Thiên cổ anh hùng Hàn Tín (7): Tứ diện Sở ca



[ChanhKien.org]

Hàn Tín bí mật dẫn quân “ám độ Trần Thương”. (Ảnh: Epoch Times)

Nhân vật anh hùng thiên cổ trong văn hóa Thần truyền 5,000 năm huy hoàng – Binh Tiên chiến Thần Hàn Tín

11. Tứ diện Sở ca

Hạng Vũ thất bại trong việc kích động Hàn Tín, bản thân lại tứ bề thọ địch nên rất lo lắng. Lưu Bang cũng kiệt sức vì đánh mãi mà không thắng, bèn đề nghị “phân chia thiên hạ” để giảng hòa với Hạng Vũ, thỏa thuận lấy Hồng Câu làm ranh giới, phía đông thuộc về Sở, phía tây thuộc về Hán, hưu binh bãi trận. Hạng Vũ đưa song thân và thê tử của Lưu Bang trở lại trại của quân Hán. Vào tháng 9 năm 202 trước Công nguyên dẫn quân về phía đông. Lưu Bang cũng định thu binh về Quan Trung.

Trương Lương và Trần Bình có ý kiến ​​khác, họ nói rằng: Hán đã được phần lớn thiên hạ và được sự ủng hộ của các chư hầu, bây giờ quân Sở đã binh cùng lực cạn, chính là lúc trời diệt Sở rồi, chi bằng nhân cơ hội này mà diệt đi. Lưu Bang chấp thuận đề nghị này, lợi dụng việc Hạng Vũ rút quân về phía đông để bất ngờ mở cuộc tấn công, đồng thời hẹn Hàn Tín và Bành Việt xuống phía nam để bao vây quân Sở. Lưu Bang nôn nóng tiến lên, trước khi Hàn Tín và Bành Việt đến đã truy kích Hạng Vũ đến Cố Lăng, Hà Nam. Khi đó Anh Bố và Lưu Giả bị quân Sở giữ chân trong khu vực Thọ Xuân, còn riêng quân của Lưu Bang đối mặt với Hạng Vũ.

Hạng Vũ vốn đã muốn phân cao thấp với Lưu Bang từ lâu, lại thêm tức giận trước việc quân Hán vi phạm hòa ước, Hạng Vũ tiên phong dẫn đầu, quân Sở khí thế như dời non lấp biển xông thẳng vào quân Hán. Lưu Bang đại bại, đành phải tự thủ trong thành. Lúc này, ông lại nghĩ đến Hàn Tín, bèn hỏi Trương Lương kế làm sao mới có thể nhờ Hàn Tín đưa quân đến giải vây. Trương Lương biết rằng việc Lưu Bang có thể đối chọi được với Hạng Vũ là do công lao của Hàn Tín, cộng với sự trợ giúp của Bành Việt và Anh Bố sẽ làm cho lực lượng quân Sở suy yếu. Giờ nước Sở sắp diệt vong mà những công thần này một tấc đất vẫn chưa được phong, đặc biệt là Hàn Tín. Đất đai, binh lính, chiến lợi phẩm thu được từ những trận chiến của ông đều bị Lưu Bang cưỡng đoạt, chỉ còn lưu lại cái chức tướng quốc hữu danh vô thực, về tình về lý đều rất khó để mở miệng cầu cứu một lần nữa. Vì thế, ông kiến nghị lấy đất của Hạng Vũ giao cho mấy vị công thần này, và sau đó yêu cầu họ giải vây ở Cố Lăng. Lưu Bang không có kế sách gì ​​hay nên chỉ có thể miễn cưỡng đồng ý.

Trước khi nhận lệnh của Lưu Bang, Hàn Tín đã bắt đầu bao vây tấn công Hạng Vũ. Đầu tiên ông cử Quán Anh, người quen chinh chiến tấn công từ phía sau lưng Hạng Vũ. Quán Anh tung hoành ngang dọc, thế như gió cuốn mây tàn, chiếm được một vùng đất rộng lớn từ phía bắc đến đất Tề, phía nam đến Quảng Lăng (Dương Châu, Giang Tô ngày nay). Khi Lưu Bang cầu cứu Hàn Tín, Hàn Tín đích thân mặc áo giáp ra trận, đem mười vạn đại quân hô hào tiến về phía nam. Cục diện trận chiến đã theo đó mà biến đổi nhanh chóng.

