Học Pháp mà không đắc Pháp (Phần 1)



Tác giả: Vô Ngấn

[ChanhKien.org]

Thuở đầu học Đại Pháp

Thuở đầu học Pháp, đó là tâm tình như thế nào? Từ chỗ chưa bao giờ được tiếp xúc với các Pháp lý cao thâm đến chỗ được nhìn thấu mọi thứ từ sinh mệnh, nhân sinh đến vũ trụ, những điều con người còn mơ hồ chưa từng được đọc qua trong sách vở, tất cả đều được thuyết giảng rõ ràng, cảm thấy thật mới lạ, thật chấn động, với niềm khâm phục, cảm thấy thật may mắn, tôi có khát vọng mong muốn được nắm vững toàn bộ các Pháp lý ở trong sách, cảm thấy đây chính là Pháp lý tốt nhất của con người thế gian, không gì có thể so sánh được. Thần nhìn thấy tấm lòng thuần thiện của chúng ta thì sẽ không ngừng điểm hoá cho chúng ta ngộ được các Pháp lý, vì vậy học Pháp sẽ không ngừng có được thu hoạch. Đúng như có đồng tu đã nói: “Một ngày đi vạn dặm”, cảm giác tinh tấn không ngừng.

Học Pháp mà không đắc Pháp

Hiện nay về việc tu luyện cá nhân tôi có tồn tại một vấn đề rất lớn đó là: Học Pháp không nhập tâm. Điều này làm cho tôi thấy rất khổ não, mà dường như vấn đề này rất phổ biến. Ví như trong các bài viết trên trang Minh Huệ, có đồng tu đã viết:

“Tư tưởng không đặt trong Pháp, mất tập trung nghiêm trọng, khi học Pháp, đầu não căn bản không có lúc nào nghỉ ngơi, luôn có hứng thú với bất cứ việc gì của người thường, luôn đi tìm những ký ức cứ lặp đi lặp lại để tưởng tượng, suy nghĩ, biên tập, gia công, sắp xếp, những ý nghĩ lộn xộn này cứ lặng lẽ, âm thầm như âm hồn chốn u linh bám theo tôi. Bất kể là lúc học Pháp, luyện công hay là phát chính niệm, chúng đều bỗng nhiên xuất hiện, nhiều khi bản thân tôi đều không tự biết”. “Mỗi lần học Pháp tôi dường như đều phải dùng toàn tâm toàn lực mới có thể đột phá được rất nhiều thứ để tiếp xúc với bề mặt các con chữ trong Pháp, chính là khi tôi học thuộc hay là nhẩm Pháp, nếu như không đủ sức lực thì dường như không thể tiếp xúc được với hàm nghĩa bề mặt của Pháp, sẽ bị phân tâm ở đó mà không làm chủ được bản thân, qua thời gian đó lại thấy không ngừng ân hận, phát chính niệm cũng bị như vậy”.

“Làm một đệ tử Đại Pháp tu luyện chân chính, quan nạn lớn nhất, khó vượt qua nhất chính là học Pháp mà không đắc Pháp!”

Trong bài kinh văn Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp Sư phụ đã giảng:

“Có người trong lúc đọc ‘Chuyển Pháp Luân, thì tư tưởng không chuyên nhất, đang nghĩ điều khác, không thể tu luyện một cách chuyên chú. Như thế bằng như lãng phí thời gian, không chỉ là lãng phí thời gian, đáng lẽ là lúc nên phải đề cao, nhưng lại dùng tư tưởng để nghĩ những vấn đề và những việc không nên nghĩ, không chỉ là không đề cao, mà trái lại còn đang rớt xuống”.

“Về một phương diện khác mà giảng, thì nếu như khi học Pháp mà tư tưởng không đặt tại Pháp, thì không chỉ là vấn đề hình thức, trên thực tế nó tương đương với việc người học Pháp không thật sự tôn kính đối với Pháp; như vậy Pháp có thể hiển lộ xuất lai hay không?” (Giảng Pháp tại các nơi II – Giảng Pháp tại Pháp hội Florida ở Mỹ quốc [2001] )

Tôi không ngừng suy nghĩ, gần đây dường như đã có lĩnh ngộ. Từ lâu tôi cảm thấy đã học được vô số lần rồi, như thể đã nắm chắc mọi Pháp lý trong sách (ít nhất là Pháp lý bề mặt), trong lòng cảm thấy hài lòng, tự mãn, cho rằng bản thân đã nắm bắt được không ít Pháp lý rồi, thậm chí trong tiềm ý thức cho rằng khó có thể nhìn thấy nhiều hơn các Pháp lý trên bề mặt. Đồng thời mỗi câu trong sách đều đã trở nên rất quen thuộc. “Thường xuyên xuất hiện khi học Pháp thì mỗi câu thuận miệng mà tuôn ra, đọc xong câu trước đã biết câu tiếp theo là gì”, mọi thứ quen thuộc quá thì dễ có cảm giác mệt mỏi, dễ dẫn đến coi nhẹ và thờ ơ xem thường.

