Dịch đạo và ngũ hành(4): Quan hệ giữa ngũ hành và bát quái



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

6. Quan hệ giữa ngũ hành và bát quái

Nội dung của bát quái có nguồn gốc từ “Kinh Dịch”, lần lượt là Càn(☰)、Khảm(☵)、Cấn(☶)、Chấn(☳)、Tốn(☴)、Ly(☲)、Khôn(☷)、Đoái(☱). Trong giới dịch học gọi bát quái này là “Kinh quái”, bát quái này lại lần lượt tổ hợp với bát quái để thành 64 quái (còn gọi là 64 quẻ) gọi là “biệt quái”, quá trình tổ hợp như vậy gọi là “trùng quái”. Có rất nhiều người nghiên cứu văn hóa truyền thống coi ngũ hành và bát quái là một hoặc coi đó là vấn đề trong một tầng diện để xem xét, kỳ thực chúng không phải là một thứ, những quy luật mà ngũ hành và bát quái triển hiện ra là có khác biệt về mặt tầng thứ và phạm vi.

Các quẻ tượng trong bát quái do các hào dương (—) và các hào âm (–) để tổ hợp thành, do vậy điều mà đạo của “kinh dịch” cần bàn luận đến trước tiên chính là đạo âm dương. Mỗi một quẻ tượng đều có 3 hào vẽ cạnh nhau mà thành, lần lượt tượng trưng cho tam tài là Thiên Địa Nhân: Thiên ở trên, Địa ở dưới, Nhân ở giữa. Ngoài ra, bát quái còn có thể dùng để đại biểu cho vạn sự vạn vật trong không gian này.

Ví dụ nói, trong giới tự nhiên, Càn là Trời, Khôn là Đất, Chấn là Sấm sét, Tốn là gió, Khảm là nước, Ly là lửa, Cấn là Sơn, Đoài là trạch (đầm lầy, ao hồ…).

Trong giới động vật, Càn là ngựa, Khôn là trâu bò, Chấn là rồng, Tốn là gà, Khảm là lợn, Ly là chim trĩ, Cấn là chó, Đoài là dê cừu.

Trong gia đình, Càn là người cha, Khôn là người mẹ, Chấn là trưởng nam, Tốn là trưởng nữ, Khảm là trung nam, Ly là trung nữ, Cấn là thiếu nam, Đoài là thiếu nữ.

Trong các bộ phận của thân thể, Càn là đầu, Khôn là bụng, Chấn là chân, Tốn là bắp đùi, Khảm là tai, Ly là mắt, Cấn là tay, Đoài là miệng.

Trong thời gian và các mùa, thì Càn là giao nhau giữa Thu và Đông, Khôn là giao nhau giữa Hạ và Thu, Chấn là mùa xuân, Tốn là giao giữa Xuân và Hạ, Khảm là mùa đông, Ly là mùa hạ, Cấn là giao giữa mùa đông và xuân, Đoài là mùa thu.

Trong thuộc tính ngũ hành, thì Càn và Đoài thuộc Kim, Khôn và Cấn thuộc Thổ, Chấn và Tốn thuộc Mộc, Khảm thuộc Thủy, Ly thuộc Hỏa.

Ngoài ra bát quái còn có các đặc tính khác nhau, ví dụ Càn là kiện (mạnh), Khôn là thuận (thuận theo, nhu thuận), Chấn là động, Tốn là nhập, Khảm là hãm (sụp), Ly là lệ (nghĩa thứ nhất là phụ thuộc, dựa vào; nghĩa thư hai là sáng), Cấn là chỉ (dừng lại), Đoái là duyệt (vui vẻ)…

Có nghĩa là, cho dù trong hệ thống nào thì các vật tượng trong đó đều có thể biểu thị bằng bát quái từ các góc độ khác nhau (màu sắc, số lượng, phương vị, hình dạng, mùi vị, thời gian, vị trí, phương thức vận động v.v.). Vậy thì từ góc độ này mà nói, thực chất của mọi hiện tượng tự nhiên đều là thể hiện của bát quái; triển hiện diễn hóa mà chúng sinh và vạn tượng thể hiện ra cũng là quy luật của bát quái; hơn nữa so sánh với ngũ hành mà nói, thì pháp tắc của bát quái là chi tiết hơn, minh xác hơn, hình tượng hơn, cụ thể hơn. Vậy quan hệ giữa ngũ hành và bát quái rốt cuộc là gì.

