Vận may do con dâu tốt mang lại



Tác giả: Bình Phàm

[ChanhKien.org]

Vào thời Đạo Quang của triều đại nhà Thanh, trong huyện Thượng Nhiêu, Giang Tây có một gia đình họ Chu. Chủ nhà tên là Chu Tài Mỹ, ông mở một cửa hàng bán gạo trong thành. Do không từ thủ đoạn, đầu cơ trục lợi, cho nên đã kiếm được không ít tiền. Chu Tài Mỹ cưới con gái của một gia đình họ Mã trong thành cho con trai. Con trai của ông suốt ngày ham chơi, vô cùng hư hỏng, nhưng Mã Thị lại là người có tri thức, hiểu biết lễ nghĩa và đức hạnh. Chu Tài Mỹ nghĩ đến tuổi tác của mình đã cao, nên có ý định để cho con dâu mới cưới vừa quản lý việc trong nhà vừa quản lý cửa hàng gạo.

Ông tìm đến con dâu và lấy ra các dụng cụ đo lường như xô, hộc, cân, dặn dò con dâu khi mua và bán gạo phải sử dụng các dụng cụ đo lường khác nhau và hướng dẫn cách sử dụng. Mã Thị nghe xong vô cùng ngạc nhiên, liền tự rời đi, không làm con dâu nhà họ Chu nữa. Chu Tài Mỹ không hiểu, liền hỏi nguyên nhân, Mã Thị nói: “Việc cha làm thực sự trái với luật trời, con không dám trái lệnh cha, nhưng làm sao dám đi ngược đạo trời? Chỉ có thể rời đi. Thiên lý luân hồi, báo ứng là điều khó tránh. Tài sản có được qua việc làm bất chính thì sẽ bị tiêu hao. Sau này con sợ mình sinh ra một đứa con hư hỏng làm tán gia bại sản, đến lúc đó người ta sẽ nói là người con sinh ra, con không muốn mang tiếng xấu như vậy…”

Nghe con dâu nói xong, Chu Tài Mỹ trầm tư thật lâu, cảm thấy con dâu nói có đạo lý, liền nói: “Vậy sau này mua bán gạo đều dùng dụng cụ đo lường giống nhau được không?” Mã thị nói: “Không được”, và hỏi ông đã mua và bán gạo theo cách này bao nhiêu năm rồi. Chu Tài Mỹ nói là hơn hai mươi năm rồi. Mã Thị liền nói: “Nếu muốn con ở lại, cần phải bán gạo mua gạo bằng dụng cụ tính toán ngược lại hơn hai mươi năm, để đền bù số lần đã lừa gạt ngày xưa”. Sau đó lại chọn dùng dụng cụ đo lường giống nhau, như vậy không đến mức sinh ra con cháu hư hỏng, làm cho tổ tiên phải xấu hổ. Chu Tài Mỹ vui vẻ đồng ý.

Từ đó về sau cửa hàng gạo nhà họ Chu thay đổi cách làm ngày xưa, việc làm ăn ngày càng phát đạt. Về sau, Mã Thị sinh hai người con trai, đều thi đỗ làm quan, rạng danh dòng họ. Câu chuyện này cũng được lan truyền ra ngoài, tất cả dân làng đều khen ngợi đức hạnh của Mã Thị con dâu nhà họ Chu. Câu chuyện này cũng được ghi lại trong Thượng Nhiêu Huyện Chí.

Cái “Tốt” của người con dâu thể hiện việc hiểu lý lẽ, tin tưởng nhân quả báo ứng, biết thuận theo quy luật tự nhiên để hành xử nên gặp nhiều may mắn, phúc lành. Pháp Luân Công được hồng truyền rộng rãi trong nhiều năm như vậy, cho dù bị tà đảng Trung Cộng hãm hại trong hơn 20 năm, vẫn có vô số người con dâu tốt làm theo Chân-Thiện-Nhẫn, tu tâm hướng thiện làm người tốt. Có rất nhiều ví dụ về những gia đình hòa thuận và may mắn do điều này mang lại. Tác giả xin trích dẫn bài viết “Trăm năm mới có một người con dâu” trên Minh Huệ ngày 8 tháng 3 năm 2021 và chia sẻ với độc giả.

“Hiếu” là nền tảng để làm người, là đạo làm người trong thiên hạ. Khổng Tử nói: “Chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau là lập thân”, cũng giống như “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ngày nay, trong những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, có rất nhiều câu chuyện về hiếu thuận với người cao tuổi, gia đình hòa thuận.

Nàng dâu trăm năm mới có một người

Ngày 17 tháng 1 năm 2021, một số học viên Pháp Luân Công ở Đài Trung, Chương Hóa, Nam Đầu, Vân Lâm, Gia Nghĩa và một số huyện thị Đài Loan đã tổ chức hoạt động giao lưu học Pháp, trong đó có một giáo viên tiểu học tên là Cố Minh Huệ, tu luyện 16 năm, chân thành đối xử tốt với mẹ chồng, xử lý mọi việc đều làm theo ý của mẹ chồng, để quan hệ mẹ chồng nàng dâu của cô ngày càng tốt đẹp.

Cô nói: Sau khi ở chung với bố mẹ chồng, phải thích nghi với lối sống khác trước, cảm thấy áp lực rất lớn. Đặc biệt là mẹ chồng cô rất thích sạch sẽ, mẹ chồng mong muốn cô có thể làm mọi việc trong nhà theo thói quen của mình, như trình tự làm việc hoặc chi tiết xử lý công việc đều phải làm theo yêu cầu của mẹ chồng. Lúc mới đầu, trong lòng cô không tránh khỏi sự tủi thân, oán hận, nhưng cô đã từ trong Pháp nhận thức ra được, muốn đạt được Chân-Thiện-Nhẫn cần phải đề cao tâm tính của mình. Cho nên, cô yêu cầu bản thân mình phải buông bỏ những cảm xúc không tốt, cảm thông cho mẹ chồng, chân thành đối đãi với mẹ chồng, đối xử tốt với mẹ chồng.

Cô giáo Cố Minh Huệ cảm ơn Đại Pháp, vì tu luyện Đại Pháp, khiến cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của cô càng ngày càng tốt lên.

Cố Minh Huệ luôn cố gắng trong mọi việc để đáp ứng yêu cầu của mẹ chồng. Trong quá trình này, cô chiểu theo những chỉ dạy trong Pháp lý của Đại Pháp, buông bỏ quan niệm của mình, thay đổi thói quen của mình. Đồng thời, yêu cầu bản thân “thiện thêm một chút, từ bi thêm một chút”. Cô phát hiện ra, mình lại trở nên thoải mái và dễ chịu hơn, mà ở chung với mẹ chồng cũng thấy thoải mái hơn, cô thật lòng rất quý mến mẹ chồng.

Tất cả những điều này thì những người xung quanh đều có thể thấy được. Chồng của cô nói: “Chỉ có em mới làm được như vậy”. Anh cũng nói với mẹ mình: “Con dâu như cô ấy, chắc cả trăm năm mới có một người”. Bố chồng nói: “Luyện Pháp Luân Công rất tốt, tu dưỡng rất tốt”. Ông thường hay khen ngợi con dâu mình với mọi người. Ngay cả các tiểu thương ở ngoài chợ cũng nghe nói, tán dương sự hiếu thuận của cô.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/282805



Ngày đăng: 04-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.