Vì sao Tần Thủy Hoàng bị oan suốt hơn 2000 năm?



Tác giả: Vân Quyển

[ChanhKien.org]

Hình ảnh bạo chúa của Tần Thủy Hoàng đã bị người ta gán cho trong hơn 2000 năm qua, mãi cho đến vài năm gần đây, khi có trang truyền thông đưa tin về “Vân Mộng Tần Giản”, một cuốn sách bằng thẻ tre ghi chép về 18 điều luật hình sự thời nhà Tần, người ta mới bắt đầu xem xét kỹ lại những công lao và sai lầm của Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông đăng cơ năm 13 tuổi, và tự mình chấp chính năm 21 tuổi, ông dùng 10 năm để thôn tính sáu nước, thống nhất Trung Quốc, chấm dứt hơn 500 năm chiến loạn thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ông thiết lập thể chế trung ương tập quyền, phế bỏ việc phân đất phong hầu, cai trị theo quận huyện, thống nhất thiên hạ, thống nhất chữ viết, tiền tệ, đơn vị đo lường, xây dựng Vạn Lý Trường Thành, ngăn chặn Hung Nô, thảo phạt Bách Việt ở phía nam, xua đuổi Hung Nô ở phía bắc, quét sạch giặc ngoại xâm, mở rộng lãnh thổ. Một người vĩ đại như vậy lại được mô tả là bạo chúa trong sách giáo khoa ở Trung Quốc, nhấn mạnh vào những hành vi độc đoán của ông, nô dịch dân chúng… Trong đó nổi tiếng nhất là việc đốt sách chôn Nho và Mạnh Khương Nữ khóc ở Trường Thành.

Vào tháng 12 năm 1975, trong một ngôi mộ thời nhà Tần ở Thụy Hổ Địa tỉnh Hồ Bắc người ta tìm thấy một tập thẻ tre có tên “Vân Mộng Tần Giản”, tổng cộng có 1.155 thẻ tre. Chủ nhân của ngôi mộ tên là “Hỷ”, ông là quan phụ trách tư pháp quận huyện dưới triều Tần, những thẻ tre này là ghi chép cá nhân của ông. Trong những thẻ tre này có 612 thẻ có nội dung liên quan đến các văn bản pháp luật của nhà Tần, nội dung được ghi chép trong những thẻ tre này đã lật đổ tất cả những nhận thức của mọi người trước đây về Tần Thủy Hoàng.

Hiện tại, ba vấn đề mà người ta hiểu nhầm nhiều nhất về Tần Thủy Hoàng là: 1/ Đốt sách chôn Nho, Mạnh Khương Nữ khóc ở Trường Thành. 2/ Trần Thắng và Ngô Quảng khởi nghĩa vì chính sách bạo ngược của nhà Tần. 3/ Xây dựng Cung A Phòng trên quy mô lớn.

Dưới đây chúng tôi kết hợp với “Vân Mộng Tần Giản” để phân tích ba vấn đề này.

1. Tin đồn đốt sách chôn Nho, Mạnh Khương Nữ khóc ở Trường Thành

Câu chuyện mà người đời thích bàn tán nhất về Tần Thủy Hoàng là câu chuyện đốt sách chôn Nho và Mạnh Khương Nữ khóc ở Trường Thành, kỳ thực đều là do các thế hệ văn nhân mặc khách sau này áp đặt lên Tần Thủy Hoàng. “Đốt sách” là việc năm đó Tần Thủy Hoàng đốt một số lượng lớn các loại sách của Nho gia nhằm thống nhất tư tưởng và văn hóa, nhưng ông lại bảo lưu hoàn chỉnh rất nhiều sách y học và nông nghiệp. “Chôn Nho” là việc năm đó Tần Thủy Hoàng giết hơn 400 thuật sĩ giang hồ, nhưng điều này lại bị người đời vu oan rằng đã giết hàng nghìn nho sinh.

Mà phiên bản gốc lúc đầu của câu chuyện Mạnh Khương Nữ khóc ở Trường Thành viết trong sách giáo khoa có nguồn gốc từ cuốn “Tả Truyện” thời Xuân Thu Chiến Quốc, câu chuyện này kể về Kỷ Lương – một vị đại tướng quân của nước Tề sau khi qua đời, vợ của ông đã khóc lóc nỉ non bên đường vì cái chết của chồng. Mãi đến thời Tây Hán, khi Lưu Hướng viết cuốn “Chiến Quốc sách”, ông mới dựa trên câu chuyện này rồi thêm vào tình tiết người vợ khóc thương trước cái chết của chồng nhấn chìm cả một tòa thành. Sau này vào thời nhà Đường, nhà thơ Quán Bổn đã viết một bài thơ với tựa đề “Vợ Kỷ Lương”, rồi đưa câu chuyện này vào thời Tần Thủy Hoàng xây dựng Trường Thành. Lại có một thi nhân khác của nhà Đường viết một bài thơ có tên “Đồng Hiền Ký”, trực tiếp đổi tên người vợ không danh tính của Kỷ Lương thành Mạnh Khương Nữ, điều này đã tạo thành truyền thuyết khiến người đời phẫn nộ về việc Mạnh Khương Nữ khóc đổ Trường Thành vì thương nhớ người chồng đã chết của mình.