Ở bài trước chúng ta đã nói, tất cả những gì tồn tại trong cảnh giới của ngũ hành đều là thể hiện của ngũ hành, thời gian là ngũ hành, không gian là ngũ hành, vạn vật chúng sinh cũng đều là ngũ hành, ngay cả bát quái mà chúng ta vừa nói cũng thuộc về ngũ hành, nhưng nếu chỉ có ngũ hành, thì tất cả những gì tồn tại trong cảnh giới này đều không phải là trạng thái mà chúng ta vốn biết, vì sao như vậy? Ngũ hành chỉ là cơ sở vật chất cho tất cả những gì tồn tại trong thế giới này của chúng ta, từ kết cấu thời không của thế giới này cũng như kết cấu nội tại và hình dạng bên ngoài của vạn vật chúng sinh cho đến cả quy luật phát sinh, phát triển biến hóa v.v. đều là do bát quái quyết định.

Lấy ví dụ, chúng ta muốn xây dựng một căn nhà có đầy đủ tất cả các tính năng, công năng, thì cần có các vật liệu như cốt thép, bê tông, gỗ, cát, đá, gạch, thủy tinh, chất dẻo, đá lát cho đến điện, nước v.v., nghĩa là, để xây căn nhà cần phải dùng những vật liệu này, những vật liệu này chính là ngũ hành, nhưng như thế không đồng nghĩa với việc chúng ta mang những vật liệu này về chất lại thành đống là có một căn nhà. Muốn biến các vật liệu này thành căn nhà thì còn phải có một quá trình thi công, vậy nguyên tắc chỉ đạo của quá trình thi công này là gì? Chính là bản vẽ xây nhà, bản vẽ xây nhà này chính là bát quái. Từ đó có thể thấy, cái lý của bát quái là cao hơn ngũ hành, vì lẽ đó mà ngũ hành mới có thể dựa vào nguyên lý của bát quái để sinh ra vạn vật và còn có thể phát triển diễn hóa vạn vật. Nếu như dùng khái niệm của Phật gia để hình dung, thì lý của bát quái (Dịch Lý) là tương đương với trí huệ của tầng thứ Như Lai, do vậy trong văn hóa truyền thống coi “Dịch Lý” là “quần kinh chi thủ” (đứng đầu trong các kinh), cũng gọi là “đại đạo chi nguyên” (nguồn gốc của Đại Đạo), nguồn gốc lý luận của văn hóa truyền thống Trung Quốc chính là “Dịch Lý”.

Đạo của “Dịch Kinh” bao hàm tất cả đạo lý liên quan đến Thiên Địa Nhân trong ngũ hành, đối với con người mà nói, Đạo của “Dịch Kinh” vừa có nguyên tắc cấu tạo vật lý và sinh lý của thân thể người, lại có nguyên tắc và yêu cầu về quy phạm của tâm lý và đạo đức xã hội. Ví dụ trong “Dịch truyện” có một câu như thế này: “Càn Đạo thành nam, Khôn Đạo thành nữ”, lại nói: “Càn là kiện, Khôn là thuận”. Điều này cho thấy rõ rằng người nam là căn cứ theo pháp tắc của quẻ Càn để tạo thành, còn người nữ là căn cứ theo pháp tắc của quẻ Khôn để tạo thành. Do vậy về cấu tạo sinh lý, về hình tượng bên ngoài, về phương thức tư duy và năng lực, trách nhiệm v.v. của người nam và người nữ đều không giống nhau, hơn nữa yêu cầu tâm tính đối với người nam và người nữ cũng có khác biệt, người nam nên cương trực, người nữ nên nhu thuận, như vậy mới phù hợp với Đạo âm dương (Càn Khôn)

Sau đây chúng ta lại nói một chút về vấn đề quan hệ giữa kinh quái và biệt quái (trùng quái). Về nguồn gốc của biệt quái (trùng quái) thì trong lịch sử của dịch học vẫn luôn là có các ý kiến khác nhau, không có một giải thích hợp lý. Muốn giải thích vấn đề này trước tiên cần phải hiểu rõ vấn đề quan hệ giữa “Đạo” và “Khí” (器: đồ, đồ dùng) trong nguyên lý thái cực. Trong “Dịch truyện” có một câu: Hình nhi thượng giả vị chi Đạo, Hình nhi hạ giả vị chi Khí. Đạo chính là chỉ quy luật vũ trụ vô hình vô tướng, Khí chính là chỉ vạn vật chúng sinh hữu hình hữu tượng. Đạo chính là bản thể của vũ trụ, Khí chính là chỉ biểu hiện cụ thể và ứng dụng của Đạo. Nghĩa là mối quan hệ giữa Đạo và Khí chính là mối quan hệ giữa thể (bản thể) và dụng (ứng dụng). Mối quan hệ giữa kinh quái và biệt quái mà chúng ta vừa nói đến cũng là quan hệ giữa thể và dụng.

