Những bình hoa tử sa triều đại nhà Thanh
[ChanhKien.org]
Tử sa không chỉ được dùng để làm ấm trà mà còn có thể làm chậu hoa, chén đựng nước trong văn phòng tứ bảo, đồ trang trí điêu khắc,… Hôm nay, chúng ta sẽ nói về những chiếc bình hoa tử sa cổ.
Bình hoa tử sa hơi khác so với chậu hoa, chủ yếu về phương diện tạo hình, thoát ly khỏi tạo hình miệng rộng thân to của chậu hoa. Các bình hoa tử sa thường có miệng tròn cổ dài, tạo cảm giác sang trọng, trang nghiêm, có mẫu đặt trên kệ, đặt trong thư phòng hoặc phòng khách, trông rất hoành tráng.
Những chiếc bình tử sa từ cuối triều đại nhà Thanh, đầu những năm Trung Hoa Dân Quốc thậm chí còn đặc sắc hơn, tạo hình độc đáo hơn và cực kỳ tinh xảo.
Một cặp bình hoa tử sa Long Phượng
Bình có hình quả bầu hồ lô, miệng tròn nhỏ, cổ thắt, chân tròn, đáy ngoài bình có ba hàng sáu chữ theo lối chữ triện ghi là “Đại Thanh Càn Long Niên Chế” tức là “được chế tác vào năm Càn Long, triều Thanh”. Hai chiếc khuyên tai rồng được trang trí hai bên bụng trên mang ngụ ý cát tường. Một trong những chiếc bình được khai quang ở bụng trên và khắc chữ “Rồng”, phần bụng dưới được khai quang và khắc hoa văn hình rồng. Chiếc bình còn lại thì được khai quang ở bụng trên và khắc chữ “Phượng”, phần bụng dưới được khai quang và khắc hoa văn hình phượng.
Đây là chiếc bình tử sa tốt nhất còn lưu lại từ thời Càn Long, hình dáng đẹp đẽ của nó được làm thủ công tinh xảo, trang trí hoa văn cầu kỳ, sinh động. Đây là cổ vật hiếm có được truyền từ đời này sang đời khác, có giá trị sưu tập cao.
Bình hoa tử sa Nghi Hưng có hình bát giác với hoa văn cỏ cây thời Khang Hy nhà Thanh
Chiếc bình được đính hoa văn nổi này có tám cạnh miệng vuông nhỏ, cổ ngắn, vai đầy, bụng phình và chân tròn. Thân bình dần dần thu nhỏ lại, tám mặt đính những hoa cỏ và hoa cảnh có tiếng, với các tư thế khác nhau. Phía dưới hơi khép lại, có thêm một đường viền hình tròn, trông như vuông mà không phải vuông, trong vuông có tròn, cả chiếc bình trong tròn có vuông, ngụ ý bát phương lai tài (tiền của vào từ tám hướng) và phúc thọ bền lâu.
Vào đầu thời nhà Thanh, ấm trà là đồ đất sét đỏ chủ yếu được bán ra nước ngoài, đồ dùng để trang trí ở dạng đứng đặc biệt hiếm, thường được trưng bày trong các viện bảo tàng hoặc lâu đài lớn ở châu Âu, chỉ dành cho các vương công quý tộc, những món đồ này vô cùng trân quý.
Bình hoa “Tùng Hạc diên niên” cỡ lớn trên có thơ văn
Miệng bình loại này hơi rộng, cổ cao, vai đầy đặn, thân dưới tròn đều, thu hẹp dần xuống phía chân hình tròn. Một phía thân bình có khắc bài thơ “Thùy ti hải đường mãnh khai” của nhà thơ Dương Vạn Lý thời Tống:
Thùy ti biệt đắc nhất phong quang,
Thùy đạo toàn thâu Thục hải đường.
Phong giảo Ngọc Hoàng hồng thế giới,
Nhật hồng Thanh Đế tử y thường.
Lại vô khí lực nhưng xuân túy,
Thụy khởi tinh thần dục hiểu trang.
Cử tự lão phu tân cú tử,
Khán cừ đào lý cảm thừa đương”.
Diễn nghĩa: Cành liễu mảnh mai tuy có lúc thật vẻ vang, Nhưng lại thua hoa hải đường đất Thục. Gió thổi lay động thế giới hồng sắc trong điện của Ngọc Hoàng, Ánh dương rọi chiếu y phục tím của Thanh Đế (một trong ngũ đế trong truyền thuyết của Trung Quốc). Làm biếng uể oải say giấc xuân nồng, Tỉnh giấc tinh thần đầy ắp ánh bình minh. Hạ bút viết ra vài câu tưởng thơ mới, Nhưng ngắm đào hoa và hạnh hoa lại dám tự cho mình ở trong đó.
