Đàm luận về câu nói “bất nhận mệnh”



Tác giả: Lý Minh

[ChanhKien.org]

Ngày nay, nhiều người Trung Quốc ở Trung Quốc đại lục “bất nhận mệnh” (không chấp nhận số phận của mình). Lý do là vì họ cho rằng, nếu con người chấp nhận số phận, thừa nhận rằng mọi chuyện đã được an bài thì không cần phải làm gì cả, chỉ nằm trên giường chờ thời cơ tới và chiếc bánh trên trời sẽ rơi xuống. Đây là sự hiểu lầm về việc “nhận mệnh”.

Từ “nhận mệnh” xuất phát từ văn hóa truyền thống, từ nền tảng tín Thần, tín Phật. Người xưa có quan niệm về Thiên mệnh và thừa nhận rằng có Thần, Phật ở bên trên, “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Mọi lời nói và hành vi của con người, thì Thần, Phật đều đang nhìn. Vì vậy, cần chiểu theo quan niệm đạo đức truyền thống để đối nhân xử thế, tâm hoài thiện niệm, hành thiện tích đức, chú trọng thuận theo tự nhiên, thì mới có thể đắc được phúc báo do Thần, Phật ban tặng. Đây không phải là tranh đấu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói đến. Nếu bản thân một phen tranh đấu thì trong tâm không có thời khắc nào được bình yên, cả đời phải sống khổ sở và mệt mỏi, suốt đời tạo nghiệp. Cuối cùng, thứ đắc được không phải là phúc báo, mà là ác báo. Thậm chí, khi gặp ác báo vẫn còn cho là ngẫu nhiên.

Có một câu chuyện chân thật xảy ra vào thời Quang Tự được lưu truyền rộng rãi trên Internet. Nó có thể giải thích rõ ràng cách người xưa sống với tâm thái “nhận mệnh” như thế nào.

Giả tiên sinh đến từ Giang Tô làm việc tại một hãng nước ngoài ở Tô giới Thượng Hải và được ông chủ rất tin tưởng. Trước Tết Đoan Ngọ, ông chủ phái Giả tiên sinh đi thu nợ ở phía Nam thành phố. Ông xách chiếc túi da của mình và lên đường.

Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Đến trưa, tổng số tiền thu được là hơn 1.800 đồng bạc trắng. Giả tiên sinh vừa đi vừa nói chuyện từ sáng đến trưa, miệng lưỡi khô rát và mệt rã rời. Tình cờ gặp quán trà “Thập lục phố”, ông vào trong quán, vội vàng uống chút trà rồi nhanh chóng quay về báo cáo kết quả để có thể nghỉ ngơi một chút.

Khi Giả tiên sinh quay về cửa hàng, ông phát hiện chiếc túi da đã bị mất. Đột nhiên, ông cảm thấy như có sấm sét trên đầu, mồ hôi đổ đầm đìa, sợ hãi, hốt hoảng. Trong lúc hoảng loạn, ông càng bối rối và nói không rõ ràng hơn. Ông chủ thấy ông thần sắc luống cuống, cứng mồm cứng lưỡi, nói năng không đầu không đuôi nên cho rằng ông gian lận. Vì vậy, ông chủ đã la mắng Giả tiên sinh một cách gay gắt vì đã phản bội lòng tin của ông ấy, đồng thời nói rằng nếu không nhanh chóng trả lại sẽ đưa Giả tiên sinh đi gặp quan.

Hơn 1.800 đồng bạc trắng là một số tiền rất lớn vào thời điểm đó, nếu không tiêu xài hoang phí thì cũng đủ cho một người sử dụng cả đời. Giả tiên sinh làm sao có khả năng bồi thường? Trách nhiệm nặng nề, lại khó biện giải, ông cảm thấy cuộc đời mình đã kết thúc và bật khóc một cách tuyệt vọng.

Trong khi đó, một người dân họ Nghĩa ở Phố Đông cũng đang kinh doanh ở khu Tô giới, do xui xẻo bị mất tất cả mọi thứ nên đã mua vé thuyền trưa hôm đó chuẩn bị qua sông hồi hương. Vì vẫn còn sớm để lên thuyền nên ông ấy cũng đến quán trà “Thập lục phố” uống trà, muốn tiêu tốn thời gian và suy nghĩ xem cuộc sống sau này cần phải làm như thế nào.