Có nghĩa là, 8 kinh quái là thể hiện cấu tạo và quy luật biến hóa vận động của thiên địa vạn vật trong ngũ hành, 64 biệt quái chính là biểu hiện và sự vận dụng cụ thể quy luật này. Lấy ví dụ một cách dễ lý giải như sau, trong không gian này của chúng ta, bát quái có thể dùng để biểu thị 8 phương vị: Khảm là hướng chính Bắc, Ly là chính Nam, Chấn là chính Đông, Đoài là chính Tây, Tốn là Đông Nam, Càn là Tây Bắc, Khôn là Tây Nam, Cấn là Đông Bắc. Trong hiện thực, 8 phương vị này đều là một điểm, nhưng mỗi cái đều có một phạm vi tương đối lớn. Trong mỗi phạm vi mà một phương vị biểu thị, thì mỗi cái đều có tám phương vị. Ví dụ trong cái khung của quẻ Khảm ở hướng chính Bắc, thì 4 mặt 8 phương của nó có thể lần lượt dùng 8 biệt quái để biểu thị, trong 8 biệt quái đó, dùng quẻ Khảm làm ngoại quái (quái bên trên), và 8 kinh quái là nội quái (quái bên dưới). Cùng đạo lý đó, trong cái khung của quẻ Ly ở hướng chính nam, thì 4 mặt 8 phương của nó cũng có thể dùng 8 biệt quái để biểu thị, trong đó quẻ Ly là ngoại quái, 8 kinh quái là nội quái. Chỉ khi biểu thị như vậy thì mới có thể hiện ra các đặc trưng cụ thể của các khu vực trong hai mảnh đất Nam và Bắc. Các phương vị của 6 quái còn lại đại biểu cũng như vậy, đều có thể dùng bản thân quái đó làm thể, dùng 8 quái làm dụng để biểu thị. Có nghĩa là, 8 kinh quái mỗi cái là một cung, trong mỗi cung có 8 quái, trên dưới chồng lên nhau tổ hợp, do vậy mà sản sinh ra 64 quái (còn gọi là 64 quẻ).

Nếu ví dụ ở trên vẫn chưa rõ ràng thì chúng ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể hơn để nói rõ cái lý này. Ví dụ nói quẻ Chấn (☳), trong ngũ hành là thuộc Mộc, quẻ tượng của nó là 1 hào dương ở dưới, 2 hào âm ở trên, dương là thực âm là hư, nếu dùng nó để đại biểu sản phẩm nông nghiệp hoặc rau củ thì chính là chỉ những loại củ sinh trưởng ở dưới mặt đất, đây là nguyên tắc, nguyên tắc là cương lĩnh, là thượng quái (quái ở trên). Còn biểu hiện cụ thể và ứng dụng là hạ quái (quái ở dưới), các quẻ tượng có được sau khi kết hợp các quái trên dưới thì có thể dùng để đại biểu cho các loại rau củ phù hợp với nguyên tắc này, có thể từ các phương diện như hình dạng, màu sắc và mùi vị của loại sản vật đó để thể hiện ra các quẻ tượng khác nhau, ví dụ quẻ Lôi thiên đại tráng (trên Chấn dưới Càn) có thể dùng để đại biểu cho tỏi, khoai tây, bởi vì Càn là vật hình tròn, trong ngũ hành thuộc Kim, và cũng là vật có vị chua cay. Quẻ Lôi hỏa phong (trên Chấn dưới Ly) có thể dùng để chỉ ngó sen, cà rốt, lạc v.v., bởi vì trong Ly có hư, chỉ việc bên trong có lỗ rỗng, cũng đại biểu màu hồng, cũng đại biểu cho các thứ vỏ bên ngoài. Quẻ Lôi địa dự (trên Chấn dưới Khôn) có thể dùng để đại biểu cho khoai lang, củ đậu v.v. vì mỳ khoai lang nhiều mà vị ngọt, quẻ Khôn thuộc thổ, ứng vào vị ngọt. Lôi phong hằng (trên Trấn dưới Tốn) có thể đại biểu sơn dược, bởi vì quẻ Tốn đại biểu các vật thể có hình thuôn dài. Còn có Chấn vi lôi (trên Chấn dưới Chấn) có thể đại biểu cho củ cải xanh, vì quẻ Chấn trong ngũ hành thuộc Thổ, ứng với màu xanh.

