Nói về trí huệ của Tái Ông



Tác giả: Tiểu Vũ

[ChanhKien.org]

Ngày nay tình trạng xã hội hỗn loạn và thiên tai liên tiếp xảy ra, ai cũng đều muốn tìm cho mình phương pháp bảo toàn sinh mệnh. Kỳ thực cũng không phải tìm kiếm đâu xa, chỉ cần hiểu thấu nội tâm của bản thân thì sẽ hiểu được an bài của ông trời.

Trong cuốn sách “Hoài Nam Tử – Nhân Gian Huấn” có thuật lại một câu chuyện mà mọi người đều quen thuộc, nhưng nếu dùng quan niệm hiện đại thì sẽ không thể hiểu rõ được nó.

Trước kia ở vùng biên cương phương Bắc có một người rất giỏi nuôi ngựa, mọi người đều gọi ông là Tái Ông. Một ngày ngựa của Tái Ông tháo chạy khỏi chuồng, nó vượt qua biên giới và chạy thẳng vào nơi cư trú của người Hồ. Những người hàng xóm biết được tin này liền đến an ủi Tái Ông không nên quá buồn rầu. Không ngờ Tái Ông không buồn một chút nào mà ngược lại còn cười và nói rằng: “Mặc dù ngựa của tôi đã đi mất nhưng nói không chừng đó lại là việc tốt!”

Mấy tháng sau, con ngựa tự chạy trở về hơn nữa còn dẫn theo một con tuấn mã từ vùng đất người Hồ. Sau khi những người hàng xóm nghe được tin này liền tấp nập chạy đến nhà của Tái Ông chúc mừng. Lần này Tái Ông cau mày nói với mọi người: “Tự nhiên có được con tuấn mã này e rằng không phải là việc tốt!”

Tái Ông có một cậu con trai rất thích cưỡi ngựa. Một hôm cậu ta cưỡi con tuấn mã của vùng đất người Hồ ra ngoài du ngoạn, kết quả là do không cẩn thận nên đã bị ngã từ trên lưng ngựa xuống và bị gãy chân. Những người hàng xóm sau khi biết được việc này lại vội vàng chạy đến nhà của Tái Ông khuyên ông ấy không nên quá đau lòng. Không ngờ Tái Ông lại bình thản nói với mọi người rằng: “Con trai tôi mặc dù bị ngã gãy chân, nhưng nói không chừng đây lại là việc tốt!”

Những người hàng xóm nghe vậy đều cảm thấy rất kỳ lạ, họ cho rằng chắc chắn Tái Ông đau lòng quá mức nên trở nên hồ đồ rồi. Không lâu sau đó người Hồ mở cuộc xâm lược lớn, tất cả những nam thanh niên đều bị điều động đi nhập ngũ. Do binh lính người Hồ rất mạnh nên đại đa số nam thanh niên đều bị chết trên sa trường, vì con trai của Tái Ông bị ngã gãy chân nên không cần nhập ngũ, nhờ vậy mà có thể bảo toàn được tính mạng.

Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều từng trải nghiệm qua việc khi mất đi một thứ gì đó vì “không thể buông bỏ được” mà thấy đau khổ, nhưng nếu cứ nhất mực cường điệu mong muốn và tình cảm tự ngã thì sẽ vì những phiền não và oán hận trong lòng mà sinh ra càng nhiều vấn đề khó hơn.

Vậy khi thu được lợi ích thì đều nên vui mừng phải không? Cũng không hẳn là như vậy. Vì đắc được tài vật một cách không ngờ thì trái lại càng tăng thêm dục vọng của con người, từ đó mà phóng túng, vì vậy rất nhiều khi chịu tổn thương cũng là điều tất nhiên, nhưng đây lại chính là khởi đầu của việc chuyển sang một bước ngoặt mới.

Bởi vì trong quá trình bị tổn thương sẽ đau khổ, dần dần sẽ làm cho con người học cách “buông bỏ” để giảm nhẹ một chút áp lực tinh thần, có thể nói đây là một loại bản năng tự điều tiết bản thân.

Lâu dần khi một mặt của bản tính dần dần được thức tỉnh và hiển lộ, mặt này của con người làm cho người ta cảm thấy thành thực và hiền hậu, nội tâm có xu hướng bình tĩnh và đơn giản hơn. Một khi đã quen với sự thanh tịnh không tranh với người khác thì những nhân tố tranh đấu ngoài kia có quan hệ gì với anh ta chứ? Tự nhiên nó cũng không liên quan đến anh ta nữa. Con trai của Tái Ông bị gãy chân đã vượt qua được một kiếp nạn, về cơ duyên thì đó là sự trùng hợp, đồng thời nó cũng là sự sắp đặt của ông trời đối với số mệnh.

Kỳ thực đây chỉ là câu chuyện khải thị một chút nội hàm ở tầng thứ nông cạn của nhân sinh, đào sâu hơn thì vẫn còn có rất nhiều cổ nhân có lĩnh ngộ về quy luật đạo trời. Nhưng nói đến đây, có lẽ bạn cũng giống như tôi lúc này, cũng đã có thể ngộ sâu sắc hơn về sự quý giá và trí huệ của văn hóa truyền thống của chúng ta.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/287770



Ngày đăng: 21-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.