Phá trừ sai lạc của quan niệm hiện đại: Giải mã Thần ngôn trong câu chuyện Oedipus



Tác giả: Vịnh Đình

[ChanhKien.org]

Nhiều năm trước tôi vui mừng đắc được Pháp Luân Đại Pháp, đi trên con đường phản bổn quy chân. Do học Pháp không sâu, nên cảm thấy một số tác phẩm văn học Tây phương mà tôi tiếp xúc trong quá trình học tập và làm việc đa số là thơ ca và tiểu thuyết viết về tình ái, tác phẩm ca tụng Thần thì lại không có mấy, thậm chí một số thần thoại truyền thuyết dường như cũng không phải ca tụng Thần, mà là ca tụng những anh hùng trong người thường. Thuận theo tiến trình Chính Pháp, các bài giảng Pháp của Sư phụ không ngừng khai thị, hàng loạt các bài xã luận như “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản”, “Ma quỷ đang thống trị thế giới của chúng ta”… lần lượt được công bố, cùng một lượng lớn các bài viết về văn hóa Thần truyền được đăng trên trang web Chánh Kiến và Đại Kỷ Nguyên (The Epoch Times), đặc biệt là các màn trình diễn của Shen Yun mà Sư phụ ban tặng cho chúng sinh, đã giúp tôi không ngừng loại bỏ văn hóa đảng và những quan niệm biến dị, từ đó đã có được một số nhận thức đối với các tác phẩm văn học Tây phương triển hiện văn hóa Thần truyền. Vì vậy tôi viết bài này hy vọng cung cấp tài liệu tham khảo cho các đồng tu có trải nghiệm giống như tôi, để thoát khỏi các nhân tố can nhiễu tà ác của cựu thế lực, thanh trừ độc hại của quan niệm hiện đại. Tầng thứ cá nhân hữu hạn, thể ngộ chắc chắn có chỗ chưa đúng, hi vọng các đồng tu dĩ Pháp vi Sư.

Con người hiện đại hầu hết đều đã nghe nói đến “Phức cảm Oedipus” (Oedipus Complex) [1] do nhà phân tích tâm thần học Freud đề xuất, vì vậy, nhiều người tin rằng yêu mẹ, thù địch cha là bản tính bẩm sinh tiềm ẩn trong nội tâm con trai, chỉ là nó không được chấp nhận bởi những chuẩn mực của xã hội nhân loại mà thôi. Thật ra, trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, giết cha giết mẹ là đại tội, loạn luân là đại tội. Người hiện đại sẽ hỏi tại sao, người Hy Lạp cổ đại sẽ trả lời là: Thần định ra như vậy. Người Hy Lạp cổ đại coi suy nghĩ giết cha giết mẹ là bất thường, phản tự nhiên, nhìn nhận là kẻ thù của “tự nhiên”, bởi vì “tự nhiên” là do Thần tạo ra, hành vi của con người phải phù hợp với ý chí của Thần mới là hợp lẽ tự nhiên. Oedipus do thiếu hiểu biết đã giết cha cưới mẹ, sinh mệnh của ông là do Thần an bài, nhưng nguồn gốc bất hạnh của Oedipus chính là vô tri và tội nghiệp.

Đầu tiên chúng ta xem một chút bối cảnh mở màn cho vở bi kịch “Vua Oedipus” (Oedipus the King) của Sophocles:

