Cách lý giải khác về “Phong Thần” (Phần 1): “Chính niệm không kiên định, một chút tình kéo Vân Tiêu nương nương vào chỗ chết”



Tác giả: Minh Mâu

[ChanhKien.org]

Ở Tam Tiên đảo có Vân Tiêu nương nương, Quỳnh Tiêu nương nương, Bích Tiêu nương nương dung mạo xinh đẹp và có pháp lực cao thâm, họ là chưởng quản đứng đầu trong chốn phàm nhân nơi tam giới, Vân Tiêu nương nương ngộ tính cao, pháp khí mạnh, tính tình thận trọng và thanh nhã. 12 đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn muốn xuất khỏi tam giới, thì đều phải vượt qua quan này, nhưng họ đều không thể vượt qua được “Cửu khúc hoàng hà trận” của ba vị nương nương dung mạo tuyệt sắc này, tất cả họ đều bị ba vị nương nương mê hoặc và đánh hạ xuống nhân gian trở thành người thường.

Triệu Công Minh ở động La Phù của núi Nga Mi, người đã đắc đạo từ thời Thiên Hoàng, tu thành ngọc cơ Tiên thể, Văn Thái Sư mời hắn ta xuống núi để trợ giúp thảo phạt Tây Kỳ, hắn ta là một người nông nổi, không muốn chờ đợi, còn bất mãn sao Thái sư không tới sớm hơn.

“Định hải châu” của Triệu Công Minh đã đánh Nhiên Đăng đạo nhân, một người có công lực vượt khỏi tam giới đến mức quay đầu bỏ trốn. Sau khi “Định hải châu” bị Tiêu Thăng đạo nhân dùng “Lạc bửu kim tiền” lấy đi, Triệu Công Minh đi tìm Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, và Bích Tiêu nương nương để mượn pháp khí “Kim giao tiễn”.

Hắn ta leo lên lưng cọp cưỡi mây đến trước động phủ Tam Tiên đảo, hắng giọng lên một tiếng, một lúc sau, một đồng nhi bay ra, nhìn thấy Triệu Công Minh thì thốt lên: “Hóa ra là đại lão gia đã đến”, rồi vội vàng vào báo với ba vị nương nương, ba vị nương nương liền ra nghênh đón Triệu Công Minh vào động phủ, sau khi hành lễ xong, ba vị nương nương mời Triệu Công Minh ngồi xuống, Vân Tiêu nương nương hỏi: “Đại huynh, đi đâu ghé qua đây vậy?”

Triệu Công Minh nói: “Ta muốn mượn ‘Kim giao tiễn’, hoặc ‘Hỗn nguyên kim đấu’ để lấy lại ‘Định hải châu’ và các bảo vật khác rơi vào tay Nhiên Đăng đạo nhân”.

Vân Tiêu nương nương nghe xong, chỉ lắc đầu và nói: “Đại huynh, việc này không được, năm xưa ba giáo phái cùng nhau thỏa thuận, ký tên đánh dấu trên bảng Phong Thần, chúng ta đều có mặt ở cung Bích Du, sư phụ của chúng ta có nói: ‘Những người đáng ghi tên trên bảng Phong Thần phải cẩn thận’. Cửa cung lại có dán thêm hai câu đối ở bên ngoài:

Khép chặt cửa động, ngày tụng ‘Kinh thư’ hai ba cuốn. Đặt mình nơi Tây thổ, trên bảng ‘Phong Thần’ ắt có tên.

Nay môn đồ của Nguyên Thủy Thiên Tôn đã phạm sát giới, mà môn giáo của chúng ta thực là tiêu diêu tự tại, ngày xưa phượng hoàng xuất hiện, gáy trên núi Kỳ Sơn, nay Thánh nhân ra đời, hà tất chúng ta phải tranh giành với bọn họ làm gì? Đại huynh, huynh không nên xuống núi nữa, chúng ta chỉ cần đợi Khương Tử Nha Phong Thần, lúc đó sẽ rõ người nào là Thần, người nào là Tiên, ai là ngọc, ai là đá. Đại huynh xin hãy trở về núi Nga Mi, đợi ngày định xong việc Phong Thần, muội sẽ đích thân tìm Nhiên Đăng đòi lại Định hải châu cho huynh, nhược bằng lúc này huynh muốn mượn Kim giao tiễn, và Hỗn nguyên kim đấu, thì muội không dám nghe theo”.

