Thiển ngộ về chữ “Thành” (誠)



Tác giả: Kim Tiên

Nguồn hình: Chánh Kiến sưu tầm và thiết kế

[ChanhKien.org]

Nhiều văn tự của Trung Quốc có ẩn chứa thiên cơ rất thâm sâu, thậm chí có những chữ còn mang theo tầng diện hàm nghĩa cực kỳ cao. Đôi khi bạn không thể không cảm thán rằng văn hóa Trung Quốc đích thực là “văn hóa Thần truyền”, văn tự Trung Quốc đích thực là văn tự Thần truyền. Trở về với truyền thống đích thực chính là tìm về những sợi dây liên kết với Thần. Bài viết này hôm nay thảo luận về chữ “thành” (誠), có nghĩa là thành thực, chân thực.

Tác giả cho rằng hàm nghĩa cao tầng đằng sau chữ “thành” này thật ra đã khá rõ ràng, chính những quan niệm cố hữu của người thường đã cản trở khiến chúng ta không cách nào nhận thức được chúng. Sự phá hoại và làm biến dị chữ Hán của văn hóa đảng Đại Lục không chỉ bắt đầu từ hình dáng chữ mà kỳ thực càng rộng hơn là bắt đầu từ phương diện quan niệm tư duy của con người. Vì vậy, tác giả trong bài viết này không phân tích chữ “thành” từ góc độ nguồn gốc chữ mà bắt đầu từ phương diện tư tưởng truyền thống.

1. Nhất ngôn tức thành

Trong “Thuyết văn giải tự”, chữ “thành” (誠) được giải thích là “Tín dã” (là tín), còn chữ “tín” (信) được giải thích là “thành dã” (là thành), hai chữ này đều không được giải thích rõ ràng. Xem từ hình dáng chữ, chữ “thành” (誠) gồm có bên trái là chữ “ngôn” (言) (nghĩa là lời nói), bên phải là chữ “thành” (成) (nghĩa là hoàn thành, thành công), hiểu đơn giản là những gì nói ra phải hoàn thành. Bạn đọc có thể cho rằng, hàm nghĩa của nó đơn giản như thế vậy đạo lý cao tầng nằm ở chỗ nào? Hàm nghĩa càng đơn giản thì chúng ta có lẽ càng không suy nghĩ sâu xa về nó. Đây vừa hay chính là một loại mê. Trong sách “Trung dung” viết: “Thành giả thiên chi đạo dã, thành chi giả nhân chi đạo dã” (tạm dịch: thành là cái Đạo của trời, thành cũng là cái Đạo của người). Chính là đưa “thành” (誠) thăng lên làm cái Đạo của trời, còn con người nỗ lực làm được “thành” thì chính là Đạo của người. Sách “Mạnh Tử – Ly lâu thượng” cũng viết “Thị cố thành giả thiên chi đạo dã, tư thành giả nhân chi đạo dã” (tạm dịch: nguồn gốc thành tín là Đạo của trời, thành tín của cá nhân là Đạo của người) cùng với những gì giảng trong cuốn “Trung dung” là giống nhau. Như vậy tại sao “thành (誠)” là Đạo của trời, tức là “thuộc tính căn bản của trời”? Lời nói ra chính là hoàn thành rồi, như vậy thì có liên quan gì đến thiên đạo? Đây hoàn toàn là một thiên cơ to lớn nhất.

Sách “Kinh Thánh – Sáng thế ký” có miêu tả lại khi Thượng Đế tạo ra thế giới chính là dùng phương thức lời nói để tạo ra: “Chúa phán, hãy có ánh sáng, thì có ánh sáng… Chúa tạo ra không khí, phân chia nước ở dưới không khí, nước ở trên không khí. Sự việc được hoàn thành như vậy”. “Chúa phán, nước ở thế gian phải tụ lại một chỗ để đất khô lộ ra bên ngoài. Sự việc được hoàn thành như vậy”. “Chúa phán, đất hãy sinh ra cỏ, rau xanh có hạt, cây kết quả, các chủng các loại cây cối, trái cây đều có hạt. Sự việc được hoàn thành như vậy”. Chúng ta có thể thấy rằng Chúa sáng tạo ra thế giới, một lời nói là hoàn thành (成), kỳ thực chính là chữ “thành” (誠) (chân thực).