Khoảng 15 năm trước, lúc Oedipus còn đang là thanh niên, ông nghe được lời tiên tri tại đền Thần Delphi: Số mệnh của ông được định rằng sẽ giết cha cưới mẹ. Vì quá kinh hoàng, ông quyết định không bao giờ quay lại thành Corinth nữa, bởi vì ông cho rằng quốc vương và hoàng hậu đang cai trị thành Corinth là cha mẹ thân sinh ra ông. Ông lang thang khắp nơi, bước trên con đường dẫn đến thành Thebes, cũng chính là thành bang do cha mẹ ruột của ông cai trị. Được nửa đường, Oedipus tranh đường với một ông già cưỡi xe ngựa, trong cơn tức giận đã giết chết ông già và một số tùy tùng khác. Khi đến bên ngoài thành Thebes, ông phát hiện thành phố đang trong cảnh hỗn loạn: Quốc vương Laius không biết vì sao ra ngoài không về; bên ngoài thành có một nữ yêu dùng câu đố để chặn những cư dân Thebes ra khỏi thành, nếu người qua đường giải đoán không được sẽ bị giết chết. Oedipus đoán trúng đáp án, nữ yêu nhảy xuống vách đá mà chết, vì vậy người Thebes nghinh đón lập Oedipus thành tân vương, và cưới Jocasta – góa phụ của Laius. Người Thebes không biết Jocasta là mẹ ruột của Oedipus, họ cũng không biết Laius và Jocasta nghĩ rằng họ đã giết đứa trẻ sơ sinh Oedipus (vì họ nghe được lời tiên tri nói rằng định mệnh của con trai họ là sẽ giết cha cưới mẹ). 15 năm sau, Thần giáng một trận ôn dịch xuống thành Thebes, các tư tế và trưởng lão trong thành đã lãnh đạo dân chúng đến cầu xin Oedipus tra rõ nguyên nhân khiến Thần giáng thảm họa, một lần nữa cứu vãn thành Thebes.

Tiếp theo, tình tiết chủ yếu phần còn lại của vở kịch có thể tóm tắt như sau: Vua Oedipus truy tra các manh mối khác nhau, với sự trung thực và lòng dũng cảm, cuối cùng đã tra rõ thân thế của mình, biết được ai là vương phụ và vương mẫu của mình. Oedipus phát hiện ra sự mù quáng và ngu dốt của mình, trong thống khổ ông đã tự chọc mù đôi mắt, nhường ngôi cho em vợ là Creon, sau đó tự lưu đày.

Vở kịch không quá chú trọng vào quá trình giết cha cưới mẹ mà là sau khi Oedipus phạm tội, là quá trình tìm kiếm sự thật quan trọng liên quan đến thân phận cha mẹ của mình. Cốt truyện vẫn triển hiện cho khán giả thấy đức tính của một người anh hùng – thể hiện sự trung thực và lòng dũng cảm khi đối mặt với các manh mối nhằm vào mình, khiến khán giả thấy được phẩm chất tốt đẹp và trong sáng. Lỗi lầm của người anh hùng thì hãy lưu lại cho khán giả phán xét.

Các cách giải thích truyền thống của phương Tây cho rằng Thần đã an bài vận mệnh của người phàm và những nỗ lực muốn thay đổi vận mệnh của con người đều vô ích, ngược lại, những nỗ lực này chỉ đẩy vận mệnh hướng tới mục tiêu đã định sẵn cho đến khi lời tiên tri trở thành hiện thực. Vì vậy, con người nên phải kính nể Thần minh. Hàm nghĩa của chữ “kính nể” trong tiếng Hy Lạp cổ là chỉ con người khi đối mặt với sự thánh khiết vĩ đại của Thần, cảm thấy hổ thẹn, khắc chế những suy nghĩ cuồng ngạo đáng xấu hổ của bản thân, sinh lòng cung kính vô hạn đối với Thần.

Trải qua trăm nghìn năm, con người dần dần đã không thể đọc hiểu được lời của Thần (Thần ngôn) nữa, con người chấp trước vào việc trốn tránh khổ nạn, oán trách khổ nạn bất công, và cũng không thể hiểu được nguyên nhân tạo thành khổ nạn, cho rằng sự vô tình của Thần Vận Mệnh là nguồn gốc gây ra khổ nạn, dần dần sinh ra oán hận, cho đến từ bỏ lời răn của Thần, cho rằng việc “giết cha cưới mẹ” là thuộc về cái gọi là bản tính tự nhiên, từ đó dấn thân vào con đường nguy hiểm phản lại Thần, tự hủy hoại bản thân mình.

