Ma quỷ không thắng được đức hạnh



Tác giả: Cao Viễn

[Chanhkien.org]

Câu nói “Yêu bất thắng đức” (ma quỷ không thắng được đức hạnh) xuất phát từ cuốn “Duyệt Vi thảo đường bút ký” của học giả Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh. Kỷ Hiểu Lam thông qua hình thức kể chuyện xưa mà bàn luận chỗ khác biệt của những cá nhân hay gia đình trọng đức và không trọng đức, nhân tâm ngay chính và không ngay chính.

Đan Tác Ngu, người Cao Mật nói: Ở Sơn Đông có một gia đình giàu có. Kho hàng trong nhà này tự nhiên bốc cháy, chủ nhà cho rằng là vô tình bất cẩn gây nên. Không lâu sau đó lại phát sinh mấy sự việc kỳ quái, khiến cả nhà bất an.

Một ngày nọ, trong đại sảnh vang lên tiếng “bịch bịch rầm rầm”, những đồ cổ bằng ngọc được trưng bày đều bị đập vỡ vụn. Chủ nhà vốn là một người tính tình cương trực, đã nghiêm giọng quát hỏi: “Dưới thanh thiên bạch nhật, là yêu quái nào dám đến đây quậy phá? Ta sẽ lập tức đến chỗ Thần tố cáo ngươi!” Trên xà nhà rõ ràng có tiếng nói đáp lại: “Ngươi thích săn bắn, sát hại không ít con cháu của ta. Ta hận ngươi đến tận xương tủy, ta đến nhà của ngươi chờ đợi thời cơ đã tám năm rồi. Tổ tông của ngươi có ân trạch sâu dày, phúc phận chưa từng suy vi, Thổ Thần, Táo Thần, Môn Thần đều không để ta báo thù, ta cũng chẳng còn cách nào khác. Đến nay, gia đình của ngươi, bên ngoài thì huynh đệ đấu đá, trong nhà thì thê tử tranh giành, một nhà phân thành mấy phe phái, phe này coi phe kia như kẻ thù. Đã xuất hiện dấu hiệu suy bại thì tà khí tất sẽ tìm đến, chư Thần không còn muốn hưởng dụng đồ cúng tế ở nhà của ngươi nữa, yêu ma cũng chăm chú vào nhà của ngươi, vậy nên ta đã có thể thoải mái báo thù rồi. Người vẫn còn hồ đồ chưa hiểu sao!” Giọng nói phẫn nộ và nghiêm khắc, mọi người trong nhà đều nghe được.

Trong lòng chủ nhà sợ hãi, trầm ngâm suy nghĩ, vỗ ngực than thở rằng: “Yêu bất thắng đức, lời người xưa đã nói như thế. Đức hạnh của bản thân không đủ, làm sao có thể oán trách yêu ma?” Thế nên, ông ta gọi các đệ đệ và thê thiếp đến bảo: “Đại họa không còn xa nữa, may mắn là còn chưa ập lên đầu. Nếu mọi người đều có thể bỏ đi những hiềm khích trước kia, đuổi tay chân trong phe phái của mình đi, triệt để sửa lại cho đúng những việc đã làm trước đây, thì vẫn còn có thể cứu kịp. Sự việc ngày hôm nay, cần phải bắt đầu từ chỗ ta. Nếu các người nghe lời ta, thì đó chính là sự bảo hộ của tổ tông, là may mắn của con cháu. Nếu như không nghe lời ta, thì ta xuống tóc xuất gia vào núi vậy”. Ông nói đi nói lại, tự trách mình, nước mắt ròng ròng ướt đẫm vạt áo.

Mọi người đều cảm động đến mức gục xuống bàn khóc lóc thất thanh. Họ liền lập tức đuổi hơn chục nô tỳ đã bới móc ly gián, phàm là việc có liên quan đến đấu đá phe phái thì đều được sửa lại cho đúng. Sau đó, họ lại đến từ đường mổ heo cúng bái tổ tông, lấy máu quệt lên môi, đứng trước Thần linh mà thề rằng: “Từ nay về sau, nếu lại hai lòng, thì sẽ có kết cục giống như con heo này”. Ngay lúc các bên đang xin lỗi nhau, thì nghe thấy trên xà nhà có tiếng giậm chân, nói: “Ta muốn báo thù nhưng lại nói lộ ra miệng, đây là lỗi của ta!” Sau đó thở dài rồi bỏ đi. Đây là câu chuyện xảy ra vào khoảng năm Càn Long thứ 8, thứ 9.

Sự việc này không chỉ có một, mà trên mạng Internet còn có một bài viết về chuyện báo thù tương tự như vậy. Oan hồn của kẻ thù từ kiếp trước đã lợi dụng sự thiếu đức hạnh của người đó để báo thù.

Vào thời nhà Thanh, tại Gia Thiện có một người thư sinh họ Chi. Khi trở về sau kỳ thi Hương vào mùa thu năm Kỷ Dậu, Chi thư sinh nói với người bạn thân họ Cố rằng: “Tôi cảm thấy thần hồn hoảng hốt, giống như có quỷ theo bên mình, muốn tìm một tăng nhân để sám hối tội nghiệt”. Người họ Cố nói có thể giúp được, vậy nên sau đó đã mời một tăng nhân đến thăm hỏi thư sinh này.