2. Đặc tính của Giác Giả

Tất nhiên, trên đây là thần thoại của người phương Tây, kỳ thực các câu chuyện Thần thoại sáng thế của các dân tộc trên thế giới đều miêu tả giống nhau, đó là Thần dùng thần lực của mình để sáng tạo nên thế giới, chỉ khác nhau là có Thần là dùng lời nói, có Thần là dùng hành động. Kỳ thực, những phương thức này đều xuất phát từ ý muốn của Thần, được gọi là “ngôn vi tâm thanh”, tức là lời nói là biểu hiện tâm ý của Thần. Sách “Trang Tử – Tiêu dao du” có nói về một số vị Thần, ý niệm của họ có thể khống chế sự sinh trưởng của ngũ cốc trên thế gian: “Miểu cô xạ chi sơn, hữu thần nhân cư yên… kỳ thần ngưng, sứ vật bất tì lệ nhi niên cốc thục”. Tinh thần của Thần ngưng tụ có thể làm thế gian không xuất hiện thiên tai, làm cho mùa màng bội thu. Như vậy xem ra, “thành” (誠) đích xác là Thiên Đạo, là thuộc tính căn bản của trời, bởi vì vạn vật trong trời đất đều là ý niệm của Thần sáng tạo mà ra. Tất nhiên, chúng đều mang theo đặc tính tinh thần của vị Thần sáng tạo ra chúng.

Sách “Trung dung” còn đề cập: “Thành giả, vật chi chung thủy, bất thành vô vật”. Nội hàm tầng diện của câu này cũng rất cao, nghĩa là nói sự vật từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc đều bắt nguồn từ “thành” (誠), vạn vật từ khi sinh ra tới lúc kết thúc đều nương nhờ vào “thành”, không có “thành” sẽ không có vạn vật. Chúng ta có thể lý giải rằng, không có đặc tính của Đại Giác Giả, vạn vật sẽ không thể được sinh thành, tạo ra và tồn tại.

Cùng đứng trong “Ngũ tử Bắc Tống” với Thiệu Ung là Chu Đôn Di đã nói: “Thành giả thánh nhân chi bản, ngũ thường, bách hạnh chi nguyên”. Chu Đôn Di cho rằng “thành” (誠) là học thuyết của tất cả các vị thánh nhân (tác giả trong bài viết “Thiển ngộ chữ Vương và các chữ liên quan” đã phân tích mối liên hệ giữa chữ “Thánh” và Đạo), là căn bản của luân lý và đạo đức ở nhân gian. “Thành” (誠) vì sao lại thâm sâu đến vậy? Ông còn viết: “‘Đại tai càn nguyên, vạn vật tư thủy’, thành chi nguyên dã, ‘càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh’, thành tư lập dã”. Câu “Đại tai càn nguyên, vạn vật tư thủy” có nguồn gốc từ sách “Chu dịch”, là nói về đạo càn nguyên (có thể hiểu là đạo sáng tạo của trời), là khởi điểm của sự sinh thành vạn vật, cũng là bản nguyên của “thành” (誠). Hiểu một cách đơn giản tức là, “thành” thuộc về đạo sáng tạo nên vạn sự vạn vật trong trời đất. Câu “Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh” cũng có nguồn gốc từ sách “Chu dịch”, đại ý nói cùng với sự biến hóa và thay đổi của thiên đạo, vạn vật trên thế gian thuận theo mà xác định vận mệnh và đặc tính của mình, “thành” (誠) cũng được xác lập như vậy. Lời nói của Chu Đôn Di phản ánh được hàm nghĩa cao tầng của chữ “thành” (誠), chính là dùng để chỉ đặc tính của Giác Giả, đặc tính của Giác Giả tạo nên trời đất vạn sự vạn vật, trời đất vạn vật từ đầu đến cuối đều phụ thuộc vào đặc tính này, đồng thời ban cho trời đất vạn vật đặc tính và vận mệnh riêng của mình. Chú ý: Ở đây không phải nói “thành” (誠) là đặc tính của Giác Giả mà chỉ hướng đến đặc tính của Giác Giả, giống như chữ “hào” (爻) bản thân nó không phải là thiên đạo mà chỉ là phương tiện truyền đạt của thiên đạo.