Tuy nhiên, người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp có thể thấy được nội hàm của văn hóa chính thống: Hết thảy đều là sự an bài của Thần, là thể hiện của sự công bằng chính trực và từ bi của Thần. Có ba lý do khiến Oedipus trong vô tri mà phạm tội: Tư tưởng bài xích Thần của ông, tội nghiệp tích lũy từ kiếp trước của ông và tội nghiệp của tổ tiên, đặc biệt là tội nghiệp của cha ông là Laius.

Bài xích Thần

Từ trong bối cảnh câu chuyện ở trên, chúng ta có thể thấy rằng sau khi Oedipus nghe được lời tiên tri, ông đã sợ hãi mà xuất ra suy nghĩ đầu tiên là lập tức rời xa Corinth với ý đồ khiến cho lời tiên tri thất bại, đây chính là tranh đấu với Thần, bài xích Thần.

Nỗi sợ hãi của Oedipus là sợ phạm tội, đó là phù hợp với phản ứng tình cảm của con người, tuy nhiên sự sợ hãi đó của ông ta (tức là trạng thái tinh thần của ông ta) lại không phù hợp với yêu cầu của Thần đối với một vị anh hùng. Ở Hy Lạp cổ đại, các vị anh hùng là con cháu chính thống của chư Thần, là những Á Thần (nửa người nửa Thần), kỳ thực họ là những người tu luyện. Mục đích nhân sinh mà Thần sắp đặt cho họ là khứ trừ ô nhiễm tồn tại trong thân thể và tinh thần của bản thân (ô nhiễm là một thuật ngữ Hy Lạp cổ đại, ngược lại với thuật ngữ tịnh hóa, rửa tội linh hồn), không ngừng tịnh hóa bản thân (người đời sau không biết “Lễ rửa tội” trong tôn giáo Hy Lạp là gì, nếu nhìn từ góc độ tu luyện thì đó nên là phương thức tu luyện Thần truyền, có thể đã bị thất truyền hoặc được truyền bí mật trong lịch sử), đạt đến trạng thái thuần tịnh và hài hòa, hay còn gọi là trạng thái Chính nghĩa hoặc trạng thái Công lý (2) (Tác phẩm “Cộng hòa” (The Republic) của Plato đã mô tả bản phóng to của linh hồn Công lý ở một không gian khác: Thành phố Công lý). Sau khi trừ bỏ đi bỏ nỗi sợ hãi bị ô nhiễm bởi cảnh giới thấp, người anh hùng mới có được nỗi sợ hãi ở cảnh giới cao hơn, chính là kính sợ thực sự đối với Thần. Như Socrates đã nói, ngoài việc kính sợ đối với Thần thì không nên sợ bất cứ điều gì khác. Nếu Oedipus thực sự kính sợ Thần, thì nên phải lập tức ăn năn tội lỗi ngay sau khi nghe lời tiên tri, cầu xin Thần khai thị cơ hội tự mình hối tội. Vận mệnh của người thường không thể thay đổi được, nhưng vận mệnh của người tu luyện thì có thể thay đổi. Đây chính là cơ hội ăn năn hối tội mà lời tiên tri ban cho Oedipus.

Vì vậy, gợi ý lớn nhất mà câu chuyện của Oedipus mang đến cho khán giả chính là khi đối mặt với lời của Thần, con người nên sinh lòng kính sợ thực sự đối với Thần, phóng hạ kiêu ngạo và vọng tưởng, thật tâm cầu xin Thần và hối tội, đây là lời giáo huấn chính diện.

Hậu quả của việc Oedipus chống lại Thần là đạo đức trượt dốc, mất hết tiết chế, sau đó Oedipus đã tranh đấu với người qua đường, hành hung giết người, đây là hậu quả bi thảm tạo thành từ việc bài xích Thần.

