Nghe mẹ kể chuyện (1)



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tỉnh Liêu Ninh

[ChanhKien.org]

Mẹ tôi là một cụ bà gần 90 tuổi. Hồi nhỏ bà từng học qua vài ngày ở trường tư thục, biết một ít chữ. Mặc dù trình độ văn hóa không cao, nhưng khả năng ghi nhớ rất tốt. Vì vậy những câu chuyện mẹ kể cho chúng tôi về cơ bản đều là do mẹ nhớ lại, chứ không phải từ sách vở truyền lại.

Thời niên thiếu của tôi có thể nói là gắn liền với việc nghe mẹ kể chuyện và cứ thế lớn lên từng ngày. Mẹ tôi là một người phụ nữ truyền thống, rất tin vào nhân quả báo ứng, thường xuyên kể một số câu chuyện để giáo dục con cái, đến nay có những lời tôi vẫn còn nhớ như in. Nào là “Ông bà tích đức cho con cháu”, nào là “bỏ vợ, hủy hoại đất đai đến già sẽ không có cuộc sống tốt đẹp”, đồng thời cũng thường xuyên dùng những lời này để nhắc nhở chúng tôi phải ước thúc lời nói và việc làm của mình.

Có một số câu chuyện và sự việc, bởi vì thời gian trôi qua lâu rồi cũng không nhớ rõ. Nhưng có một chuyện đến nay tôi vẫn không quên. Mẹ tôi cũng nhắc đến chuyện này nhiều lần. Cậu tôi khi còn sống cũng đã từng nói với tôi là chuyện này có thật.

Mọi người đều biết có nhân quả báo ứng, có quả báo ở hiện tại, có quả báo ở kiếp sau, cũng có quả báo đối với hậu thế, con cháu. Đặc biệt đối với hiểu biết về quả báo trong hiện tại, thông thường nhận thức chỉ dừng lại ở một thời điểm nào đó trong hiện tại, và sự hiểu biết về báo ứng ngay lập tức trong hiện tại cũng khá ít.

Chuyện tôi muốn kể chính là sự việc đến nay không thể quên, là một sự việc báo ứng ngay lập tức, báo ứng trong hiện tại cùng với ác báo liên lụy đến thế hệ con cháu.

Theo lời mẹ tôi kể, vào thời Nhật Ngụy Mãn Châu Quốc, ở phía Tây thành Phúc Châu, thuộc thành phố Ngõa Phong Điếm, tỉnh Liêu Ninh ngày nay có một thôn họ Tôn. Trong thôn có một người tên là Tôn Trường Đức, một người tên là Tôn Bảo Đức. Năm đó hai người đều làm nghề kinh doanh vận chuyển bằng xe ngựa. Hai người thường làm bạn đồng hành, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Một mùa thu năm nọ họ vận chuyển vải vóc cho thương gia, khi đi qua một sườn núi, Tôn Trường Đức đi phía trước, nghe thấy có tiếng trẻ con khóc nỉ non trong bụi cỏ ven đường liền dừng xe lại, và đi tới bên cạnh đứa bé. Trước kia ở địa phương có một tập tục: Nhà nào bỏ rơi con đều sẽ đặt mấy đồng bạc vào trong bọc của đứa trẻ, đồng thời cũng sẽ viết giờ sinh, ngày sinh của đứa trẻ lên tờ giấy và đặt ở trong bọc đó. Tôn Trường Đức đi tới bên cạnh đứa bé nhìn ngó một chút, sau đó nhẫn tâm nắm lấy cái bọc và lắc để đứa bé rơi xuống đất, rồi hắn ném cái bọc lên xe mình, và nhặt mấy đồng bạc lên nhét vào trong người. Tiếng khóc thảm thiết của đứa trẻ sơ sinh cũng không làm thức tỉnh lương tri của hắn để cứu đứa bé, ngược lại Tôn Trường Đức thú tính nổi lên, hắn sau khi ôm đứa trẻ lên thì xoay người đặt lên phía trước bánh xe, sau đó giơ roi đánh xe ngựa đè chết đứa trẻ sơ sinh.

Người ta thường nói trên đầu ba thước có Thần linh, người đang làm trời đang nhìn. Lời này nói không sai chút nào. Hôm đó bầu trời trong xanh không một gợn mây, bách tính đang thu hái bông vải trên mặt đất. Lúc này trên đầu Tôn Trường Đức đột nhiên xuất hiện một đám mây, đồng thời kèm theo một tiếng sấm inh tai nhức óc khiến Tôn Trường Đức bị đánh chết.

Bởi vì sấm sét giữa trời quang, vừa vang lại vừa đột ngột, làm cho người chung quanh giật mình, còn tưởng là bắn pháo ở đâu đó. Lại nói về Tôn Bảo Đức là người đồng hành cùng Tôn Trường Đức, người đi trước kẻ đi sau. Chuyện xảy ra phía trước hắn thấy vô cùng rõ ràng, báo ứng ngay trước mắt như vậy, nhưng hắn lại cho rằng đây đều là trùng hợp ngẫu nhiên. Hắn thật là “điếc không sợ súng”, cho rằng đây chính là cơ hội tốt để mình phát tài. Hắn đã trộm mấy cuộn vải trên xe của Tôn Trường Đức, sau khi xử lý xong lại đến nhà người chết báo tang.

Tôn Bảo Đức nghĩ rằng chuyện trùng hợp ngẫu nhiên lại xảy ra với mình. Mùa thu năm thứ hai, vẫn là tháng đó, vẫn là ngày đó, vẫn là địa điểm đó, vẫn là thời gian đó, Tôn Bảo Đức cũng đang “tình cờ” đi tới đó, lại “tình cờ” một tiếng sấm nổ cũng đã đánh chết hắn.

Ông bà tích đức cho con cháu, thật là đức cũng tích, mà nghiệp cũng tích lại. Năm đó Tôn Trường Đức đã kết hôn và sinh con, nhiều năm sau đó cháu trai, cháu gái của hắn ta liên tiếp gặp tai họa lớn khiến người trong nhà cảm thấy rất kỳ lạ, khó hiểu nên nhờ một người hiểu biết xem xem duyên cớ là gì, sau khi xem xong vị tiên sinh này đã nói cho người nhà của hắn biết: “Tổ tiên nhà ngươi tạo nghiệp quá lớn, đời họ chưa trả xong, thế hệ con cháu phải tiếp tục thay họ hoàn trả”.

Chuyện như vậy gây chấn động rất lớn ở khu vực Liêu Nam, đến nay những người già vẫn còn nhớ rất rõ ràng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/276429



Ngày đăng: 19-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.