Một bên vẽ Tùng Hạc Trường Thọ là tranh chúc thọ, trong đó hoa cúc, hạc, tùng đều là những biểu tượng tốt lành cho sự trường thọ và cát tường.
Bình dáng cao có trang trí vòng cửa hình thú
Chiếc bình này có hình dáng bề thế, uy nghi, đơn giản, không cầu kỳ, trang nghiêm và vững chãi, mang phong cách ba thế hệ, thể hiện sở thích mô phỏng của người xưa. Mặt cắt ngang của bình có hình vuông, bên ngoài bình có hình vòng cung, cổ buộc, vai hẹp, bụng hóp xuống, đáy bình vuông hơi hướng ra ngoài, hai bên cạnh sườn của bình được trang trí bằng vòng cửa hình mặt thú – mặt thú dữ tợn hung ác.
Trước bụng được khắc bức tranh Phúc tinh đồ, cụ già có khuôn mặt hiền lành phúc hậu, tóc bạc nhưng sắc mặt hồng nhuận, còn đứa trẻ hồn nhiên hoạt bát ở bên cạnh. Ba chữ “Phúc thọ đồ” được khắc theo kiểu chữ lệ. Lạc khoản trên bình đề: “Khắc vào mùa xuân năm Giáp Tý, Cam Đình Thị ở Dương Tiễn chế tác và khắc”.
Chiêm ngưỡng chiếc bình bốn mặt có dáng hình đuôi cá
Chiếc bình có bốn mặt được làm theo hình đuôi cá, bốn mặt đều có hình chạm khắc và tranh vẽ. Trong hai mặt chính, một mặt được Nhậm Cam Đình – nghệ nhân điêu khắc gốm bậc thầy cuối đời Thanh chạm khắc, hình ảnh hoa văn và chim câu là bút pháp của Từ Thanh Đằng, được trang trí bằng chất liệu đất sét ngũ màu, màu sắc trang nhã, thể hiện lời chúc bình an mỹ hảo của tác giả.
Mặt còn lại là do Ngô Hán Văn, một thợ gốm bậc thầy khác của Trung Hoa Dân Quốc đã khắc phỏng theo phong cách thư pháp thời Tây Hán khắc trên “Ngũ Phượng khắc thạch” (Lỗ Hiếu Vương khắc thạch) rất trang nhã và trang trọng. Hai mặt nhỏ hơn được chạm khắc hình những cành hoa và những chậu cây xương bồ, bên hai vai bình được trang trí vòng cửa hình đầu sư tử được đúc một cách tinh xảo.
Bình Khổng Tước
Chiếc bình này được tạo ra vào cuối thời nhà Thanh và đầu những năm Trung Hoa Dân Quốc, nó được gọi là bình Khổng Tước.
Thân bình được chạm khắc hoa văn phong cảnh và sơn màu đỏ thẫm nhạt, kỹ năng chạm khắc điêu luyện, cùng tay nghề chạm khắc tinh xảo, tổng thể mang cảm giác hoài cổ. Đây cũng là tác phẩm của Nhậm Cam Đình, để làm được thành một cặp bình như vậy thật không dễ dàng gì.
Cặp bình trang trí hoạ tiết vân mây
Bình vòi voi như ý ba chân
Thân bình trông như quả dưa, hoa văn cuốn dưới cổ bình, vai tròn, bụng hình tam giác, ba cái vòi voi tạo thành chân bình. Các họa tiết trang trí trên vai bình được xếp chồng lên nhau với các họa tiết vân mây như ý.
Chiêm ngưỡng bình tử sa hoa mai
Cùng chiêm ngưỡng chiếc bình tử sa được làm từ thời nhà Thanh, thân bình được trang trí những dòng chữ cổ bằng kỹ thuật chạm khắc gốm với nội dung: Nung vào tháng tám năm Tấn Nguyên Khang thứ bảy. 16 chữ được chia thành hai dòng, không có cột dòng, phong cách thư pháp tràn đầy nội lực, mang lối biểu đạt nhiều ẩn ý.
Chiêm ngưỡng bình thạch lựu
Với một chiếc bình như vậy cũng đủ mang cả bốn mùa vào phòng trà. Khi kết hợp với bất kỳ loại cây hoặc loài hoa nào, nó có thể trở thành một khung cảnh độc lập, điều này sẽ tạo thêm hứng thú cho việc thưởng trà.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/254414
Ngày đăng: 25-09-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.