Tội nghiệp từ kiếp trước

Trong mệnh của Oedipus được định sẵn phải phạm những tội ác khủng khiếp, một trong những nguyên nhân sâu xa là do tội nghiệp tích lũy từ kiếp trước. Trước khi Oedipus vào thành Thebes, câu đố của nữ yêu Sphinx [3] thực sự đã ám thị cho Oedipus rằng đời trước kiếp trước của ông cũng nhiều như từng ngày trôi qua. Câu đố của Sphinx học được từ chỗ các nữ thần Muse [4]: “Bốn chân vào buổi sáng, hai chân vào buổi trưa, ba chân vào buổi tối. Trong hết thảy tạo vật thì chỉ có chủng tạo vật này là di chuyển bằng số lượng chân khác nhau. Khi có nhiều chân nhất, thì cũng là lúc sức lực và tốc độ thấp nhất”. Oedipus rất dễ dàng đoán được đáp án của câu đố: Con người. Tuy buổi sáng, buổi trưa, buổi tối là ví von với đời người, nhưng có thể Oedipus đã không lý giải được luân hồi chuyển thế ẩn dụ bên trong đó. Nếu cuộc đời của một người giống như một ngày ngắn ngủi, vậy thì luân hồi chuyển thế, kiếp trước và kiếp sau của sinh mệnh cũng giống như rất nhiều ngày hôm qua và rất nhiều ngày mai, chỉ là sau khi con người chuyển sinh đã mất đi ký ức tiền kiếp. Đức và Nghiệp của Oedipus từ mấy kiếp trước, mấy chục kiếp trước đều được tích lũy đến kiếp này, hoạ phúc của kiếp này đều có nguyên nhân, đều là Thần sắp đặt, Oedipus không nên sinh tâm bất mãn với vận mệnh của mình. Lúc mà Oedipus đang bước trên con đường đấu tranh với Thần, đã giết chết ông già không quen biết cùng những người tùy tùng, so với lúc ở đền thờ thần Delphi thì linh hồn của ông ta đã ô nhiễm nghiêm trọng hơn, tức là tội nghiệp cũng nặng nề hơn, càng rời xa Thần hơn nữa, lúc này chỉ có thể gián tiếp nghe được lời của Thần thông qua nữ yêu, cũng chính là rất khó ngộ được hàm nghĩa sâu hơn của Thần ngôn.

Tội nghiệp của tổ tiên

Cha của Oedipus, Laius, nhiều lần chống lại lời răn của Thần. Có thể suy ra tội nghiệp của Oedipus đến từ tội nghiệp của gia tộc.

Thứ nhất, tác phẩm “Luật Pháp” của Plato (Plato’s Laws) (9.836c) đề cập rằng Thần đã ban hành luật cấm đồng tính luyến ái cho con người trước thời của Laius. (Laius được coi là người đồng tính luyến ái sớm nhất trong lịch sử Hy Lạp). Laius đã trốn khỏi đất nước mình khi còn trẻ và được vua Pelops của Peloponnese khoản đãi, nhưng Laius lại vong ơn, bắt cóc đứa con nhỏ tuấn tú của Pelops.

Sau này Laius trở thành vua Thebes và cưới Jocasta làm vợ, nhưng rất lâu vẫn không có con nối dõi. Ông đến đền thờ Thần Apollo ở Delphi để cầu xin. Đáp án của tiên tri là Thần sẽ thực hiện ước nguyện của ông, ban cho ông một đứa con trai, nhưng đứa con trai này tương lai sẽ giết cha cưới mẹ, đây là ý chỉ của Thần Zeus, bởi vì Thần Zeus đã nghe thấy lời nguyền rủa của Pelops, nói rằng Laius đã bắt cóc con trai ông ta [I].

Thứ hai, Laius đã xúc phạm chủ nhà, làm trái với luật lệ của Thần Zeus – lễ chủ khách.