Khi đó, quân đội của nước Sở chủ yếu tập trung ở một dải từ Cố Lăng đến Thọ Xuân, trong khi kinh thành Bành Thành phòng thủ yếu ớt. Hàn Tín xem xét toàn cục và quyết định tránh Cố Lăng, trực tiếp chiếm lĩnh Bành Thành. Đầu tiên ông cho hợp nhất với quân của Quán Anh, đánh bại Hạng Thanh ở Hạ Bi, chém đầu Tiết Công. Thừa thắng xông lên hạ được các huyện Tiết, huyện Lưu, huyện Bái, một trận chiếm được Bành Thành, bắt trụ quốc của Hạng Vũ (Tể tướng) là Hạng Đà làm tù binh.

Bành Thành vừa mất, quân Sở liền mất đi chỗ dựa. Hạng Vũ vô cùng hoảng sợ, lập tức rời bỏ Cố Lăng và dẫn quân rút về Cai Hạ. Hàn Tín chuyển hướng về phía tây và hợp lực cùng Lưu Bang ở Di Hương (tức Lộc Ấp, Hà Nam ngày nay). Anh Bố và Bành Việt cũng chạy đến đó, đại quân của Lưu Bang từ các hướng tập hợp lại nên thế lực tăng lên rất nhiều, liền bám theo và truy đuổi quân Sở đến Cai Hạ. Trong thời gian ngắn, từ Quan Trung đến Trung Nguyên, từ Trung Nguyên đến Tề Lỗ, liên tiếp mấy ngàn dặm, người ngựa rầm rập, kinh thiên động địa. Trận quyết chiến cuối cùng của Hán Sở sắp được mở màn.

Hạng Vũ dẫn binh đi đến Cai Hạ (nay là phía nam huyện Linh Bích, tỉnh An Huy ngày nay), nhìn quân Hán đang dồn dập kéo đến, ông không khỏi ngửa mặt lên trời buông tiếng thở dài, tiếc rằng hồi đầu không nên thả Lưu Bang, còn bị ông ta lừa dối giảng hòa. Giờ đây, ông ta bội ước dấy binh, khiến bản thân mắc kẹt trong vòng vây của quân Hán, không còn nơi nào để đi. Tuy nhiên, Hạng Vũ anh dũng một đời, kiểu quyết đấu lấy ít địch nhiều này vốn đã quen thuộc từ lâu, trong trận Cự Lộc năm đó, ông từng với ba vạn binh mã đại phá quân Tần hơn bốn mươi vạn; trong trận Bành Thành, ông với ba vạn binh mã đánh bại năm mươi sáu vạn quân Hán. Trong cuộc đời của mình, ông chưa từng bị đánh bại trên chiến trường. Lần này, với mười vạn quân bên cạnh, cũng có thể làm nên kỳ tích. Ông tập trung binh lực vào một chỗ, lên kế hoạch làm tê liệt bộ phận chỉ huy của quân Hán, sau đó thừa cơ phá vòng vây.

Nhưng Hạng Vũ quên rằng đối thủ của ông lần này không phải cùng hạng với Chương Hàm và Lưu Bang, mà là một Hàn Tín vô địch thiên hạ. Tất cả mọi người, kể cả Lưu Bang, đều tin rằng chỉ có Hàn Tín mới là đối thủ thực sự của Hạng Vũ. Lưu Bang cho Hàn Tín làm thống soái toàn quân, chỉ huy đại quân 70 vạn binh. Hàn Tín hiểu rất rõ Hạng Vũ, ông đã dự đoán được cách bài binh bố trận của Hạng Vũ, đứng trước tình hình quân Sở sức chiến đấu mạnh, giỏi về đột phá trực diện. Số lượng quân Hán chiếm đa số, nên ông đã bày “ngũ quân trận” (năm cánh quân) rất là chặt chẽ: Hàn Tín tự mình dẫn 30 vạn quân đi tiên phong, tướng quân Khổng Hy ở bên trái, Phí tướng quân Trần Hạ ở bên phải, Lưu Bang dẫn đại quân ở giữa và Chu Bột, Hạ Sài, Vũ Điện ở phía sau.

Ngũ quân trận đã bày xong, Hàn Tín cảm thấy thời cơ quyết chiến đã chín muồi, bèn hạ lệnh cho quân lính hướng về doanh trại quân Sở hô to:

Nhân tâm giai bối Sở, thiên hạ dĩ thuộc Lưu
Hàn Tín đốn Cai Hạ, yếu trảm Bá Vương đầu

Tạm dịch:

Lòng người đều phản Sở, thiên hạ thuộc về Lưu.
Hàn Tín đến Cai Hạ, muốn chém đầu Bá Vương

Hạng Vũ nghe xong, tức giận đến sôi máu, lập tức khoác áo giáp ra trận, dẫn đầu quân Sở ra nghênh chiến. Chỉ thấy Hạng Vũ uy nghi trên lưng ngựa, thân hình cao lớn như thần. Ngựa giỏi người tài, hổ gầm rồng rú, vẫn là bá khí ngất trời, không ai bì nổi.