Chi thư sinh đột nhiên phát điên, oan hồn mượn miệng anh ta nói: “Ta ôm nỗi hận đã ba đời, hôm nay mới tìm thấy ngươi”. Tăng nhân hỏi: “Ngươi có oán hận gì?” Đối phương nói: “Đời trước ta là thuộc tướng của hắn (chỉ vị thư sinh), hắn là chủ tướng, họ Diêu, là thân thích của người có quyền cao chức trọng trong triều đình. Hắn nhìn thấy thê tử của ta trẻ tuổi xinh đẹp, bèn ra lệnh cho ta lãnh binh ra trận, lừa ta vào chỗ chết, mưu đồ dùng uy quyền chiếm đoạt thê tử. Nàng ấy ôm hận tự sát, cả nhà cốt nhục chia lìa. Sau đó hắn ta tận lòng trung nghĩa mà qua đời, ta không có cơ hội báo thù. Sau khi hắn chuyển sinh trở thành cao tăng, ta lại không thể báo thù. Đến đời thứ ba hắn nhậm chức tể tướng, làm quan có thành tích, luôn được Thần phúc lộc bảo hộ giúp đỡ, ta đương nhiên không thể báo thù. Kiếp này hắn ta đáng ra phải thi cử nổi danh. Ta đã chờ đợi ba mươi năm rồi. Gần đây vì hắn ta vũ nhục phụ nữ mà tạo ác nghiệp, bị xóa tên trong sổ quan, nên ta mới có cơ hội ra tay”. Lúc nói những lời này, oan hồn kia tức giận không thôi. Người họ Cố khuyên can: “Oán thù nên giải, không nên kết”. Con quỷ đó đáp lại: “Mối hận của ta khó mà tiêu mất được, ta không muốn bỏ qua cho hắn”.

Cuối cùng, vị thư sinh ngã sấp mà qua đời.

Từ những câu chuyện này có thể thấy rằng, trong nhân thế thì điều gì là quan trọng nhất? Chính là “Đức”. Chỉ cần tấm lòng ngay thẳng, làm nhiều việc tốt, tích nhiều đức, mới có thể bình an hạnh phúc. Ngược lại, làm việc xấu tạo nghiệp, tâm bất chính, thì chỉ có thể chiêu mời ma quỷ đến nhà.

Thân người rất khó có được. Trong luân hồi chuyển sinh, trải qua mấy trăm năm, thậm chí trên ngàn năm, có khi chẳng có được thân người. Đến lúc có được thân người, thì lại không biết trân quý, không biết trọng đức hành thiện, không biết chịu khổ trả nghiệp, mà lại phóng túng dục vọng, vì một chút lợi ích cỏn con nơi nhân gian mà tranh mà đấu, nghiệp cũ chưa trả, lại tạo thêm nghiệp mới. Con người quả thực sống thật đáng thương, đáng buồn! Đến khi gặp được Chính Pháp có thể độ nhân, lại không biết trân quý, còn nghe theo lời dối trá mê hoặc của Trung Cộng mà vu khống chửi rủa, con người trong vô tri đang từng chút hủy hoại chính mình.

Con người sống trong văn hóa truyền thống, để có thể ngộ ra thiên lý và nhận thức được tầm quan trọng của việc tu luyện, vốn đã rất khó. Huống chi nay con người phải sống trong văn hóa đảng của tà đảng Trung Cộng, trước mắt nhìn đều là những giá trị quan bại hoại nhất, tràn đầy những thứ giả, ác, đấu, sắc tình. Ở trong một xã hội giả dối như vậy, muốn sinh tồn đã rất khó, để hiểu được thiên lý và văn hóa tu luyện càng khó hơn nữa. Vậy nên, kẻ đáng hận nhất chính là tà đảng Trung Cộng. Trung Cộng thông qua các cuộc vận động chính trị để hủy hoại văn hóa truyền thống, phá hủy thiện niệm và lương tri của người dân Trung Quốc. Trải qua mấy thế hệ liên tục tuyên truyền dối trá, đến ngày nay rất nhiều người Trung Quốc đã không còn tin vào Thần Phật và thiên lý, không còn tin luân hồi chuyển thế và nhân quả báo ứng, xem người tốt là kẻ ngốc; xem việc kiếm tiền không từ thủ đoạn là năng lực, là “kẻ chiến thắng trên đường đời”; xem những việc như bao vợ hai, tình một đêm là địa vị và bản lĩnh; cười người nghèo chứ không cười kỹ nữ…

Trong hiện thực xã hội như vậy, con người chỉ tạo nghiệp mà không tích đức, liệu có thể không xuất hiện đủ các loại tai họa hay không? Các loại tai nạn xảy đến cho cá nhân, gia đình, xã hội mãi không ngừng nghỉ. Đó là nhân tâm không ngay chính, tự bản thân chiêu mời tai nạn đến. Trung Cộng là nguồn gốc của tai họa. Nó là ma quỷ, không phải là một đảng chính trị theo nghĩa truyền thống, càng không phải là ‘Thiên tử’. Nó chính là dựa vào việc phá hoại đạo đức của con người để hủy diệt nhân loại.

Con người muốn có tương lai thì cần phải minh bạch chân tướng, nhận ra bộ mặt thật của ác ma Trung Cộng, lựa chọn tam thoái (thoái xuất khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của Trung Cộng), hoàn toàn đoạn tuyệt với Trung Cộng, lần nữa quay trở về trong vòng bảo hộ của Thần Phật, chiểu theo Chân, Thiện, Nhẫn thật sự làm người tốt, hành thiện tích đức. Những người đã minh bạch chân tướng thì nên nói chân tướng với người thân, bạn bè cũng như cho nhiều thế nhân hơn nữa. Đây chính là nghĩa cử thiện lương tích được đại đức, cả bản thân và gia đình đều được lợi ích. Và đó chẳng phải là biến việc xấu thành việc tốt hay sao? Một trao đổi có lợi như vậy đã bày ra trước mắt thế nhân rồi, chỉ còn xem thế nhân có trân quý hay không mà thôi.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/291561



Ngày đăng: 24-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.