Lễ chủ khách là nghi thức quan trọng nhất được Thần Zeus – vua của các vị Thần, ban cho người Hy Lạp. Thần Zeus là người bảo vệ những người lữ hành (người không quen), những người lữ hành lẻ loi không nơi nương tựa, cầu xin ân huệ được nơi ăn chốn ở từ người chủ, và người chủ nhân từ thương hại, thường không đợi khách cầu xin mà nhiệt tình khoản đãi. Sự tôn kính và thương xót của chủ đối với khách bắt nguồn từ sự thành kính đối với Thần Zeus. Khách cảm ân chủ, cũng chính là cảm ân vô hạn đối với Thần Zeus, vị chủ Thần nắm giữ lễ chủ khách. Người khách sau khi được chủ nhà tiếp đãi, cả hai trở thành bạn bè, cơ sở của tình bạn là sự kính nể và biết ơn đối với Thần Zeus. Cho dù là hải tặc đến nhà, người chủ cũng sẽ không hỏi thân phận của họ, trước tiên khoản đãi ăn uống thịnh soạn, sau đó mới hỏi lai lịch. Một khi mối quan hệ chủ khách được thiết lập, ngay cả hải tặc cũng biết kính trọng và hổ thẹn, sẽ không cướp bóc chủ nhà.

Nếu người hiện đại đứng trên cơ sở của chủ nghĩa vô thần, từ góc độ của xã hội học, lịch sử học, nhân chủng học để nghiên cứu thì rất khó hiểu được tại sao lễ chủ khách lại là quy tắc đạo đức cơ bản mà Thần Zeus đặt định cho người Hy Lạp cổ đại.

Ý nghĩa tượng trưng của lễ chủ khách là: Thần là chủ tể thiên địa, con người luân hồi chuyển sinh tại thế gian, ngắn ngủi và tạm bợ như qua đường, việc ăn mặc ngủ nghỉ của con người đều là do vị chủ là Thần ban tặng, con người nên cảm ân Thần. Thần là chủ, người là khách.

Ước thúc đối với đạo đức thế nhân của lễ chủ khách ở chỗ giúp bù đắp phần lễ nghĩa bị thiếu khuyết trong mối quan hệ ngoài hôn nhân giữa những người nam nữ xa lạ, lễ chủ khách bảo hộ gia đình và hôn nhân. Phụ nữ Hy Lạp cổ đại chưa kết hôn thì tùy phụ (theo cha), đã kết hôn thì tùy phu (theo chồng), khi người con trai xa lạ đến nhà, nam chủ nhân sẽ khoản đãi, hai bên phân thành chủ khách, tình hữu nghị chủ khách được đặt lên hàng đầu, khách theo quy tắc không thể mạo phạm con gái hoặc vợ của chủ nhà. Một người con trai nếu muốn cưới người con gái thì phải đến nhà cô ấy để cầu xin, trước hết làm khách của cha (hoặc anh em trai) cô ấy, sau mới đến nói chuyện cầu hôn.

Nhà thơ Hy Lạp cổ đại Hesiod đã miêu tả trong “Công việc và ngày tháng” (Works and Days) (175 – 195) [II] rằng trong thời đại đạo đức suy đồi, con người không còn kính sợ Thần minh mà lấy cường quyền làm công lý, không kính trọng cha mẹ, chủ khách không tôn trọng nhau, thiện ác đảo ngược, vậy nên phải đối mặt việc Thần giáng tai hoạ. Chủ khách không tôn trọng nhau cho thấy người Hy Lạp cổ đại khi ấy đã đi ngược lại luật lệ của Thần Zeus, tội nghiệp trầm trọng.

Cuộc chiến tranh thành Troy có nguồn gốc từ việc hoàng tử thành Troy là Paris đến thăm cung điện vua Menelaus của thành Sparta, được chủ nhân khoản đãi, tuy nhiên lúc chủ nhân xa nhà, Paris đã bắt cóc hoàng hậu Helen, phạm tội danh xúc phạm chủ nhân.