Hạng Vũ nghe xong, tức giận đến sôi máu, lập tức khoác áo giáp trận, dẫn đầu quân Sở ra nghênh chiến. (Ảnh: Cung cấp bởi “Tiếu đàm phong vân”/NTD)

Đối diện quân Sở với khí thế bi phẫn, binh mã Hàn Tín rất nhanh chóng rơi vào yếu thế. Hàn Tín theo phương án đã dự liệu trước đó, lệnh cho quân cánh giữa rút lui, tránh nhuệ khí của quân Sở. Hàn tín rút lui, Hạng Vũ liền xông lên đuổi theo, lúc đó, hai đội quân bên cạnh đã được bố trí từ trước liền xông ra chém giết, tấn công mãnh liệt quân Sở ở hai bên cạnh sườn. Trong khi quân Sở đang khốn khó bởi quân Hán ở hai bên sườn, Hàn Tín lại dẫn binh quay ngược lại đánh, ba mặt giáp công quân Sở, hai bên kịch chiến một ngày, quân Sở cuối cùng đại bại, tổn thất phần lớn binh mã.

Việc lập kế hoạch chiến thuật và chỉ huy tại trận của Hàn Tín trong trận chiến này thật hoàn hảo. Ông không giống như Hạng Vũ đơn thuần dựa vào bản lĩnh cá nhân, mà phát huy tối đa sức mạnh của toàn quân, đồng thời cũng rất giỏi về chiến tranh tâm lý.

Hạng Vũ bị đánh bại và dẫn tàn quân trở về bản doanh bế môn bất xuất. Hàn Tín không phát động tấn công mà chỉ bao vây quân Sở tứ phía.

Mười vạn quân Sở trải qua trận chiến thương vong hơn một nửa, bên trong không có lương thảo, bên ngoài không có quân tiếp viện, lại đúng vào thời kỳ lạnh nhất, rét buốt thấu xương, quân Sở chịu đói chịu rét, đã có nhiều lời oán thán.

Giữa đêm, gió lạnh thê lương, như khóc như hờn. Một khúc trầm buồn Sở ca từ trong gió vọng về, lúc đầu nhàn nhạt xa xôi, càng ngày càng gần, càng ngày càng rõ ràng. Đó chính là Hàn Tín đã cho quân Hán dùng tiếng hát khơi gợi nỗi nhớ nhà của quân Sở. Khi quân sĩ của Hạng Vũ nghe tiếng hát quê hương thì không khỏi lệ rơi đầy mặt, có người không kìm được mà khẽ hát theo, một người, hai người… càng lúc càng nhiều người hát, tiếng hát càng lúc càng lớn, vang vọng khắp doanh trại quân Sở. Đây chính là điển cố “Tứ diện Sở ca.”

Tiếng hát ở bên ngoài, Hạng Vũ cũng đã nghe thấy. Tiếng hát thê lương và sâu lắng khiến người anh hùng cả đời trên yên ngựa này cũng rơi lệ. Ông hỏi người thiếp Ngu Cơ bên cạnh: Chẳng lẽ quân Hán đã chiếm hết đất Sở rồi sao? Làm sao mà có nhiều người Sở trong quân Hán vậy?

Bên ngoài trướng của Hạng Vũ, binh sĩ của ông từng đám người lau nước mắt, buông vũ khí trong tay rồi bí mật trốn ra ngoài doanh trại, các tướng lĩnh đã theo Hạng Vũ nhiều năm cũng không từ mà biệt, ngay cả người chú của Hạng Vũ cũng bí mật bỏ đi. Qua một đêm, bên cạnh Hạng Vũ chỉ còn lại hơn một ngàn người.

Hạng Vũ ngồi trong trướng uống rượu giải sầu, ngâm xướng lên khúc ca bi tráng cảm khái của người anh hùng lúc đường cùng:

Lực bạt sơn hề, khí cái thế, thời bất lợi hề truy bất thệ.
Truy bất thệ hề khả nại hà? Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà!

Tạm dịch:

Sức dời núi, khí cái thế, không gặp thời thì ngựa Ô Truy cũng không qua được.
Ngựa không qua được phải làm sao? Ngu Cơ, Ngu Cơ làm thế nào hỡi nàng?

