Âm nhạc cổ đại: Nghệ thuật đánh đàn của Lưu Duy Tính câu thông với Thần
Tác giả: Mạc Cầu
[ChanhKien.org]
Những năm trị vì của vua Hàm Phong, vua Đồng Trị triều Thanh ở huyện Ninh Quốc thuộc phía đông nam tỉnh An Huy có một người tên là Lưu Duy Tính. Thời trẻ ông đến trường học nhưng chỉ sau vài năm thì bỏ học và đi ngao du sơn thủy. Ở huyện Ninh Quốc có một ngọn núi nổi tiếng tên là Cao Phong. Trên núi có một ngôi chùa, trong chùa có mấy chục tăng nhân tu hành, trụ trì của chùa là phương trượng Thái Nguyên. Phương trượng Thái Nguyên có một tài năng vượt bậc chính là tinh thông âm luật, tiếng đàn của ông siêu phàm thoát tục, hay đến mức người nghe mê mẩn, kinh động thiên địa, quỷ khóc thần sầu.
Lưu Duy Tính ngưỡng mộ tài nghệ đánh đàn của phương trượng nên đã tìm đến ngôi chùa cổ và xin được bái ông làm thầy. Phương trượng Thái Nguyên nói với anh ta: “Việc học đàn không khó, chỉ cần có thể tĩnh tâm xuống là được”. Lưu Duy Tính hỏi: “Mạo muội hỏi đại sư, làm thế nào để tĩnh tâm xuống được?” Phương trượng đáp: “Hãy tự mình tĩnh tâm xuống. Chút công phu ấy chả nhẽ cũng cần sư phụ sắp đặt cho ngươi hay sao?” Lưu Duy Tính nói: “Con hiểu rồi ạ”. Thế là anh ta trở về phòng, gác lại hết mọi ưu phiền và đêm ngày ngồi tọa trên giường thiền. Phương trượng Thái Nguyên thường đến chỗ anh đánh đàn nhưng anh lại chẳng nghe thấy gì.
Có một hôm Lưu Duy Tính đột nhiên cảm thấy trời trút mưa to kèm giông sét, lại thêm tiếng vượn sợ hãi gào rú thê lương, tiếng quỷ núi hú từng đợt, còn ngọn đèn trong phòng thì nhỏ như hạt đậu. Anh cảm thấy bứt rứt không ngủ được nên mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Anh chợt bàng hoàng khi thấy bầu trời trong veo không một gợn mây, cũng không một chút gió. Những âm thanh như gió, mưa, vượn hú, quỷ gào đều phát ra từ căn phòng của phương trượng Thái Nguyên. Lưu Duy Tính biết phương trượng Thái Nguyên đang đánh đàn nên lặng lẽ đi đến bên cửa sổ nghe trộm. Anh cứ nghe như thế bỗng nhiên thấy buồn bã bi thương không chịu được đã hét lên thất thanh: “Đệ tử xin được quay về!” Sau đó anh ta mở cửa và lao vào phòng phương trượng. Phương trượng vuốt đàn, ngồi im lặng không nói câu nào. Qua một lúc sau ông mới hỏi: “Ngươi muốn trở về nhà sao? Nhưng ngươi đã học thành tài rồi đó. Tiếng đàn của ta rất huyền diệu vi tế, cả mấy chục tiểu hòa thượng ở đây đều không nghe thấy được, duy chỉ có ngươi là nghe được. Ngươi nói xem tâm ngươi có tĩnh hay không!”