Dấu hiệu cho thấy đạo đức của thành Troy xuống dốc chính là không trừng phạt tội ác của Paris. Vua Priam của thành Troy đã giao vụ án của Paris cho Hội đồng trưởng lão quyết định. Một số trưởng lão đã nhận hối lộ của Paris, bao che cho Paris, từ chối trả lại Helen, còn mưu đồ hãm hại Menelaus và Odysseus đến thăm, chính là phản bội lễ chủ khách, vậy nên cả thành phố gặp tai họa hủy diệt.

Bối cảnh của câu chuyện thành Troy là vào thời kỳ nền văn minh Hy Lạp cổ đại phát triển đến giai đoạn mà phong tục và giáo hóa nam nữ bị suy thoái nghiêm trọng, có thể suy ra rằng vào thời điểm đó, sự kính sợ của người Hy Lạp cổ đại đối với thần Zeus, vị chủ Thần của đỉnh Olympus đã bị lung lay, dẫn đến thảm họa binh đao, dẫn đến chiến tranh thành Troy kết thúc thời kỳ văn minh đó.

Laius đã xúc phạm chủ nhân Pelops, lấy oán trả ơn, đó là phạm tội mạo phạm Thần Zeus.

Thứ ba, Laius chống lại lời tiên tri cũng là đấu với Thần.

Sau khi Laius và Jocasta sinh ra đứa con, đã mưu đồ làm cho dự ngôn thất bại nên dùng một sợi dây xuyên qua mắt cá chân của Oedipus và ra lệnh cho người hầu ném đứa trẻ sơ sinh Oedipus vào nơi núi non hoang dã cho chết đi. Không ngờ người hầu thương xót đứa bé nên đã giao nó cho người chăn cừu của vua Corinth, vì mắt cá chân của đứa bé bị sưng nên người chăn cừu đặt tên cho nó là “Oedipus”, nghĩa là “sưng mắt cá chân”, và trao đứa trẻ sơ sinh cho quốc vương. Quốc vương và hoàng hậu Corinth coi Oedipus như con đẻ. Khi Laius nghe được lời tiên tri, ông không hề khởi lòng kính sợ đối với Thần mà là tranh đấu với Thần, lấy việc giết con làm cách giải quyết, cuối cùng bị chính con trai giết chết, cũng chính là quả báo thích đáng.

Thần đã an bài cho Laius một đứa con trai phải phạm đại tội “giết cha cưới mẹ”, điều này không hề bất công đối với Laius. Thần đã tạo ra con người, cũng đã quy định hành vi của con người, Laius làm con dân của Thần nhưng lại không công nhận Thần, lấy những điều trái nghịch của bản thân thay thế cho các quy định của Thần, những suy nghĩ này còn đáng sợ hơn cả suy nghĩ giết cha; phía sau suy nghĩ cuồng loạn “thí cha” chính là mưu đồ cướp đoạt mọi thứ của cha, được ẩn dụ bằng việc “cưới mẹ”. Vì vậy, việc Thần nói với Laius rằng ông sẽ có một đứa con trai như vậy, cũng là cho Laius cơ hội hối tội.

Qua những phân tích trên, chúng ta thấy rằng câu chuyện bi kịch của Oedipus đã triển hiện thiện ác hữu báo, triển hiện sự từ bi và uy nghiêm của Thần, cũng truyền tải một thông điệp cốt lõi, đó là chắc chắn có sự an bài và thiếp lập của Thần, khẳng định có sự tồn tại của Thần. Cái gọi là “Phức cảm Oedipus” không gì khác hơn là nỗ lực xóa bỏ thông điệp này, tuy nhiên, người Hy Lạp cổ đại lại nói rằng việc xóa bỏ như vậy trong mắt các vị Thần là vô ích.