Đúng lúc Giả tiên sinh vội vã rời đi thì Nghĩa tiên sinh đến. Nghĩa tiên sinh vừa ngồi xuống đã phát hiện có một chiếc túi da nhỏ trên ghế bên cạnh. Ông không để ý lắm, chậm rãi uống trà. Một lúc lâu sau, không thấy có người đến nhặt, Nghĩa tiên sinh thắc mắc, ông nhấc thử chiếc túi và cảm thấy nặng. Khi mở nó ra xem, đôi mắt của ông gần như rơi ra khỏi đầu vì kinh ngạc: tất cả đều là những đồng bạc sáng lóng lánh!

Nghĩa tiên sinh vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ! Đây thực sự là một gia tài. Nó không chỉ có thể thay đổi tình trạng khốn cùng buồn chán trước mắt của bản thân mà còn có thể giúp ông dư dả cơm ăn áo mặc đến cuối đời. Nhưng rồi ông lại nghĩ: không được, tiền tài có chủ của nó, số tiền này mình không thể lấy được! Nếu vì mình lấy số tiền này đi, người chủ mất tiền vì vậy mà bị mất danh tiếng, thậm chí mất cả mạng sống thì tội nghiệt của mình sẽ còn lớn hơn!

Thời kỳ đó, nhiều người đã biết đạo lý “không thể lấy tiền của bất chính”. Nghĩa tiên sinh nghĩ bụng: nếu hôm nay ông Trời đã để mình nhặt được số tiền này thì mình nên làm tròn trách nhiệm trả lại đồ vật về nguyên chủ của nó.

Đến giờ ăn trưa, trong quán trà chỉ còn lại tám, chín vị khách. Nhìn bề ngoài thấy không có ai giống như bị mất tiền nên Nghĩa tiên sinh đành phải ngồi đợi với cái bụng đói meo.

Đợi đến lúc thắp đèn, tất cả khách uống trà đều về nhà, chỉ còn lại Nghĩa tiên sinh. Ông vẫn đang chăm chú nhìn dòng người qua lại…

Đột nhiên, ông nhìn thấy một người đàn ông mặt tái mét đang loạng choạng chạy về phía ông. Người đến không ai khác chính là Giả tiên sinh, theo sau là hai người khác. Vừa bước vào quán trà, Giả tiên sinh chỉ vào bàn trà và nói với hai người kia: “Khi đó tôi ngồi ở đây!” Ba người đi thẳng đến bàn của Nghĩa tiên sinh.

Nghĩa tiên sinh có thể nhận ra họ là chủ sở hữu của cái túi da nên mỉm cười nói với Giả tiên sinh: “Ông bị mất túi tiền à?” Giả tiên sinh nhìn ông chằm chằm với vẻ mặt không thể tin được và không ngừng gật đầu. “Tôi đã đợi các ông rất lâu rồi”. Nghĩa tiên sinh nói và lấy chiếc túi da ra cho họ xem. Giả tiên sinh cảm kích đến mức run rẩy khắp người và nói: “Ông thực sự là đại ân nhân cứu mạng của tôi! Nếu không có ông, tối nay tôi sẽ treo cổ tự tử!”

Hóa ra khi Giả tiên sinh phát hiện mất tiền, ông muốn quay lại để tìm kiếm dọc đường đi. Dù hy vọng tìm lại được tiền rất mong manh, nhưng đây là cách duy nhất. Thế nhưng ông chủ sợ ông bỏ trốn nên không cho ông ra ngoài. Giả tiên sinh nói hết lời cả nửa ngày, ông chủ mới sai hai người đi cùng ông để tìm kiếm, còn dặn dò người đi cùng là nhất thiết phải đưa ông trở lại.

Sau khi hai người nói ra tên họ, Giả tiên sinh muốn lấy một phần năm số tiền để đền đáp, nhưng Nghĩa tiên sinh kiên quyết từ chối. Giả tiên sinh lại đổi thành một phần mười, nhưng Nghĩa tiên sinh vẫn cự tuyệt. Giả tiên sinh lại đổi thành một phần trăm, Nghĩa tiên sinh lúc này tức giận và từ chối thẳng thừng.

Giả tiên sinh không biết làm sao để tạ ơn Nghĩa tiên sinh nên nói: “Vậy tôi xin mời ông một ly nhé?” Nghĩa tiên sinh vẫn kiên quyết khước từ. Cuối cùng, Giả tiên sinh nói: “Làm sao tôi có thể cảm thấy thoải mái khi không cảm ơn ông? Sáng mai tôi sẽ đợi ông ở quán rượu kia. Tôi tha thiết mời ân công đại giá quang lâm, không gặp không về”. Nói xong Giả tiên sinh cúi chào rồi quay người rời đi.