3. “Thành” (誠) xuất phát từ “chân” (真)

Sách “Trang Tử – Ngư phụ” viết: “Khổng Tử thiểu nhiên viết: ‘Thỉnh vấn hà vi chân?’ (tạm dịch: Khổng Tử tư lự nói: cho hỏi, ‘chân’ là gì?) Khách viết: ‘Chân giả, tinh thành chi chí dã’. ‘Chân giả, sở dĩ thụ vu thiên dã, tự nhiên bất khả dịch dã’ (tạm dịch: Chân thực là nhận lãnh từ trời, nó tự nhiên mà không thể thay đổi)” Rất nhiều chỗ viết về Khổng Tử trong sách “Trang Tử” đều là hình tượng một người tu đạo và một người cầu đạo “cần nhi hành chi” siêng năng cần mẫn. Thậm chí còn thường hay bị người khác phê bình chứ không phải là hình tượng một vị Nho học tông sư (đây có thể mới đúng là thân phận thật sự của Khổng Tử trước khi đắc Đạo). Một vị Đắc Đạo nói với Khổng Tử: “‘Thành’ (誠) đến cảnh giới cực cao chính là ‘chân’ (真), mà ‘chân’ lại bắt nguồn từ thiên (trời), là một loại đặc tính không thể cải biến”.

Cho dù là Nho gia thời tiền Tần hay tân Nho học sau này đều cực kỳ tôn sùng tư tưởng về “thành” (誠), mà cảnh giới cao nhất của “thành” là “chân” (真); bởi vậy, chúng ta cũng có thể suy ra rằng Nho gia nếu tu luyện đến cảnh giới cực cao hẳn là cũng quy về Đạo gia. Kỳ thực, trong “Sử ký” có ghi chép, Khổng Tử trước 51 tuổi đã ba lần vấn lễ Lão Tử, còn trong sách “Trang Tử” cũng có ghi rằng Khổng Tử lúc 50 tuổi vẫn chưa đắc Đạo, sau này nhờ thông qua Lão Tử chỉ bảo cuối cùng mới đắc Đạo. Chính Khổng Tử cũng nói mình “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, chính là “biết mệnh trời ở tuổi 50”, có thể hiểu là ông khai ngộ ở tuổi 50. Người đời sau lý giải “tri thiên mệnh” là biết thiên mệnh khó đổi vậy nên mặc kệ buông trôi mà rơi vào tâm thái tiêu cực, đây hẳn là hiểu sai rồi. Còn có những kẻ phàm phu không tu Đạo đến 50 tuổi cũng nói bản thân đã đến năm “tri thiên mệnh”, chẳng qua chỉ là gượng gạo gán ghép mà thôi.

4. Vật chất và tinh thần là nhất tính

Hiểu được hàm nghĩa cao tầng của chữ “thành” (誠) – Ý niệm (tính tinh thần) và đặc tính của Giác Giả sáng tạo nên thế giới và vạn vật (tính vật chất), như vậy đã nói rõ vật chất và tinh thần là nhất tính. Từ bản thân chữ “thành” (誠) mà xét, “ngôn” (言) là lời nói, đại biểu cho tính tinh thần (ngôn vi tâm thanh), còn “thành” (成) là gồm sự và vật, là tính vật chất, nghĩa là chữ “thành” (誠) chính là sự thống nhất giữa vật chất và tinh thần. Cái gọi là “chủ nghĩa duy vật” nói rằng “vật chất là thuộc tính căn bản của thế giới, tinh thần phải tồn tại phụ thuộc vào vật chất” là một loại tà thuyết. Tà thuyết này cưỡng ép tách rời tinh thần khỏi vật chất, đồng thời hạ thấp đặc tính tinh thần, coi đặc tính tinh thần là phụ thuộc vào vật chất, thậm chí miêu tả là hư vô. Loại tà thuyết này kỳ thực cũng là một loại “ngôn” (言), là thuộc về tính tinh thần, là một chủng đặc tính xấu. Ảnh hưởng mà nó mang đến cho nhân loại là trái ngược và rời xa khỏi bản tính của Giác Giả và thiên đạo; như vậy, tất nhiên sẽ làm cho đạo đức của thế gian trượt dốc. Chủ nghĩa sùng bái vật chất tràn lan, rời xa khỏi đức tin chân chính, không chỉ làm con người trở nên bại hoại, vạn vật trên thế gian cũng theo đó mà biến dị; từ đó làm cho tổng thể hoàn cảnh trên thế giới xấu đi.