Công Minh nói: “Lẽ nào ta đến mượn, mà muội cũng không chịu sao?” Vân Tiêu nương nương nói: “Nếu không từ chối, chỉ sợ nhất thời hồ đồ để lỡ cơ hội, lúc đó hối tiếc cũng không kịp! Dù sao thì cũng mời huynh trở về núi, việc Phong Thần đã gần kề, huynh đừng nên nóng nảy”. Công Minh thở dài: “Người một nhà còn như vậy, huống chi người ngoài!” nói rồi đứng dậy cáo từ, ra khỏi cửa động, mặt vẫn hầm hầm. Trong ba vị nương nương có Bích Tiêu nương nương động lòng muốn cho mượn, nhưng ngại Vân Tiêu là chị, không thể không theo.

Độc giả thân mến, ngộ tính của Vân Tiêu nương nương cao bao nhiêu? Nàng hiểu Thiên lý, biết Võ Vương và Khương Tử Nha thuận thiên thừa vận, làm theo ý trời, nên không những tự biết không nên gây cản trở, còn khuyên người khác không nên nghịch thiên, chống lại ý trời; vả lại giữa sư mệnh và tình huynh muội với Triệu Công Minh, nàng chọn tuân theo sư mệnh, mà không phải là theo tình cảm. Nhưng trong sự “ma sát và giằng xé kéo dài của tình”, liệu nàng có còn tuân theo mệnh lệnh của sư phụ đến cùng hay không?

Hãy cùng xem Vân Tiêu nương nương bị ma biến như thế nào!

Triệu Công Minh rời Tam Tiên đảo, tình cờ gặp Hạm Chi Tiên, Hạm Chi Tiên là ai? Cô ấy vốn là một tiên thảo lung linh thuần khiết tu thành Tiên nữ, cô ấy mời Triệu Công Minh quay trở lại động gặp Vân Tiêu, lấy tình thân ra mà thuyết phục rằng: “Huống hồ các vị là người một nhà, không phải người dưng, nay em ruột còn không cho mượn, nói chi người ngoài? Ngay cả pháp bảo ta luyện cũng lấy ra giúp sư huynh của cô, sao cô lại từ chối vậy!”, lúc này Bích Tiêu nương nương đang ở bên cạnh, cũng nhất mực tán thành và ủng hộ: “Tỉ tỉ, ta cũng không nên cứng nhắc, chúng ta cho huynh trưởng mượn Kim giao tiễn đi”.

Như vậy, khi Triệu Công Minh vào trong động lần thứ hai, cùng với sự công kích từ ba phía, một là từ người ngoài – Hạm Chi Tiên, một là người nhà – em gái Bích Tiêu, cuối cùng Vân Tiêu nương nương cũng đã mềm lòng thỏa hiệp, đem Kim giao tiễn cho Triệu Công Minh mượn, và dặn dò: “Đại huynh, huynh mang Kim giao tiễn đi, tìm Nhiên Đăng đòi lại Định hải châu, huynh phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không được làm càn, muội thật lòng khuyên huynh như vậy!” nhưng đây chỉ là nàng tự an ủi bản thân mà thôi, Nhiên Đăng là tuân theo Thiên ý, liệu sẽ nghe lời của nàng chăng? Triệu Công Minh là người hơn thua, anh ta sẽ nghe nàng sao?

Độc giả thân mến, chính niệm của Vân Tiêu không kiên định, giống như nhiều người tu luyện chúng ta, khi không có can nhiễu của ma thì rất kiên định, nhưng khi bị tà niệm hoặc nhiều người bủa vây công kích thì họ sẽ từng bước tiến đến thỏa hiệp, thậm chí có rất nhiều người không nghĩ rằng họ đang bị bủa vây tấn công mà đang tự bủa vây chính mình, còn nghĩ rằng như thế là vì tốt cho bản thân.

Triệu Công Minh trước khi đến chiến trường Tây Kỳ tìm gặp Nhiên Đăng để đòi lại Định hải châu, tuyên bố rằng chỉ cần trả lại nó, thì mọi thứ sẽ kết thúc. Nếu Nhiên Đăng trả lại, Triệu Công Minh cũng có thể sẽ nghe theo lời khuyên của muội muội Vân Tiêu mà quay trở về núi, như vậy còn có thể giữ được Tiên thể, song Nhiên Đăng quả nhiên không trả lại, vì vậy Triệu Công Minh đã nổi giận lôi đình, dùng Kim giao tiễn tấn công Nhiên Đăng, Nhiên Đăng chống cự không nổi nên đã dùng thuật độn thổ mà chạy, con hươu sao mà ông ta cưỡi đã trở thành vật thế thân, liền bị cắt làm đôi.