Sáng hôm sau, Nghĩa tiên sinh bất ngờ đến. Giả tiên sinh định hành lễ cảm ơn Nghĩa tiên sinh lần nữa, nhưng Nghĩa tiên sinh lại cám ơn trước và nói: “Nhờ có việc ông bị mất tiền hôm qua mà giúp tôi cứu được một mạng!” Giả tiên sinh mơ hồ không hiểu. Ông đang định hỏi thêm thì Nghĩa tiên sinh nói tiếp: “Vốn dĩ hôm qua tôi định qua sông về quê, đã mua vé thuyền lúc một giờ trưa. Vì đợi ông đến lấy tiền nên tôi bị lỡ chuyến. Khi về đến nơi ở, tôi được biết con thuyền ấy bị sóng lớn lật úp giữa chừng. Toàn bộ 23 người trên thuyền đều bị đuối nước và tử vong. Nếu tôi lên con thuyền đó, chẳng phải tôi cũng sẽ mất mạng sao? Là chính ông đã cứu mạng tôi!” Nói xong, Nghĩa tiên sinh cúi đầu một lần nữa. Hai người họ đều biết ơn nhau.

Những vị khách xung quanh nghe vậy đều vô cùng ngạc nhiên. Họ nâng ly chúc mừng hai người và nói rằng một việc thiện của Nghĩa tiên sinh đã cứu được hai mạng người.

Câu chuyện không kết thúc ở đây. Sau khi nhóm ba người của Giả tiên sinh trở về nhà đã kể lại câu chuyện. Ông chủ của họ cũng rất lấy làm lạ và xúc động nói: “Thật khó để tìm được một người tốt như vậy!” Và ông ấy rất muốn gặp được Nghĩa tiên sinh.

Kết quả là sau khi gặp mặt, cả hai rất hợp nhau. Sau khi trò chuyện một hồi lâu, ông chủ cố gắng hết sức để giữ chân Nghĩa tiên sinh và thuê ông ấy trông coi phần việc sổ sách với mức lương cao. Vài tháng sau, ông chủ kén Nghĩa tiên sinh làm con rể. Từ đó trở đi, ông ấy giao mọi việc kinh doanh cho con rể.

Câu chuyện về Nghĩa tiên sinh khốn khó, buồn chán, nhưng không tham của rơi được lan truyền nhanh chóng. Tấm lòng thành tín và nhân nghĩa của ông đã giành được sự ca tụng của mọi người. Các khách thương lớn nhỏ liên tục tìm đến ông bàn chuyện làm ăn. Công việc kinh doanh của ông ấy càng làm càng lớn. Về sau, Nghĩa tiên sinh thực sự có hàng chục vạn tiền vốn và trở thành đại phú ông ở địa phương.

Việc “nhận mệnh” của người xưa không phải là không làm gì và chờ đợi chiếc bánh từ trên trời rơi xuống, mà là thuận theo tự nhiên, sống cuộc sống lương thiện. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy rằng trong cuộc sống đâu đâu cũng có những điều ngạc nhiên, thậm chí cả những điều kỳ diệu không ngờ tới.

Văn hóa đảng của ĐCSTQ phủ nhận việc “nhận mệnh” và đề xướng “bất nhận mệnh”. Kết quả là chúng từng bước phá bỏ giới hạn đạo đức, việc gì cũng dám làm và không điều xấu nào không làm. Vì lợi nhuận, “khinh thường kẻ nghèo nhưng không khinh thường mại dâm”, khiêu dâm, cờ bạc, ma túy tràn lan. Thực phẩm độc hại có ở khắp mọi nơi, quan thương cấu kết với nhau, tham nhũng hối lộ. Giờ đây giải quyết công việc đều nói đến “quy tắc ngầm”, pháp luật và pháp quy đã trở thành vật trang trí, thậm chí để trục lợi. Tội ác mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống thường xuyên xảy ra…

Lối nghĩ “bất nhận mệnh” mà ĐCSTQ truyền bá cho người Trung Quốc chính là điều mà người xưa với tâm thái “nhận mệnh” không dám làm. Vì điều đó sẽ tạo nghiệp và hoàn toàn không tốt cho tương lai của bản thân, gia đình hay gia tộc. Có người đã tổng kết rằng gia tộc đỏ này, gia tộc đỏ kia của ĐCSTQ, thậm chí gia đình tân tiến này, gia đình tân tiến kia, đều lụn bại trong vòng chưa đầy ba mươi năm. Tại sao? Văn hóa đảng không thừa nhận thiện ác hữu báo, nhân quả báo ứng. Vì vậy, suy nghĩ của con người trong thể chế đó không sáng suốt. Họ dùng câu tục ngữ “Ba mươi năm ở Hà Đông, ba mươi năm ở Hà Tây” để lừa gạt mọi người. Lý do thực sự là vì gia tộc họ được tạo dựng trên cơ sở làm chuyện xấu, cướp bóc của cải. Nó chỉ có thể thành công nhất thời, làm sao có thể tồn tại lâu dài được?