Vì vậy tôi phát hiện một vấn đề rất nghiêm trọng của bản thân, đó chính là tự mãn, thờ ơ, coi nhẹ và xem thường, đây là hành vi vô cùng bất kính đối với Pháp, vậy Pháp có thể triển hiện cho tôi những Pháp lý cao thâm hơn không? Vẫn còn mơ hồ cho rằng “Chỉ cần học Pháp là sẽ có được thu hoạch”, đây chẳng phải nói đùa sao?

Tự mãn – Chướng ngại căn bản của việc học Pháp

Tâm tự mãn là chướng ngại quá lớn trong việc học Pháp của tôi, hơn nữa nó còn ẩn giấu ở trong các loại tâm khác (chẳng hạn như nghiệp tư tưởng hoặc là ma can nhiễu, không kính Sư kính Pháp, tâm an dật…) đều ẩn giấu đằng sau, rất khó để phát hiện.

Chúng ta đã đọc sách vô số lần rồi, có đồng tu cũng đã từng học thuộc cuốn Chuyển Pháp Luân mấy chục lần, dường như đa số Pháp lý đều đã nắm chắc rồi, những việc tu luyện đều đã hiểu rõ rồi. Nhưng chúng ta đã thực sự “nắm chắc hầu hết các Pháp lý chưa? Giả thuyết chúng ta lấy ngẫu nhiên một câu trong sách Chuyển Pháp Luân hỏi vài câu là tại sao, liệu chúng ta đều có thể trả lời hết tất cả được không? Khi có học viên mới đưa ra một vấn đề, liệu chúng ta đều có thể đưa ra được câu trả lời hợp lý và thoả đáng không? Tôi nghĩ nếu như một người đã tiến gần đến viên mãn, thì câu hỏi nào có thể làm khó họ được? Phật Pháp là viên dung, có thể giải thích rõ ràng tất cả các vấn đề, chúng ta thì có thể không? Để làm rõ hơn vấn đề này, tôi xin đưa ra một số ví dụ sau đây:

1) Trong bài giảng thứ sáu có đoạn nhắc đến “Tinh thần của anh ta đã dẫn đến cái chết của mình”, tại sao tinh thần lại có thể dẫn đến cái chết? Lẽ nào chúng ta chỉ có thể dựa vào lời giảng của Sư phụ “Vật chất và tinh thần là nhất tính” để đưa ra câu trả lời?

2) Trong bài giảng thứ ba tại sao nói “Động vật không mang bản tính con người?” Trong lục đạo luân hồi chẳng phải những sinh mệnh cao cấp cũng đều có thể chuyển sinh thành động vật sao? Nguyên thần của nó và con người có gì khác biệt chứ?

3) Tại sao động vật không mang bản tính con người, tu thành rồi đảm bảo chúng sẽ thành ma?

4) Hình thức tu luyện của phó nguyên thần tôi có thực sự hiểu rõ không? Tại sao lại không được diễn hoá – một hình thế xã hội để đi tu luyện?

Trên đây chỉ là một vài ví dụ được đưa ra ngẫu nhiên, một số đồng tu có thể đã hiểu rõ, đây chỉ để nói rõ rằng rất nhiều nội hàm không biểu hiện ra trên bề mặt của sách, chỉ cần chúng ta đưa ra nhiều câu hỏi tại sao, thì sẽ biết bản thân còn cách cái gọi là “nắm vững hầu hết các Pháp lý” xa đến đâu. Người thường đều nói rằng “Chân lý không sợ bị lật đổ, càng tranh luận thì càng sáng tỏ”, nếu như chúng ta giữ tâm thái khiêm tốn, vô vi mà nghiêm túc học Pháp, suy nghĩ cẩn thận, thì sẽ ngày càng phát hiện thấy Pháp lý trong Đại Pháp là vô biên vô tế, tâm tự mãn cá nhân căn bản giống như ếch ngồi đáy giếng, vô tri và đáng cười vô cùng.

Đối với một số Pháp lý cơ bản, có khi tôi hiểu rõ ràng, nhưng đối với một số Pháp lý thì lại có lúc mơ hồ không rõ, mê hoặc, hiểu sai, mơ mơ hồ hồ, thấy như không thấy, hiểu như không hiểu, xem như hiểu mà lại biểu đạt không ra, dẫn đến hành vi sai lệch, đi sang cực đoan, cố thủ định kiến, thậm chí rời xa Pháp. Đồng thời do đặc điểm Pháp môn này của chúng ta, mỗi một giai đoạn đối với mỗi Pháp lý nào đó hiểu được rõ ràng, nhưng rồi qua một đoạn thời gian cách khai ra thì lại không rõ ràng nữa. Hơn nữa, cái mà chúng ta cho là “hiểu rõ”, cũng chỉ là hiểu rõ trong tầng thứ nhất định, cho nên một khi cần phải thăng hoa đề cao tầng thứ của bản thân thì sẽ hiển lộ ra phía không minh bạch. Vì vậy một người tinh tấn sẽ không cố thủ ở nhận thức sở tại của mình, sẽ không để hàm nghĩa của của một câu nào đó trong Pháp cố định ở một tầng nhận thức nào đó rồi từ đó mà phủ định tri thức của người khác.