Vậy câu chuyện của Oedipus liệu có xảy ra ở thời hiện đại không? Khoa học kỹ thuật của nhân loại hiện đại rất phát triển, nhưng thuyết vô thần và thuyết tiến hóa đã che đậy đôi mắt của con người, khắp nơi người ta hùa theo nó, phải chăng họ đang đi trên con đường còn nguy hiểm hơn cả Laius và Oedipus? Lối thoát nơi đâu? So với Laius và Oedipus, liệu còn người hiện đại có biết nhiều hơn cầu Thần như thế nào không?

Điều mà nhà tiên tri Hy Lạp cổ đại Socrates nhiều lần cảnh báo con người không phải là “tín Thần” là gì; điều ông muốn nhấn mạnh là con người còn không biết thế nào là “tín Thần”, và cũng không biết sự vô tri của bản thân trong vấn đề này. Biểu hiện của con người hiện đại dường như đã khẳng định nỗi lo lắng lớn nhất của Socrates. Câu chuyện của Oedipus đã được truyền lại hơn 2000 năm, chưa ai trong lịch sử tiết lộ được Oedipus (và khán giả của vở bi kịch Oedipus) nên làm thế nào để cầu xin Thần, tẩy tội và tịnh hóa bản thân, dù cho có vô số các thảo luận về hiệu quả tịnh hóa của bi kịch, dù cho khoa học hiện đại có rất nhiều lý luận và phác đồ điều trị linh hồn/bản ngã.

Lịch sử phát triển cho đến ngày nay, Đại Pháp cứu thế chân chính – Pháp Luân Đại Pháp đã được hồng truyền tại thế gian. Những “Oedipus” của hôm nay nếu có thể gạt bỏ cố chấp và thiên kiến, thì có thể tìm thấy hết thảy đáp án liên quan đến vũ trụ, sinh mệnh, tu luyện, v.v. từ trong Pháp Luân Đại Pháp, trong khi tu luyện thực sự có thể được cứu độ, và phần bi kịch sau đó thật sự không xảy ra. Bởi vì mục đích cuối cùng của việc Thần sắp đặt vận mệnh của Oedipus không phải là khiến con người oán hận vận mệnh hay phủ nhận sự tồn tại của vận mệnh, mà là khiến con người vững tin vào sự vĩ đại của Thần, kiên định bước đi trên con đường hành hương tìm kiếm Thần, cho đến khi gặp được Pháp Luân Đại Pháp thật sự có thể khiến con người tiêu tội, tịnh hóa, trở về cảnh giới chí thiện chí mỹ.

Chú thích:

[I] “Thần thoại và truyền thuyết cổ Hy Lạp”, [Đức] được viết bởi Gustav Schwab; được dịch bởi Gao Gaofu và cộng sự, Nhà xuất bản Biên soạn và Dịch thuật Trung ương, Bắc Kinh, 2011.
[II] “Work and Time: Theogony”, [cổ Hy Lạp] do Hesiod viết; Tưởng Bình, Trương Trúc Minh dịch, Nhà xuất bản Thương mại, Bắc Kinh, 2013.


Chú thích của người dịch:

[1] Phức cảm Oedipus: nói về sự thu hút của trẻ hướng về cha mẹ có giới tính đối lập với mình và ghen tuông với cha mẹ có cùng giới tính.
[2] Chữ Chính nghĩa 正義 này có thể được dịch là “công lý”, “công bằng” hoặc “sự công bình” nên người dịch dùng từ Công lý để người đọc tiện theo dõi tra cứu.
[3] Sphinx (Nhân sư) là một sinh vật thần thoại có đầu người, mình sư tử và đôi cánh đại bàng.
[4] Trong tôn giáo và thần thoại cổ Hy Lạp, Muses là những nữ Thần truyền cảm hứng cho văn học, khoa học và nghệ thuật, gồm có chín vị.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284862



Ngày đăng: 22-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.