Tâm hiếu kỳ không bỏ sẽ đem đến nhiều phiền phức
Tác giả: Nhất Mai
[ChanhKien.org]
Xin kể một chút về bài học của tôi. Tôi từ nhỏ đã rất hay tò mò, hiếu kỳ, bất kể sự việc gì cũng muốn làm cho rõ ràng, muốn xem cặn kẽ đến cuối cùng để biết rốt cuộc thế nào. Khi còn nhỏ tôi đã từng tháo chiếc đồng hồ báo thức duy nhất trong nhà ra xem thử bên trong có cái gì, sau đó lắp vào lại không được nữa, thế là tôi đã bị đánh. Lần khác tôi bê con gà đang ấp trứng lên xem gà con nở ra như thế nào, lại bị người lớn la; rồi bắt ấu trùng bỏ vào trong mùng xem nó biến thành con ve sầu như thế nào. Ngay cả khi đắc Pháp, tôi đứng bên đường xem sao có nhều người tu luyện Pháp Luân Công như thế, tôi nghĩ Pháp Luân Đại Pháp là gì mà tại sao nhiều người đều nói là tốt, tôi liền đến xem rốt cuộc Pháp tốt như thế nào, thế là tôi bước vào tu luyện Đại Pháp.
Sau khi tu luyện, từ trong Pháp tôi hiểu ra rằng Sư phụ giảng người tu luyện cần tu bỏ các loại tâm chấp trước như tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm hiển thị, tâm hoan hỉ, tâm sắc dục, cùng các loại tâm khác. Tôi quả thực đều có các loại nhân tâm này, cũng thời thời khắc khắc chú ý đối chiếu bản thân từ, nhưng vì còn tâm hiếu kỳ nên tôi luôn không xem trọng việc trừ bỏ, khiến tôi mấy lần liên tiếp chịu tổn thất thì mới bắt đầu bừng tỉnh.
Lần thứ nhất: Một đồng nghiệp ở đơn vị công tác muốn đến nhà sách để mua tài liệu ôn tập cho con gái và rủ tôi đi cùng, đến nhà sách cô ấy tìm cuốn sách mà cô muốn mua, lúc này tâm hiếu kỳ của tôi lại nổi lên, lại nhìn đông nhìn tây vô tình lại đi đến giá sách tôn giáo kia và nhìn thấy một danh tác Phật giáo của đại sư nào đó, là những câu châm ngôn của đại sư, sách được đóng gói rất đẹp, màu sắc bề ngoài nhìn có vẻ cổ kính, tôi cũng biết rằng không nên xem những cuốn sách như thế này, nhưng lúc đó tôi vô cùng tò mò, rất muốn xem bên trong viết cái gì, cho nên tôi cầm cuốn sách lên, trong tâm nghĩ chỉ muốn lật xem thử một lần này thôi, “chỉ lật một lần này thôi” và thế là tôi mở từ giữa cuốn sách, nhưng chỉ nhìn thấy hai mặt tờ giấy trắng, các trang tôi mở tiếp đó hoá ra trống cả hai mặt! Quả thật đây là điểm hóa của Sư phụ cho tôi, vậy mà tôi vẫn không ngộ ra, có chút không cam lòng tôi lại lật ra lần nữa, lần này nhìn thấy một mặt là giấy trắng, một mặt rất lớn kia được viết bốn chữ “Hãy mau tinh tấn”.
Đầu tôi “ong” lên một chút, tôi vội vàng buông cuốn sách xuống rồi nhanh chóng rời khỏi nơi đó, trong lòng cảm thấy vô cùng hổ thẹn … Thật tình chỉ muốn tự đánh vào miệng mình hai cái, chao ôi ngộ tính của mình thật là kém cỏi quá! Sau này nghĩ lại vẫn còn có chút sợ hãi, nếu không có Sư phụ bảo hộ, không biết mình sẽ gây ra bao nhiêu tổn hại.
