguy hiểm chết người khắp nơi, hận không thể nuốt chửng một cái cho thống khoái.

Nhưng nhân vật chính Đường Tăng không có năng lực lại còn nhu nhược ấy, khi đối mặt với sự hãm hại của yêu ma quỷ quái, trong giây phút sinh tử mấu chốt, ông ta luôn chỉ nói một câu: Ta là người đi thỉnh kinh đến từ Đông thổ Đại Đường. Thêm nữa, vào bất cứ lúc nào, dù là khi thật sự phải mất đi nhục thân, Đường Tăng đều vẫn giữ vững đức tin không buông. Chỉ nhờ có vậy, nhân vật này mới có thể vượt qua khảo nghiệm, biến nguy thành an, gặp dữ hóa lành, Thần tiên khắp nơi nối tiếp nhau tới cứu giúp. Chính câu nói này đã thể hiện rõ ràng niềm tin của Đường Tăng đối với Phật Tổ, đủ để đặt định vị trí của nhân vật chính. Có thể thấy, niềm tin đối với sư phụ, đáp ứng đối với sứ mệnh, chính niệm đối với yêu ma quỷ quái, trong khảo nghiệm xuất ra chính niệm, buông bỏ sinh tử, cái tâm đại từ đại bi rằng nhất định phải lấy được chân kinh để thực hiện việc cứu độ chúng sinh, mới là mấu chốt để việc thỉnh kinh thành công.

Nhân vật Đường Tăng trong câu chuyện “Tây Du Ký” là có thật, chính là Huyền Trang pháp sư trong lịch sử. Còn trong cách nhìn nhận của đa số mọi người thì ba vị đồ đệ như Ngộ Không lại đơn thuần chỉ là hư cấu. Trong câu chuyện cũng có một số tình tiết xuất phát từ lịch sử chân thực. Nhưng vì sao câu chuyện hư cấu dường như lại nổi bật vượt qua lịch sử chân thực gấp trăm nghìn lần? Thậm chí nếu như “Tây Du Ký” không được lưu truyền thì sẽ rất ít người biết sự tích về Huyền Trang pháp sư trong lịch sử chân thực. Thế sự không có gì là ngẫu nhiên, hết thảy điều này đang biểu thị điều gì cho thế nhân?

(Còn tiếp)

—— Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/265934



Ngày đăng: 07-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.