Đối với các Pháp lý tôi thường xuyên thấy thoả mãn với nhận thức hiện có mà dừng bước không tiến lên, giống như người mù sờ voi, nhìn thấy một mặt của Pháp lý thì ôm giữ mãi nhận thức như vậy, khi thấy Pháp ở một tầng thứ khác, thì lại cố định tri thức của tầng ấy như vậy, nếu thấy không phù hợp với hiểu biết của bản thân thì sẽ phản cảm, bài xích, công kích, phản đối. Cố thủ ôm giữ Pháp lý bản thân nhận thức được, mà không biết rằng Pháp là viên dung, là bác đại tinh thâm. Chúng ta chỉ có thể tiếp thu Pháp lý ở cảnh giới của mình, chứ không tiếp thu được Pháp lý ở cảnh giới cao hơn, vì vậy cũng không thể thấy được toàn bộ Pháp lý, chỉ có thể dừng ở đó và cho rằng “đã nắm vững đa số Pháp lý rồi”.

Ngày ngày học Pháp, nhưng một thời gian dài chỉ dừng lại ở một tầng thứ mà không cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân, rất có thể là do thời gian dài không yêu cầu liễu giải sâu thêm về Pháp nên tạo thành tâm tính cứ loanh quanh ở mãi tầng thứ đó thời gian dài, bởi vì đề cao nhận thức về Pháp lý thì tâm tính và cảnh giới cũng sẽ cùng đề cao, chúng tương phụ tương thành cho nhau. Giống như lúc mới bắt đầu sau khi biết được Pháp lý đức và nghiệp lực là chuyển hoá tương hỗ với nhau, bởi vì trên Pháp lý đề cao nhận thức, thì tâm tính cũng sẽ thăng hoa lên, nên hành vi cũng không còn so đo tính toán được mất giống như con người. Chúng ta đề cao nhận thức Pháp lý ở phương diện nào, thì tất nhiên cũng sẽ mang đến sự thăng hoa về tâm tính ở phương diện đó. Đối với Pháp lý càng ngày càng minh tỏ, thì cũng sẽ ngày càng tiến đến gần viên mãn hơn. Một mạch đạt đến người tu luyện viên mãn. Ở cảnh giới đó thì cái gì cũng hiển hiện rõ ràng, vấn đề nào cũng đều có thể giải quyết.

Trước đây tôi còn ôm giữ một quan niệm: Rất nhiều vấn đề sau khi viên mãn thì sẽ tự biết. Đây là tự lừa mình dối người, là cái cớ cho mình chỉ muốn an nhàn, lười biếng suy nghĩ. Trong quá trình viên mãn, tôi ngộ ra rằng (sau khi viên mãn) đại bộ phận những Pháp lý mà bản thân nên được biết đã dần dần ngộ ra hoặc sẽ triển hiện ra cho người tu luyện, chứ không phải là đợi sau khi viên mãn rồi mới biết.

Chúng ta dù là Chủ, Vương ở tầng thứ rất cao thì cũng chỉ là một trong số các Vương ấy, Đại Pháp vũ trụ vô biên, chúng ta có học thế nào đi chăng nữa cũng sẽ không biết được cảnh giới cuối cùng, không biết được toàn bộ Pháp, do vậy vì sao lại tự mãn kia chứ?

Tự mãn phát triển thêm một bước nữa, chính là tự cho mình là đúng, tự tâm sinh ma.Về tự tâm sinh ma Sư phụ đã giảng đi giảng lại nhiều lần, tôi cũng rất cảnh giác, nhưng dường như xem tâm tự mãn này không quá nghiêm trọng, vậy nên thường rất khó nhận ra, nó thậm chí còn ẩn sau “sự khiêm tốn” bất tri bất giác cản trở việc bản thân học Pháp. Hơn nữa trong âm thầm tích lũy chủng vật chất tự mãn này. Như đặc vụ ẩn nấp trong chúng ta một thời gian lâu, đã không để lộ bản thân lại không nói không rằng, âm thầm mà khởi tác dụng phá hoại, cản trở. Trong một thời gian dài tôi luôn biết rằng mình học Pháp không nhập tâm, nhưng không biết nguyên nhân căn bản ẩn đằng sau chính là kết quả của việc tích lũy chủng vật chất tự mãn này.

Sau khi nhận ra sự nguy hại của chủng vật chất tự mãn này, thì có thể dùng chính niệm thanh trừ nó, sau đó học Pháp có cảm giác tu luyện như thuở đầu và tinh thần vui tươi khoáng đãng.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/278918



Ngày đăng: 17-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.