Không một ai ở Tây Kỳ có thể chống cự lại được uy lực của Kim giao tiễn, cho nên Lục Yểm một vị khách đến từ núi Côn Luân đã đến tương trợ, dùng “Đinh đầu thất kiếm thư” bắn chết Triệu Công Minh. Theo lý mà nói việc này lẽ ra đã kết thúc. Nhưng lúc này Thân Công Báo lại xuất hiện, lợi dụng mối quan hệ huynh muội giữa Triệu Công Minh và Vân Tiêu nương nương để làm ma biến Vân Tiêu nương nương. Thân Công Báo đóng giả làm người ngoài cuộc để đưa tin về cái chết của Triệu Công Minh đến cho ba vị nương nương, Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu nương nương đã bật khóc rất to khi nghe tin huynh trưởng chết trong tay của Lục Yểm và Khương Thượng. Thân Công Báo đưa ra đủ loại lời nói bóng gió, ông ta nói rằng: “Nghìn năm cực khổ tu luyện, đáng tiếc lại chết dưới tay của kẻ vô lại,v.v…” lại còn miêu tả những lời ăn năn, hối hận của Triệu Công Minh nói với Văn Thái Sư trước khi chết: “Sau khi tôi chết, nhất định các muội muội của tôi sẽ tới lấy lại Kim giao tiễn, phiền anh nhắn lại các muội ấy, rằng ta rất hối hận vì đã không nghe lời của Vân Tiêu nên rơi vào cạm bẫy. Ta để lại đạo phục và dây lưng lụa của ta, sau này các muội ấy nhìn thấy đạo phục và dây lưng lụa này, thì cũng như là đang nhìn thấy huynh trưởng của mình vậy”. Triệu Công Minh chết rồi mà vẫn kéo theo Vân Tiêu nương nương bị ma biến, hắn thực sự là một người sinh ra để làm hại Vân Tiêu.

Độc giả thân mến, đến đây, mọi người đều có thể nhìn ra, có một loại lực lượng vô hình đang nhắm đến Vân Tiêu nương nương, luôn muốn kéo nàng xuống nước, và kéo đến chết mới thôi.

Vì Vân Tiêu có ngộ tính và tầng thứ cao, nên đã nói rằng: “Sư phụ của chúng tôi đã dặn, tất cả những người trong bổn môn không được phép xuống núi, nếu như có người xuống núi, thì phải là người có tên trong bảng Phong Thần. Xem ra số trời đã định, huynh trưởng của tôi không nghe lời sư phụ, do đó khó thoát khỏi kiếp nạn này”.

Nhưng muội muội Quỳnh Tiêu lại bắt đầu dùng ma tình để kích động nàng: “Tỉ tỉ, tỉ thật là vô tình! Không ra tay vì huynh trưởng, mà còn nói những lời này, dù ba tỉ muội chúng ta có tên trong bảng Phong Thần cũng vậy, muội nhất định phải đến nhìn hài cốt của huynh trưởng, cho trọn vẹn tình cốt nhục”.

Độc giả thân mến, tình quan trọng? Hay là pháp lệnh của sư phụ quan trọng? Vân Tiêu vô tình không phải là một điều tốt sao? Không có tình thì sẽ có từ bi, đối xử tốt với tất cả mọi người thì chính là vượt xa tình. Triệu Công Minh không tuân theo pháp lệnh của sư phụ, thì không phải là người tu luyện, hắn giết người ở Tây Kỳ, thì chẳng phải người ta nên tự vệ sao? Lúc này, cái tình của Quỳnh Tiêu đã lớn hơn Pháp rồi, thà chết cũng nguyện bám lấy tình không bỏ, hơn nữa cái tình này lại là không chính đáng, Triệu Công Minh trái lại ý trời mà hành ác ở Tây Kỳ, cho dù là người thường cũng đều đã biết ai đúng ai sai.

Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu nổi giận đùng đùng, không nói thêm lời nào, Quỳnh Tiêu cưỡi hồng cốt, còn Bích Tiêu cưỡi hoa linh điểu cùng bay tới Tây Kỳ báo thù cho Triệu Công Minh. Thú cưỡi của họ thật là đáng kinh ngạc, nhưng người thì đã bị thù hận khống chế rồi, đâu còn phải là người tu luyện nữa.