Đồng thời, trong “Vân Mộng Tần Giản” có ghi rõ rằng người đi lao dịch xây dựng Trường Thành được trả tiền công. Trong quy định pháp luật của nhà Tần ngay cả phạm nhân cũng được trả 8 xu tiền lương cho một ngày lao động, theo cách tính phiếu lương thực chính thức của nhà Tần vào thời điểm đó thì một hoặc hai xu có thể mua được hai cân ngô, vì vậy, tiền công 8 xu một ngày hoàn toàn đủ để một người có thể nuôi sống một gia đình, thậm chí có thể nói là đãi ngộ rất tốt. Điều này cũng là bằng chứng cho câu chuyện hư cấu Mạnh Khương Nữ khóc ở Trường Thành.

2. Về cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng và Ngô Quảng do chính sách bạo ngược

Mọi người đều biết “khởi nghĩa Đại Trạch Hương” của Trần Thắng và Ngô Quảng vào thời trị vì của hoàng đế thứ hai của nhà Tần, thời điểm đó triều đình chiêu mộ 900 binh lính trong đó có Trần Thắng và Ngô Quảng để bảo vệ Ngư Dương, nhưng vì trời mưa to kéo dài nên đã làm lỡ việc, theo quy định pháp luật thì đều phải bị chặt đầu, do đó Trần Thắng và Ngô Quảng đã phát động cuộc binh biến dưới sự cấp bách, vội vàng. Vì vậy rất nhiều người đã quy kết nguyên nhân cuộc khởi nghĩa này là do pháp luật hà khắc của nhà Tần, họ cho rằng bộ luật hà khắc này được sử dụng bắt đầu từ thời Tần Thủy Hoàng và kéo dài đến vị hoàng đế thứ hai của nhà Tần.

Nhưng chúng tôi tìm thấy một đoạn ghi chép về quy định của quân đội nhà Tần từ trong những thẻ tre đó rằng: Nếu thời gian phục vụ lao dịch làm trễ từ ba đến năm ngày, thì sẽ bị nhắc nhở phê bình, từ sáu đến mười ngày thì tiền phạt sẽ bằng giá trị một tấm khiên, nếu quá mười ngày thì tiền phạt sẽ bằng giá trị một bộ áo giáp. Nhưng quan trọng nhất là, tất cả mọi hình phạt sẽ được miễn nếu gặp phải thời tiết xấu như mưa hoặc sương mù. Từ đây có thể thấy pháp luật thời Tần Thủy Hoàng rất công bằng và nhân văn. Vì vậy khả năng cao nhất là vào thời vị vua thứ hai của nhà Tần tại vị là Hồ Hợi, bản tính vốn hung tàn, không những giết hại tất cả huynh đệ, tỷ muội mà còn hãm hại các quan đại thần, đồng thời còn sủng ái gian thần Triệu Cao, thậm chí còn tiến hành tăng cường nô dịch nhân dân. Điều này dẫn đến việc rất nhiều luật đặt ra dưới thời Tần Thủy Hoàng đã bị thay đổi hoàn toàn ở thời của ông ta, và cũng dẫn đến việc phát sinh cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng và Ngô Quảng.

Trong thẻ tre cũng đề cập đến tính nhân văn của quy định, pháp luật của nhà Tần: Nếu người cao dưới 1,3m thì sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự; mỗi một gia đình đều cần phải để lại một người đàn ông để chăm sóc gia đình và phụng dưỡng người già; hơn nữa còn quy định rằng vào tháng hai hằng năm, người dân không được vào rừng chặt cây và bắt chim non. Không những vậy, trong Tần Giản còn ghi lại rất nhiều chuyện từ lũ lụt quốc gia đến chế độ bổ nhiệm và bãi nhiệm các quận huyện và các việc khác, điều này cho thấy bề rộng và chiều sâu của nó thật đáng kinh ngạc.