Tả hữu nghe xong, đều cúi đầu rơi lệ, không ngước nhìn nổi. Ngu Cơ rút thanh bảo kiếm từ chỗ thị vệ, vung kiếm múa giải sầu cho Hạng Vũ. Nàng vừa ca vừa múa:

Hán binh dĩ lược địa, tứ diện Sở ca thanh
Trượng phu ý khí tận, tiện thiếp hà liêu sinh

Tạm dịch:

Quân Hán chiếm hết đất, Sở ca vang bốn bề
Trượng phu chí khí tận, tiện thiếp sống làm chi

Hát xong vung kiếm tự sát, ngã quỵ xuống dưới chân Hạng Vũ.

Ngu Cơ (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Đêm hôm đó, trăng sao mờ tối, gió lạnh từng cơn. Hạng Vũ lòng đầy bi thương chôn cất Ngu Cơ giữa tiếng hát về nước Sở bốn bề. Từng là một Sở Bá Vương bất khả chiến bại, giờ đây nhìn cảnh hoang tàn khắp nơi, nhìn quanh doanh trại trống rỗng, biết rằng thời thế đã qua, không đủ sức xoay chuyển đất trời, ông bèn lên ngựa Ô Truy, suốt đêm đột phá vòng vây trốn về phương nam. Lúc này phía sau ông chỉ còn có tám trăm kỵ binh.

Rạng sáng, quân Hán phát hiện ra Hạng Vũ đã trốn thoát, Hàn Tín liền lập tức phái Quán Anh với năm nghìn kỵ binh tinh nhuệ đuổi theo truy kích. Lưu Bang treo giải thưởng, bất kể là ai, giết được Hạng Vũ sẽ được cấp đất phong hầu.

Hạng Vũ chạy mãi về phía đông nam, dọc đường hao binh tổn tướng, sau khi vượt sông Hoài, xung quanh chỉ còn hơn một trăm người. Lúc này, ông lại bị người nông dân ở đó lừa chỉ sai đường, nên đi vào đầm lầy, quân Hán nhanh chóng đuổi kịp. Sau một hồi giao tranh, ông xông ra khỏi vòng vây, chỉ có hai tám người theo sau, mà phía sau có hàng ngàn quân Hán đuổi theo.

Hạng Vũ nói với hai mươi tám quân sĩ con em quê nhà đi theo mình cho đến lúc chết: “Ta từ lúc dấy binh chống lại nhà Tần đến nay đã tám năm trời, thân trải qua hơn bảy mươi trận chiến, đã đánh là thắng, đã công là hạ được nên mới xưng bá thiên hạ. Nay phải chịu khốn khó ở đây, đó là trời muốn diệt ta, chứ không phải ta đánh không giỏi. Có điều tuy trời xanh muốn diệt ta, ta còn muốn cùng quân Hán so tài một phen, ta muốn tam trận tam thắng, để chứng minh lời ta không phải nói khoác.”

Binh mã quân Hán dần dần đuổi kịp, tạo thành vòng vây vây chặt Hạng Vũ và 28 tráng sĩ thuộc hạ của ông. Hạng Vũ điềm tĩnh như không, chỉ huy thuộc hạ từ bốn phía xuất kích, hẹn sẽ tập hợp ở bên sườn núi đối diện.

Hạng Vũ làm gương đi đầu xông thẳng vào quân Hán, chém đầu một tướng Hán trước mặt. Quân Hán bao vây xung quanh Hạng Vũ, Hạng Vũ tả xung hữu đột, người ngựa tung hoành một lúc sau giết được một tướng Hán và mấy chục quân Hán, sau đó ông lui về tập hợp với những người còn lại. Lúc này, quân của ông đã bị quân Hán xẻ thành ba đội và bao vây thành từng lớp từng lớp. Hạng Vũ ra vào như chốn không người, chém đầu mấy tướng Hán và vô số quân Hán, cuối cùng tập hợp lại một chỗ và thấy rằng chỉ tổn thất mất hai người.

Quân Hán bị sự dũng mãnh của ông làm cho kinh sợ, không dám tiến lên, trơ mắt nhìn bọn họ đột phá vòng vây mà đi.

Hạng Vũ tiến về phía nam đến tận bờ sông Ô Giang. Đình trưởng Ô Giang lái một chiếc thuyền nhỏ đến đón, mời Hạng Vũ qua sông, nói về Giang Đông đợi thời cơ làm lại từ đầu. Hạng Vũ nhìn dòng sông đang cuồn cuộn, nói với đình trưởng: “Ta năm đó đem tám nghìn con em họ tây chinh thiên hạ, đến nay không thể đem một người trở về, còn mặt mũi nào mà gặp mặt phụ lão Giang Đông?”