Lại lấy vị dụ quẻ tượng của quẻ Khảm là hào dương ở giữa, hào sơ (hào thứ nhất) và hào tam (hào thứ 3) đều là hào âm, quẻ khảm ứng với Thủy, bởi vậy nên chữ “Thủy” viết dưới dạng chữ triện là giống với hình tượng của quẻ Khảm. Nếu dùng để biểu thị động vật, thì có thể đại biểu cho các loài cá, bởi vì kết cấu thân thể của các loài cá là xương ở giữa, phù hợp với quẻ tượng của quẻ Khảm. Xét về tổng thể, quẻ Khảm cũng có thể dùng để biểu thị các động vật ở trong nước, mà với mỗi một giống loài lại ở trong nước lại có thể căn cứ theo sự khác nhau về đặc trưng sinh lý để dùng các biệt quái khác nhau mà đại biểu. Ví dụ như nói quẻ Thủy Hỏa Ký Tề (trên Khảm dưới Ly), có thể đại biểu cho rùa biển, cua và các loài động vật có vỏ cứng, cũng có thể đại biểu cho cá chình điện hoặc các loại cá có thể tự động phát sáng, bởi vì quẻ Ly (☲)ứng với Hỏa, Điện, từ quẻ tượng mà nói, thì nó tượng trưng cho những thứ mà có vỏ ngoài cứng. Quẻ Thủy phong tỉnh (trên Khảm dưới Tốn) có thể biểu thị cho các loại động vật có hình dạng thuôn dài, ví dụ như các loại cá chình, cá thiện, cá còm, rắn biển v.v., bởi vì ngoại hình mà quẻ Tốn biểu thị chính là hình dạng thuôn dài, kết cấu của chữ “Tốn” (巽) có hai chữ Tỵ (巳) cho nên quẻ Tốn cũng có thể đại biểu cho các loài rắn. Quẻ Thủy Thiên Lôi (trên Khảm dưới Càn) có thể đại biểu cho các động vật thuộc loại sứa, sứa thuộc loại sinh vật phù du, hình tròn như cái dù (ô), thường thường hay nổi lên mặt nước, bởi vì quẻ Càn ứng với Thiên, là ở bên trên, cũng đại biểu cho các vật thể hình tròn. Quẻ Thủy Sơn Kiển (trên Khảm dưới Cấn) có thể đại biểu cho hải cẩu, báo biển, bởi vì loài động vật điển hình nhất mà quẻ Cấn đại biểu là Cẩu. Quẻ Thủy Lôi Đồn (trên Khảm dưới Chấn) có thể dùng để đại biểu cho cá thu, cá ngừ … bởi vì trong ngũ hành thì màu sắc của quẻ Chấn là màu xanh. Quẻ Thủy Trạch Tiết (trên Khảm dưới Đoái) có thể dùng để biểu thị cho các loại cá sấu, bởi vì quẻ Đoái ứng với Trạch (đầm lầy), cũng ứng với khẩu. Cá sấu thường sinh sống nơi nước nông hoặc nơi đầm lầy ao hồ, hơn nữa miệng to răng nhiều, lực cắn lại mạnh. Quẻ Thủy Địa Tỷ (trên Khảm dưới Khôn) có thể dùng để biểu thị các loại như bò biển (tên khoa học là Trichechus), vì loài động vật mà quẻ Khôn đại biểu là bò, cũng đại biểu cho mặt đất, mà bò biển chủ yếu ăn các loài cỏ ở dưới đáy biển. Cuối cùng, quẻ Khảm Vi Thủy (trên Khảm dưới Khảm) cũng có thể dùng để đại biểu tất cả các loài cá v.v.

Từ các ví dụ liệt kê trên đây chúng ta có thể thấy, vạn sự vạn vật trong thời không này đều có thể quy về để biểu thị trong một hệ thống nào đó của bát quái, điều mà bát quái thể hiện chính là đặc trưng chỉnh thể của một loại sự vật. Mà mỗi loại sự vật trong những hệ thống này đều có thể căn cứ vào các phương diện khác nhau của nó như ngoại hình v.v. để biểu thị bằng một biệt quái (trùng quái) nào đó. Kết luận rút ra sau khi phân tích các ví dụ đưa ra ở trên chính là nguồn gốc của biệt quái cũng như biểu hiện và quan hệ giữa biệt quái và kinh quái.