3. Xây dựng Cung A Phòng trên quy mô lớn

Trong bài thơ “A Phòng cung phú” của nhà thơ Đỗ Mục thời Đường có miêu tả Cung A Phòng rộng hơn 300 dặm, không những oai nghiêm tráng lệ, mà bên trong còn có đủ loại vàng bạc châu báu và mỹ nhân được gửi đến từ sáu nước. Sau khi biết được điều này, trong lòng mọi người chỉ còn lại hình tượng Tần Thủy Hoàng xa hoa và bạo ngược. Nhưng vào tháng 10 năm 2002, đội khảo cổ của viện Khoa học xã hội Trung Quốc bắt đầu khai quật di chỉ Cung A Phòng và kết luận rằng Cung A Phòng thực tế không hề được xây dựng. Sau này, các nhà khảo cổ học lại dành hơn một năm để khảo sát Cung A Phòng vào năm 2006. Kết quả là họ chỉ phát hiện được một số tàn tích trong đất bị cháy đỏ trong khu vực khảo sát rộng 200.000 mét vuông tại địa điểm trước điện của Cung A Phòng, nhưng họ lại phát hiện lượng lớn dấu tích bị thiêu hủy ở cung Hàm Dương. Chúng ta có thể tìm thấy trong “Sử ký – Hạng Vũ bản ký”, Tư Mã Thiên chỉ ghi “đốt cung điện nhà Tần, lửa cháy ba tháng không hết”, và không hề đề cập đến Cung A Phòng. Đồng thời trong phần mô tả về Cung A Phòng trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên cũng viết rõ rằng Cung A Phòng chỉ là một dự án kế hoạch. Các chuyên gia cũng cho rằng ghi chép lịch sử về việc Hạng Vũ phóng hỏa đốt cháy Cung A Phòng là không chính xác. Vì vậy các chuyên gia đã đưa ra một kết luận rất đáng tin cậy: Ngọn lửa mà Hạng Vũ đốt khi nhà Tần sụp đổ, rất có thể là đốt cung Hàm Dương, còn Cung A Phòng lúc đó căn bản là chưa hoàn thiện.

Mục đích của Đỗ Mục khi sáng tác “A Phòng cung phú” là để khuyên những vua quan thời đó không nên ham muốn hưởng lạc, bóc lột nhân dân để rồi lại giẫm lên vết xe đổ của nhà Tần. Trên thực tế sau khi nước Tần thống nhất sáu nước, phần lớn số thuế thu được đều sử dụng vào cơ sở hạ tầng có lợi cho đất nước và nhân dân, trong đó bị chỉ trích nhiều nhất là việc huy động lượng lớn nhân dân xây dựng Vạn Lý Trường Thành, nhưng nếu không có Trường Thành thì số cuộc xâm lược của người Hung Nô sẽ tăng lên rất nhiều lần, khiến cho bách tính lầm than. Việc xây dựng hệ thống kênh rạch Linh Cự, Hồng Câu đã giúp cho việc tưới tiêu hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp màu mỡ ở Quan Trung, những công trình này đã mang lại lợi ích to lớn cho thế hệ con cháu sau này.

Lời kết

Vì những định kiến đã bị khắc quá sâu này nên có người chỉ trích Tần Thủy Hoàng hoang dâm vô đạo, nhưng cả đời ông chưa lập hoàng hậu, và đề xướng bình đẳng nam nữ, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ; có người nói ông ngang ngược và tàn bạo, nhưng trong thời gian trị vì của mình ông chưa từng giết một trung thần nào; có người nói ông lao dịch nhân dân, lãng phí tiền bạc để xây dựng lăng mộ, thế mà trước đây hầu hết các quân vương khi chết đều lấy người sống để chôn theo cùng, mà ông là hoàng đế thiên cổ có một không hai, không nhẫn tâm lạm sát người vô tội nên đã chọn dùng người làm bằng đất nung thay thế cho người sống để chôn theo cùng. Còn có cách nói rằng, những chiến binh đất nung và ngựa đó là để chứa đựng linh hồn trung thành của hàng ngàn hàng vạn người nước Tần đã tử chiến ở nơi sa trường mà xây dựng nên.

Ngay cả khi có nhiều chứng cứ được các chuyên gia thừa nhận như vậy đặt ở trước mặt nhưng sách giáo khoa của Trung Quốc vẫn không sửa đổi, giống như Cách mạng Văn hóa và phong trào sinh viên năm 1989 trong sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc, chúng đều bị ĐCSTQ nói đến một cách mơ hồ qua loa, cũng giống như Pháp Luân Công ngày nay, vẫn đang bị ĐCSTQ bức hại và cấm đoán, nhưng đã được hơn 100 quốc gia khác trên thế giới ca ngợi với hơn 100 triệu người tu luyện, ĐCSTQ vẫn còn đang đảo lộn đen trắng trong sách lịch sử để lừa dối học sinh. Cũng phải thôi, đây là bản chất vô sỉ của ĐCSTQ, chúng đối đãi với các bậc đế vương cổ đại còn như vậy, huống chi là nhân dân vô tội?

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/285495



Ngày đăng: 12-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.