Hạng Vũ khước từ ý tốt của đình trưởng, kiên quyết không chịu lên thuyền. Ông đem con ngựa Ô Truy mình cưỡi tặng cho đình trưởng, sau đó bảo 26 dũng sĩ bên cạnh xuống ngựa, đi bộ ngược lại, đón quân Hán từ phía sau đuổi tới.

Hai bên dùng đoản binh đánh giáp lá cà, đánh mãi cho đến chiều tối, trời đất tối đen. Bỗng nhiên Hạng Vũ nhìn thấy trong quân Hán có một người quen, ông dừng kiếm trong tay, nói: “Ông không phải là bạn cũ của ta Lữ Mã Đồng sao?”

Lữ Mã Đồng xấu hổ cúi đầu, Hạng Vũ không để ý đến thái độ của ông ta tiếp tục nói: “Nghe nói Hán Vương lấy hai ngàn lượng vàng và vạn hộ hầu thưởng cho ai lấy đầu của ta, ta tặng cho ông gọi là chút ân tình nhé!” nói xong liền tự sát mà chết. Người anh hùng khí phách bao trùm thiên hạ một thời đã kết thúc cuộc đời mình như vậy, cũng là kết thúc cục diện Hán-Sở tranh hùng.

Sở Bá Vương Hạng Vũ. (Ảnh:Epoch Times)

Trong lịch sử Trung Quốc, cùng một thời kỳ đã sinh ra hai vị danh tướng cấp Thần là cực kỳ hiếm có. Thời mạt Tần lại xuất hiện sự kiện trọng đại này: Một người là Bá Vương thiên cổ không có người thứ hai, người kia là Binh Tiên dụng binh như Thần Hàn Tín. Trên chiến trường hai bên chủ soái vừa xuất trận, không đợi giao tranh, thắng thua đã định rồi, đó chính là tầng thứ năng lượng của ai cao hơn. Đối với Hàn Tín, việc ông chiến thắng Sở Bá Vương đã chứng minh được năng lực trí huệ thiên tài và địa vị lịch sử của mình, trở thành Binh Tiên mà các binh gia hậu thế tôn xưng. Đối với Hạng Vũ, mặc dù bại trận, thua trong tay Hàn Tín, cũng không làm hổ danh một Bá Vương vô cùng hiển hách.

Hạng Vũ khởi binh năm 24 tuổi, ba năm sau xưng Bá, đến 31 tuổi thì tự sát. Trận Cai Hạ là thất bại duy nhất trong đời của ông. Ông bá khí ngút trời, dũng mãnh vô địch và Hàn Tín là người duy nhất có thể đánh bại ông. Nếu không có Hàn Tín, Lưu Bang thậm chí không thể ra khỏi Hán Trung, dù có ra khỏi Hán Trung cũng không thể tránh khỏi kết cục bị Hạng Vũ đánh bại. Chẳng trách Lưu Bang nói: “Nắm trong tay trăm vạn quân, đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy được, thì ta không bằng Hàn Tín” (Sử Ký–Cao Tổ bản kỷ), “Nhà Hán sở dĩ có được thiên hạ, nói chung đều là nhờ công lao của Hàn Tín cả.” (“Tư trị thông giám, Hán kỷ tứ” Bắc Tống Tư Mã Quang Ngữ)

Hàn Tín và lời đề bạt trong cuốn “Vãn tiếu đường họa truyện” do Thượng Quan Châu khắc họa 120 nhân vật lịch sử. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Hàn Tín không chỉ “dùng bè gỗ phá Ngụy, dựng cờ Hán đỏ phá Triệu, lấy bao cát phá Tề, tất cả đều như từ trên trời xuống, không cần phải huyết chiến với kẻ địch” (Lời bình của Mao Khôn thời Minh). Dùng cách “Tứ diện Sở ca” để phá Sở cũng là điển hình của “từ trên trời xuống, không cần huyết chiến với kẻ địch.” Thật có thể nói là Thần nhân dùng binh, không đánh mà thắng.

(Đón xem Phần 8: Hàn Tín – Công cao át chủ)

Bản gốc:https://www.epochtimes.com/gb/16/4/14/n7552608.htm

Do nhóm nghiên cứu về các nhân vật thiên cổ anh hùng của 5,000 năm văn hóa Thần truyền thực hiện



Ngày đăng: 12-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.