Gia tộc Vương thị ở Lang Da, Sơn Đông có một gia quy: “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” (Thận trọng lời nói, tâm phải thiện lành). Kể từ thời Tây Hán, gia quy này đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và Vương thị cũng trở thành gia tộc danh giá nhất Trung Quốc. Theo thống kê, gia tộc Vương thị ở Lang Da đã sinh ra 92 Tể tướng, 36 Hoàng hậu và cưới 36 công chúa. Thẩm Ước, người gốc Nam triều, nhận xét về gia tộc Vương thị ở Lang Da như thế này: “Kể từ khi khai thiên lập địa, chưa có ai có thể giữ được tước vị liên tục như sự thịnh vượng của Vương thị.”

Vào năm 1900, học giả người Mỹ A.E. Winship đã thực hiện một nghiên cứu để so sánh sự phát triển của hai gia tộc trong 200 năm qua: gia tộc Edwards có tín ngưỡng và gia tộc Mark Ukes không có tín ngưỡng. Kết quả là gia tộc có tín ngưỡng Edwards có số nhân khẩu là 1.394 người. Trong đó có 100 vị là giáo sư đại học, 14 vị là hiệu trưởng trường đại học, 70 vị luật sư, 30 vị quan tòa, 60 vị bác sỹ, 60 vị nhà văn, 300 vị mục sư và nhà thần học, 3 vị nghị sỹ và một vị phó tổng thống. Còn gia tộc không có tín ngưỡng Mark Ukes có tổng nhân khẩu là 903 người. Trong đó có 310 tên lưu manh, 130 người bị cầm tù hơn 13 năm, 7 tên tội phạm giết người, 100 người là bợm nhậu, 60 kẻ trộm cắp, 190 gái mại dâm, 20 doanh nhân (trong đó có 10 người đã học cách kinh doanh trong tù).

Người có tín ngưỡng chính thống sẽ “nhận mệnh”, sẽ mang trong lòng thiện niệm, làm nhiều việc thiện, tích nhiều đức, con cháu được hưởng lợi. Người không có tín ngưỡng chính thống sẽ “không nhận mệnh”. Thêm vào đó, việc ĐCSTQ liên tục truyền bá những lời dối trá trong nhiều thập niên, khiến con người dần đồng ý với chủ nghĩa vô thần, thuyết tiến hóa, triết học theo đám đông, v.v. của ĐCSTQ. Nếu làm quá nhiều điều xấu, tạo quá nhiều nghiệp, thì không những khiến bản thân gặp tai ương mà con cháu cũng bị liên lụy. Lúc ấy, muốn tạo nên sự nghiệp, làm rạng danh tiên tổ cũng khó. Bởi vì tổ tiên không tích đức, tạo nhiều nghiệp thì thế hệ sau sẽ sống trong đau khổ để trả nợ nghiệp.

“Bất nhận mệnh” không phải là một thái độ xử thế đúng đắn. ĐCSTQ phá hoại văn hóa truyền thống, phủ nhận thái độ xử thế “nhận mệnh”, đầu độc người dân Trung Quốc “bất nhận mệnh”, coi trọng đấu tranh, tạo ra đủ loại kẻ thù giai cấp, tranh tranh đấu đấu, chỉ vì lợi ích mà không từ một thủ đoạn nào. Kỳ thực, họ đang hại người hại mình. Vì theo Thiên lý thiện ác hữu báo, nếu không làm người tốt thì sẽ không tích được đức, làm điều xấu thì sẽ chỉ tạo nghiệp. Nghiệp lực càng tích lũy nhiều thì khi đạt đến mức thập ác bất xá, sinh mệnh sẽ bị Thần, Phật tiêu hủy. Đây mới là mục đích thực sự của việc “bất nhận mệnh” mà ĐCSTQ tôn sùng.

“Nhận mệnh” không phải là thái độ tiêu cực với cuộc sống mà là thái độ tích cực vươn lên trong cuộc sống. “Bất nhận mệnh”, hành động theo tư duy văn hóa đảng sẽ chỉ hủy hoại chính mình, đồng thời còn mang đến tai họa cho gia đình, dòng họ. “Nhận mệnh” và “bất nhận mệnh”, hãy chọn một trong hai. Đây không phải là một quyết định khó khăn. Chỉ cần hiểu rõ sự thật và suy nghĩ lý tính, mọi người sẽ đưa ra được lựa chọn đúng đắn.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291697



Ngày đăng: 18-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.