Lần thứ hai: Ba của tôi gần 80 tuổi, đầu gối đau nhức, tay chân hơi yếu, đi lại có chút khập khiễng, tuy không nghiêm trọng nhưng các anh em chúng tôi vẫn muốn ông uống thuốc, như uống chondroitin để giảm đau (thuốc trị viêm khớp) và viên uống bổ sung canxi. Vì vậy, tôi thường đi mua cho ông những thuốc này, khi đang mua thuốc tôi được giới thiệu rõ ràng là những thứ này được dùng để bổ sung cái này cái kia, dù sao cũng đều có chỗ tốt. Tâm hiếu kỳ lại nổi lên, tôi lại muốn dùng thử, dù sao đều là đồ tốt không có hại gì. Thế là khi ba tôi uống thuốc tôi cũng lấy nếm thử, thấy rằng chondroitin thì không ngon nhưng viên canxi thì chua chua ngọt ngọt cũng không đến nỗi nào.
Nhưng không biết từ lúc nào, khi lên cầu thang tôi bắt đầu cảm thấy đầu gối đau nhức, cảm thấy không có sức lực, đứng lên ngồi xuống cũng khó khăn. Lúc này tôi mới lại hối hận, những suy nghĩ trên căn bản không phải là những nhận thức quan niệm của người tu luyện, cái gì là hoàn toàn tốt, không có hại chứ, gì là ăn ngon chứ? Bạn là người tu luyện tay chân khỏe mạnh, không có bệnh, bạn cần uống thuốc gì chứ, bạn đang uống thuốc đó chẳng phải là đang cầu bệnh sao? thế là bệnh liền đến, nó đến là đúng rồi vì bạn đã cầu nó, điều bạn muốn thì không ai quản được, Sư phụ cũng không có cách nào bảo hộ bạn.
Lần thứ ba: Mắt của tôi luôn rất tốt, khi cùng với các đồng tu học Pháp, cũng có những đồng tu lớn tuổi đeo kính, họ nói mắt hơi bị mờ rồi. Khi nghe xong không hiểu tại sao trong lòng tôi nghĩ có bao nhiêu đồng tu sau khi tu luyện thì đã không dùng kính nữa, thế thì tại sao các bạn lại bị mờ mắt chứ? Tôi cũng không đối chiếu lại với bản thân mình. Về sau khi đang làm việc cũng có đồng nghiệp nói với tôi rằng mắt có gì đó không ổn. Nhưng tôi liền nói tôi là người tu luyện mắt của tôi rất tốt, không có bị mờ mắt. Sau đó một số đồng nghiệp trạc tuổi tôi thỉnh thoảng nói mắt họ không tốt, nhìn mọi vật không rõ, rồi hỏi tôi có bị hoa mắt hay không? Tôi nói không có hoa mắt, tôi vẫn chưa biết hoa mắt là gì, hoa mắt là như thế nào? Đồng nghiệp nói hoa mắt là nhìn mọi thứ thật mờ ảo. Nhưng tâm hiếu kỳ về câu nói “hoa mắt là như thế nào” lại xuất hiện, lúc ấy là buộc miệng thiếu suy nghĩ mà thốt ra, cũng không chú ý niệm đầu này không đúng nên không kịp thời thanh trừ nó. Về sau rất nhanh liền phát hiện mắt nhìn mọi thứ không rõ ràng, nhìn một chữ thành hai chữ. Lần này tôi biết thế nào là bị hoa mắt rồi, chính là bản thân cầu hoa mắt thì nó liền đến.
