Chỗ dựa vững chắc



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Ở chỗ tôi có một nữ đồng tu lớn tuổi không có con, chồng bà bản tính yếu đuối có phần nhu nhược, không giỏi xử lý mọi việc, còn bà thì khi gặp chuyện lại chần chừ không đưa ra được quyết định, vì vậy vị đồng tu lớn tuổi này định sẽ nhờ các anh, em trai ruột của bà tư vấn, góp ý thêm về các việc đối nội, đối ngoại, như thế bà sẽ có một chỗ dựa. Tuy nhiên, kể từ khi bà có suy nghĩ này thì bà cứ mãi đi lại không vững và cũng cảm thấy thân mình bị vẹo khi đứng luyện công. Không những vậy các anh em bà còn đòi vay mượn của bà bốn vạn tệ, nói là để lo cho việc kinh doanh của các con họ. Vị đồng tu lớn tuổi thấy buồn bực khó hiểu tự hỏi: “Các anh em mình vốn có cuộc sống khá giả, sao lại muốn vay tiền của mình?”

Vị đồng tu lớn tuổi đã chia sẻ vấn đề này với các đồng tu, và sau buổi chia sẻ bà nhận ra rằng: “Mình sai rồi, việc tìm người thường làm chỗ dựa là cái tâm gì đây? Có phải vì mình sợ phải chịu thiệt hoặc sợ bị bắt nạt, dựa vào người thường thì liệu có thể dựa vững được không? Hơn nữa cầu người thường giúp đỡ gì đó đều có giá phải trả cả, dù là người thân thích ruột thịt, nhưng chưa kịp “dựa” thì đã bị dội cho một gáo nước lạnh: bảo là vay tiền, nhưng họ có trả không? Một người tu luyện có thể trông cậy vào ai đây? Hãy trông cậy vào Sư phụ, chỉ có Sư phụ mới là chỗ dựa vững chắc thực sự, phải luôn luôn khắc ghi điều này trong tâm”. Sau khi nhận thức được điểm này, vị đồng tu lớn tuổi đã từ bỏ suy nghĩ dựa dẫm nêu trên, khi gặp vấn đề thì tự mình đưa ra quyết định, khi không biết phải làm sao thì cầu xin Sư phụ, cầu Sư phụ thì mọi việc đều có thể được giải quyết. Sau khi suy nghĩ như vậy, vị đồng tu lớn tuổi đã bước đi vững vàng và không còn cảm giác thân thể bị vẹo nữa, các anh em của bà cũng không bao giờ đề cập đến việc vay tiền của bà nữa.

Từ việc này tôi nghĩ rằng, trong hoàn cảnh xã hội phức tạp ở Trung Quốc đại lục, hiện tượng cậy mạnh ức hiếp người yếu rất phổ biến, đặc biệt là với những người yếu đuối, nhiều bệnh tật hay những người hiền lành, thật thà chất phác, những người cần được giúp đỡ… thì những việc như lợi ích chính đáng của bản thân bị người khác chiếm đoạt là chuyện thường gặp, nếu không có bản lĩnh thì sẽ phải chịu uất ức, sẽ bị bắt nạt, phải chịu thiệt mà còn không dám lên tiếng, nếu trong nhà không có người đàn ông mạnh mẽ làm trụ cột hoặc trong bà con thân thích không có ai đủ kiên cường để gánh vác giúp bạn thì quả thật là khó sống. Nhưng mà, người tu luyện nào có cần như vậy? Cần phải thay đổi quan niệm này, nếu bạn không có nghiệp lực thì ai dám bắt nạt bạn? Tất cả khó khăn, nghịch cảnh, bị ức hiếp… đều là quả báo của ác nghiệp tích lại từ kiếp trước, nếu kiếp trước bạn đối xử tốt với mọi người và làm nhiều việc hành thiện tích đức thì đời này ai cũng sẽ đến giúp đỡ bạn, Thần đang an bài hết thảy mọi việc cho con người, làm sao lại để bạn chịu cảnh khó khăn, quẫn bách được? Sau khi nhìn rõ điểm này bạn còn cần tìm một chỗ dựa vững chắc nữa không? Chỉ khi trạng thái tu luyện không tốt thì mới có những lối nghĩ của người thường.

Ngoài ra, sau khi tu Đại Pháp, Sư phụ đã tiêu trừ một phần tai nạn (nghiệp lực) cho chúng ta, và bày xếp phần nghiệp lực còn lại ở các tầng thứ khác nhau để chúng ta đề cao, từng bước chúng ta đi đều đã được an bài rất chi tiết. Nếu chúng ta dùng biện pháp của con người để giải quyết thì không những không giải quyết được mà còn chiêu mời những phiền phức lớn hơn, cựu thế lực sẽ nắm được lý: “Muốn vượt đường vòng để đi đường tắt? Có thể sao?” Điều này sẽ làm mọi việc trở nên phức tạp hơn và khiến bạn phải trả cái giá lớn hơn, nên đừng bao giờ cố chữa việc tốt thành việc xấu.

Nhìn lại con đường đầy mưa gió tôi đã đi trong những năm qua, tôi có một thể hội khắc cốt ghi tâm rằng chỉ có Sư phụ mới là chỗ dựa vững chắc! Chỉ có Sư phụ là người đã thực sự giúp đỡ và hoá giải vô số ma nạn cho tôi: Tôi từng gặp nhiều trắc trở trong việc kinh doanh; từng gặp phải những bế tắc không cách nào giải quyết trong những mối ân oán giữa người với người; từng bị hàng xóm dùng vũ lực bắt nạt; từng suýt gây tổn thất nặng nề cho người khác vì đường ống nước không được cách nhiệt, từng nhiều lần gặp nguy hiểm khi lái xe… tất cả đều được Sư phụ điểm hóa từ trước và hoá giải trong quá trình sự việc xảy ra, tôi không cách nào dùng ngôn từ để biểu đạt hết ân tình của Sư phụ, nhờ sự che chở từ bi, điểm hoá và giúp đỡ của Sư phụ mà tôi mới có thể giữ vững sự kiên định trong tâm, và dù con đường phía trước có khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ bước đi với lòng đầy tín tâm.

Cơ điểm của một người tu luyện cần dựa trên Pháp, việc tìm người thường làm chỗ dựa, chẳng phải là biểu hiện của tâm lý tự tư và sợ chịu thiệt hay sao? Phải chăng là muốn duy hộ một chút lợi ích của bản thân? Nhưng một chút những thứ của người thường ấy là khi sinh chẳng đem đến, khi tử chẳng mang theo, trong chớp mắt đã không còn. Người tu luyện không nên tính toán chi li những việc của cá nhân, cần tu bỏ cái tư, tu xuất cảnh giới biết nghĩ cho người khác. Nếu như bạn thật sự phải chịu thua thiệt, hoặc bị người khác bắt nạt, hoặc bị mất đi lợi ích cá nhân, thì đó cũng là đang trả nợ, là một việc rất tốt để bạn đề cao tâm tính. Hết thảy mọi thứ của đệ tử Đại Pháp đều là tài nguyên của Đại Pháp, không phải ai muốn lấy là có thể lấy được. Sư phụ giảng:

“cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được” (Chuyển Pháp Luân)

Khi chúng ta kiên định tín Sư tín Pháp, tu luyện bản thân thật tốt, buông bỏ mọi nhân tâm xuống, thì bạn xem chúng ta có bị mất mát gì không?

Một chút nhận thức thiển cận, nếu có điều gì không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ giúp.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/275979



Ngày đăng: 26-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.