Ở một góc độ cao hơn mà nhìn, 64 biệt quái là có nguồn gốc từ việc xếp chồng Tiên thiên Bát quái và Hậu thiên Bát quái. Trong nguyên lý thái cực, Tiên thiên Bát quái là Đạo, Hậu thiên Bát quái là Khí, Tiên thiên Bát quái là thể, Hậu thiên Bát quái là dụng, thể mà không có dụng thì không được [kiến] lập, dụng mà không có thể thì không tồn tại được, thể dụng kết hợp với nhau thì mới có vạn vật chúng sinh, mà 64 quẻ chính là tượng trưng cho thiên địa thời không và vạn vật chúng sinh.

Sau đây lại nói một chút về vấn đề quan hệ giữa “Tiên thiên Bát quái” và “Hậu thiên Bát quái”. Tiên thiên Bát quái trong giới dịch học còn được gọi là Phục Hy bát quái, Hậu thiên Bát quái còn được gọi là Văn Vương bát quái. Hai đồ hình của nó lần lượt như sau:

Đồ hình của Tiên thiên Bát quái là quẻ Càn ở trên là Trời, quẻ Khôn ở dưới là Đất. Còn lại quẻ Đoái và quẻ Cấn đối xứng nhau, quẻ Ly và quẻ Khảm đối xứng nhau, quẻ Chấn và quẻ Tốn đối xứng nhau. Đồ hình Tiên thiên Bát quái thể hiện chính là lý âm dương cân bằng, do vậy đồ hình này nên là một dạng ba chiều, nó không phải là một dạng hình bằng phẳng, cái bát quái ở trung tâm cái hình này cũng không có cách nói phương vị, nhưng nó có các số của nó: Càn là 1, Đoái là 2, Ly là 3, Chấn là 4, Tốn là 5, Khảm là 6, Cấn là 7, Khôn là 8, các số này có quan hệ với thời gian. Sở dĩ nó được gọi là Tiên thiên Bát quái, là vì điều mà bát quái này thể hiện chính là Đạo, cũng chính là quy lật, Đạo ứng với “Thể”. Còn Hậu thiên Bát quái nói về Khí, chính là thể hiện và ứng dụng cụ thể. Vậy điều mà Hậu thiên Bát quái phản ánh chính là phân bố bát quái trong không gian này của chúng ta, do vậy nó là một hình bằng phẳng. Về các phương hướng trong không gian, Khảm là hướng chính Bắc, Ly là chính Nam, Chấn là chính Đông, Đoái là chính Tây, Tốn là Đông Nam, Càn là Tây Bắc, Khôn là Tây Nam, Cấn là Đông Bắc. Hậu thiên Bát quái cũng có các số của nó, lần lượt là: Khảm là 1, Khôn là 2, Chấn là 3, Tốn là 4, Trung tâm là 5, Càn là 6, Đoái là 7, Cấn là 8, Ly là 9. Đồ hình Hậu thiên Bát quái là đối ứng với “Lạc Thư”, đều là có quan hệ với kết cấu của không gian này.

Bởi vì tiên thiên là “thể”, hậu thiên là “dụng”, do vậy Hậu thiên Bát quái được ứng dụng rộng rãi trong thuật số dự đoán trong văn hóa truyền thống, ví dụ trong Kỳ môn Độn giáp, Ngũ Vận Lục Khí và Tam Nguyên Cửu Vận v.v., vận dụng trong Mai Hoa Dịch Số là số trong Tiên thiên Bát quái và phương vị trong Hậu thiên Bát quái; vận dụng trong Thái Ất Thần Số là phương vị trong Hậu thiên Bát quái, số trong Bát quái trong Thái Ất Thần Số là lấy cung vị chuyển động ngược chiều kim đồng hồ 45 độ, (lúc này vị trí của các quẻ Càn(☰)、Khảm(☵)、Cấn(☶)、Chấn(☳)、Tốn(☴)、Ly(☲)、Khôn(☷)、Đoái(☱)vẫn giữ nguyên như Hậu thiên Bát quái nhưng số của bát quái đã thay đổi), tức là Càn làm số 1, Ly là 2, Cấn là 3, Chấn là 4, Ngũ là cung Trung tâm, Đoài là 6, Khôn là 7, Khảm là 8, Tốn là 9.

(Còn nữa)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/262184



Ngày đăng: 01-10-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.