Lúc này Vân Tiêu đối với mọi việc vẫn còn minh bạch, thầm nghĩ: “Tỉ muội mình đi lần này, nhất định sẽ dùng Hỗn nguyên kim đấu để gây rối với các đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn, như vậy không tốt, sẽ sinh ra phiền phức! Ta phải đích thân đi chuyến này để ngăn cản bớt, may ra có thể vãn hồi được”. Nàng dặn dò các nữ đồng: “Hãy trông coi động phủ cẩn thận, ta đi rồi sẽ về ngay”.

Ôi chao! Độc giả thân mến! Vân Tiêu đã không tuân lệnh sư phụ “không được phép xuống núi!” để được có tên trong bảng Phong Thần! Nhưng nàng vẫn cho rằng mình đang làm đúng “Ta phải đích thân đi chuyến này để ngăn cản bớt, may ra có thể vãn hồi được”. Nàng vẫn cho rằng “ta đi rồi sẽ về ngay”, nhưng một khi đã đi thì không còn đường quay đầu lại nữa rồi!

Vân Tiêu đáng thương, cuối cùng đã bị ma biến. Ở Tây Kỳ nàng bị Khương Tử Nha dùng roi thần đánh trúng, lăn khỏi thanh loan (thú cưỡi của Vân Tiêu), nàng bị đánh đến thảm hại, bị đánh nặng đến nỗi phát hoả mà không hay, ma tính đã khống chế nàng, nàng không còn quan tâm đến bất cứ điều gì, cuối cùng đã bày ra “Cửu khúc hoàng hà trận” khiến cho hàng ngàn năm tu luyện của 12 đại đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn hóa thành hư không, hãy xem xem 12 đại đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn là những ai: Văn Thù quảng pháp thiên tôn, Từ Hàng đạo nhân, Phổ Hiền chân nhân, Đạo Đức chân quân, Linh Bảo đại pháp sư, Thái Ất chân nhân, Hoàng Long chân nhân, Cụ Lưu Tôn, Quảng Thành Tử, Xích Tinh Tử… họ đều là những người tu luyện hiển hách bậc nhất trong lịch sử, có thể thấy ma tính của Vân Tiêu lợi hại đến mức nào.

Tuy thắng được 12 đại đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn nhưng Vân Tiêu lại hối hận, ngồi trầm ngâm suy nghĩ: “Việc đã xong, sao lại có thể khiến cho nhiều đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn bị vây hãm trong trận đến như vậy được, rốt cuộc, việc này chẳng tốt đẹp gì, nó sẽ khiến cho ta rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”. Điều này cho thấy Vân Tiêu vốn dĩ không muốn hành ác, mà do hình thế ép buộc, tự mình không thể kiên trì kháng cự lại được những cám dỗ nên đành thỏa hiệp, rồi từng bước đi vào vực sâu. Lúc này, nếu nàng có thể quay đầu gỡ bỏ “Cửu khúc hoàng hà trận”, đến nhận tội với Nguyên Thủy Thiên Tôn, có lẽ còn có thể giữ được tính mạng, và nếu lúc đầu nàng kiên cường hơn một chút, thì nàng đã có thể không xuống núi mà hành ác.

“Cửu khúc hoàng hà trận” giống như lá cờ vàng do Vân Tiêu nương nương xinh đẹp nhất trong tam giới cầm trong tay, tung bay trong gió. Vân Tiêu có cốt cách của một người đẹp từ trong ra ngoài, bởi vì vẻ đẹp của nàng không chỉ biểu hiện ở hình dáng của con người, mà còn ở hình thái vật chất – nó tựa như những ráng mây sắc màu rực rỡ, bồng bềnh như một khu vườn tiên cảnh hoa lệ và lộng lẫy trên đỉnh của tam giới. Nó tựa như một thế giới mỹ lệ đẹp đẽ, say đắm mê hồn được nắm giữ trong tay của Vân Tiêu, tùy theo tâm ý của nàng mà phất phơ xoay chuyển, hương thơm của lá cờ ấy phảng phất khiến nàng giống như những gợn sóng đang chầm chậm thấm nhập vào thân tâm của những ai đang trong cảnh giới đó. Hầu hết những người tu luyện trong quá khứ đều không thể tu xuất khỏi tam giới, bởi vì pháp họ tu là nhỏ, sự mỹ lệ trên đỉnh của tam giới có thể dễ dàng mê hoặc họ, nếu tâm của họ đặt ở đây, thì chính là không thể xuất khỏi tam giới. “Cửu khúc hoàng hà trận” nhằm vào những người tu luyện có thành quả trong môn phái của Nguyên Thủy Thiên Tôn, nhưng không ai trong số họ vượt qua được quan này, mà bị hủy trong đó. Và ba vị nương nương cũng vì thế mà tội nghiệp tày trời, nên bị Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn tiêu diệt.