Phượng trượng Thái Nguyên lại nói tiếp: “Người bình thường nghe bằng tai, người thanh tĩnh nghe bằng tâm. Dùng tâm lắng nghe thì có thể nghe thấy âm thanh cách xa hàng mấy dặm. Còn về đàn cầm, người học nông cạn sẽ dùng tay đánh đàn, người tĩnh tâm sẽ dùng tâm đánh đàn. Người đánh đàn bằng tâm sẽ lĩnh hội được đạo của việc đánh đàn. Vì tâm ngươi đã tĩnh nên ta có thể đàm đạo với ngươi về đàn. Khi đánh đàn cần có thần chí khoan thai điềm tĩnh, hơi thở bình ổn, tinh thần nhập tâm đến quên mình, nội tâm cảm thấy bình hòa, cảm nhận được hơi thở hòa hợp của đất trời, lúc tay khảy đàn thì tay và tâm hợp thành một thể, việc này chỉ có thể dựa vào tự thân ngươi thể hội chứ không thể dùng một đôi lời mà nói rõ ra được. Đây chính là những gì các bậc thầy đàn cầm trước đây nhắc đến khi giảng về tâm pháp và kỹ pháp: nhạc khúc có thể truyền lại nhưng tâm pháp huyền diệu đến mức không thể truyền được, nó tồn tại nơi đôi tai con người, và một người học đủ giỏi sẽ có thể đắc được. Việc học đàn không thể lấy kỹ nghệ làm mục đích. Khi đánh đàn cần giữ nội tâm hài hòa an tĩnh, không bị thế giới bên ngoài can nhiễu thì mới có thể đạt đến cảnh giới đánh đàn tự do như ý được. Bởi vì sự hài hòa an tĩnh là biểu hiện của nội tâm, mà tiếng đàn là từ tâm đánh ra, nếu như trong tâm có tạp niệm xen lẫn thì ngón tay sẽ giống như bị thứ gì đó ngăn cản, dùng ngón tay như vậy đánh đàn liệu có thể tạo ra âm thanh với vẻ đẹp của sự an tĩnh không? Chỉ những người tâm tính rất tốt, tâm thái đạm bạc an tĩnh, trong tâm không có niệm tục, ngón tay thong thả khoan thai thì mới lĩnh hội được ý nghĩa thật sự của tiếng đàn, tâm tĩnh lặng tịch mịch tới cực điểm, đến mức có thể câu thông với những cảnh giới mỹ hảo xa xôi, cứ thế trạng thái chuyển từ có đến hư vô, tinh thần phiêu diêu đến cảnh giới bình hòa. Ví dụ việc học đàn có thể được phân thành ba loại: một là học đàn, hai là tập đánh đàn và ba là có thể chơi đàn. Để đạt được giai điệu của bài hát cần phải khéo léo nâng các ngón tay, tìm âm thanh của dây đàn, tìm tiết tấu của từng nốt đàn, âm thanh đánh ra cần sự phối hợp của âm luật, đây gọi là học đàn, không thể gọi là tập đánh đàn; tay thuận theo tâm, âm thanh thuận theo tay, tiếng đàn trong, đục, nhanh, chậm có quy luật không đổi, đánh đàn có công phu không đổi, diễn tấu có nhạc khúc không đổi, đây gọi là tập đánh đàn, nhưng chưa thể gọi là chơi đàn được; nếu có thể tự tay chế tác ra đàn, có thể dùng tai để nghe âm luật, trong tâm không có tư dục, có thể cảm ứng được âm dương, có thể biến mình hòa cùng vạn vật, hiểu rõ quy luật tự nhiên, không còn lo lắng gì nữa (hóa vật đạt thiên), đến bước này thì có thể xem là có thể chơi đàn rồi”.
Cả đêm hôm ấy hai thầy trò mải miết đàm luận về đàn mà không hay trời đã dần hửng sáng. Chưa được mấy hôm Lưu Duy Tính lại đến chỗ của phương trượng Thái Nguyên, phương trượng lại dạy cho anh về bí mật của năm âm: cung, thương, giốc, chủy, vũ và truyền thụ các kỹ pháp đánh đàn, Lưu Duy Tính đều nhất nhất lĩnh ngộ được hết. Đàn theo tay mà gảy, âm thanh đến từ tâm, tất cả sẽ trở thành những âm thanh mỹ diệu. Đại sư Thái Nguyên nói: “Việc học đàn của con đã thành rồi”. Từ đó trở đi Lưu Duy Tính lại mô phỏng theo âm thanh của vạn vật mà đánh đàn, tiếng đàn nghe sống động y hệt vật thật. Có lúc Lưu Duy Tính thậm chí còn không dùng tay đánh đàn, anh chỉ nghĩ nghĩ một chút, nghĩ đến đâu thì âm thanh cũng theo ý nghĩ mà vang lên đến đó.