Lần thứ tư: Trái đắng
Có một lần tôi đến gặp một đồng tu, trong nhà bếp tôi thấy một chiếc hộp giấy rất đẹp, bên trong chứa một chất rắn màu nâu, khắp hộp đều in chữ tiếng Anh nên tôi không biết đó là thứ gì. Lúc đó đồng tu không ở trong bếp, lúc này tâm hiếu kỳ lại nổi lên, tôi dùng một cái thìa để nếm thử, mùi vị giống như kẹo đường nhưng có nhiều cặn như bột ngọt, cũng không khó ăn, nhưng tôi không biết để làm gì, cũng không phải là đồ gia vị, nào ngờ đâu đến chiều bụng của tôi đau dữ dội và bắt đầu bị tiêu chảy. Sau đó tôi mới biết hộp giấy đó là dùng để trị táo bón, tôi muốn dùng thử một miếng thì liền bị đau bụng, sau đó tôi thật sự bị táo bón. Chao ôi, đúng là tự làm tự chịu mà, thế nhưng tôi vẫn không ngộ được rằng ma nạn này đều do tâm hiếu kỳ mà ra.
Lần cuối cùng là khi cùng với các đồng tu khác học Pháp, một đồng tu không biết tại sao xuất hiện trạng thái viêm nướu răng, hơi thở có mùi hôi. Vì không muốn ảnh hưởng đến tập thể học Pháp, cô ấy ngậm một chút nước súc miệng sau đó nhổ ra, làm như thế sẽ không có mùi nữa. Khi dừng học Pháp, tôi vào phòng vệ sinh nhìn thấy chai nước súc miệng rất đẹp trên bồn rửa tay, tôi mở nắp ra thì có mùi giống như bạc hà, tâm hiếu kỳ lại nổi lên, là mùi vị gì thế, thật sự muốn thử một ngụm nhưng lần này đột nhiên tôi tỉnh ngộ, đây chẳng phải là tôi đang cầu bị viêm nướu sao? Muốn nếm thử ngon hay không để làm gì, lại muốn cầu ma nạn sao? Lần này tôi đã hoàn toàn minh bạch rồi. Mắt của tôi không tốt, bụng không tốt, đầu gối không tốt, còn cái gì là ngẫu nhiên xuất hiện táo bón không? Vào thời khắc đó chẳng phải là tôi không xem mình là người luyện công sao? Là bản thân cầu mà tới, Sư phụ giảng “chủ ý thức phải mạnh, tâm nhất định phải chính” (Chuyển Pháp Luân). Tâm không chính là gì? Chính là anh ta không xem bản thân mình là người luyện công, Pháp cũng học rồi, cũng học thuộc lòng sách rồi, thế mà khi sự việc xảy ra lại hành xử tệ như thế, vẫn mãi không vượt qua được. Tu luyện không phải là việc nhỏ, thật sự nên tìm ở bản thân mình. Khi đang viết bài chia sẻ này, tôi vẫn thấy rằng mình vẫn còn tâm lợi dụng, tâm thích ăn ngon, tâm ăn trộm (ăn vụng cũng là trộm). Những tâm này chính là do tâm hiếu kỳ mà ra, nó đã lợi dụng sự lơ là không tu bỏ tâm hiếu kỳ mà can nhiễu tôi. Hôm nay tôi sẽ loại bỏ tất cả những nhân tâm này.
Bài chia sẻ này được viết vào khoảng hai ba năm trước, tôi vốn nghĩ đó là một bài học rút ra từ quá trình tu luyện của bản thân và dùng nó như một lời cảnh tỉnh chính mình. Tôi nghĩ những sự việc này tuy không lớn nhưng tu luyện không phải là việc nhỏ, một niệm nhỏ bất chính cũng sẽ mang đến những phiền toái không cần thiết cho bản thân, cho tu luyện và cho việc cứu người. Vì thế tôi đã viết ra để thức tỉnh bản thân, nhắc nhở đồng tu. Trên đây là những thể ngộ bản thân, có chỗ nào không đúng với Pháp, mong các quý đồng tu từ bi góp ý. Hợp thập!
Dịch từ:
https://www.zhengjian.org/node/270978
Ngày đăng: 19-12-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.