“Hỗn nguyên kim đấu” dùng để bắt đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn là cái gì? Nó là quả của một cây cổ thụ Tiên Đằng, có hình dạng như một cái gáo, được luyện thành bởi sức hấp dẫn và gia trì của ba vị nương nương, trở thành ma khí Thần mê, mà “hỗn nguyên” lại là ma đạo, chính là đem hết thảy mọi thứ trộn lại với nhau, làm cho bất cứ thứ gì cũng đều không có biên giới, có thể dung hợp lẫn nhau, ta là ngươi, ngươi là ta, vì vậy ma cũng là đạo, đạo cũng là ma, cho nên có một số người tu luyện mới trộn lẫn hết thảy các môn trên thế gian lại với nhau – Nho gia, Đạo gia, Phật gia, Pháp gia, tất cả các môn không cùng thể hệ đều trộn lẫn với nhau, gọi là vạn pháp quy tông, lấy được sở trường của tất cả các môn phái, trở thành cái gì cũng không phải, trở thành người hồ đồ mắc đủ thứ bệnh. Vân Tiêu nương nương mỹ lệ nhất tam giới đã lấy Quỳnh Tương ngọc dịch (một loại rượu quý) rót đầy kim đấu để mời mọi người uống nhằm mê hoặc họ, mọi người sẽ uống nó chứ? Nàng có thể ngăn cản họ tiến về phía trước không?

Thông Thiên Giáo Chủ là ma vương, mặc dù cảnh giới vượt xa phàm nhân, nhưng vì bản tính của ông ta là tà ác, dưới ảnh hưởng của tâm tật đố, tranh đấu v.v…nên ông ta cũng đứng ra đối lập với chính giáo, cuối cùng gây họa hại cho vạn Tiên.

Mỹ sắc có ba loại: một là sắc đẹp của con người, một là vẻ đẹp của cảnh vật, một nữa là vẻ đẹp của không gian thời gian. Đặt tâm tình vào cái nào thì cũng là sắc.

“Cửu khúc hoàng hà trận” là sắc trận, những người bị bắt đều là những “nam nhân” tu luyện, không có một nữ nhân nào, chẳng có lẽ ở Tây Kỳ không có người tu luyện nào là nữ nhân? Trận này, bên ngoài thì nhu – Vân Tiêu nương nương tiếp kiến mọi người và mời mọi người vào trận; trong lại cương – tất cả trận này đều là do những nam tử hán oai phong như hùm tổ thành, nhưng những người này đã quen với việc nhìn vào bề mặt, vì vậy chỉ thấy sắc đẹp của Vân Tiêu. Điều nó muốn là người tu luyện phải vứt bỏ hết thảy những lưu luyến (chấp trước) vào tam giới, khi người ta nghĩ rằng bản thân không có chấp trước vào “sắc” với nữ sắc, với nam nhân anh tuấn và trẻ con, thì họ sẽ coi nhẹ ái (tình) của cảnh giới tầng thấp hơn? Còn bất cứ loại tâm nào ở trong tam giới, thì đều sẽ như xiềng xích buộc chặt người ta lại.

12 đại đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn phải đương đầu với cảnh vật tuyệt đẹp trên đỉnh của tam giới, và vẻ đẹp tuyệt sắc của nữ nhân, đó là hóa thân của Vân Tiêu nương nương. Vì điều này, họ đã bị Vân Tiêu nương nương đánh bại, sau đó họ mới biết được chướng ngại của tầng này, chỉ cần cố gắng tu luyện lại một lần nữa thì có thể vượt qua.

(Lưu ý: Một số nội dung trong bài viết này không có trong sách gốc “Phong Thần diễn nghĩa”. “Cửu khúc hoàng hà trận” là một sắc trận, cùng với nguyên thân giống như cái gáo của Hỗn nguyên kim đấu, đều không có trong sách gốc).

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/270817



Ngày đăng: 14-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.