Cứ như vậy Lưu Duy Tính ra sức học tập thêm ba năm nữa rồi quay trở về cố hương. Ông gửi gắm tình cảm của mình vào cây đàn, tự xưng là “đàn khách” (khách đánh đàn), không đánh cho người phàm phu tục tử nghe, có lúc tiếng đàn của ông cực kỳ vi tế, người có tâm không tĩnh sẽ không nghe thấy được. Lúc này quân của Thái Bình Thiên Quốc tấn công An Huy, một số loạn binh đã đi cướp bóc bừa bãi, có kẻ còn dám xông vào nhà họ Lưu, khi đó hắn bỗng nghe đâu sau núi có tiếng trống và thanh la vang lên nên đã hoảng sợ bỏ chạy. Rồi chúng đi do thám và biết được đấy là do Lưu Duy Tính đang chơi đàn bèn kề dao vào cổ ông và ép ông phải đánh đàn cho chúng nghe. Lưu Duy Tính bèn chơi một khúc nhạc buồn thảm bi thương, đám loạn quân nghe đến kinh hồn bạt vía, hai tay run rẩy còn làm rơi đại đao xuống đất. Chúng cho rằng tiếng đàn của Lưu Duy Tính câu thông được với quỷ thần nên sợ quá không dám làm hại tới ông và thả ông ra. Đến lúc này mọi người mới biết nghệ thuật chơi đàn của Lưu Duy Tính đã ở mức “ngoại thiền nội định đắc tâm pháp, duy diệu duy tiêu khấp quỷ thần” (tạm dịch: bên ngoài thiền tọa bên trong tâm định mà đắc được tâm pháp, âm thanh khiến quỷ khóc thần sầu). Sau đó không lâu Lưu Duy Tính cũng bỏ nhà bỏ vợ ra đi, không ai biết ông đã đi đâu. Có người nói: “Lưu Duy Tính có lẽ lại lên núi Cao Phong ở cùng phương trượng Thái Nguyên rồi”. Nghe nói đến năm Quang Tự vẫn có người nhìn thấy ông.
Đọc qua câu chuyện này tôi thiết nghĩ: nguyên nhân nào khiến nghệ thuật đánh đàn của Lưu Duy Tính có thể câu thông được với Thần?! Trước hết là do ông thông qua phương pháp đả tọa khiến tâm có thể tĩnh đến một trình độ nhất định, từ đó mới đắc được sự chân truyền từ đại sư Thái Nguyên. Ở góc độ người thường mà xét đôi lúc ông dùng suy nghĩ để đàn, kỳ thực là ông đang dùng công năng để chơi đàn. Từ đó có thể thấy rằng văn hóa Trung Quốc cổ đại thực sự là nền văn hóa Thần truyền, có yêu cầu rất cao về đạo đức, dù làm việc gì cũng yêu cầu tâm phải tĩnh, đạo đức cao thượng thì mới được. Văn hóa truyền thống Trung Quốc về sau dần suy vi, có lẽ một trong những nguyên nhân là do tiêu chuẩn đạo đức của con người không còn cao như thế nữa.
Ngoài ra, trong thời kỳ Trung Cộng thống trị, câu chuyện về Lưu Duy Tính cũng đã bị cải biên, bị thêm thắt một cách cực đoan chi tiết gọi là Lưu Duy Tính bị địa chủ bức hại và cướp mất cây đàn, những điều này trong nguyên văn vốn hoàn toàn không có. Có thể thấy Trung Cộng là một tổ chức tà ác đang không ngừng lừa dối và phỉ báng, kích động lòng thù hận giữa người với người. Kích động, thù hận là một trong những bản tính của tà đảng.
(Nguồn tư liệu: sách Cổ kim quái dị tập thành)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/64634
Ngày đăng: 15-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.