Bản thân văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng tinh thần và vật chất là thống nhất. Người Trung Quốc tin rằng đặc tính của Giác Giả chuyển hóa thành vạn vật, vì vậy vạn vật cũng mang đặc tính của Giác Giả (của các tầng thứ khác nhau); vì vậy mà con người có thể từ vạn vật trên thế gian mà ngộ đạo, đề cao cảnh giới của bản thân. Thuyết duy vật đã phá vỡ hình thức ngộ đạo này, cắt đứt con đường đề cao cảnh giới của con người, chỉ có thể càng ngày càng tha hóa đọa lạc.

5. Tư thành tu Đạo (*)

Mọi người đều biết câu chuyện ngụ ngôn “Ngu Công dời núi” (trong sách “Trang Tử – Thang vấn”): Ngu Công nói muốn dời núi – tức là “ngôn” (言), sau đó ông bảo đời con cháu mình kiên trì không bỏ cuộc tiếp tục dời núi, thực hiện lời hứa của mình, bất chấp thời gian bao nhiêu lâu, quãng đường bao xa, nhân lực cần bao người, bất chấp người khác chế giễu hay sự kết thúc của sinh mệnh, cuối cùng “Thiên Đế cảm nhận được lòng thành” (Đế cảm kỳ thành) mà ra lệnh cho hai vị Thiên Thần trợ giúp Ngu Công di dời hai ngọn núi Thái Hành và Vương Ốc – sự vậy là đã “thành” (成). Mấu chốt nằm ở câu “Đế cảm kỳ thành”. Kỳ thực, truyện ngụ ngôn này nói về chữ “thành” (誠), một lời của Giác Giả liền tạo thành trời đất vạn vật, không có hạn chế về thời gian, không gian, điều kiện. Như vậy đối với con người mà nói, những gì con người nói nhất định phải thành. Cho dù khi thực hiện lời hứa của mình là dùng sức lao động thể lực của bản thân để thực hiện, hay chịu sự ước thúc gò bó của thời gian, không gian, nhân lực, các loại điều kiện; thì con người trên phương diện tinh thần phải khắc phục những trói buộc này, cuối cùng biến “ngôn” (言) của mình đạt được thành tựu. Đây chính là đạo của con người (nhân chi đạo); là điều mà cả sách “Trung dung” và “Mạnh Tử” đều viết: “Thị cố thành giả thiên chi đạo dã, tư thành giả nhân chi đạo dã”. Đạo của người có rất nhiều khổ nạn và chướng ngại, nhưng nếu khắc phục được những khổ nạn và chướng ngại này thì có thể tiêu giảm được nghiệp lực, lại có thể ma luyện được tâm tính. Đây chính là quá trình tu luyện bản thân. (Có người tu luyện nói Ngu Công kỳ thực là một người tu Đạo. Ngọn núi mà ông muốn di dời ấy kỳ thực là nghiệp lực cao to như núi của bản thân. Những gian nan mà Ngu Công gặp phải khi dời núi cũng chính là gian nan trong quá trình tiêu trừ nghiệp lực. Cuối cùng Thiên Đế cảm động, giúp ông di dời ngọn núi. Kỳ thực chính là Thiên Đế cảm thấy tấm lòng ông chân thành (cảm kỳ tâm thành) mà giúp ông tiêu trừ nghiệp lực. Ngu Công dời núi thành công, tâm tính của ông đã phát huy tác dụng then chốt. Những người giúp đỡ Ngu Công dời núi kia kỳ thực chính là những sinh mệnh khác thuộc cùng thể hệ sinh mệnh của Ngu Công. Còn ông già khôn ngoan (trí tẩu) cười nhạo Ngu Công kia cũng chỉ là một phàm phu tự cho là mình thông minh, người này không thể nào lý giải được người tu Đạo. Trong hoàn cảnh vô thức, người này đã đóng một vai diễn khảo nghiệm Ngu Công, sự so sánh giữa trí huệ và ngu ngốc ở cao tầng là phản đảo lại. Người hiện đại nói “Ngu Công dời núi không bằng Ngu Công dời nhà” cũng chỉ là một phiên bản trí tẩu thời hiện đại mà thôi.

Chú thích: (*) Theo hiểu biết của người dịch “Tư thành” (思誠) nghĩa là vận dụng tư duy, tự mình phản tỉnh khiến cho hành vi đạo đức đạt đến cảnh giới Thiên Đạo hợp nhất.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/256921



Ngày đăng: 27-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.